DNews

Thế hệ hoảng sợ với đám cưới, sinh con ở Hàn Quốc

Thư An

(Dân trí) - Những phụ nữ đặt mục tiêu thăng tiến trong sự nghiệp không muốn phải lo liệu thêm việc nhà cửa, bếp núc. Trong khi đó, gánh nặng tài chính cũng khiến nhiều đàn ông xứ kim chi ngại lấy vợ, có con.

Thế hệ hoảng sợ với đám cưới, sinh con ở Hàn Quốc

Hàn Quốc sẽ trở thành quốc gia đầu tiên bị tuyệt chủng? 

Viễn cảnh này có thể xảy ra nếu xu hướng nhân khẩu học hiện tại của đất nước này không thay đổi. Nói một cách đơn giản, người Hàn không sinh đủ trẻ em.

Tỷ lệ sinh cực thấp có thể là mối đe dọa hiện hữu khi Hàn Quốc được dự đoán trở thành đất nước già thứ hai trên thế giới vào năm 2050, giảm một nửa dân số vào năm 2100 và tuyệt chủng vào năm 2750, theo Korea JoongAng Daily.

Tổng tỷ suất sinh (số lần sinh trung bình của một phụ nữ trong suốt thời kỳ sinh sản) đạt 0,78 ở Hàn Quốc vào năm 2022 và dự kiến giảm xuống còn 0,73 vào cuối năm nay. Trong khi đó, các nước thường có tỷ lệ sinh thấp hơn 1,0 khi đối mặt với khủng hoảng quốc gia.

Cùng với tình trạng dân số già đi, các chuyên gia cảnh báo, dân số trẻ của Hàn Quốc sẽ không thể tự duy trì trong vòng vài năm tới.

Gánh nặng

Một số dữ liệu nhân khẩu học chỉ ra, các quốc gia có sự sụt giảm khả năng sinh sản, như ở Đông Á và Nam Âu, có điểm chung là phụ nữ phải chịu gánh nặng nuôi con.

Do chịu ảnh hưởng nặng nề của Nho giáo, trong xã hội gia trưởng truyền thống như Hàn Quốc, phụ nữ được kỳ vọng đảm nhận vai trò hỗ trợ đàn ông. Người vợ thường phải hy sinh ước mơ, hoài bão của mình để giúp chồng đạt được thành công trong sự nghiệp, khiến gia đình "nở mày nở mặt".

Hiện nay, thời thế thay đổi, phụ nữ Hàn có trình độ học vấn cao hơn nam giới và làm việc nhiều hơn bao giờ hết.

Tuy nhiên, tỷ lệ phụ nữ rời khỏi lực lượng lao động sau khi sinh con vẫn cao cho thấy rằng, một số điều không dễ gì thay đổi.

NguoitreHansodecon_Reuters 1.jpg

Trách nhiệm chăm sóc con cái vẫn bị dồn lên vai phụ nữ ở Hàn Quốc, khiến nhiều người phải từ bỏ sự nghiệp (Ảnh: Reuters).

Theo Bộ Bình đẳng giới và Gia đình Hàn Quốc, cứ 10 phụ nữ lại có 4 người nghỉ việc sau khi sinh con vào năm 2022. Từ năm 2017 đến 2022, khoảng 95% phụ nữ bỏ việc sau khi kết hôn, sinh con hoặc là người chăm sóc chính ở nhà.

Bộ Lao động và Việc làm Hàn Quốc cũng chỉ ra, trong số các cặp vợ chồng nghỉ sinh con vào năm ngoái, 28,9% là nam giới và 71,1% là phụ nữ.

Bà Kate Choi - nhà nhân khẩu học xã hội tại Đại học Western, Canada - nhận định, những phụ nữ muốn thăng tiến trong sự nghiệp không muốn gồng gánh cả công việc ở công ty lẫn ở nhà. Họ đang trì hoãn, thậm chí có thể từ bỏ việc kết hôn và làm mẹ.

"Tôi không coi kết hôn và sinh con là điều nhất định phải làm để có được cuộc sống hạnh phúc, nhất là khi vai trò giới tính truyền thống vẫn được giữ nguyên. Tôi không muốn tiêu tốn thời gian và năng lượng của mình", Kim - một phụ nữ độc thân ở độ tuổi 30, từng làm việc trong các tổ chức quốc tế về nhân quyền - chia sẻ.

Thực tế, những phụ nữ chọn tạm dừng sự nghiệp để ưu tiên cho hôn nhân hoặc con cái thường khó quay trở lại làm việc. Trung bình, phụ nữ bỏ việc để lập gia đình ở tuổi 29 và không thể quay lại lực lượng lao động trong khoảng 8-9 năm. 

Sợ ảnh hưởng đến sự nghiệp, một số phụ nữ muốn có cả gia đình lẫn công việc đã tìm đến phương pháp thụ tinh trong ống nghiệm (IVF). Tổng số phụ nữ trải qua điều trị IVF tăng gần 50% từ năm 2018 đến năm 2022, đạt hơn 200.000 trường hợp, theo dữ liệu của Bộ Y tế Hàn Quốc.

Độ tuổi trung bình của các bà mẹ sinh con đầu lòng ở Hàn Quốc là 32,6 vào năm 2021, cao nhất trong các quốc gia là thành viên Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Con số đã tăng lên 33 vào năm ngoái.

Chi phí giáo dục đắt đỏ

Đàn ông cũng góp phần vào tỷ lệ sinh thấp của Hàn Quốc.

Trong một cuộc khảo sát năm 2022, 44,2% nam giới cho biết, họ không quan tâm đến hôn nhân, chủ yếu vì sợ gánh nặng tài chính của cuộc sống gia đình, bao gồm giá nhà đất tăng vọt và chi phí khổng lồ cho giáo dục tư nhân.

Nhà nhân khẩu học xã hội Kate Choi cho biết: "Đầu tư mạnh vào giáo dục và tăng trưởng nhanh chóng về vốn nhân lực có thể là động lực xã hội thúc đẩy tăng trưởng kinh tế nhanh chóng sau Chiến tranh Triều Tiên. Tuy nhiên, kỳ vọng đầu tư nguồn lực khổng lồ vào trẻ em có thể chính là nguyên nhân khiến Hàn Quốc giảm tỷ lệ hôn nhân và có mức sinh cực thấp".

Thế hệ hoảng sợ với đám cưới, sinh con ở Hàn Quốc - 2

Nhiều người trẻ Hàn né tránh việc kết hôn vì sợ gánh nặng gia đình (Ảnh: Reuters).

Theo Bộ Giáo dục và Thống kê Hàn Quốc, các bậc phụ huynh Hàn Quốc đã chi 26.000 tỷ won (20 tỷ USD) cho giáo dục tư nhân của con cái vào năm 2022. Phần lớn số tiền đó được đổ vào hagwon (trường luyện thi và dạy kèm).

Mỗi hộ gia đình chi trung bình 410.000 won (gần 8 triệu đồng) mỗi tháng cho việc học tư thục của con cái vào năm ngoái. Hầu hết trẻ em được bố mẹ đầu tư học hành từ rất sớm vì mức độ cạnh tranh gắt gao để được vào những trường tốt nhất trong nước.

Tại Hàn Quốc, chỉ có 2% bộ óc thông minh nhất theo học tại SKY (gồm 3 trường đại học hàng đầu Hàn Quốc là Đại học Seoul, Đại học Hàn Quốc và Đại học Yonsei).

Việc thi đỗ vào SKY gắn liền với triển vọng việc làm vì hơn một nửa số nhà lập pháp, bộ trưởng, lãnh đạo địa phương, giám đốc doanh nghiệp, luật sư và bác sĩ của Hàn Quốc đều tốt nghiệp từ đây.

"Thành thật mà nói, tôi không thấy tương lai nào tươi sáng cho thế hệ tiếp theo. Tôi không chắc liệu mình có muốn đưa một đứa trẻ vào một môi trường khó khăn như vậy hay không", người đàn ông độc thân họ Jeong - làm kỹ sư phần mềm ở Yongin, tỉnh Gyeonggi - chia sẻ. 

Cần thay đổi văn hóa

Thay đổi văn hóa là điều bắt buộc để Hàn Quốc tăng tỷ lệ sinh. Một lối sống chậm hơn, bình đẳng hơn có thể giúp giải quyết tình trạng sinh sản thấp.

Ví dụ, Sejong - nơi đặt trụ sở của một số bộ và văn phòng chính phủ - là thành phố duy nhất tại Hàn Quốc có tổng tỷ lệ sinh cao hơn 1. Nơi này luôn được Bộ Lao động Hàn Quốc xếp hạng cao trong các cuộc khảo sát hàng năm về cân bằng giữa công việc và cuộc sống.

Dù vẫn còn mờ nhạt, một số tín hiệu tích cực về bình đẳng giới trong gia đình cũng bắt đầu được nhen nhóm.

Khi Hàn Quốc lần đầu tiên thực hiện chế độ nghỉ thai sản vào năm 1995, người đàn ông đầu tiên làm như vậy - một giáo viên - được coi là hiếm đến nỗi câu chuyện của ông được đưa lên báo vào tháng 9/1996.

Tỷ lệ nghỉ thai sản ngày nay chỉ chiếm 1/3 tổng số ngày nghỉ phép của cha mẹ, nhưng con số này đã tăng gần 20 lần từ năm 2010 đến 2020. Vào năm 2020, tổng cộng 38.511 nam giới nghỉ thai sản.

Thế hệ hoảng sợ với đám cưới, sinh con ở Hàn Quốc - 3

Các thống kê ở Hàn Quốc cho thấy, những thành phố có sự cân bằng giữa công việc và cuộc sống tốt hơn sẽ có mức sinh cao hơn (Ảnh: AFP).

Bên cạnh đó, cũng có những dấu hiệu cho thấy văn hóa xung quanh hôn nhân và sinh con đang thay đổi, có thể là điềm báo tốt cho khả năng sinh sản.

Theo Statistics Korea, có tới 65,2% người Hàn Quốc ở độ tuổi 20 và 30 được khảo sát năm ngoái cho biết, việc một cặp đôi sống chung mà không kết hôn là có thể chấp nhận được, cao hơn 5,5 điểm phần trăm so với năm 2018. 

Kể từ năm 2016, chính phủ Hàn Quốc đã chi 280.000 tỷ won (hơn 216 triệu USD) để điều chỉnh hành vi của doanh nghiệp và cá nhân nhằm tăng tỷ lệ sinh.

Các chương trình khuyến khích sinh sản này bao gồm phần thưởng bằng tiền mặt cho các bậc cha mẹ nghỉ phép để chăm sóc con cái, ưu đãi thuế cho các công ty giữ nhân viên trở lại làm việc sau thời gian nghỉ thai sản trong hơn một năm, trợ cấp giáo dục/nhà ở cho các gia đình có hai con trở lên.

Nhà nhân khẩu học xã hội Kate Choi đề xuất: "Phải mất hàng trăm nghìn USD để nuôi một đứa trẻ, số tiền trợ cấp có thể mờ nhạt khi so sánh. Giải pháp có thể hiệu quả hơn nhiều là xây dựng cơ sở hạ tầng xã hội, như hệ thống chăm sóc trẻ em công cộng, để xoay chuyển tình thế được gọi là thảm họa dân số".