Có chuyện độc quyền trong bảo hiểm tàu cá cho ngư dân?

(Dân trí) - Hiện chỉ có 4 doanh nghiệp tham gia bảo hiểm tàu cá là Bảo Việt, Bảo Minh, Pjico và PVI. Đại diện Bộ Tài chính cho biết, các doanh nghiệp tự phân công nhau địa bàn tuy nhiên quyền lợi với khách hàng thì không khác nhau vì các doanh nghiệp đều có chung quy tắc, điều khoản, chung biểu phí.

Ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính
Ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính

Chiều 8/8, Bộ Tài chính tổ chức họp báo chuyên đề về bảo hiểm. Vấn đề được nhiều đại diện báo chí đưa ra đó là có hay không việc độc quyền, hạn chế sự lựa chọn của người dân khi Bộ Tài chính lại phê duyệt 4 doanh nghiệp bảo hiểm tham gia bảo hiểm tàu cá và mỗi công ty phụ trách vài tỉnh?

Về vấn đề này, ông Nguyễn Quang Huyền - Phó Cục trưởng Cục Quản lý, giám sát bảo hiểm, Bộ Tài chính khẳng định, những quy định này căn cứ theo đúng Nghị định 67/2014/NĐ-CP về một số chính sách phát triển thủy sản.

Đại diện Bộ Tài chính đánh giá, bảo hiểm tàu cá có rủi ro lớn bởi giá trị tàu cá cao, có thể lên tới hàng chục tỷ đồng và đặc thù đánh bắt xa bờ. Bởi vậy, cơ quan chức năng đã ban hành tiêu chí tới các doanh nghiệp tham gia bảo hiểm phải đảm bảo năng lực tài chính, có kinh nghiệm, có mạng lưới phục vụ cho ngư dân khi có tổn thất.

Vị này cho biết, trên cơ sở hồ sơ tham gia của các doanh nghiệp, có 4 doanh nghiệp đáp ứng đủ điều kiện là: Tổng Công ty Bảo hiểm Bảo Việt, Tổng Công ty cổ phần Bảo Minh, Tổng Công ty cổ phần bảo hiểm Petrolimex (Pjico) và Tổng công ty Bảo hiểm PVI.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Quang Huyền cho biết, việc phân chia địa bàn không phải do Bộ Tài chính chỉ định. Tổng số tiền trách nhiệm bồi thường đối với bảo hiểm tàu cá đến nay là 12.000 tỷ đồng, theo ông Huyền, không doanh nghiệp nào có thể bảo hiểm với toàn bộ số tiền trách nhiệm nói trên, đó đó, nguyên tắc là phải chia sẻ rủi ro.

Theo đó, các doanh nghiệp tự phân công nhau địa bàn tuy nhiên quyền lợi với khách hàng thì không khác nhau bởi theo khẳng định của ông Huyền thì "các doanh nghiệp đều có chung quy tắc, điều khoản, chung biểu phí nên ngư dân được hưởng quyền lợi như nhau".

Theo số liệu của Bộ Tài chính, tính từ đầu năm 2016 đến nay, thị trường bảo hiểm Việt Nam có 61 doanh nghiệp kinh doanh bảo hiểm. Trong đó, có 29 doanh nghiệp bảo hiểm (DNBH) phi nhân thọ, 1 chi nhánh DNBH phi nhân thọ nước ngoài; 17 DNBH nhân thọ, 2 DN tái bảo hiểm và 12 DN môi giới bảo hiểm.

Tổng doanh thu phí bảo hiểm đạt 38.613 tỷ đồng (tăng 25,92% so với cùng kỳ năm 2015). Tổng giá trị tài sản bảo hiểm ước đạt 218.219 tỷ đồng. Trong 6 tháng đầu năm, các DN đã chi trả quyền lợi bảo hiểm 16.045 tỷ đồng và đầu tư trở lại nền kinh tế là 171.171 tỷ đồng.

Cũng theo Bộ Tài chính, tính đến 30/6/2016 đã có 28/28 tỉnh, thành phố ven biển phát sinh doanh thu phí bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ và bảo hiểm tai nạn thuyền viên, với tổng giá trị bảo hiểm ước đạt 37.412 tỷ đồng. Tổng số lượt tàu tham gia bảo hiểm thân tàu, ngư lưới cụ ước đạt 14.977 tàu; tổng số lượng thuyền viên được bảo hiểm ước đạt 145.960 thuyền viên. Tổng số phí bảo hiểm là 387 tỷ đồng trong khi tổng bồi thường ước đạt 59,8 tỷ đồng.

Bích Diệp