Bình Định:
Ngư dân khốn đốn vì nhiều tàu vỏ thép vừa đóng đã hư hỏng
(Dân trí) - Gánh nợ hàng chục tỷ đồng để sở hữu một tàu vỏ thép “trong mơ”, thế nhưng tàu vừa hạ thủy chưa được bao lâu đã hư hỏng, phải nằm bờ sửa chữa. Hiện nhiều chủ tàu vỏ thép ở Bình Định đang lâm vào tình cảnh khốn đốn.
Vừa hạ thủy đã hư hỏng
Theo tinh thần Nghị định 67 của Chính phủ về một số chính sách phát triển thủy sản, ngư dân Nguyễn Văn Mạnh (56 tuổi, trú ở thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) hợp đồng với đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đóng chiếc tàu cá vỏ thép với tổng kinh phí 15,2 tỷ đồng hành nghề lưới vây.
Tháng 8/2016, con tàu vỏ thép mới mang số hiệu BĐ 99567 TS, công suất 811 CV của ông Mạnh hạ thủy và chạy về vùng biển quê nhà. Niềm vui có tàu vỏ thép mới, ông Mạnh hồ hởi mở chuyến biển đầu tiên nhưng ra đến khơi thì lưới bủa đến đâu đều bị cuốn hết vào gầm chân vịt đến đó, không đánh đánh bắt được nên bị thua lỗ.
Sau chuyến biển đó, ông Mạnh quyết định cải hoán lại con tàu và chuyển đổi qua nghề lưới chụp. Tốn thêm 1,5 tỷ và mất thêm gần 5 tháng, đến cuối tháng 1/2017 tàu của ông Mạnh ra khơi đánh bắt chuyến biển thứ 2 tại vùng biển đảo Phú Qúy (Bình Thuận). Thế nhưng chuyến biển này, bánh lái chiếc tàu lại bị sóng đánh văng ra ngoài, tàu lại phải tấp vào đảo khắc phục, lại lỗ tổn.
Chuyến biển thứ 3, tàu đánh bắt có cá, nhưng ông Mạnh chưa kịp vui đã buồn vì trên đường chạy vào bờ, không biết các khoang tàu được đóng kiểu gì mà nước không thoát ra ngoài được, nước ứ đọng ngập các hầm muối cá làm hỏng hết cá đánh bắt được, lại thêm 1 chuyến biển lỗ tổn.
“Trong thời gian đóng tàu tôi về tận nhà máy tham gia giám sát. Theo kinh nghiệm hơn 40 năm bám biển tôi nhận thấy con tàu thiết kế không phù hợp, mình góp ý nhưng họ không nghe. Họ bảo rằng, ngư dân chúng tôi chỉ được góp ý sửa chữa những phần trên boong tàu, phần khoang tàu nhà máy cứ căn cứ vào bản thiết kế mà làm. Mình nói bằng kinh nghiệm thực tế, còn họ căn cứ vào giấy tờ thì mình phải chịu thôi chứ biết làm sao. Ngư dân đào đâu ra số tiền lớn gần 20 tỷ đồng để đóng tàu. Nhờ chính sách của Chính phủ mà vay ngân hàng đóng tàu làm ăn. Giờ đây tàu hư hỏng, nằm bờ sửa chữa, tàu không khai thác được lấy tiền đâu trả ngân hàng và ai chịu trách nhiệm cho ngư dân” - ông Mạnh bức xúc.
Ông Mạnh nói thêm: “Cách đây gần 1 tháng, Trung tâm đăng kiểm tàu cá vào kiểm tra và cho rằng tàu của tui đã xuống cấp trầm trọng, đề nghị tui đưa tàu lên đà sửa chữa, chứ ra biển với con tàu kém chất lượng thế này nguy hiểm quá. Trong khi đó, tàu của tôi chỉ mới đóng chưa đầy 1 năm. Lúc đó, tàu của tôi đã nạp nhiên liệu, lấy đá hết rồi, đành phải đi. Với lại tôi có hỏi thăm, nếu đưa tàu lên đà sửa chữa tại Cam Ranh (Khánh Hòa) thì phải mất thêm 495 triệu đồng, tiền ngân hàng đang nợ ngập đầu, mấy chuyến biển trước đều bị lỗ tổn thì biết lấy tiền đâu ra”.
Cùng 1 đơn vị đóng tàu là Cty TNHH Đại Nguyên Dương, hạ thủy cùng ngày với tàu của ông Nguyễn Văn Mạnh, chiếc tàu cá vỏ thép số hiệu BĐ 99004 TS, công suất 811 CV của ngư dân Nguyễn Văn Lý (54 tuổi, trú thôn Phú Hòa, xã Mỹ Đức, huyện Phù Mỹ, Bình Định) cũng đang lâm tình cảnh tương tự.
“Đóng xong chiếc tàu cá vỏ thép này tui còn nợ ngân hàng 13,6 tỷ đồng, cứ ngỡ có tàu vỏ thép thì việc làm ăn sẽ khấm khá. Nào ngờ 4 chuyến biển đầu tiên nó còn “báo hại” tui thâm nợ thêm gần 500 triệu đồng”- ông Lý cho hay.
Ngư dân ôm cục nợ vì tàu vỏ thép
Tại Cảng cá Đề Gi (thuộc xã Cát Khánh, huyện Phù Cát, Bình Định), hàng loạt tàu cá vỏ thép đang nằm bờ để sửa chữa suốt nhiều tháng nay vì chất lượng tàu rất kém.
Ngư dân Lê Văn Thãi, chủ tàu cá vỏ thép Lê Gia 01 BĐ 99016 TS công suất 940 CV hành nghề lưới vây, cho hay: “Sau khi nhận tàu từ Cty TNHH MTV Nam Triệu (Hải Phòng) về vào cuối năm 2016, tui mở chuyến biển đầu tiên nhưng bị thua lỗ 200 triệu đồng. Lý do, thiết bị hầm bảo quản sản phẩm không đảm bảo, khiến cho đá lạnh tiêu hao nhiều, tàu phải cho tàu vào bờ sớm. Sau đó, đơn vị đóng tàu cử thợ vào sửa chữa mất 2 tuần mới xong. Ngày 2/4 vừa qua, tui vận hành tàu để chuẩn bị mở chuyến biển thứ 3 thì hộp số, kim phun dầu của tàu lại bị hỏng. Ngày 19/4, sau khi khắc phục xong tui cho tàu chạy thử tiếp lại phát hiện thêm bô và sơn hàn giải nhiệt của tàu bị hư hỏng. Mấy ngày qua, tui phải phụ thợ máy sửa chữa các thiết bị hư hỏng và cho tàu chạy thử để kiểm tra những vẫn chưa đảm bảo yêu cầu nên chưa dám ra khơi đánh bắt”.
Tàu vỏ thép mang tên Khánh Đỏ BĐ 99086 TS của ông Đinh Công Khánh (trú cùng xã Cát Khánh, huyện Phù Cát) cũng bị hư hỏng chưa khắc phục xong. Ông Khánh cho biết: “Tàu của tui bị hỏng hộp số, nằm bờ hơn 1 tháng nay. Nhiều lần tui gọi điện thông báo với Công ty Nam Triệu (đơn vị đóng tàu) về việc tàu bị hư hỏng và đề nghị cử thợ máy đến sửa chữa, nhưng sửa mãi mà chẳng được. Tàu thì nằm bờ, mà mỗi ngày tôi phải chi gần 100 ngàn đồng thuê người giữ tàu và trả tiền bến bãi. Trong khi đó, ngân hàng cũng đã thông báo đến kỳ hạn trả nợ vay đóng tàu đợt 2 quý 2/2017 gần 300 triệu đồng, nhưng giờ tui “bí” không biết xoay đâu ra số tiền ấy”.
Theo Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Bình Định, trong số 7 tàu cá được đóng tại Cty TNHH MTV Nam Triệu, thì máy chính nhãn hiệu Mitsubishi của 6 tàu bị sự cố hư hỏng; máy phát điện trên 3 tàu cũng hoạt động không tốt; hầm bảo quản sản phẩm không giữ được lạnh; một số tàu thân vỏ tàu bị gỉ sét. Ngoài ra, có 4/5 tàu cá của ngư dân tiếp nhận từ Cty TNHH Đại Nguyên Dương (Nam Định) đã bị gỉ sét, hư hỏng và xuống cấp trầm trọng.
Ông Trần Văn Phúc, Phó Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho biết: “Hiện nay, Sở đang tổng hợp kết quả kiểm tra chất lượng tàu cá vỏ thép đóng theo NĐ 67/CP, mời chính quyền các địa phương có tàu vỏ thép bị hư hỏng, các chủ tàu, đơn vị đóng tàu và Trung tâm đăng kiểm tàu cá (Tổng cục Thủy sản) cùng tiến hành kiểm tra, làm việc trực tiếp về việc bảo hành, sửa chữa từng trường hợp tàu cá bị hư hỏng, đảm bảo yêu cầu về kỹ thuật theo quy định để ngư dân yên tâm khai thác”.
Doãn Công