Người phụ nữ đam mê nông sản sạch, tới Đà Lạt làm hồng treo gió "mỏi tay"
(Dân trí) - Ước muốn chinh phục lĩnh vực đặc sản Đà Lạt, chị Nga nghiên cứu, mày mò làm món hồng treo gió nổi tiếng của vùng đất này theo phương pháp hoàn toàn thủ công.
Tìm về không gian sống thanh bình, gần gũi thiên nhiên giúp giải tỏa tâm trạng, tháng 9/2018, chị Trịnh Thị Hải Nga (40 tuổi) cùng con gái 4 tuổi từ Vũng Tàu chuyển đến Đà Lạt sinh sống. Từ đây, chị bắt đầu "bén duyên" với công việc chế biến nông sản sạch, quyết tâm theo đuổi các giá trị truyền thống để lan tỏa các món ngon vùng miền.
Thời điểm cuối năm, chị cùng một số nhân viên bắt đầu bận rộn vào mùa sản xuất hồng treo gió - một đặc sản nức tiếng của thành phố mù sương. Để làm hồng treo gió chất lượng, người phụ nữ 40 tuổi tự quan sát, đặt ra các câu hỏi và đi tìm câu trả lời qua sách vở, mạng internet. Chị cũng tiếp thu kinh nghiệm từ thực tiễn, liên hệ và học hỏi tay nghề của những người thợ làm hồng treo gió lâu năm ở Cầu Đất.
"Mình chỉ tham khảo một phần vì không ai cho mình biết hết tất cả. Mình phải tìm hiểu, nghiên cứu thêm cách làm hồng treo gió của người Nhật rồi tự thực hành, đúc kết lại vào một cuốn sổ. Từ thực tiễn, điều kiện hoàn cảnh mà mình tích lũy kinh nghiệm dần dần. Cứ sai là làm lại, cứ thất bại lại sửa chữa, thay đổi dần dần", chị Nga chia sẻ.
Dù không nhớ nổi số lượng hồng đã đổ bỏ vì thất bại nhưng chị vẫn kiên trì thực hiện đến khi thành công những mẻ hồng treo gió đầu tiên, ra mắt vào cuối năm 2019.
Người phụ nữ gốc Quảng Ninh cho biết, bản thân làm hồng treo gió theo phương pháp thủ công hoàn toàn ở tất cả các công đoạn. Bên cạnh đó, chị tuân thủ nghiêm ngặt quy trình treo hồng trong môi trường tự nhiên, không can thiệp bằng nhiệt công nghiệp và không sử dụng chất bảo quản hay hóa chất độc hại.
"Sau khi gọt, hồng được treo trong nhà lồng với điều kiện hoàn toàn tự nhiên từ 20-35 ngày, tùy vào thời tiết và kích cỡ của quả. Đem hạ giàn, tiếp tục phơi nắng dưới giàn rồi cắt bỏ phần cuống treo và tai hồng. Sau đó, hồng được đem phân loại và cho vào kho lạnh bảo quản để bề mặt vỏ se lại. Cuối cùng mang hồng ra phơi nắng nhẹ rồi đóng gói", chị Nga chia sẻ phương pháp làm hồng treo gió.
Chị Nga cho hay, công đoạn nào cũng quan trọng vì tất cả đều sẽ thể hiện trên thành phẩm. Nhưng quan trọng nhất là thời gian bắt đầu treo hồng đến khi hạ giàn. Đây là lúc quyết định sự thành bại của mẻ hồng treo gió.
Bà mẹ hai con chia sẻ thêm, để hồng treo gió ngon thì nên chọn loại hồng trứng được trồng ở khu vực Cầu Đất và kiên nhẫn đợi những quả hồng được ở trên cây lâu nhất có thể. Điều này giúp quả bớt chát, lên mật. Đây cũng là thời điểm Đà Lạt chính thức bước qua mùa khô, không khí bớt sương mù và ẩm.
Đặc biệt, tại nơi sản xuất hồng treo gió, du khách tuyệt đối không được tham quan hay chụp hình. Hai nhân sự đảm nhiệm việc treo hồng đều là nam, phải vô trùng y tế khi treo cũng như mỗi lần vào thăm khám hồng hay thu hoạch hạ giàn,...
Trung bình cứ 8kg hồng tươi thì chị Nga thu được 1kg thành phẩm. Thời gian sử dụng hồng treo gió thường là 3 tháng sau khi mở bịch, trong điều kiện nhiệt độ phòng. Nếu bảo quản hồng trong ngăn mát tủ lạnh thì có thể kéo dài thời gian sử dụng tới một năm hoặc 2 năm (đối với trường hợp cấp đông).
Năm nay, nhiều mẻ hồng của chị Nga gặp thất bại. Theo chị, nguyên nhân thất bại khi treo hồng chủ yếu là do thời tiết mưa nhiều, sương mù và độ ẩm trong không khí cao vọt làm cho hồng bị nhiễm bệnh và hỏng. Bên cạnh đó, còn do yếu tố giữ vệ sinh lồng treo hồng.
Chị nhớ lại, năm đầu tiên, sản lượng hồng treo gió tiêu thụ được đạt 300kg. Đến năm 2020, con số đã tăng gấp 6 lần. Riêng năm nay, tính đến hiện tại, sản lượng đã đạt 1,3 tấn với những đơn hàng lớn từ 100kg.
Mùa đầu tiên, chị mang tặng khoảng 100kg hồng treo gió cho bạn bè và người thân. Sau khi thưởng thức, họ đều thích thú hương vị đặc sản Đà Lạt này và nhiệt tình giới thiệu cho những người khác.
Dù quy mô hoạt động còn nhỏ, chưa thể sản xuất số lượng lớn ra thị trường, đầu vào cũng hạn chế nhưng chị Nga đã phần nào gặt hái được thành công trên con đường xây dựng thương hiệu đặc sản Đà Lạt theo mùa.