1. Dòng sự kiện:
  2. Hàng giá rẻ Trung Quốc đổ bộ

Bình Định:

Nhiều tàu thép đánh bắt thua lỗ, ngư dân lo gánh nợ ngân hàng

(Dân trí) - Nhiều tàu vỏ thép ngư dân Bình Định đầu tư đóng mới hơn chục tỷ đồng, thế nhưng nhiều tàu liên tiếp bị lỗ sau mỗi chuyến vươn khơi khai thác thủy sản. Hiện các chủ tàu đang lo sốt vó với khoản vay nợ ngân hàng để đóng tàu.

Theo Phòng Kinh tế TP Quy Nhơn (Bình Định), nhiều chủ tàu vỏ thép đóng theo Nghị định 67/CP tham gia đánh bắt trên biển bị thua lỗ và đang gặp nhiều khó khăn. Ngoài lỗ vốn trong mỗi chuyến biển, các ngư dân còn gặp khó khăn trong việc tìm chỗ neo đậu tàu, mua bảo hiểm cho tàu cá...

Nhiều tàu vỏ thép, composite vươn khơi bị thua lỗ nặng khiến ngư dân đang gặp khó
Nhiều tàu vỏ thép, composite vươn khơi bị thua lỗ nặng khiến ngư dân đang gặp khó

Chỉ riêng TP Quy Nhơn, trong số 27 ngư dân được UBND tỉnh Bình Định phê duyệt đóng tàu cá mới có 5 ngư dân đã nộp đơn xin không tham gia. Đặc biệt, trong 10 trường hợp hoàn thành việc đóng tàu và ngư dân đã vươn khơi khai thác thủy sản từ 1-6 chuyến biển. Thế nhưng, một thực tế đáng buồn là nhiều tàu cá này bị thua lỗ nặng, có tàu lỗ tổn hơn 100 triệu đồng/chuyến biển.

Tàu vỏ thép của ông Trương Hoài Khánh (trú phường Đống Đa, TP Quy Nhơn, Bình Định) vươn khai khai thác thủy sản được 3 chuyến biển, nhưng lỗ tổn hết 215 triệu đồng. Một trường hợp khác, tàu cá ông Nguyễn Đậu (phường Hải Cảng, TP Quy Nhơn) hành nghề lưới vây cá ngừ đại dương trong 2 chuyến biển gần nhất đều lỗ tổn với tổng số tiền là 250 triệu đồng.

Ông Trương Hoài Khánh, cho biết: “Chuyến biển đầu tiên tàu khai thác được 18 tấn cá bán được 190 triệu đồng đủ tổn. Chuyến thứ 2 tàu khai thác được 8,5 tấn cá bán được 110 triệu đồng, lỗ tổn 90 triệu đồng; chuyến thứ 3 chỉ được 3,5 tấn bán được 60 triệu đồng, lỗ tổn 135 triệu đồng”.

Theo ông Nguyễn Việt Hằng, chủ tàu vỏ thép BĐ 99009 TS, công suất 880 CV với tổng số vốn 18 tỷ đồng hành nghề lưới vây câu cá ngừ đại dương, tàu khai thác chuyến biển thứ 6 vào bờ từ 15/11/2016 được 2 tấn cá bán được 20 triệu đồng lỗ 200 triệu đồng. “Vốn đóng tàu rất lớn, dù Nhà nước hỗ trợ chính sách, ngân hàng cho vay vốn. Thời hạn trả trong 11 năm (sau 1 năm ân hạn), bắt đầu phải trả vốn và lãi, mỗi quý là 425 triệu đồng, nhưng với tình hình khai thác thua lỗ như hiện nay, bạn đi tàu khó tìm thì không biết sẽ trả ngân hàng ra sao” - ngư dân Hằng lo lắng.

Hiện các chủ tàu vỏ thép, composite đang rất lo lắng vì số tiền vay ngân hàng đóng tàu lớn. Trong khi đó, nghề biển nhiều rủi ro, sản lượng thủy sản sụt giảm.

Các tàu vỏ thép hiện đang khó khăn trong việc tìm nơi neo đậu
Các tàu vỏ thép hiện đang khó khăn trong việc tìm nơi neo đậu

Theo quy định của Nghị định 67/CP, chủ tàu được hỗ trợ 90% chi phí bảo hiểm, nhưng Công ty bảo hiểm Pjico thông tin là đang chờ hướng dẫn cụ thể của Bộ Tài chính và Bộ NN-PTNT nên đối với những tàu cá đã hết hạn bảo hiểm, nếu tiếp tục mua bảo hiểm thì trước mắt chủ tàu phải nộp 100% phí mua bảo hiểm (khoảng 120 triệu đồng/tàu), khi có hướng dẫn, công ty sẽ hoàn trả lại sau.

Doãn Công

Thông tin doanh nghiệp - sản phẩm