Nhận diện đối tượng nguy cơ cao hành hung bác sĩ: "Thủ phạm" thường là ai?
(Dân trí) - Theo các chuyên gia, thủ phạm gây bạo lực trong bệnh viện có nhiều dấu hiện nhận diện điển hình, và thường không phải là bệnh nhân.
Tại hội thảo khoa học "An toàn người bệnh trong thực hành lâm sàng", diễn ra tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (TP Thủ Đức, TPHCM) ngày 22/2, Giáo sư Bruce Boman và Tiến sĩ Bruce Allen, Trung tâm Sức khỏe tâm thần Concord (Sydney, Úc) đã có bài báo cáo xoay quanh cách quản lý bệnh nhân bị kích động.
Theo đó, các báo cáo viên cho biết, đối tượng nguy cơ cao bị tấn công trong ngành y là bác sĩ trẻ, điều dưỡng, nhân viên hành chính tuyến đầu; những nhân viên y tế khoa cấp cứu và tâm thần, hay người công tác tại các bệnh viện nhà nước, bệnh viện tuyến tỉnh.
Đáng chú ý, thủ phạm gây bạo lực, hành hung nhân viên y tế lại thường là người nhà hơn là bệnh nhân.
Kích động là yếu tố dự báo bạo lực sắp xảy ra, với 4 dấu hiệu cụ thể, gồm: bồn chồn, đi lại, kích động; nói lớn tiếng, có lời nói đe dọa; giận dữ khi yêu cầu bị từ chối; lời nói khó hiểu.
Nếu không may xảy ra tình huống trên, nhân viên y tế cần hành động thế nào? Trả lời cho câu hỏi trên, Giáo sư Bruce Boman cùng cộng sự cho rằng, các y bác sĩ cần tìm cách giảm căng thẳng. Mục đích cuối cùng là để bệnh nhân đang điều trị được đánh giá về mặt y khoa đầy đủ.

Một sự việc hành hung nhân viên y tế tại bệnh viện (Ảnh cắt từ clip).
Có một số cách để nhân viên y tế lựa chọn giải quyết với đối tượng bị kích động, như gọi bảo vệ theo quy trình của bệnh viện; "giảm leo thang" với đối tượng, nhất là với bệnh nhân bị kích động, mê sảng, ngộ độc.
Trong trường hợp bất khả kháng, sử dụng thuốc và "biện pháp vũ lực" là lựa chọn cuối cùng, nhưng bệnh viện cần có quy trình và nhân viên y tế phải được đào tạo kỹ lưỡng.
Phân tích chi tiết về cách giảm căng thẳng, nhóm báo cáo viên đưa ra một số giải pháp, như: Có các biện pháp an toàn, chiến lược rút lui; dùng ngôn ngữ hình thể, giữ khoảng cách an toàn, đàm phán; lắng nghe, đối chiếu, thấu cảm với đối tượng kích động…
Các chuyên gia kết luận, nhân viên y tế cần đối xử tôn trọng và lịch sự với bệnh nhân và gia đình, cung cấp thông tin và trả lời câu hỏi của họ rõ ràng. Gắn kết bệnh nhân và người nhà trong quá trình đưa ra quyết định là một phương thức hiệu quả để tránh xung đột và kích động.
Báo cáo về quản lý an toàn người bệnh, bác sĩ chuyên khoa 2 Trần Văn Khanh, Giám đốc Bệnh viện Lê Văn Thịnh cho biết, đơn vị này đặt ra 10 mục tiêu an toàn.
Thứ nhất, giữ vệ sinh phòng ngừa nhiễm khuẩn. Thứ hai, an toàn phẫu thuật. Thứ ba, nhận diện chính xác người bệnh. Thứ tư, đảm bảo an toàn thuốc.
Thứ năm, giảm người bệnh té ngã. Thứ sáu, hệ thống báo cáo sự cố y khoa. Thứ bảy, giảm viêm phổi do thở máy. Thứ tám, phòng ngừa loét tì đè.
Thứ chín, an toàn truyền máu và chế phẩm máu. Thứ mười, giải quyết kháng kháng sinh.

Họp hội đồng người bệnh tại Bệnh viện Lê Văn Thịnh (Ảnh: TVK).
Theo bác sĩ Khanh, năm 2024, Bệnh viện Lê Văn Thịnh ghi nhận người đến khám, điều trị bệnh về hệ thần kinh và tâm thần tăng đột biến (khoảng 9 lần so với năm 2023).
Ngoài ra, có nhiều nhóm bệnh khác cũng tăng, như: bệnh lý tai mũi họng (tăng 7 lần); nhóm cơ xương khớp (tăng 3,5 lần); bệnh nội khoa mãn tính, mắt, da liễu (tăng 2 lần).
Bệnh viện Lê Văn Thịnh luôn chú ý truyền thông về an toàn người bệnh trên các bảng tin của đơn vị. Ngoài ra, nơi này cũng duy trì hoạt động của hội đồng người bệnh, với sự tham gia của bệnh nhân và gia đình bệnh nhân. Tất cả nhằm hướng đến mục tiêu "chẩn đoán chính xác, điều trị an toàn".