Bình Định:
Vụ tàu vỏ thép hư hỏng: Công ty dọa phá sản, ngư dân “ngậm đắng” ký thỏa hiệp
(Dân trí) - Trong biên bản nghiệm thu là thép Hàn Quốc nhưng Công ty TNHH Đại Nguyên Dương đóng thép Trung Quốc. Thế nhưng, khi ngư dân yêu cầu thay mới thì công ty cho rằng ngư dân “được voi đòi tiên” họ doạ phá sản nên ngư dân đành nhượng bộ ký thỏa hiệp.
Công ty “dọa” phá sản…
Trong 5 tàu cá vỏ thép do Công ty TNHH Đại Nguyên Dương, hiện phần vỏ tàu, mặt boong, cabin, trang thiết bị trên boong tàu rỉ sét nặng, bong tróc, xuống cấp trầm trọng so với các tàu đóng và hoạt động cùng thời điểm. Trong khi đó, biên bản xác nhận khối lượng thực hiện giữa công ty với 5 chủ tàu là thép Hàn Quốc. Tuy nhiên, công ty lại đóng thép có nguồn gốc xuất xứ thép từ Trung Quốc. Thậm chí, đã thép Trung Quốc nhưng có bộ phận còn không đạt chuẩn thép mác A theo quy chuẩn đóng tàu, dẫn đến tình trạng tàu vỏ thép bị rỉ sét nghiêm trọng.
Chưa dừng lại ở đó, mới đây ngư dân tiếp tục “tố” Công ty TNHH Đại Nguyên Dương lắp máy bảo ôn trong hầm bảo quản thủy sản của tàu không đúng hợp đồng. Ngư dân cho biết, theo hợp đồng máy bảo ôn là máy xuất xứ Đức nhưng công ty tự ý thay thế bằng máy bảo ôn của Trung Quốc.
Về vấn đề này, ông Trần Văn Phúc, Phó giám đốc Sở NN&PTNN Bình Định cho biết sẽ kiểm tra lại và nếu đúng thì công ty phải trả lại tiền chênh lệch cho ngư dân.
Sau nhiều lần vắng mặt tại các buổi họp quan trọng, chiều 30/6, ông Nguyễn Xuân Nguyên, Giám đốc Công ty TNHH Đại Nguyên Dương cũng lộ diện và nói lý do “mất hút” là bởi ông điều trị bệnh hơn 1 tháng, hiện vẫn tiếp tục điều trị. Tuy nhiên, trước sức ép của cơ quan chức năng, ông Nguyên đồng ý và hứa sửa chữa trong thời gian sớm nhất.
Trong khi đó, làm việc với từng chủ tàu để thống nhất việc khắc phục các sự cố tàu hỏng hóc, ông Nguyên lại thể hiện thái độ khác. Song lo ngại, nếu thay thép mới hoàn toàn sẽ kéo dài thời gian cả 1 năm ảnh hưởng đến vươn khơi nên ngư dân chấp nhận phương án chỗ nào thay thép Trung Quốc thì giữ lại chỗ nào không đạt mác A thì thay thế.
Về phần hầm bảo quản thủy sản, có ngư dân yêu cầu sửa chữa làm mới, giám đốc Đại Nguyên Dương, phản ứng: “Cái gì cũng phải hợp tình hợp tâm, các ông đừng đòi hỏi quá. Cùng lắm tôi căn cứ vào hợp đồng, vào pháp luật tôi làm. Các ông làm vậy, tôi có bán cả nhà, có phá xí nghiệp của tôi... ”- ông Nguyên lên giọng với ngư dân.
Khi phóng viên gặp trực tiếp đề cập những vấn đề liên quan thì ông Nguyên từ chối trả lời: “Thông tin trực tiếp trong cuộc họp rồi tôi không nói gì thêm nữa. Cả tháng nay đăng tải về chúng tôi rất nhiều rồi, tôi đang rất cảm ơn!” - ông Nguyên nói.
…ngư dân “ngậm đắng” ký thỏa hiệp
Sau nhiều lần vắng mặt, chiều 30/6, 18 ngư dân có tàu vỏ thép hư hỏng và đại diện lãnh đạo 2 cơ sở đóng tàu sai phạm đã đi đến cam kết. Theo đó, Công ty TNHH MTV Nam Triệu và Công ty TNHH Đại Nguyên Dương phải chịu 100% phí khắc phục, sữa chữa lại con tàu hư hỏng. Thế nhưng, trên gương mặt từng ngư dân vẫn thể hiện sự lo lắng, căng thẳng. Trước khi ký vào bản cam kết, các ngư dân đọc kỹ, rà soát từng mục xem hư chỗ nào, thay cái gì, có đúng hợp đồng không…
Ngư dân không lo lắng, không xem kỹ sao được, bởi mỗi con tàu vỏ thép trị giá hơn 15 tỷ đồng mà họ tin tưởng vào đơn vị đóng tàu. Thế nhưng, giờ đây tàu bị rỉ sét, hư hỏng nghiêm trọng phải nằm bờ, trong khi nợ ngân hàng đang đè đầu đè cổ.
Đối chiếu giữa chứng thư thẩm định giá với biên bản cam kết sửa chữa, ngư dân Đinh Công Khánh, chủ tàu BĐ 99086 TS (trú huyện Phù Cát, Bình Định) do dự không muốn ký dẫu biết rằng “bút sa gà chết”, nhưng ông Khánh đành chấp nhận ký.
“Giờ không muốn ký cũng phải ký thôi, chứ kéo dài mãi ngư dân chỉ thêm mệt mỏi, khổ sở thêm. Con tàu cả gần 20 tỷ đồng, khi bị hư hỏng tui phải bán cả tàu vỏ gỗ để tập trung vào sửa tàu vỏ thép nên chẳng ngư dân nào muốn để tàu nằm bờ. Ngư dân tụi tui quen sóng, gió rồi nên chỉ muốn công ty sớm khắc phục để ra khơi lấy tiền mà trả nợ ngân hàng”- ông Khánh thở dài.
Còn ngư dân Trần Minh Vương (ở xã Cát Tiến, huyện Phù Cát, Bình Định), chủ tàu cá vỏ thép BĐ 99027 TS, ấm ức: “Biết thay thế kiểu chắp vá cũng chẳng được bao lâu nhưng nếu giờ thay thép mới toàn bộ thì chắc mất cả năm trời. Tàu tiếp tục nằm bờ, lãi mẹ đẻ lãi con, lấy gì trả. Hơn nữa, công ty còn nói sẽ phá sản nếu ngư dân đòi hỏi quá. Nếu họ phá sản thật thì ai sửa tàu cho ngư dân nên đành chấp nhận ký vào bản cam kết. Còn việc kiện cáo, nói thật ngư dân cũng chẳng muốn đâu! Ngư dân chúng tôi chỉ muốn có con tàu đảm bảo để yên tâm đánh bắt trên biển. Lỗi là do công ty làm ăn gian dối”.
Đăng kiểm viên phải có mặt khi công ty sửa tàu
Ông Phan Trọng Hổ, Giám đốc Sở NN&PTNT tỉnh Bình Định đề nghị hai công ty đóng tàu phải có phương án sửa chữa, khắc phục trước khi sửa chữa. Nếu như chưa có phương án sửa chữa mà chủ tàu nào để công ty sửa chữa thì chủ tàu đó phải chịu trách nhiệm. Đồng thời, Sở NN&PTNT tỉnh sẽ giám sát chặt chẽ quá trình sửa chữa tàu vỏ thép của hai công ty này.
“Đăng kiểm viên phải có mặt trong thời gian hai công ty sửa chữa và khi sửa xong phải có văn bản xác nhận tàu đủ điều kiện ra khơi. Nếu không có đăng kiểm viên thì Trung tâm đăng kiểm tàu cá của Bộ Nông nghiệp phải chịu trách nhiệm”- ông Hổ cho hay.
Doãn Công