Bỏ công việc văn phòng, cô gái 9X lên Đà Lạt làm đặc sản hồng treo gió
(Dân trí) - Rời thành phố, Thư cầm cố sổ đỏ của ba để có tiền ký hợp đồng thuê đất làm hồng treo. Về làm nông, ban đầu cô gái trẻ say mê với tinh thần luôn cao ngút, nhưng sau đó cô dần ngã ngửa vì quá vất vả.
Tháng 12/2020, Nguyễn Anh Thư (24 tuổi) ở Vĩnh Phúc "khăn gói" lên đường đến với phố núi Đà Lạt, cô chọn Cầu Đất là điểm dừng chân của mình, bởi ở đó nổi tiếng với những vòm treo hồng hội tụ đủ nắng gió. Mọi người nói, chỉ có nắng gió Cầu Đất mới làm ra trái hồng ngon và đẹp nhất.
Trước đó, Thư từng đi làm văn phòng ở Hà Nội với mức lương trung bình 9,8 triệu đồng/tháng. Có tháng được thưởng KPI, cô cán mốc 12 triệu đồng. Với nhiều người, đó là con số mơ ước, nhưng Thư lại thấy gò bó và bí bách.
Những lần lên Đà Lạt và đi sâu vào các khu Xuân Thọ, Cầu Đất, Dran trước đó luôn khiến cô gái 9X trăn trở về việc sẽ quay lại nơi đây. Trước áp lực cuộc sống quá lớn và mong muốn tìm không gian lặng cho chính mình, tháng 6/2020, Thư quyết định nhờ người quen trong Đà Lạt tìm nông trại cho mình.
Nhà neo người nên quyết định lên Đà Lạt của Thư không được người thân ủng hộ, cô chia sẻ: "Nhà vỏn vẹn chỉ có 3 người, ba, em trai và mình. Nên quyết định đi lập nghiệp ngày đó của mình ba phản đối dữ dội. Nhưng tuổi trẻ mà, mình nói ba nghe, con có một lần để sống là chính con, cho đam mê và tuổi trẻ của con, ba hãy để con đi".
Sau khi thuyết phục được ba, tháng 1/2021, Thư liều lĩnh vay mượn, cầm cố sổ đỏ của ba, chính thức ký với chủ farm hợp đồng thuê vườn hồng trong 2 năm 2021 và 2022.
Rời văn phòng về làm nông, mới đầu cô gái trẻ cũng say mê, nhiệt huyết, hăng hái và tinh thần luôn cao ngút. Nhưng sau đó cô dần ngã ngửa, quá vất vả và khổ cực.
"Chưa một lần nào nghĩ lại hành trình lên đây sống mình không khóc. Đi đúng dịp cuối năm 2020, năm đầu tiên xa nhà, không kìm được nên tối nào mình cũng khóc. Ngày 20 tháng Chạp vẫn còn trong Đà Lạt, phụ cô chú đóng hồng, mình không nhớ đã khóc bao lâu trên máy bay ngày về quê", Thư hồi tưởng.
Năm 2021 là bước ngoặt với Thư, ăn Tết xong cô gái trẻ lại vào Đà Lạt. Vẫn căn phòng trọ, vườn tược và cây cối ấy, cô bắt đầu hành trình "về rừng" của mình với nhiều khó khăn, vất vả, chông chênh và nước mắt.
Vào vụ hồng, có những ngày cô gái trẻ phải đi hái nguyên ngày, trưa ở lại trong farm, chiều tối theo xe mang hồng về vòm, sáng hôm sau lại tất tưởi đem hồng ra gọt, treo. Vì tính cầu toàn, nên cô muốn tự tay làm mọi khâu, có ngày cũng tối mịt mới xong việc.
Thư cho biết, năm ngoái, tháng 11 Đà Lạt đã nắng đẹp. Nhưng năm nay ông trời làm khổ người nông dân quá, mưa miết, ngày nào cũng mưa khiến hồng rụng lả tả. Vì muốn treo thuần gió hanh, không can thiệp nhiệt sấy, nên cô phải dùng đến quạt, máy hút ẩm.
"Mỗi sáng dậy thấy máy có cả đống nước mà buồn lắm, nguyên tháng 11 mưa đã làm hỏng tới gần 3 tấn hồng của mình. Nhưng biết sao được, vẫn phải lạc quan và bước tiếp thôi", Thư buồn bã nói.
Mỗi quả hồng treo được hạ giàn khiến cô gái trẻ vui như Tết, bởi công đoạn làm ra nó vất vả. Ngoài ra, hồng treo cũng là một đặc sản của Đà Lạt có giá trị tới nửa triệu đồng/kg, nên cả cơm áo gạo tiền được đặt lên vai những quả khô tròn ấy.
Thư khát khao mang nông sản Đà Lạt đi xa, đi sâu hơn nữa. Chỉ tiếc là sức người có hạn, nên trước mắt cô đang tập trung vào hồng treo gió. Tuổi còn trẻ, "lính" còn mới xâm nhập vào thị trường, cô chỉ mong muốn doanh thu của farm năm nay khởi sắc hơn năm ngoái.
Sản phẩm hồng treo gió thuận tự nhiên là mong mỏi của Thư từ khi đặt những viên gạch đầu tiên ở Đà Lạt. Mong muốn trong hai năm tới, cô có thể kết nối vùng trồng của các farm lân cận làm theo hướng tự nhiên và đưa sản phẩm tới mọi người.