Loài rắn lục có răng nanh dài và độc nhất được phân bố tại Việt Nam
(Dân trí) - Không chỉ sở hữu nọc độc nguy hiểm, loài rắn độc này còn có cặp răng nanh sắc nhọn dùng để tiêm nọc độc, gây ra vết cắn đau đớn cho nạn nhân. Đây cũng là loài rắn lục độc nhất tại Việt Nam.

Loài rắn độc sở hữu cặp răng nanh dài, sắc nhọn
Loài rắn được đề cập ở trên là rắn lục mũi hếch, còn có tên gọi rắn trăm bước, nhằm ám chỉ độ độc của loài rắn này chỉ cho phép nạn nhân đi thêm 100 bước trước khi tử vong.
Rắn lục mũi hếch, có tên khoa học Deinagkistrodon acutus, là một loài rắn độc thuộc họ rắn lục, được phân bố tại miền Nam Trung Quốc, Lào, Đài Loan (Trung Quốc), và một số tỉnh miền Bắc Việt Nam.
Tại Việt Nam, rắn lục mũi hếch được tìm thấy ở các tỉnh miền núi phía Bắc như Lào Cai, Hà Giang, Yên Bái, Tam Đảo (Vĩnh Phúc)…

Một cá thể rắn lục mũi hếch với phần vảy ở trước mũi nhô cao (Ảnh: Phạm Minh Hiếu).
Tên gọi của rắn lục mũi hếch bắt nguồn từ chiếc mũi đặc trưng của loài rắn này, với một phần vảy nhô lên cao giống chiếc mũi hếch. Loài rắn này có đầu hình tam giác, phân biệt rõ với cổ, phần thân hình trụ tròn và lớn, đuôi ngắn.
Ngoài phần mũi hếch, loài rắn này còn dễ nhận dạng nhờ phần vảy với hoa văn hình tam giác màu đen nằm đối xứng nhau kéo dài dọc theo cơ thể. Phần sống lưng của rắn có hàng vảy cứng nhô cao, giống như một hàng gai nhỏ.
Rắn lục mũi hếch là loài rắn lục lớn nhất được phân bố tại Việt Nam, với chiều dài cơ thể từ 0,8 đến hơn 1,2m, đôi khi có thể dài đến hơn 1,5m. Rắn có cân nặng từ 1 đến 4kg, có thể nặng đến 6kg trong môi trường tự nhiên, nhưng hiếm gặp.

Rắn lục mũi hếch với hoa văn hình tam giác dễ nhận dạng trên cơ thể (Ảnh: Janus Olajuan Boediman).
Ngoài kích thước lớn, rắn lục mũi hếch còn sở hữu cặp răng nanh dài và sắc nhọn. Đây là loài rắn độc có răng nanh dài nhất được phân bố tại Việt Nam, có thể dài từ 2 đến 3cm. Cặp răng nanh của rắn lục mũi hếch có thể gập vào phía trong hàm khi ngậm miệng lại và chỉ bung ra khi rắn tung cú cắn để săn mồi hoặc tự vệ.

Cận cảnh cặp răng nanh dài và nhọn của rắn lục mũi hếch (Ảnh: Immortal VN).
Rắn lục mũi hếch sống ở những vùng rừng núi cao, gần sông suối và nguồn nước. Đôi khi cũng bắt gặp loài rắn này trong các nương rẫy, ở độ cao từ 200 đến 1.400m. Chúng thường nằm trên những đống lá khô hoặc những tảng đá lớn.
Đây là loài rắn hoạt động về đêm và lúc chạng vạng. Chúng không đi săn mà thường cuộn người nằm một chỗ để phục kích và săn mồi. Phía trước mũi của rắn lục mũi hếch có những hố cảm biến nhiệt, giúp chúng có thể phát hiện được con mồi trong đêm tối nhờ thân nhiệt.

Ảnh hộp sọ cho thấy rắn lục mũi hếch có thể xếp răng nanh lại và chỉ bung ra khi cắn (Ảnh: Nguyễn Minh Phú).
Thức ăn của rắn lục mũi hếch bao gồm các loài động vật nhỏ như chim, gặm nhấm, thằn lằn, ếch, cóc… Rắn lục mũi hếch có vai trò kiểm soát số lượng các loài động vật gây hại cho mùa màng và nông nghiệp như chuột.
Rắn lục mũi hếch độc đến mức nào?
Giống như phần lớn các loài khác thuộc họ rắn lục, rắn lục mũi hếch không tìm cách lẩn trốn khi đụng độ với con người, thay vào đó chúng nằm yên tại chỗ và sẵn sàng ở tư thế tự vệ nếu phát hiện con người đến gần.
Màu sắc họa tiết trên cơ thể giúp rắn lục mũi hếch có khả năng ngụy trang rất tốt. Loài rắn này vẫn sẽ nằm yên khi con người đến gần, dẫn đến nguy cơ con người bị rắn tấn công khi họ vô tình giẫm trúng hoặc khi rắn cảm thấy bị đe dọa.

Màu sắc cơ thể giúp rắn lục mũi hếch ngụy trang rất tốt (Ảnh: iNaturalist).
Rắn lục mũi hếch không chỉ là loài rắn lục lớn nhất, mà còn là loài rắn lục độc nhất được phân bố tại Việt Nam. Đáng chú ý, lượng nọc độc tiết ra trong một cú cắn của loài rắn này tỷ lệ thuận với kích thước cơ thể của chúng.
Theo anh Phạm Minh Hiếu, chuyên gia bò sát và chủ kênh YouTube "Sứ giả rừng xanh", mỗi 1kg cân nặng của rắn lục mũi hếch có thể tiết ra 1ml nọc độc. Như vậy, nếu một cá thể rắn lục mũi hếch đạt cân nặng tối đa 6kg có thể tiết ra lượng nọc độc từ 5 đến 6ml cho một lần cắn, dẫn đến khả năng tử vong rất cao cho người bị cắn.

Cận cảnh phần đầu của rắn lục mũi hếch (Ảnh: Liu Rui Wei).
Rắn lục mũi hếch sở hữu loại độc tố máu, có khả năng gây xuất huyết mạnh tại vết cắn. Cặp răng nanh dài và nhọn của rắn lục mũi hếch giúp chúng có thể tiêm một lượng nọc độc lớn vào nạn nhân.
Các triệu chứng khi bị loài rắn này cắn là đau nghiêm trọng tại vết cắn, chảy máu nhiều, sau đó là sưng tấy tại vết cắn, loét vết thương và hoại tử.
Cận cảnh một cá thể rắn lục mũi hếch cỡ lớn (Video: THEonionsack).
Tỷ lệ tử vong khi bị rắn lục mũi hếch cắn rất cao do loài rắn này tiết ra lượng nọc độc lớn. Đáng chú ý, do số trường hợp bị rắn lục mũi hếch cắn không nhiều nên tại Việt Nam hiện chưa có huyết thanh để chữa trị vết cắn do loài này gây ra. Khi bị rắn lục mũi hếch cắn, cần phải lập tức đưa nạn nhân đến bệnh viện và các bác sĩ sẽ điều trị dựa theo triệu chứng.
Do rắn lục mũi hếch thường sống trên những vùng núi cao và rừng rậm, những khu vực khó tiếp cận được bệnh viện một cách kịp thời nên nạn nhân khi bị loài rắn này cắn sẽ rất nguy hiểm.
Rắn lục mũi hếch là loài rắn độc nguy hiểm với những đặc điểm dễ nhận dạng, do vậy nếu bắt gặp loài rắn này, hãy tránh xa chúng, không tìm cách bắt giữ để đề phòng tai nạn có thể xảy ra.
Nếu rắn bò vào nơi sinh sống hoặc khu vực canh tác nông nghiệp, có thể nhờ những người có kinh nghiệm để xử lý rắn hoặc tìm cách tiêu diệt con vật để đảm bảo an toàn.