1. Dòng sự kiện:
  2. Nghị quyết 57

Giới khoa học "đau đầu" trước trường hợp nhiễm Covid-19 trong 613 ngày

T.Thủy

(Dân trí) - Các nhà khoa học chưa thể tìm lời giải thích về trường hợp bệnh nhân nhiễm 50 biến thể khác nhau của virus SARS-CoV-2 trong suốt 613 ngày.

Người đàn ông 72 tuổi mang quốc tịch Hà Lan, với danh tính không được tiết lộ, là bệnh nhân bị nhiễm Covid-19 lâu nhất thế giới với thời gian nhiễm lên đến 613 ngày.

Mặc dù đã có nhiều trường hợp dương tính với virus SARS-CoV-2 trong thời gian dài được báo cáo và ghi nhận, nhưng đây là trường hợp dương tính với virus lâu nhất từ trước đến nay.

Một báo cáo của các nhà khoa học Hà Lan cho biết người đàn ông được xét nghiệm nhiễm biến thể Omicron của virus SARS-CoV-2 vào năm 2022, dù trước đó ông đã tiêm vaccine phòng virus. Kể từ thời điểm đó, kết quả xét nghiệm của ông liên tục dương tính với virus, cho đến khi ông qua đời vào tháng 10 năm ngoái vì suy giảm miễn dịch và bệnh nền.

Giới khoa học đau đầu trước trường hợp nhiễm Covid-19 trong 613 ngày - 1

Các nhà khoa học vẫn chưa thể giải thích vì sao bệnh nhân lại có thể nhiễm virus trong hơn 20 tháng trước khi qua đời vì bệnh nền (Ảnh minh họa: Getty).

Trong suốt hơn 20 tháng bệnh nhân bị nhiễm bệnh, các bác sĩ đã cố gắng tìm mọi cách để giúp người đàn ông lớn tuổi này tăng sức đề kháng để vượt qua bệnh tật và chống lại virus, tuy nhiên không có phương pháp nào hiệu quả.

Do tuổi cao và mắc các bệnh lý nền, người đàn ông này đã không thể tạo ra đủ phản ứng miễn dịch để chống lại SARS-CoV-2, ngay cả khi có sự trợ giúp của các loại thuốc chống virus.

Thông thường, các bệnh nhân khi nhiễm virus SARS-CoV-2 sẽ sinh ra kháng thể để chống lại virus trong vài ngày hoặc vài tuần, nhưng các nhà khoa học cho biết trường hợp người đàn ông kể trên là cực kỳ hiếm gặp, khi virus tồn tại và phát triển trong cơ thể của ông gần 2 năm.

Báo cáo từ các nhà khoa học thuộc Trung tâm Y học Thực nghiệm và Phân tử (CEMM) tại Trung tâm Y tế Đại học Amsterdam, Hà Lan, cho biết virus trong cơ thể của bệnh nhân kể trên đã phát triển khả năng kháng sotrovimab, một loại thuốc dùng để điều trị Covid-19 bằng kháng thể, chỉ 21 ngày sau khi bệnh nhân bắt đầu sử dụng thuốc.

Trong suốt quá trình nhiễm bệnh của người đàn ông kể trên, các bác sĩ đã nhiều lần lấy mẫu từ người bệnh để phân tích vật liệu di truyền của virus và phát hiện ra virus trong người ông đã sinh ra 50 loại đột biến khác nhau từ biến thể Omicron ban đầu, trong đó có cả một đột biến cho phép virus trốn tránh hệ miễn dịch của người bệnh.

Các nhà khoa học cho biết điều may mắn đó là các biến thể trong người bệnh nhân đã không lây nhiễm sang các nhân viên y tế chăm sóc ông nên không bị phát tán ra cộng đồng.

"Trường hợp này nhấn mạnh đến nguy cơ nhiễm SARS-CoV-2 kéo dài ở những người suy giảm miễn dịch vì các biến thể của virus có thể tự phát triển và xuất hiện ngay trong người bệnh", các nhà nghiên cứu của CEMM cho biết trong một báo cáo vừa được công bố.

Theo một nghiên cứu trên gần 3.000 người mắc Covid-19 tại bang NSW của Úc, có 20% người bệnh hết hoàn toàn triệu chứng sau 10 ngày, 60% hết sau 20 ngày, 80% hết sau 30 ngày, 91% hết sau 60 ngày, 93% hết sau 90 ngày và 96% hết sau 120 ngày (đây là tỉ lệ cộng dồn). Trong đó, người càng lớn tuổi, có bệnh nền và nữ giới có xu hướng phục hồi chậm hơn.

Hiện các nhà khoa học vẫn tiếp tục tìm hiểu nguyên do vì sao bệnh nhân người Hà Lan lại bị lây nhiễm virus SARS-CoV-2 lâu đến như vậy, đồng thời đưa ra cảnh báo về tầm quan trọng của việc theo dõi những người suy giảm miễn dịch bị nhiễm virus SARS-CoV-2 kéo dài, vì điều này có khả năng sinh ra những biến thể virus nguy hiểm và phát tán ra cộng đồng.

Theo OC/Eurekalert