DNews

Tiến sĩ Việt chữa bệnh tâm thần ở Mỹ: Làm 3 ngày/tuần, lương 4 tỷ đồng/năm

Nguyễn Vy

(Dân trí) - Nguyễn Bảo Trâm cho biết đối với tiến sĩ y tá thực hành chuyên khoa tâm thần tại Mỹ, cô chỉ cần làm việc 12 giờ/ngày, 3 ngày/tuần và hưởng các chế độ phúc lợi lý tưởng.

Tiến sĩ Việt chữa bệnh tâm thần ở Mỹ: Làm 3 ngày/tuần, lương 4 tỷ đồng/năm

Trọng trách "tái sinh" những tâm hồn đã "chết"

Sáng sớm, trong cái lạnh của 7 độ C của TP Houston (Texas, Mỹ), TS Kendra Nguyễn (tên thật là Nguyễn Bảo Trâm, SN 1995) có mặt tại văn phòng như thường lệ, chuẩn bị cho ngày làm việc mới. 

Tiến sĩ Việt chữa bệnh tâm thần ở Mỹ: Làm 3 ngày/tuần, lương 4 tỷ đồng/năm - 1

TS Kendra Nguyễn tại phòng làm việc ở Mỹ (Ảnh cắt từ clip: Nhân vật cung cấp).

TS Kendra Nguyễn hiện là Doctor of Nurse Practitioner in Psychiatric Mental Health (DNP - PMHNP, tạm dịch là tiến sĩ y tá thực hành chuyên khoa tâm thần - sức khỏe tâm thần) tại Mỹ. Đối với công việc này, cô đóng vai trò là người chẩn đoán bệnh tâm thần và đề xuất phương pháp, lộ trình điều trị phù hợp.

Một trong những ca bệnh khiến TS Kendra xúc động và trăn trở nhất là nữ bệnh nhân mắc chứng trầm cảm thời gian dài. Bệnh nhân không biết tiếng Anh, phải nhờ người phiên dịch khi tìm đến Kendra để khám bệnh.

"Trước mặt tôi là một người phụ nữ nhút nhát, sợ sệt và gần như không nói thành lời. Cô trông rất ốm yếu, tinh thần mệt mỏi và sức khỏe suy kiệt. Cô kể rằng mình đã bị mắc chứng trầm cảm từ lâu, nhưng chồng cô không tin và thường xuyên la mắng cô. Trí nhớ cô hay bị lẫn lộn, ăn uống kém, ngủ không ngon và thường xuyên gặp ác mộng. Cô cũng nhiều lần nghĩ đến việc tự tử", TS Kendra kể.

Vì không biết tiếng Anh nên nữ bệnh nhân này chỉ ở nhà làm nội trợ. Mỗi khi chồng uống say hoặc không thỏa mãn được nhu cầu, cô lại bị đánh đập và chửi mắng.

"Thời gian đầu, cô rất rụt rè vì lo sợ người khác không tin và đánh giá mình. Tuy nhiên, sau một khoảng thời gian thuyết phục bằng kỹ năng chuyên môn, tôi đã giúp bệnh nhân thả lỏng và chia sẻ nhiều hơn. Tôi cũng chẩn đoán bệnh, kê thuốc và hẹn tái khám sau 2-4 tuần, nhờ quản lý cung cấp cho bệnh nhân thông tin về những nhóm hỗ trợ cho những người trong hoàn cảnh tương tự", TS Kendra chia sẻ.

Tuy nhiên, Kendra không ngờ đó là lần cuối cả hai gặp nhau.

"Khi nhân viên gọi điện để kiểm tra, họ nhận được thông tin rằng bệnh nhân đã qua đời vài ngày trước, nhưng không rõ nguyên nhân. Tôi trăn trở mãi không biết liệu mình có làm điều gì sai hay bản thân chưa cố hết sức để giúp đỡ cô ấy.

Điều này khiến tôi càng cảm nhận rõ ràng hơn trách nhiệm lớn lao của công việc mình đang làm. Tôi không chỉ là cung cấp sự điều trị mà còn phải là một người đồng hành, giúp bệnh nhân lấy lại niềm tin vào cuộc sống và khả năng phục hồi của chính họ", nữ tiến sĩ nhấn mạnh.

Tiến sĩ Việt chữa bệnh tâm thần ở Mỹ: Làm 3 ngày/tuần, lương 4 tỷ đồng/năm - 2

Công việc chữa bệnh tâm thần đòi hỏi kỹ năng chuyên môn cao, khiến TS Kendra luôn phải cẩn trọng hết mức. Chẳng hạn, bàn làm việc của cô tuyệt đối không được xuất hiện bất kỳ thiết bị liên lạc nào ngoài laptop, nhằm tránh gây ảnh hưởng đến bệnh nhân trong lúc thăm khám. Mọi cuộc gọi phải được xử lý tại một trung tâm cố định bên ngoài phòng làm việc.

Những bệnh nhân tìm đến những chuyên gia như Kendra thường mắc các rối loạn như trầm cảm mãn tính, rối loạn lo âu, rối loạn lưỡng cực, rối loạn tăng động giảm chú ý (ADHD)… Họ ở độ tuổi 18-65.

"Có bệnh nhân đã mắc bệnh từ rất lâu nhưng không hay biết và nghĩ những triệu chứng đó là chuyện bình thường. Nhưng cũng có người đến khám rồi phát hiện mình không hề bị bệnh, chỉ là lầm tưởng sau khi đọc một số triệu chứng trên mạng", TS Kendra cười, nói.

Khóc, cười với nghề

 "Nhiều người nói đùa rằng những chuyên gia như tôi có thể chữa bệnh cho người khác, nhưng chẳng thể chữa cho chính mình. Nhận định này cũng có phần đúng, bởi tiếp xúc với quá nhiều câu chuyện bi thảm, tiêu cực liên tục thì bản thân không tránh khỏi bị ảnh hưởng.

Lắm lúc, tôi cùng khóc, rồi lại cùng cười với bệnh nhân. Thỉnh thoảng, tôi cũng cảm thấy khó chịu, nhưng học được cách kiềm chế không để ảnh hưởng đến công việc", cô trải lòng.

Trước đây, Kendra Nguyễn tốt nghiệp cấp ba tại Việt Nam và nhận được học bổng sang Mỹ du học. Cô lấy bằng cử nhân y tá tại Trường Đại học Houston State, trải qua một khoảng thời gian làm việc tại nhiều khoa chăm sóc đặc biệt trước khi theo học và nhận bằng tiến sĩ tại Trường Đại học Texas Health Science.

Tiến sĩ Việt chữa bệnh tâm thần ở Mỹ: Làm 3 ngày/tuần, lương 4 tỷ đồng/năm - 3

Để trở thành tiến sĩ y tá thực hành chuyên khoa tâm thần, Kendra phải trải qua thời gian nghiên cứu, rèn luyện kỹ năng vô cùng căng thẳng. Thách thức lớn nhất đối với cô chính là khối lượng kiến thức "khổng lồ" và cập nhật không ngừng. Chương trình tiến sĩ cũng đòi hỏi nghiên cứu sinh hoàn thành thời gian thực hành lâm sàng nhất định, thường dao động khoảng 1.000 giờ.

Kendra thú nhận cô từng phải "vật lộn" để cân bằng giữa học tập, làm việc và cuộc sống riêng. Tuy nhiên, cô khẳng định chỉ xem công việc là một phần của cuộc sống và dành thời gian đi du lịch, ăn uống khoa học, tập thể dục… để cân bằng cuộc sống.

Để nâng cao kỹ năng chuyên môn, Kendra cũng thường xuyên trao đổi với các chuyên gia, tham dự các diễn đàn, câu lạc bộ trong ngành.

Hằng tuần, nữ tiến sĩ chỉ làm việc 3 ngày, mỗi ngày 12 tiếng để tạo điều kiện cho các bệnh nhân thăm khám mà không cần xin nghỉ làm. Mỗi bệnh nhân sẽ có 60 phút khám bệnh, riêng người đến tái khám sẽ được trao đổi trong 20 phút. Nhiều bệnh nhân phải chờ 2-3 tháng mới đặt được lịch khám.

"Hầu như lịch khám của tôi lúc nào cũng kín. Nghề này đang rất cần thiết ở Mỹ và có tiềm năng lớn. Một số đồng nghiệp của tôi dù mới ra trường, chưa có nhiều kinh nghiệm nhưng tìm được việc làm rất nhanh", TS Kendra nói.

Kendra Nguyễn chia sẻ mức lương của cô dao động 130.000-165.000 USD/năm (tương đương với khoảng 3,3-4,2 tỷ đồng), chưa bao gồm khoản thưởng hằng quý. Cô còn được hưởng các chế độ phúc lợi, tạo cơ hội được học tập, đào tạo trong và ngoài nước.

Tiến sĩ Việt chữa bệnh tâm thần ở Mỹ: Làm 3 ngày/tuần, lương 4 tỷ đồng/năm - 4

Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) thống kê tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa tâm thần trên toàn cầu trung bình là 1,7 trên 100.000 dân. Tuy nhiên, con số này có sự chênh lệch lớn giữa các quốc gia. Ở các nước thu nhập cao, tỷ lệ này cao hơn đáng kể so với các nước thu nhập thấp.

Hoa Kỳ được báo cáo là quốc gia có tỷ lệ bác sĩ chuyên khoa tâm thần cao nhất thế giới, với 16 bác sĩ trên 100.000 dân.

Mặc dù có tỷ lệ bác sĩ tâm thần cao, Hoa Kỳ vẫn đối mặt với tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực này. Theo một cuộc khảo sát gần đây của HRSA, hơn 60% các nhà trị liệu không thể tiếp nhận bệnh nhân mới do nhu cầu cao, lịch khám quá dày đặc. Vì thế, tỷ lệ cứ 3 người thì có 1 người đang phải chờ đợi nhiều tháng để được khám chữa bệnh tâm thần.

Tình trạng thiếu hụt nhân lực trong lĩnh vực sức khỏe tâm thần đang trở thành một vấn đề nghiêm trọng. Theo báo cáo của Trung tâm Kiểm soát và Phòng ngừa Dịch bệnh Hoa Kỳ (CDC) công bố vào tháng 10/2023, khoảng 46% nhân viên y tế cho biết họ thường xuyên hoặc rất thường xuyên cảm thấy kiệt sức. Đáng chú ý, 44% trong số họ có ý định tìm công việc mới, cho thấy nguy cơ mất mát lớn về nguồn nhân lực trong lĩnh vực này.

Ảnh: Nhân vật cung cấp