DNews

Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời

Doãn Công

(Dân trí) - Giăng bẫy, đánh thuốc, quét dầu nhớt, rắc ớt bột, cắm cờ khắp đồng lúa… là những cách mà nông dân Bình Định làm để diệt "giặc" chuột phá hại mùa vụ.

Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời

Nông dân Bình Định khốn khổ vì "giặc" chuột phá hại lúa (Video: Doãn Công).

Muôn kiểu diệt chuột

Gần 1 tháng qua, trên nhiều cánh đồng lúa xanh mơn mởn ở Bình Định xuất hiện rất nhiều chuột cắn phá. Bà con nông dân mất ăn mất ngủ, tìm mọi cách diệt chuột để bảo vệ mùa vụ.    

Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời - 1

Theo ghi nhận của phóng viên Dân trí, tại cánh đồng lúa rộng hàng chục ha ở các thôn Quy Thuận, Hy Thế (xã Hoài Châu Bắc, thị xã Hoài Nhơn, tỉnh Bình Định), người dân dùng bao nilon cột vào cành cây cắm kín nhiều đám ruộng để xua đuổi. Cùng với đó, người dân dùng đủ cách từ đánh thuốc sinh học, giăng bẫy, rắc ớt bột… nhưng chuột vẫn hoành hành khiến người dân mất ăn mất ngủ.

Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời - 2

Ông Lê Minh Vui (67 tuổi, thôn Quy Thuận, xã Hoài Châu Bắc) cho biết: "Chuột nhiều vô kể, trước khi gieo sạ, bà con dùng thuốc sinh học diệt chuột chết như ngả rạ. Gieo sạ xong không biết chuột ở đâu đến rất nhiều, phá hại lúa của nông dân".

Theo ông Vui, gia đình ông có 7 sào (500m2/sào) nhưng phải mua hơn 50 cái bẫy chuột, mỗi cái 3.500-5.000 đồng. Chưa kể tiền mua bạt nilon 50.000-55.000 đồng/kg, mỗi sào phải dùng hết 3kg bạt mới vây kín xung quanh ruộng.

Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời - 3
Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời - 4
Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời - 5

"Đầu vụ đến nay, gia đình tôi diệt trên 200 con chuột nhưng cũng có người đầu hàng vì chuột quá nhiều. Thời điểm này, nhất là lúc lúa làm đòng, nếu lúa bị chuột cắn phá thì coi như trắng tay", ông Vui lo lắng.

Ở cánh đồng kế bên, bà Lê Thị Toản (55 tuổi, thôn Quy Thuận) cũng than trời vì chưa bao giờ chuột xuất hiện nhiều như năm nay. Có hộ phải gieo sạ 2-3 lần vì bị chuột phá, phải đi xin mạ khắp nơi rồi thuê người cấy để không bỏ ruộng hoang.

Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời - 6

"Khắp nơi bà con kêu than vì chuột cắn phá, không biết chuột ở đâu mà nhiều vô kể. Tôi đặt bẫy, mua ớt bột rắc quanh bờ ruộng, chuột cay mắt không đến phá nhưng chỉ được vài hôm. Cách hiệu quả nhất là giữ nước sâu trong ruộng, dùng bạt nilon vây kín quanh ruộng lúa. Song việc giữ nước sâu lâu ngày, chân ruộng bùn nhão khi lúa chín sẽ bị đổ, nhưng nếu không làm vậy chuột phá quá thì không có ăn", bà Toản nói.

Một trận lũ "vừa đủ"… góp phần tiêu diệt chuột     

Theo người dân, 2 năm vừa qua, trên địa bàn tỉnh Bình Định không xảy ra mưa lũ nên chuột không bị cuốn đi mà trú lại các bờ đất cao sinh sôi nảy nở. Bởi vậy, trước vụ gieo sạ, nông dân luôn mong có đợt lũ "vừa đủ" để mang phù sa cho ruộng đồng tươi tốt và cuốn sạch chuột.

Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời - 7

Ông Trần Đình Tý, Chủ tịch UBND xã Hoài Châu Bắc, cho hay đầu vụ, địa phương chi hỗ trợ hơn 80 triệu đồng mua thuốc diệt chuột, bên cạnh đó, hỗ trợ thu mua đuôi chuột giá 2.000 đồng/đuôi, để khuyến khích bà con diệt chuột.

"Năm nay, chuột xuất hiện nhiều nhưng bà con chủ động dùng mọi biện pháp để diệt chuột từ đầu vụ nên thiệt hại mang tính cục bộ, chứ không đại trà như năm trước", ông Tý nói.

Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời - 8
Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời - 9
Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời - 10

Ông Nguyễn Chí Công, Phó Chủ tịch UBND thị xã Hoài Nhơn, cho biết: "Năm vừa qua không có mưa lũ nên chuột rất nhiều. Ngay từ đầu vụ, thị xã đã phát động phong trào diệt chuột. Các xã, phường đồng loạt hỗ trợ thuốc chuột sinh học, thu mua đuôi chuột để khuyến khích người dân diệt chuột. Riêng xã Hoài Sơn, địa phương hỗ trợ đổi đuôi chuột lấy bẫy chuột".

Theo đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Định, chuột đang phát sinh gây hại cục bộ trên lúa đẻ nhánh ở các huyện Hoài Ân, Tây Sơn, Tuy Phước, Phù Mỹ, Phù Cát, thị xã Hoài Nhơn, thị xã An Nhơn… Tổng diện tích gây hại từ đầu vụ đến nay hơn 17ha.

Nhà có 7 sào ruộng phải sắm 50 bẫy chuột, nông dân kêu trời - 11

Để bảo vệ sản xuất lúa vụ đông xuân năm 2023-2024, đơn vị phối hợp với các địa phương tổ chức diệt chuột, trong đó, số lượng thuốc hóa học đã sử dụng là 1.540 kg thuốc (Racumin 0.75TP, Gimlet 0.2GB...), số lượng chuột diệt được qua phát động phong trào gần 5.000 con, thu mua gần 24.000 đuôi chuột.

"Việc triển khai đồng bộ các biện pháp diệt chuột mang lại hiệu quả, góp phần hạn chế thiệt hại do chuột gây ra đối với các loại cây trồng trên địa bàn tỉnh", đại diện Chi cục Trồng trọt và Bảo vệ thực vật tỉnh Bình Định cho hay.