DMagazine

9X mắc ung thư chạy 42km: Từng đi vài bước là "thở không ra hơi"

(Dân trí) - "Trong phòng ghép tủy, đứng giữa ranh giới sinh tử, tôi nghĩ đến những điều mình sẽ làm nếu còn sống tiếp. Chạy bộ bất chợt lóe lên trong đầu", Vũ Việt Thành chia sẻ.

"Trong phòng ghép tủy, đứng giữa ranh giới sinh tử, tôi nghĩ đến những điều mình sẽ làm nếu còn sống tiếp. Chạy bộ bất chợt lóe lên trong đầu", Vũ Việt Thành chia sẻ.

Nằm trong phòng bệnh chờ đợi các y bác sĩ tiến hành ca ghép tủy (ghép tế bào gốc) quyết định sinh mạng của mình, Vũ Việt Thành (SN 1990), hình dung về những trang tiếp theo của cuộc đời nếu ca phẫu thuật thành công.

"Nếu còn sống, mình sẽ chạy", một suy nghĩ chợt lóe lên trong đầu chàng trai trẻ.

Khoảnh khắc bén duyên với môn thể thao yêu thích được Vũ Việt Thành thuật lại chi tiết và cảm xúc như chuyện chỉ mới xảy ra ngày hôm qua.

9X mắc ung thư chạy 42km: Từng đi vài bước là thở không ra hơi - 1

Vào giữa năm 2021, trong một lần làm xét nghiệm máu trước khi nhổ răng, bác sĩ phát hiện chỉ số bất thường và đề nghị Thành đi khám chuyên khoa.

Sau đó, anh được chẩn đoán mắc Lơ xê mi cấp. Đây là một trong số những loại ung thư máu nguy hiểm nhất.

Bệnh đặc trưng bởi hiện tượng tăng sinh không kiểm soát được của các tế bào ác tính dòng bạch cầu, đồng thời với rối loạn quá trình biệt hóa của dòng tế bào tổn thương. Hậu quả là các tế bào này lấn át các dòng tế bào bình thường trong tủy, xâm lấn các cơ quan khác và lan tràn ra máu ngoại vi.

"Ở độ tuổi đẹp nhất của cuộc đời, tôi hoảng loạn khi phát hiện mình có thể chỉ còn sống thêm được vài tháng", Vũ Việt Thành trầm giọng.

Mắc ung thư là điều Thành chưa từng nghĩ đến khi luôn có lối sống lành mạnh, tích cực, ít khi nhậu nhẹt, ham thích leo núi, tập gym, lại chẳng mấy khi đau ốm.

Dấu hiệu bất thường gần nhất, theo trí nhớ của Thành, chỉ là cảm thấy người yếu đi đôi chút, sụt cân cách thời điểm phát hiện bệnh gần một tháng.

Nếu nghĩ về thời học sinh, Thành có nhớ thi thoảng bị chảy máu chân răng sau khi vệ sinh răng miệng. "Tôi chỉ đơn giản nghĩ những biểu hiện đó là do mình đánh răng không đúng cách, hay do dùng bàn chải cứng mà thôi", Thành kể.

9X mắc ung thư chạy 42km: Từng đi vài bước là thở không ra hơi - 3

Bệnh tiến triển nhanh, nên ngay sau khi được chẩn đoán, Thành bước vào quá trình điều trị. Anh trải qua nhiều đợt hóa trị liều cao. Hóa chất giúp tiêu diệt tế bào ung thư đang phát triển trong cơ thể, nhưng đương nhiên cũng "bào mòn" sức khỏe của chàng trai 30 tuổi này.

Thời điểm phát hiện mình mắc bệnh, gia đình Thành vừa đón nhận tin vui "có thêm thành viên mới". Trong suốt hơn một năm điều trị, bố anh luôn là người đồng hành trong các lần nhập viện. Mẹ và vợ anh vừa chăm bé mới sinh, vừa lo toan công việc nhà. "Tôi thương và xót cho cả gia đình vô cùng", người đàn ông bùi ngùi.

Sau một năm điều trị, vào tháng 4/2022, bác sĩ cho biết anh có thể tiến hành ghép tủy. Điều may mắn là em trai anh phù hợp để hiến tế bào gốc phục vụ cho ca ghép này.

Thành hiểu phương pháp này mở ra hy vọng chữa khỏi bệnh, giúp anh có lại cuộc sống trước đây, thế nhưng tỷ lệ thất bại cũng tương đương với tỷ lệ thành công. Hơn hết, với thể bệnh của mình, nếu không được ghép tủy, Thành gần như không có cơ hội sống tiếp.

"Trong phòng ghép tủy, đứng giữa ranh giới sinh tử, tôi nghĩ đến những điều mình sẽ làm nếu còn sống tiếp. Một trong những suy nghĩ đó chính là việc chơi thể thao, để tăng sức đề kháng, hỗ trợ tốt hơn cho quá trình hồi phục của bản thân.

Chạy bộ là thứ lóe lên đầu tiên, vì đây là môn thể thao dễ bắt đầu nhất. Ca ghép tủy diễn ra thuận lợi và tôi cũng bén duyên với niềm đam mê của mình từ đó", Thành cười.

9X mắc ung thư chạy 42km: Từng đi vài bước là thở không ra hơi - 5

Hành trình chinh phục cự ly marathon 42km của Thành bắt đầu từ quãng đường chạy 100m "thở không ra hơi", "mệt muốn gục xuống", khi ra khỏi "lồng kính" sau ca ghép tủy.

"Tôi thực hiện những bước chạy đầu tiên sau khi nghiên cứu các tài liệu y khoa, trong đó có những bằng chứng rõ ràng rằng, việc vận động sớm sẽ giúp cải thiện sức khỏe, củng cố hệ miễn dịch sau giai đoạn nằm trong phòng vô trùng hoàn toàn.

Thời gian đầu chạy nhẹ nhàng, tôi thấy cơ thể mình đáp ứng tốt, cải thiện hơn. Do đó, tôi quyết định nâng dần khối lượng vận động một cách nghiêm túc và bài bản", Thành chia sẻ.

Thành mô tả hành trình tiến sâu vào "giới cuồng chân" của mình cũng giống như cách anh đối mặt với ung thư. Trên tất cả, điều quan trọng nhất chính là ý chí và kiến thức.

"Điều trị ung thư hay chạy bộ, đầu tiên là phải làm đúng", Thành nhấn mạnh. Hành trang đầu tiên mà chàng trai trẻ chuẩn bị khi bắt đầu chạy bộ, điều trị ung thư là trang bị thật kỹ kiến thức. Mọi quyết định cần dựa trên căn cứ khoa học và các chỉ số được lượng hóa rõ ràng.

9X mắc ung thư chạy 42km: Từng đi vài bước là thở không ra hơi - 7

"Điều trị ung thư nếu đúng giai đoạn, tuân thủ phác đồ điều trị của bác sĩ, hiệu quả sẽ rất cao, thậm chí khỏi hẳn. Thế nhưng đáng tiếc có rất nhiều bệnh nhân, vì không tìm hiểu kỹ, lựa chọn các phương pháp không kiểm chứng nên tự đánh mất cơ hội của mình.

Trong chạy bộ cũng như vậy, tôi đọc nhiều tài liệu và dựa trên sự tư vấn của bác sĩ để có thể xây dựng lộ trình của mình một cách khoa học nhất có thể", Thành phân tích.

Là một người đã điều trị ung thư, theo Thành, việc xây dựng kế hoạch chạy phải được tính toán rất kỹ lưỡng. Mục tiêu đặt ra cần đảm bảo không vượt quá giới hạn của bản thân.

Bên cạnh đó, lộ trình được xây dựng như "cầu thang", phải "bước từng bậc một".

Thành nói: "Lộ trình không phải tính bằng ngày, bằng tháng mà phải bằng năm mới cảm nhận được sự thay đổi của cơ thể".

Điều thứ hai, với một hành trình dài như chạy bộ hay điều trị ung thư, sự kiên trì là rất cần thiết. Trong suốt cả quá trình luôn có những nút thắt thách thức điểm cực hạn của bản thân. Vượt qua được hay không phụ thuộc vào ý chí và sự kiên trì.

"Cần có một lý do, mục tiêu cụ thể và chỉ cần nhắm vào đích đến đó để vượt qua tất cả", Thành phân tích.

9X mắc ung thư chạy 42km: Từng đi vài bước là thở không ra hơi - 9

Mỗi tuần, Thành sẽ chạy 5 buổi. Trong kế hoạch quy định rõ, mỗi buổi sẽ chạy như thế nào và có phương án bổ trợ ra sao. Có ngày anh chạy dài, có ngày chạy hồi phục, có ngày thiên về tốc độ, tuy nhiên đa phần thời lượng là chạy nhẹ.

Trước mỗi bài chạy, anh tránh ăn no, thực đơn thông thường chỉ là một quả chuối để cung cấp năng lượng và điện giải. Anh dành 15 phút để khởi động và làm ấm cơ thể. Thành cũng dành nhiều thời gian để giãn cơ sau khi kết thúc buổi chạy.

Theo anh phần "mở bài" và "kết luận" này rất quan trọng để tránh chấn thương, căng cơ.

Để cân bằng thể thao và cuộc sống, công việc, Thành siết kỷ luật về giờ giấc. Buổi tối đi ngủ trước 22h30 và thức dậy vào 4h30 ngày hôm sau, để có đủ 1 tiếng 30 phút cho bài chạy hàng ngày trước khi đi làm.

Thời gian biểu này giúp anh đảm bảo vẫn ngủ đủ giấc, chạy đủ chỉ tiêu và không ảnh hưởng đến những đầu việc khác trong ngày.

Điều quan trọng, theo anh, cần phải lắng nghe cơ thể để có phương án điều chỉnh linh hoạt bài chạy.

9X mắc ung thư chạy 42km: Từng đi vài bước là thở không ra hơi - 11

Tờ mờ sáng 28/11/2022, Vũ Việt Thành hoàn thành những bước cuối cùng của đường chạy dài 42km đầu tiên trong cuộc đời. Chiếc áo "vắt ra nước" dính chặt vào người, lột tả phần nào hành trình khốc liệt kéo dài 5 giờ đồng hồ vừa qua của chân chạy này.

Khoảnh khắc lướt qua vạch đích, hình ảnh 2 cuộc chiến lớn bản thân vừa đi qua bất chợt "tua ngược" trong đầu runner này.

Đó là 10km đầu tiên đầy hưng phấn khi những bước chạy tràn đầy sức lực, cũng giống như liệu trình trị ung thư đầu tiên mang lại nhiều tín hiệu tích cực.

20km tiếp theo, sức lực đã dần bị bào mòn, những bước chân nặng dần thách thức thể chất và tinh thần. Điều mà Thành cũng đã phải đối mặt vào nửa sau của cuộc chiến với ung thư, khi cơ thể đã bị tàn phá.

9X mắc ung thư chạy 42km: Từng đi vài bước là thở không ra hơi - 13

10km cuối cùng là những bước chạy bằng ý chí. "Đỉnh điểm là vào kilomet 32-33. Trong marathon có thuật ngữ "đụng tường", khi cơ thể liên tục phát tín hiệu cảnh báo đã đến giới hạn. Đây cũng là lúc nhiều chân chạy bỏ cuộc nhất.

"Nửa cuối của lộ trình điều trị ung thư, tôi luôn gặp phải những "bức tường" như vậy, có những lúc ngỡ không thể nào vượt qua", Thành chia sẻ.

Điều may mắn lớn nhất, theo Thành, trong bất cứ cuộc chiến nào anh cũng không hề đơn độc.

"Chiến thắng của tôi trong 2 cuộc chiến quan trọng của cuộc đời không thể có được nếu thiếu đi sự đồng hành của gia đình, người thân, bạn bè, đồng nghiệp", Thành khẳng định.

Giải chạy marathon đầu tiên này là bàn đạp để Thành hướng đến những mục tiêu mới.

Thời gian tiếp theo, quá trình tập luyện của Thành thi thoảng bị gián đoạn do hệ miễn dịch chưa phục hồi hoàn toàn, nên anh hay bị hắt hơi, sổ mũi. Thành chỉ tập luyện cường độ cao trở lại từ khoảng tháng 8 đến nay.

9X mắc ung thư chạy 42km: Từng đi vài bước là thở không ra hơi - 15

Lần gần nhất khám định kỳ, kết quả tổng thể rất tốt, quan trọng hơn chỉ trong vòng một năm, sức khỏe và hệ miễn dịch của anh phục hồi lại như bình thường. Đây là điều khiến các bác sĩ rất ngạc nhiên.

Tháng 10 vừa qua, Thành có tham dự một giải Half Marathon (21km) với thời gian hoàn thành là 1 giờ 41 phút và một giải Full Marathon (42km) với 3 giờ 58 phút.

Mỗi năm, chân chạy này đặt "kpi" tham gia khoảng 2 giải marathon. Mỗi giải chạy được anh đưa ra một mục tiêu cụ thể, nằm trong lộ trình dài hạn mà mình xây dựng.

"Mục tiêu của tôi sau 5 năm nữa có thể tích lũy đủ để tham gia vào một giải "World Marathon Majors". Đây là tên gọi của 6 giải marathon danh giá hàng đầu thế giới được tổ chức hàng năm, lần lượt ở Tokyo, Boston, London, Berlin, Chicago, New York", Thành hào hứng chia sẻ về đích đến của mình.

9X mắc ung thư chạy 42km: Từng đi vài bước là thở không ra hơi - 17
9X mắc ung thư chạy 42km: Từng đi vài bước là thở không ra hơi - 19

5h, Vũ Việt Thành lại xỏ giày, thực hiện những bước chạy đầu tiên trong ngày với tuyến đường ven hồ phía dưới chung cư. Thói quen được anh duy trì trong hơn một năm qua.

Nhiều "chân chạy" trong khu quen mặt Thành. Thế nhưng, ít người biết, nam thanh niên dong dỏng cao, luôn nở nụ cười này đã từng trải qua khoảng thời gian chiến đấu đầy cam go với bệnh tật.

Thành dùng từ "kỳ diệu" khi mô tả điều mà những bước chạy đã mang lại cho mình.

9X mắc ung thư chạy 42km: Từng đi vài bước là thở không ra hơi - 21

"Từ một thân xác kiệt quệ sau một năm liên tục hóa trị, có khi đi được mươi mét đã chùn chân, thể chất của tôi ở thời điểm hiện tại là điều mà bản thân trước khi bị bệnh cũng không có được", chân chạy này chia sẻ.

Theo Thành, con đường điều trị ung thư rất khó khăn. Thế nhưng với người đã vượt qua được, con đường tiếp theo là làm sao để quay trở lại cuộc sống còn chông gai hơn rất nhiều. Đó còn là nỗ lực để lại phía sau những chông chênh, hoài nghi, tách biệt hay cả nỗi sợ đâu đó về việc bệnh có tái phát hay không.

Áp lực này đáng sợ như việc có một quả bom nổ chậm luôn treo lơ lửng trên đầu rất nhiều "chiến binh" như Thành.

Với Thành, "đường chạy" gian nan nhưng đáng tự hào nhất mà anh đã thực hiện chính là từ giường bệnh về "nhà".

"Chạy bộ đã giúp tôi trở về với cuộc sống", Thành nói, ánh mắt như có lửa.

Nội dung: Minh Nhật, Ngọc Minh

Ảnh: Minh Giang

Thiết kế: Thủy Tiên