Nổi bật tuần qua: Cô gái suýt giẫm vào rắn hổ mang trước nhà mà không biết
(Dân trí) - Đoạn video ghi lại khoảnh khắc cô gái suýt giẫm trúng con rắn hổ mang cực độc ngay trước hiên nhà, là một trong những clip nổi bật về động vật tuần qua.

Cô gái suýt giẫm trúng rắn hổ mang trước cửa nhà mà không hay biết
Tình huống thót tim được camera giám sát ghi lại tại một ngôi nhà ở Bangkok, Thái Lan, cho thấy cô gái không chỉ một, mà đến 2 lần, suýt giẫm trúng con rắn hổ mang cực độc đang bò trước hiên nhà mà không nhận ra.
Con rắn sau đó trườn vào bên trong nhà và chỉ đến khi cô gái mở cửa, cô mới giật mình phát hiện con vật. Cô gái lập tức khóa cửa và gọi điện cho lực lượng cứu hộ nhờ giúp đỡ.
Các chuyên gia đã khống chế và mang con rắn ra khỏi nhà cô gái. Họ cho biết cô gái đã rất may mắn khi không bị con rắn độc cắn trúng trong tình huống này.
Cô gái suýt giẫm trúng rắn hổ mang trước cửa nhà mà không hay biết (Video: Newsflare).
Gấu lợn mẹ chống trả hổ dữ để bảo vệ con non
Cuộc chạm trán giữa một con hổ Bengal và gấu lợn được ghi lại tại Khu bảo tồn hổ Tadoba Andhari, Ấn Độ. Cuộc đụng độ xảy ra khi gấu lợn mẹ đang dẫn con mình ra hồ để uống nước, vô tình bắt gặp hổ Bengal đang nằm nghỉ tại đây.
Dường như muốn độc chiếm hồ nước, hổ Bengal đã chủ động tấn công không cho 2 mẹ con gấu tiếp cận hồ. Thậm chí, hổ còn muốn giết chết để biến gấu thành bữa ăn của mình. Tuy nhiên, hổ đã không ngờ rằng mình đã gặp phải một đối thủ “khó xơi".
Dù lép vế so với hổ về kích thước lẫn sức mạnh, nhưng dường như tình mẫu tử và quyết tâm bảo vệ con non đã giúp gấu mẹ có thêm động lực khi chiến đấu. Có thời điểm, gấu đã bị hổ đè chặt xuống đất, nhưng gấu vẫn cho thấy sự quyết tâm, vùng dậy để tấn công ngược lại hổ.
Trong khi gấu mẹ càng chiến đấu càng hăng, liên tục sử dụng móng vuốt để tung ra những cú vả nhằm về phía đối thủ, thì hổ càng lúc càng xuống sức và không còn thể hiện được sức mạnh lấn lướt như ban đầu.
Cuối cùng, hổ chấp nhận rút lui quay trở về phía hồ nước để tiếp tục nghỉ ngơi, còn gấu lợn mẹ cũng dẫn con quay trở lại rừng.
Các nhân chứng cho biết cuộc chiến kéo dài trong khoảng 30 phút. Hổ hầu như không bị thương sau khi cuộc chiến kết thúc, còn gấu lợn mẹ chịu nhiều vết thương hơn. Cuộc chiến diễn ra trước sự chứng kiến của gấu con, tuy nhiên, do gấu con vẫn còn quá nhỏ nên chỉ có thể đứng ngoài để cổ vũ cho mẹ của mình, mà không thể trực tiếp tham chiến.
Gấu lợn mẹ chống trả hổ dữ để bảo vệ con non (Video: NDTV).
Bồ câu suýt chết khi cướp nhầm tổ của chim cắt lớn
Bồ câu là loài chim làm tổ vụng về, do vậy đôi khi chúng cướp tổ của những loài chim khác để chuẩn bị cho quá trình sinh nở. Trong tình huống dưới đây, bồ câu đã cướp nhầm tổ của chim cắt lớn, một trong những loài chim săn mồi đáng sợ nhất trên bầu trời.
Dường như chim cắt lớn cũng rất bất ngờ khi phát hiện bồ câu trong tổ của mình. Bên cạnh đó, chim cắt chỉ có thể phát huy thế mạnh săn mồi khi đang bay trên trời, do vậy, chim cắt chỉ xua đuổi bồ câu ra khỏi tổ.
Bồ câu suýt chết khi cướp nhầm tổ của chim cắt lớn (Video: X).
Đang nằm nghỉ, sư tử hốt hoảng khi voi tiến đến gần
Một khoảnh khắc thú vị trong thế giới tự nhiên đã được camera giám sát ghi lại tại Khu Bảo tồn Thiên nhiên Balule, Nam Phi: "Chúa tể thảo nguyên" phải e dè tháo lui trước một con voi trưởng thành.
Trong đoạn ghi hình, sư tử cái đang nằm dài bên hồ nước, thư giãn dưới ánh nắng sớm. Bất ngờ, một con voi xuất hiện và tiến lại gần để uống nước. Nhận thấy đối thủ vượt trội cả về kích thước lẫn sức mạnh, sư tử lập tức tỏ ra cảnh giác, tìm cách né tránh sau giếng nước.
Voi ban đầu có chút bất ngờ khi phát hiện sư tử, nhưng nhanh chóng lấy lại bình tĩnh và tiếp cận hồ. Bất ngờ, voi dùng vòi hất nước về phía sư tử như một hành động "đuổi khách". Biết mình không được chào đón, sư tử nhanh chóng bỏ chạy.
Không có cuộc đụng độ nào xảy ra, nhưng con voi tiếp tục rống lên và đuổi theo sư tử với thái độ hung hăng, như để khẳng định chủ quyền. Tình huống cho thấy, ngay cả những "chúa tể" cũng phải chùn bước trước những cư dân lớn nhất trên thảo nguyên châu Phi.
Đang nằm nghỉ, sư tử hốt hoảng khi voi tiến đến gần (Video: Kruger).
Đùa giỡn với hổ mang cực độc, chuyên gia bắt rắn trả giá bằng cả mạng sống
Deepak Mahawar, 42 tuổi, là một chuyên gia bắt rắn nổi tiếng tại thị trấn Raghogarh -Vijaypur, Ấn Độ. Ông thường được người dân địa phương liên hệ để nhờ giúp đỡ khi họ phát hiện rắn bò vào nhà.
Mới đây, ông Deepak được người dân nhờ xử lý một con rắn hổ mang xuất hiện tại khu dân cư. Sau khi xử lý con rắn độc, thay vì nhốt con vật vào trong túi đựng, ông Deepak lại quấn con rắn quanh cổ mình để đùa giỡn và thu hút sự chú ý của người đi đường.
Đoạn video do các nhân chứng ghi lại cho thấy con rắn liên tục phình mang đầy đe dọa, nhưng ông Deepak lại không hề sợ hãi. Tuy nhiên, trong khi đang chạy xe máy về nhà, ông Deepak đã bị con rắn độc cắn vào tay.
Dù được mang đến bệnh viện để chữa trị, ông Deepak đã phải mất mạng vì sự chủ quan của mình.
Đùa giỡn với hổ mang cực độc, chuyên gia bắt rắn trả giá bằng cả mạng sống (Video: X).
Gấu nâu cho thấy khả năng bắt cá thượng hạng
Dù sở hữu thân hình to lớn và có phần hậu đậu, gấu nâu lại khiến nhiều người phải thán phục với khả năng bắt cá siêu hạng của mình.
Gấu nâu cho thấy khả năng bắt cá thượng hạng (Video: Instagram).
Trăn đá châu Phi nuốt trọn linh dương cỡ lớn
Trăn và rắn đều là những loài động vật nuốt sống con mồi, thay vì xé nhỏ bữa ăn để từ từ thưởng thức. Việc nuốt sống toàn bộ con mồi giúp các loài trăn, rắn tiêu hóa thức ăn lâu hơn, cho phép chúng nghỉ ngơi và không cần phải đi săn trong nhiều ngày.
Hầu hết các loài trăn đều có xương hàm dưới với khả năng tách rời, thay vì cố định và dính chặt vào nhau, để mở rộng miệng và nuốt con mồi cỡ lớn. Ngoài ra, xương sọ của trăn cũng có tính linh hoạt cao, giúp nuốt được con mồi to lớn hơn nhiều so với kích thước đầu của mình.
Những loài trăn cỡ lớn như trăn gấm, trăn lưới, trăn anaconda hay trăn đá châu Phi… có thể ăn thịt những loài động vật cỡ lớn như nai, hươu, linh dương, lợn rừng hay thậm chí là con người.
Đoạn video dưới đây cho thấy khoảnh khắc một con trăn đá châu Phi nuốt trọn con linh dương cỡ lớn khiến nhiều người phải kinh ngạc vì khả năng đáng sợ của loài trăn.
Trăn đá châu Phi nuốt trọn linh dương cỡ lớn (Video: Barcroft).
Sư tử đực định tấn công hươu cao cổ để ăn thịt và cái kết
Khi thấy hươu cao cổ đang cúi xuống để uống nước, sư tử đã nhanh chóng lao đến với dự định tấn công để ăn thịt. Tuy nhiên, khi hươu cao cổ đứng thẳng dậy để bỏ chạy, lúc này sư tử mới nhận ra kích thước thật của hươu và từ bỏ luôn ý định tấn công con mồi.
Sư tử đực định tấn công hươu cao cổ để ăn thịt và cái kết (Video: X).
Cuộc chiến tay ba giữa trăn, lửng mật và chó rừng
Đoạn video được ghi lại tại Vườn Quốc gia Chobe, Botswana, cho thấy cuộc chiến sống còn đầy gay cấn giữa một con lửng mật và trăn đá châu Phi đang diễn ra.
Trong khi trăn đá châu Phi đang sử dụng sức mạnh để quấn chặt lửng mật để ăn thịt, lửng đã tìm mọi cách để thoát ra nhưng bất thành. Tưởng chừng như trăn đá đã có được một bữa ăn ngon lành, thì một "vị khách không mời" đã bất ngờ xuất hiện.
Một con chó rừng lưng đen ở gần đó đã chạy đến để can thiệp vào giữa cuộc chiến và bất ngờ tấn công con trăn đá. Mải đối phó với chó rừng, trăn đá đã phải nới lỏng vòng siết của mình, tạo cơ hội để lửng mật có thể vùng dậy và thoát ra.
Từ chỗ kẻ đi săn, trăn đá bất ngờ thay đổi vị thế trở thành con mồi, khi chó rừng và lửng mật đã có màn "hợp tác" để cùng tấn công và giết chết con trăn.
Bị tấn công bất ngờ từ cả 2 phía, trăn đá châu Phi đã không thể trụ được lâu và sớm thiệt mạng.
Sau khi hạ gục con trăn, lửng mật và chó rừng lưng đen đã có màn kéo co để giành giật bữa ăn về phía mình. Cuối cùng, nhờ vào sự lì đòn, lửng mật đã giành được xác của con trăn.
Cuộc chiến tay ba giữa trăn, lửng mật và chó rừng (Video: Carters).