Bình Định:
Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: 2 công ty đóng tàu cam kết sửa chữa, tỉnh vẫn kiến nghị truy tố
(Dân trí) - Lãnh đạo đứng đầu 2 công ty cam kết sẽ chịu toàn bộ chi phí sơn, sửa, thay mới máy tàu cho ngư dân xong trong tháng 8. Tuy nhiên, lãnh đạo tỉnh Bình Định vẫn kiên quyết kiến nghị cơ quan chức năng điều tra, xử lý cơ sở đóng tàu làm ăn gian dối.
Cam kết sửa chữa xong trong tháng 8
Đó là cam kết giữa cơ sở đóng tàu là Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương với 18 ngư dân có tàu bị hư hỏng tại buổi làm việc do Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn tỉnh Bình Định chủ trì diễn ra chiều qua 30/6.
Theo đó, Công ty TNHH MTV Nam Triệu thống nhất với 14 ngư dân kéo tàu lên đà tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan (huyện Hoài Nhơn, Bình Định) để sơn toàn bộ theo đúng quy trình, thay mới toàn bộ 11 máy hiệu Mitsubishi không chính hãng.
Về máy điện, công ty Nam Triệu chấp nhận thay mới máy điện hiệu Mitsubishi và hiệu Cummins, riêng 1 máy hiệu Cummins xuất xứ Trung Quốc nhưng hợp đồng ghi sản xuất tại Singapore, công ty sẽ kiểm tra lại, nếu không đúng như hợp đồng thì sẽ thay mới cho ngư dân. Công ty TNHH MTV Nam Triệu và ngư dân thống nhất phương án khắc phục hầm bảo quản bị hư hỏng là thêm xốp xung quanh và thay đáy hầm; kiểm tra và thay bộ phận đầu dò đã bị hỏng của máy dò cá, nếu máy không hoạt động được sẽ thay máy mới.
Thời gian sửa chữa tàu được chia làm 2 đợt, đợt 1 từ ngày 30/6 - 15/7, đợt 2 từ 15 - 30/8, công ty chịu 100% kinh phí.
Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cũng thống nhất với 4 ngư dân đưa tàu lên đà kiểm tra tổng thể, nếu vỏ thép xuất xứ Trung Quốc đạt cấp loại A thì giữ lại, vị trí nào không đạt cấp loại A thì thay thế bằng thép Hàn Quốc đạt cấp loại A. Công ty thanh toán cho ngư dân giá trị thép chênh lệch và tiến hành làm sạch bề mặt, sơn lại toàn bộ vỏ tàu theo đúng quy trình bảo dưỡng tàu vỏ thép.
Công ty cũng cam kết thay mới 1 máy dò cá bị hỏng và đổi màn hình 1 máy dò cá; sửa chữa toàn bộ hầm bảo quản theo đúng quy chuẩn của Bộ NN&PTNT. Đối với ý kiến của nhiều ngư dân là có 1 máy bảo ôn lắp trong hầm bảo quản của tàu cá là máy Trung Quốc, nhưng hợp đồng ghi là máy của Đức, cả công ty và ngư dân đều thống nhất đề xuất của Sở NN&PTNT là kiểm tra lại máy, nếu đúng thực tế thì công ty tính toán và trả lại phần giá trị chênh lệch máy cho ngư dân.
Công ty TNHH Đại Nguyên Dương chịu toàn bộ chi phí cải hoán mẫu thiết kế tàu cá cho 4 ngư dân đã chuyển từ nghề vây mạn sang mành chụp. Công ty và ngư dân thống nhất thời gian đưa tàu lên đà để sửa chữa từ ngày 20/7-20/8, tại Xí nghiệp đóng tàu Tam Quan hoặc tại Đà Nẵng.
Tỉnh kiến nghị điều tra, xử lý
Nói về hướng giải quyết sắp đến, ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT Bình Định cho hay: “Tôi đề nghị đăng kiểm viên (Trung tâm đăng kiểm tàu cá, Tổng cục thủy sản) có mặt lúc tàu sửa chữa. Tất cả máy, thiết bị… đăng kiểm viên phải kiểm tra và chịu trách nhiệm về chất lượng, thông báo cho ngư dân. Sau khi sửa chữa xong, từng con tàu đăng kiểm sẽ kiểm tra lại và xác nhận đủ điều kiện đi đánh bắt. Nếu đăng kiểm viên không có mặt thì chúng tôi sẽ báo cáo UBND tỉnh và Trung tâm đăng kiểm tàu cá sẽ chịu trách nhiệm. Tôi đề nghị nếu không có đăng kiểm viên, ngư dân cũng không cho sửa chữa tàu”.
Cũng tại cuộc họp, lãnh đạo UBND tỉnh Bình Định cho biết, mặc dù các doanh nghiệp chịu khắc phục sự cố tàu vỏ thép cho ngư dân nhưng UBND tỉnh vẫn kiến nghị Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo Bộ Công an, các cơ quan chức năng, phối hợp với Công an tỉnh Bình Định để điều tra, xử lý, truy cứu trách nhiệm hình sự đối với đơn vị làm ăn gian dối. Bên cạnh đó, kiến nghị Chính phủ chỉ đạo Ngân hàng Nhà nước có biện pháp kéo nợ, giãn nợ cho các ngư dân có tàu cá hư hỏng thời gian qua…
Doãn Công