DNews

Chi 200 triệu đồng, thuê cả phiên dịch sang Nhật tầm sư học nghề

Minh Hậu

(Dân trí) - Sau khi nghỉ hưu, ông Lộc ở Đà Lạt (Lâm Đồng) bỏ 200 triệu đồng để qua Nhật Bản học nghề chế biến hồng. Người này sau đó về nước áp dụng kiến thức vào sản xuất và đạt kết quả bất ngờ.

Chi 200 triệu đồng, thuê cả phiên dịch sang Nhật tầm sư học nghề

Xuất ngoại tầm sư học nghề

Ở tuổi 71 nhưng ông Trần Phú Lộc (trú phường 3, thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng) vẫn miệt mài làm việc để tạo ra đặc sản hồng sấy gió.

"Cách làm hồng sấy gió hay còn gọi là hồng treo gió có nguồn gốc từ Nhật Bản. Nhờ cách làm này mà thành phố Đà Lạt có thêm sản phẩm nông nghiệp chất lượng cao. Đặc biệt, hồng treo gió trở thành đặc sản của Đà Lạt", ông Trần Phú Lộc chia sẻ.

Chi 200 triệu đồng, thuê cả phiên dịch sang Nhật tầm sư học nghề - 1

Sau khi nghỉ hưu, ông Trần Phú Lộc khăn gói qua Nhật Bản học nghề chế biến hồng (Ảnh: Minh Hậu).

Ông Lộc cho biết, cây hồng gắn bó với nông dân Đà Lạt từ năm 1980 của thế kỷ trước. Tuy nhiên, từ năm 2010, giá hồng sụt giảm, thị trường tiêu thụ kém nên các hộ dân chặt bỏ, chuyển qua các loại cây trồng khác.

Thời gian đó, để "cứu" cây hồng, chính quyền thành phố Đà Lạt phối hợp cùng một tổ chức của Nhật Bản xây dựng chương trình đào tạo, chuyển giao công nghệ sản xuất hồng treo gió.

Năm 2012, sau khi nghỉ hưu, ông Lộc dấn thân vào kinh doanh. Lúc bấy giờ, thấy một số người đã kết thúc chương trình đào tạo về sản xuất hồng treo gió công nghệ Nhật nên ông tìm đến để tham khảo, học hỏi.

"Hồi đó có người áp dụng kiến thức, công nghệ Nhật Bản vào sản xuất hồng, tuy nhiên hiệu quả không cao. Tôi nghĩ có thể do việc áp dụng kỹ thuật chưa đầy đủ nên đã liên hệ, tìm đường qua Nhật học trực tiếp", ông Lộc chia sẻ.

Với ý chí xuất ngoại học nghề, ông Lộc đăng ký tham gia chương trình đào tạo. Tuy nhiên, chương trình hợp tác, chuyển giao công nghệ đã kết thúc nên hành trình học nghề của ông Lộc bị gián đoạn.

Chi 200 triệu đồng, thuê cả phiên dịch sang Nhật tầm sư học nghề - 2
Chi 200 triệu đồng, thuê cả phiên dịch sang Nhật tầm sư học nghề - 3

Hồng treo gió trở thành đặc sản của thành phố Đà Lạt, Lâm Đồng (Ảnh: Minh Hậu).

"Cuối năm 2012, tôi gặp một giáo sư đang làm việc tại Trường Đại học Đà Lạt từng có thời gian làm việc cho chương trình hợp tác giữa Việt Nam và Nhật Bản. Lúc đó, vị giáo sư gọi điện sang Nhật Bản để trao đổi về việc tôi xin đi học nghề. Đại diện Nhật Bản nhận lời đào tạo nhưng người học phải tự lo toàn bộ chi phí", ông Lộc nhớ lại.

Với quyết tâm học nghề, ông Lộc "dắt túi" hơn 200 triệu đồng và thuê phiên dịch viên để qua Nhật Bản học nghề.

"Tôi và anh phiên dịch ở lại Nhật Bản trong khoảng thời gian 15 ngày. Thời gian này, tôi được chuyên gia Nhật Bản hướng dẫn chi tiết về quy trình sản xuất, chế biến hồng treo gió và cách vận hành các trang thiết bị, máy móc", ông Lộc kể.

Có được "bí kíp", ông Lộc trở về thành phố Đà Lạt và bắt tay vào xây dựng nhà xưởng, đầu tư trang thiết bị để sản xuất. Theo ông Lộc, chi phí cho việc xây dựng nhà xưởng, trang thiết bị gần 1 tỷ đồng.

Chi 200 triệu đồng, thuê cả phiên dịch sang Nhật tầm sư học nghề - 4

Sau 15-20 ngày sấy theo công nghệ Nhật Bản, hồng Đà Lạt đạt độ dẻo cao, thơm, ngọt tự nhiên (Ảnh: Minh Hậu).

Năm 2014, sau khi hoàn tất cơ sở hạ tầng, ông Lộc tổ chức sản xuất hồng sấy gió. Năm đó, gia đình ông Lộc cho ra lò mẻ hồng đầu tay với tổng trọng lượng 1 tấn. Sản phẩm hồng sấy có độ dẻo, thơm, ngọt tự nhiên, tương đương sản phẩm của Nhật Bản nên được thị trường đón nhận.

Hiện nay, trong không gian khu xưởng rộng 600m2, gia đình ông Trần Phú Lộc phân chia thành nhiều khu vực với quy trình sản xuất khác nhau.

Theo ông Lộc, hồng tươi nguyên liệu sau thu hoạch được vận chuyển đến khu vực rửa, chọn lọc, gọt bỏ vỏ và chuyển qua phòng khử trùng. Sau khi khử trùng, hồng được chuyển đến bộ phận treo móc rồi chuyển vào phòng sấy.

Giá "trên trời" vẫn hút người mua

Ông Trần Phú Lộc cho hay, việc sản xuất hồng treo gió phải thực hiện các quy trình kỹ thuật tỉ mỉ, khoa học.

"Toàn bộ quá trình chế biến hồng treo gió kéo dài 15-20 ngày. Trong thời gian này, các quạt gió ở phòng sấy được duy trì liên tục. Ngoài ra, nhiệt độ phòng sấy phải duy trì 25-30 độ C, độ ẩm buồng sấy 70-72%. Nhiệt độ quá thấp sẽ làm hồng bị mốc, thối và nếu nhiệt độ quá cao sẽ khiến hồng bị xì mật, rụng cuống", ông Lộc chia sẻ.

Chi 200 triệu đồng, thuê cả phiên dịch sang Nhật tầm sư học nghề - 5

Hiện nay, xưởng sản xuất hồng treo gió của gia đình ông Nguyễn Phú Lộc tạo công ăn, việc làm cho 15 lao động (Ảnh: Minh Hậu).

Để sản phẩm có chất lượng, hồng tươi nguyên liệu phải thu hoạch chọn lọc để đảm bảo về trọng lượng, độ chín của quả. Trung bình, 6kg hồng tươi nguyên liệu sẽ cho ra hơn 1kg hồng sấy dẻo. Hiện nay, mỗi năm gia đình ông Lộc sản xuất và cung ứng ra thị trường khoảng 15 tấn sản phẩm hồng treo gió với giá bán 400.000-500.000 đồng/kg.

Cùng với việc sản xuất, đáp ứng nguồn hàng cho đối tác, gia đình ông Lộc cũng tổ chức đón khách tham quan mô hình sản xuất, bán sản phẩm tại xưởng.

Ông Nguyễn Văn Hòa, Chủ tịch UBND phường 3, thành phố Đà Lạt, cho biết, ông Trần Phú Lộc là người có cách làm táo bạo khi tự bỏ tiền túi để sang tận Nhật Bản học nghề sản xuất hông treo gió. Hiện nay, việc sản xuất hồng treo gió công nghệ Nhật Bản của gia đình ông Lộc góp phần nâng cao giá trị cho sản phẩm và được nhiều hộ dân trong vùng học hỏi, nhân rộng.

"Mô hình sản xuất của gia đình ông Lộc thu hút du khách tham quan, trải nghiệm. Điều này góp phần vào phát triển du lịch cho địa phương", ông Nguyễn Văn Hòa nói.

Người đàn ông chi 200 triệu đồng qua Nhật học nghề (video: Minh Hậu).

Được biết, với quy mô sản xuất hiện tại, gia đình ông Lộc đạt khoản doanh thu hàng tỷ đồng mỗi năm. Việc sản xuất hồng treo gió cũng góp phần tạo công ăn việc làm cho 15 lao động phổ thông với mức lương 7,5-10 triệu đồng/người/tháng.

Ông Trần Phú Lộc cho biết, sản phẩm hồng treo gió của gia đình đã đạt chứng nhận 4 sao OCOP (chương trình mỗi xã một sản phẩm). Thời gian tới, gia đình tiếp tục duy trì sản xuất, đảm bảo chất lượng phục vụ thị trường; chia sẻ kinh nghiệm, chuyển giao công nghệ sản xuất cho các hộ dân.