Cuộc đua vào không gian: Quốc gia tiên phong đang bị bỏ lại phía sau
(Dân trí) - Sứ mệnh Luna 25 đánh dấu sự trở lại của Nga trong cuộc đua chinh phục Mặt Trăng ở thế kỷ này. Đất nước xứ sở bạch dương liệu có lấy lại hào quang vũ trụ thời Xô Viết?
Thất bại trong sứ mệnh Luna 25 vào ngày 19/8 giống như một sự từ chối đối với toàn bộ chương trình không gian của Moscow, sau nhiều năm phát triển và hàng tỷ rúp bị nuốt chửng.
Không phải ngẫu nhiên mà một số siêu cường vũ trụ lại quan tâm đến Mặt Trăng, họ đều có lý do và tham vọng của mình. Các nhà khoa học quan sát thấy nước đóng băng trong các miệng hố ở vùng nam cực của hành tinh này.
Theo kế hoạch từ Luna 25, tàu thăm dò Nga sẽ lấy và phân tích các mẫu đất này sau khi hạ cánh.
Nước Nga tiên phong rồi bị bỏ lại phía sau
Trong cuộc đua thám hiểm Mặt Trăng, Liên Xô (ngày nay là Nga kế nhiệm) đã giành được một số chiến thắng lớn. Ngay từ năm 1959, chương trình Luna giúp Liên Xô thực hiện được chuyến bay đầu tiên quanh Mặt Trăng.
Song sự vượt trội của Liên Xô chỉ tồn tại trong thời gian ngắn, không giống như Hoa Kỳ, quốc gia này chưa bao giờ thành công trong việc đưa người lên Mặt Trăng, chỉ có một số tàu thăm dò thành công đưa các mẫu đất từ hành tinh này về Trái Đất. Sự tan rã của khối Xô Viết vào năm 1991 khiến việc khám phá Mặt Trăng bị lùi lại.
Tiền thân sứ mệnh Luna 25 của Nga là Luna-24, được phóng vào năm 1976, giúp các nhà khoa học Liên Xô trở thành người đầu tiên, minh chứng regolith, lớp bụi mỏng tạo ra do tác động của các thiên thạch bao phủ bề mặt Mặt Trăng, có chứa nước.
Kể từ năm 1991, mọi nỗ lực của Moscow nhằm tiếp cận các hành tinh đều thất bại, điển hình như sứ mệnh Mars-96 và Phobos-Grunt.
Người Nga trở lại cuộc đua khám phá Mặt Trăng trong thế kỷ này bằng sứ mệnh Luna 25. Trong mắt Điện Kremlin, nó đặc biệt quan trọng, như một cách thể hiện rằng quốc gia vẫn có các hoạt động khác ngoài cuộc xung đột với Ukraine và bất chấp các lệnh trừng phạt của phương Tây.
Đáng tiếc thay, cỗ máy nặng 800kg từ sứ mệnh Luna 25 bị rơi trong quá trình hạ cánh lên Mặt Trăng. Cơ quan Vũ trụ Nga Roscosmos, cho biết: "Tàu thăm dò đã bị phá hủy sau khi va chạm với bề mặt Mặt Trăng. Những nỗ lực tìm kiếm và liên hệ với thiết bị đều không mang lại kết quả".
Sự biến mất của tàu đổ bộ Nga tạm dập tắt ánh hào quang vũ trụ thời Xô Viết. Chắc chắn, Nga vẫn giữ được những kỹ năng đáng kể trong các lĩnh vực liên quan như phóng vệ tinh vào không gian hay đưa các phi hành gia, tiếp tế hàng hóa đến Trạm Vũ trụ Quốc tế (ISS). Nhưng việc khôi phục lại cuộc đối đầu với Hoa Kỳ từ thời Chiến tranh Lạnh đang trở nên khó khăn hơn.
Về phía Nga, quốc gia đã thành lập một ủy ban chịu trách nhiệm điều tra, nhằm làm sáng tỏ thất bại sứ mệnh Luna-25, điều này dẫn đến nhiều nghi vấn về hoạt động của các chương trình không gian nước này.
Cuộc xung đột với Ukraine khiến quốc gia xứ sở bạch dương chịu nhiều áp lực, trong đó có các vấn đề liên quan đến ngoại giao và công nghệ vũ trụ. Điển hình như Cơ quan Vũ trụ châu Âu đã từ bỏ hợp tác với Moscow trong vụ phóng Luna-25, cũng như các sứ mệnh tương lai Luna-26 và 27.
Sự thật vẫn là sự thất bại của sứ mệnh, Luna 25 đã phóng muộn 11 năm sau so với kế hoạch ban đầu, phần nào làm sáng tỏ tình trạng các chương trình không gian của Nga.
Cuộc đua vòng quanh Nam Cực của Mặt Trăng
Vùng Nam Cực của Mặt Trăng là tâm điểm, thu hút sự quan tâm trở lại của các cơ quan vũ trụ trên thế giới. Trong bóng tối vĩnh viễn từ các miệng hố va chạm trên hành tinh này, ẩn giấu băng có thể được sử dụng cho các sứ mệnh dài hạn, đồng thời phục vụ cho các nhà khoa học nghiên cứu.
Mới đây, Ấn Độ đã đạt được bước đi lịch sử của mình, nước này trở thành quốc gia đầu tiên trên thế giới thành công đưa tàu đổ bộ xuống cực nam của hành tinh này, ghi tên mình vào danh sách các cường quốc chinh phục Mặt Trăng mà Nga hiện đã bỏ lỡ, sau gần 50 năm.
Với Luna 25, một sứ mệnh ban đầu được lên kế hoạch vào năm 2012, sau đó hoãn đến năm 2016, nó đã được phóng đi trong năm nay. Nga hy vọng trở thành quốc gia đầu tiên hạ cánh một chiếc tàu thủ công ở khu vực này. Song điều đó đã không trở thành hiện thực.
Trong khi, ngày 7/9, Nhật Bản cũng đã phóng thành công tàu đổ bộ Thông minh Điều tra Mặt Trăng (SLIM) cùng kính viễn vọng không gian XRISM. Theo kế hoạch thời gian đổ bộ của tàu SLIM dự kiến sẽ diễn ra trong khoảng 4-6 tháng kể từ thời điểm phóng.
Đối với Washington, đối thủ hiện là Trung Quốc, đã thành công trong việc đưa hai tàu thăm dò lên Mặt Trăng, khoảng thời gian năm 2019-2020.
Song mọi sự quan tâm từ cuộc đua đổ dồn vào chương trình Artemis của Cơ quan Hàng không và Vũ trụ Mỹ (NASA), mục tiêu cuối cùng của nó chính là xây dựng trạm vũ trụ nhỏ quay xung quanh quỹ đạo của hành tinh và một căn cứ trên Mặt Trăng, từ đây làm bàn đạp để ghi dấu chân người Mỹ trên sao Hỏa.
Bàn đạp hướng tới sao Hỏa
Chương trình Artemis được triển khai thành nhiều sứ mệnh bao gồm Artemis I, II và III. Đối với Artemis I, đây là một chuyến bay không có người lái, mang theo tàu vũ trụ Orion bay đến cách Mặt Trăng khoảng 64.000km, sau đó quay trở lại Trái Đất. Mục tiêu của nó chính là đảm bảo Orion có khả năng an toàn hồi hương, hoạt động tốt. Và sứ mệnh này đã diễn ra thành công.
Trong khi Artemis II, dự kiến sẽ diễn ra vào năm 2024, sứ mệnh lần này giống như Artemis I, nó chỉ khác là tàu Orion sẽ chở theo phi hành đoàn. Và đích cuối cùng là Artemis III, kế hoạch sớm nhất là năm 2025, các nhà du hành sẽ lên tàu và hạ cánh xuống Cực Nam của Mặt Trăng.
Để đáp xuống Mặt Trăng trong sứ mệnh Artemis III, NASA đã chọn tên lửa Starship, một cỗ máy khổng lồ được phát triển bởi SpaceX, công ty của tỷ phú Elon Musk. Nó đủ mạnh cho phép các phi hành gia di chuyển giữa vùng ngoại ô gần Mặt Trăng và bề mặt của nó.
Starship vẫn đang ở giai đoạn thử nghiệm, lần phóng đầu tiên đã thất bại. Đến thời điểm hiện tại, cỗ máy này đã sẵn sàng cho lần phóng thử nghiệm thứ hai.
Tuy nhiên SpaceX đang chờ đợi giấy phép phóng từ Cục Hàng không Liên bang Mỹ (FAA), sau khi điều tra, cơ quan này đã yêu cầu SpaceX khắc phục một số tiêu chuẩn an toàn của hệ thống phóng.
Trên hết, việc trở lại Mặt Trăng chỉ là giai đoạn chuẩn bị cho những hành trình xa hơn. Giám đốc điều hành NASA, Bill Nelson, tuyên bố vào tháng 12/2021: "Chúng tôi đang quay trở lại Mặt Trăng và sẽ tới sao Hỏa".
Mặt Trăng sẽ trở thành điểm dừng chân cho các sứ mệnh tới hành tinh Đỏ, nó giống như một "trạm dịch vụ" trước khi bắt đầu những hành trình dài.
Nước ở dạng băng được phát hiện trên Mặt Trăng, nó sẽ dùng để chiết xuất nước uống, oxy và hydro... tất cả các nguyên tố này có thể sử dụng sản xuất nhiên liệu cho tên lửa Starship.
Điều này sẽ giảm chi phí cho các sứ mệnh tới sao Hỏa, do việc vận chuyển nước từ Mặt Trăng ít tốn kém hơn nhiều so với Trái Đất.
Không chỉ riêng mình
Chương trình Artemis của Mỹ không chỉ là của riêng quốc gia này, sự phát triển của nó đến từ quá trình hợp tác của nhiều quốc gia trên thế giới.
Điển hình như sự tham gia của Pháp vào chương trình này, thông qua Cơ quan Vũ trụ châu Âu (ESA) mà Pháp là một trong những nước đóng góp lớn nhất, cùng với Đức. Phần lớn thiết kế tàu vũ trụ Orion được phát triển bởi ESA.
Sự đóng góp của châu Âu là nền tảng cho sứ mệnh Artemis, tàu Orion hoạt động dựa trên ATV, phương tiện vận chuyển tự động, do công ty Airbus Defense and Space phát triển. Đây là di sản của Pháp mà quốc gia này đưa vào phục vụ trong ESA.
Trong khi đó, Bắc Kinh và Moscow, tuyên bố tháng 3/2021 rằng, họ đang hợp tác cùng nhau để xây dựng một trạm trên Mặt Trăng. Nó sẽ được đặt trên bề mặt hành tinh hoặc trên quỹ đạo.
Trung Quốc hiện đang xây dựng một chương trình rất dày đặc trên Mặt Trăng trong những năm tới đây. Trước đó, tháng 1/2019, sứ mệnh Chang'e 4 (Hằng Nga 4) của nước này đã hạ cánh thành công trên hành tinh này, tháng 12/2020, trở thành quốc gia thứ ba, sau Hoa Kỳ và Nga, thu thập thành công các mẫu từ Mặt Trăng trong sứ mệnh Chang'5.
Nước này cũng có kế hoạch đưa phi hành gia lên Mặt Trăng vào năm 2030. Nếu thành công, Trung Quốc trở thành quốc gia thứ hai, sau Mỹ đạt được thành tích này.