DNews

Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty "cha đẻ" ChatGPT đầu tư

Thu Thảo

(Dân trí) - Sau một năm tạm nghỉ, Vừng tiếp tục việc học tại Đại học Cornell và đang thực tập ở một trong những công ty khởi nghiệp về công nghệ AI (trí tuệ nhân tạo) hàng đầu xứ cờ hoa.

Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty "cha đẻ" ChatGPT đầu tư

Vừng (tên thật Lê Nam Thuận An, SN 2002, Hà Nội) là một trong những gương mặt trẻ được ngưỡng mộ với thành tích học tập ấn tượng. Cô từng theo học bằng tú tài quốc tế tại trường United World College Nhật Bản; nhận học bổng từ 6 trường đại học của Mỹ, đặc biệt là suất học bổng toàn phần 7,2 tỷ đồng tại Đại học Cornell - ngôi trường thuộc Ivy League (nhóm 8 trường đại học tư thục hàng đầu tại Mỹ).

Nhiều người tưởng rằng, việc học của Vừng diễn ra suôn sẻ cho đến khi nữ sinh bất ngờ tiết lộ về áp lực đồng trang lứa, cảm giác mông lung, khủng hoảng… dẫn đến quyết định gap year (kỳ nghỉ kéo dài một năm, tạm gác việc học tập để thực hiện những kế hoạch khác) ở năm học thứ 2.

Nhân dịp đầu năm mới, Vừng chia sẻ với phóng viên Dân trí về những điều làm được trong một năm tạm nghỉ và hành trình trở lại giảng đường khi đã hiểu bản thân nhiều hơn.

Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 1
Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 2

Khám phá 6 nước Trung Đông, làm công việc mơ ước

Gap year về Việt Nam một năm hẳn là quyết định lớn nhất đối với Vừng trong năm qua. Lý do gì khiến bạn "nghỉ ngang" ở ngôi trường bao người mơ ước như vậy?

- Mình khá kiên trì với những mục tiêu của bản thân nên sẽ không bao giờ bỏ học bởi lý do như là "khó quá", vì khó đến đâu thì mình cũng sẽ cố gắng hết sức. Ở thời điểm quyết định gap year, mình có vài lý do chính.

Hồi còn là sinh viên năm 2, mình muốn có thêm thời gian đi làm và trải nghiệm nhiều mảng khác nhau trước khi chính thức lựa chọn ngành học tại trường. Mình rất thích và trân trọng thời gian đi học đại học nên muốn có quyết định ngành học với thật nhiều dữ liệu thực tế nhất có thể.

Mình đã thử sức với 3 ngành Chính trị, Nghệ thuật truyền thông, Quan hệ - Luật lao động trong 2 năm đầu đại học nhưng tất cả đều không quá phù hợp với định hướng tương lai của mình. Cho đến khi bắt đầu thử một số lớp về công nghệ thông tin, mình mới bắt đầu cảm thấy hứng thú và muốn tự trau dồi thêm một số kiến thức về mảng này trong gap year. 

Thêm nữa, mình cũng mới bắt đầu đăng tải và sản xuất các video YouTube thường xuyên hơn. Mình luôn tò mò, muốn học hỏi từ những người đứng đầu công việc mình lựa chọn để có thể phát triển nhanh nhất có thể. Thời điểm đó, mình rất hâm mộ và muốn làm việc ở một kênh truyền thông nổi tiếng, có nhiều content (nội dung) hay tại Việt Nam nên cũng muốn thử sức làm việc tại đây nếu có cơ hội và áp dụng những bài học đó vào công việc của riêng mình.

Lý do tiếp theo là năm mình bắt đầu đi học tại Cornell, trường vẫn còn có nhiều quy định về cách ly do dịch Covid-19 vẫn rất phổ biến ở Mỹ, mình có nhiều rào cản trong việc tạo dựng cộng đồng bạn bè. Mình muốn có một khoảng thời gian xem xét lại cách bản thân dành thời gian ở đại học và quay lại với một tâm thế sẵn sàng hơn, gây dựng cộng đồng bạn bè, câu lạc bộ thật sôi nổi. 

Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 3
Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 4

Vừng có lên kế hoạch rõ ràng những gì mình sẽ làm trong một năm gap year hay để mọi thứ tự nhiên?

- Mình là người sống luôn có kế hoạch và rất hay có phương án dự phòng. Trước khi quyết định gửi đơn xin phép trường nghỉ học, mình đã vạch ra rất nhiều ý tưởng và gạch đầu dòng về các công việc muốn thử sức trong năm gap year. Một trong số đó là được đi thực tập ở các công ty startup (khởi nghiệp) và tập đoàn lớn ở Việt Nam để được thử sức cả hai môi trường, sau đó đong đếm được mình hợp nơi nào hơn. Mục tiêu này thì mình đã đạt được.

Một ý tưởng khác là đi du lịch học hỏi và trải nghiệm khám phá khắp thế giới ở chương trình Semester At Sea (khóa học hơn 100 ngày lênh đênh trên biển ở 11 quốc gia). Mình đã được nhận vào nhưng không có học bổng hỗ trợ tài chính nên không tham gia.

Trong khi đó, một số mục tiêu lại thay đổi so với dự kiến ban đầu. Ví dụ, mình muốn tìm hiểu qua về các ngành học khác nhưng tìm được cách khác để tìm hiểu về chủ đề này: Phỏng vấn, trò chuyện cùng những người bạn làm ngành này thay vì dồn hết năng suất của mình vào quá nhiều hoạt động. 

Gọi là kỳ nghỉ nhưng không thấy Vừng chịu "ngồi yên" để xả hơi hay thư giãn. Bạn đã thu được gì từ một năm gap year và có hối tiếc gì không?

- Một số cột mốc đáng nhớ của mình là: Có hai chương trình thực tập ở Vietcetera và Dentsu x Hùng Võ Foundation; trở thành host (người dẫn dắt) của chương trình podcast cho Gen Z (các bạn trẻ sinh năm 1997-2012); khám phá 6 đất nước tại Trung Đông (Palestine, Israel, Jordan, Bahrain, Oman, Ai Cập); đồng tác giả xuất bản cuốn sách Từ điển 202x; thành lập chương trình "Học bổng Giáo dục Vừng".

Mình thường không tiếc nuối gì những công việc đã qua, thậm chí là các cơ hội mình đã bỏ lỡ. Mình luôn tin rằng, có những điều phù hợp với mình luôn chờ đợi ở phía trước.

Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 5

Vừng lần đầu tiên dẫn dắt chương trình podcast cho Gen Z với các khách mời nổi tiếng như hot girl Jenny Huỳnh, rapper Pháo, nữ du học sinh Hàn - Meichan...

Trở thành host cho một chương trình podcast về Gen Z nghe hấp dẫn quá. Cơ hội này đến với bạn thế nào?

- Mình rất mê các chương trình podcast và đặt mục tiêu thử sức host một chương trình nếu được trở thành thực tập sinh. Mình hiểu rằng với một mục tiêu táo bạo như vậy, mình cũng phải được nhà tuyển dụng chú ý một cách thật đặc biệt. Vì vậy, mình đã tặng các lon cà phê miễn phí cho anh, chị nhân viên ở công ty và dán mã QR để mỗi người khi mở đồ uống đều phải quét mã, xem được video xin việc của mình.

Với cách xin việc đặc biệt như vậy và sự ủng hộ nhiệt tình từ các bạn tình cờ xem được video của mình, mình được nhận vào làm thực tập sinh mặc dù công ty đợt đó không hề tuyển nhân viên. Khi bắt đầu công việc, mình đề xuất ý tưởng muốn mang trở lại chương trình Gen Z Truyền mùa 2 và trình bày với các anh, chị quản lý. Tất cả cơ hội của mình ở công ty đều xuất phát từ  ý tưởng của mình tự đề ra và thuyết phục mọi người cùng mình xây dựng, hành động.

Lập quỹ học bổng để trả ơn cuộc đời

"Học bổng Giáo dục Vừng" dành cho các bạn học sinh, sinh viên tài năng của bạn ra đời thế nào?

- Mình được đi du học lần đầu tiên ở trường cấp 3 nhờ chương trình học bổng Davis scholarship của nhà thiện nguyện người Mỹ - Shelby MC Davis. Lên đại học, mình tiếp tục nhận được học bổng từ Đại học Cornell cũng như Davis scholarship. Lần đầu tiên mình gặp Davis ngoài đời là khi ông ấy có bài diễn thuyết ở trường cấp 3 của mình. Ông giới thiệu một triết lý sống của bản thân là: "30 năm đầu cuộc đời dành để học, 30 năm tiếp theo để kiếm tiền và 30 năm cuối cùng để cho đi". 

Sự giúp đỡ vô điều kiện của các quỹ học bổng như vậy hoàn toàn thay đổi các cơ hội của mình, góc nhìn của mình về thế giới và nuôi dưỡng trong mình nhiều mục tiêu lớn. Mình vẫn luôn biết ơn quỹ học bổng này nên tự hứa với bản thân là khi có thể có những đồng lương lần đầu tiên, mình sẽ bắt đầu hoạt động cộng đồng này và lan tỏa sự đam mê với học tập với các bạn trẻ khác.

Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 6
Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 7
Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 8

Quy trình xét trao học bổng có khó lắm không? Vì sao Vừng không thử xin tài trợ thay vì trích từ tài chính của chính mình để trao giải? 

- Do chương trình hoạt động năm đầu tiên, mình muốn thử sức tự vận hành với các nguồn năng lực mà mình sẵn có về mặt tài chính lẫn tổ chức sự kiện. Có tổng cộng 1.019 bạn gửi đơn đăng ký, vượt xa so với những gì mình kỳ vọng. Mình và ban tuyển chọn bao gồm 3 thành viên nữa là chị Khánh Vy, chị Ruby Nguyễn (CEO, người sáng lập công ty Curieous) và anh Vũ Anh Duy (đến từ Quỹ đầu tư Funding Societies) dành tổng cộng một tuần để đọc toàn bộ đơn của các bạn một cách kỹ lưỡng nhất có thể. 

Đề án nào đã chiến thắng chương trình học bổng năm đầu tiên?

- Đó là dự án "Ná Nả: Mùa gì mua nấy" của bạn Khang A Tủa. Tủa là chàng trai Hmông đầu tiên đỗ Đại học Bách khoa nhưng xin nghỉ sau 2 năm. Sau đó, Tủa trở thành là nam sinh Hmông đầu tiên học ở Đại học Fulbright và sáng lập ra Ná Nả. Tủa mong muốn giúp đỡ các bà mẹ người Hmông có thêm thu nhập và sự tự chủ tài chính. Bạn ấy sẽ sử dụng quỹ học bổng để góp phần xây trạm gói ghém sản phẩm nông sản từ quê hương và có nhiều mục tiêu để phục vụ cộng đồng lâu dài.

Vừng có ý định duy trì quỹ học bổng lâu dài và mở rộng ảnh hưởng hơn chứ?

- Mình muốn mở rộng tinh thần của chương trình học bổng tới nhiều bạn hơn vì thực sự, các bạn ứng tuyển đều rất xuất sắc và có nhiều ước mơ đáng trân trọng. Mình muốn có thể lắng nghe và chạm tới nhiều bạn trẻ hơn nữa trong chương trình các năm tiếp theo. 

Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 9

Vừng và Khang A Tủa - chủ nhân của đề án chiến thắng chương trình học bổng năm đầu tiên.

Chấp nhận ý kiến trái chiều khi tham gia mạng xã hội

Ngay từ khi học tiểu học, Vừng đã lập kế hoạch cố gắng xin học bổng càng sớm càng tốt. Điều gì đã thôi thúc một cô bé có những suy nghĩ trưởng thành như thế? 

- Mình hay xem tivi và đọc sách về những người có sức ảnh hưởng lớn tới xã hội. Một trong những người mà mình hâm mộ nhất là tổng thống da màu đầu tiên ở Mỹ - Barack Obama, đến mức mình tưởng tượng từ năm học lớp 2 là được học cùng trường đại học với ông ấy.

Các chương trình hoạt hình vui vẻ mình xem cũng có năng lượng đấy. Ví dụ là anh em Phineas và Ferb trong bộ phim cùng tên luôn sản xuất ra những ý tưởng thật vui và độc đáo để có mùa hè thật đáng nhớ hay cô bé Totto-chan trong cuốn sách Totto-chan - Cô bé bên cửa sổ có góc nhìn thật tích cực, tò mò và đáng yêu về thế giới xung quanh.

Khi đọc, xem và suy ngẫm về những nhân vật như vậy, mình có một sự tưởng tượng khá là mơ mộng và tích cực về những thứ mình muốn làm được sau này. 

Bên cạnh nổi tiếng với biệt danh "chiến thần săn học bổng", Vừng cũng là nhà sáng tạo nội dung có lượng khán giả nhất định. Có danh tiếng và cơ hội kiếm thu nhập nhưng công việc này cũng dễ gặp phải ý kiến trái chiều, điều này có gây cho bạn áp lực? 

- Áp lực nhiều nhất mà mình có thường đến từ chính bản thân: Muốn làm nhiều video hơn, muốn làm video đẹp, hay hơn nên đôi khi có tính cầu toàn trong công việc và không quá hài lòng với các sản phẩm mình làm ra.

Còn với áp lực về ý kiến trái chiều, mình nghĩ đó là một phần của công việc khi mình quyết định tham gia vào mạng xã hội. Đấy là một chuyện rất bình thường mà mình cần chấp nhận và làm quen, thậm chí học cách đối mặt với nó còn khiến mình trở thành người trưởng thành hơn. 

Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 10
Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 11

Năm 3 đại học sẽ là thời điểm sinh viên đi thực tập, Vừng đã chuẩn bị đến đâu rồi và "nhắm" đến công ty nào chưa?

- Mình đã đỗ chương trình thực tập tại một trong những startup về công nghệ AI hàng đầu ở Mỹ và hiện vừa học, vừa tham gia làm việc online (trực tuyến) ở công ty. Công ty tên là Rewind AI - sản phẩm ứng dụng công nghệ giúp người dùng có thể rà soát lại thông tin mình đã đọc, xem và tiêu thụ trên thiết bị cá nhân để sàng lọc thông tin - được đầu tư bởi quỹ công nghệ hàng đầu Mỹ là a16z và Sam Altman - CEO của OpenAI sáng lập ra ChatGPT. Vị trí của mình là Product Marketing Intern (tạm dịch: Thực tập sinh tiếp thị sản phẩm). Mình cũng là thực tập sinh đầu tiên của công ty.

Dịp Tết vừa qua của Vừng có gì đặc biệt?

- Mình vẫn sẽ tiếp tục chương trình học ở trường vì lịch nghỉ của trường đại học Mỹ sẽ không có không gian cho học sinh nghỉ lễ Tết. Thế nhưng, mình vừa làm MC của chương trình Tết cho cộng đồng 400 người Việt ở New York (Mỹ), vừa luyện tập chạy cuộc thi half-marathon (sự kiện chạy đường trường dài 21,0975km) trong tháng 2 nên cái Tết của mình sẽ có rất nhiều thời gian dành cho việc luyện tập ngoài việc lên giảng đường. 

Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 12
Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 13
Nữ sinh Việt đầu tiên thực tập ở công ty cha đẻ ChatGPT đầu tư - 14

Kế hoạch trong năm 2024 của Vừng?

- Mục tiêu năm nay của mình sẽ là hoàn thành tốt công việc thực tập sinh mình vừa mới bắt đầu, học hỏi thêm về thị trường startup công nghệ ở Mỹ. Về sức khỏe, mình sắp hoàn thành chặng đua half-marathon đầu tiên và đã luyện tập được 4 tháng liên tục không ngừng nghỉ từ tháng 8/2023. Mình cũng muốn mở rộng tầm ảnh hưởng của chương trình "Học bổng Giáo dục Vừng" năm 2024 và chắc chắn sẽ ra nhiều nội dung hay hơn nữa trên kênh của mình.

Chúc tất cả độc giả của báo Dân trí luôn thật vui vẻ, hạnh phúc và đạt nhiều mục tiêu trong năm mới, luôn mạnh mẽ như những chú rồng!

Ảnh: NVCC