DNews

Bí mật tổ chức đám cưới cho bố mẹ và chuyện tình 45 năm chung một chiến hào

Minh Nhân

(Dân trí) - Cặp vợ chồng U70 chỉ nghĩ đi dã ngoại bình thường cùng con cháu, cho đến khi bước vào căn phòng cưới trông thấy tên mình được gắn trên phông lễ kỷ niệm.

Bí mật tổ chức đám cưới cho bố mẹ và chuyện tình 45 năm chung một chiến hào

Đám cưới thời bao cấp

"Chuyện gì xảy ra ở đây thế?", ông Nguyễn Thanh Toan (70 tuổi, Hà Nội) sửng sốt khi trước mặt là khung cảnh đám cưới thời bao cấp. Trên chiếc nền phông xanh bộ đội gắn dòng chữ "Thanh Toan - Thị Mận (1978 - 2023). 45 năm chung một chiến hào". 

Đứng cạnh chồng, bà Nguyễn Thị Mận (66 tuổi) bật cười trước "kế hoạch lừa đảo" bí mật của các con. 

"Bố nói gì đi!", con cháu thúc giục, vỡ òa cảm xúc. Ông Toan cố nén những giọt nước mắt, nghẹn ngào: "Bố không biết nói gì cả". 

Bí mật tổ chức đám cưới cho bố mẹ và chuyện tình 45 năm chung một chiến hào - 1

Bà Mận rạng rỡ trong suốt buổi lễ còn ông Toan đôi lúc không giấu được những giọt nước mắt.

Chị Luyến Morrison (42 tuổi, sống tại Australia) cho biết, 5 năm trước, người bố phát hiện mắc nhiều loại bệnh tuổi già, ảnh hưởng tinh thần và tâm lý. Ông Toan trở nên lầm lì, ít nói, thay đổi tính cách từ một người tích cực sang yếu đuối, tiêu cực. 

Bà Mận vốn hiền lành, lùi về làm hậu phương gia đình, nay bỗng trở thành trụ cột, chỗ dựa tinh thần cho chồng. Dù bà luôn cố gắng tỏ ra tích cực nhưng bằng sự nhạy cảm của một người con, chị Luyến cảm giác đôi khi mẹ muốn gục ngã. Chị biết thời gian của bố mẹ không còn nhiều, nên cần làm một điều gì đó. 

Năm ngoái, chị Luyến về Việt Nam hai lần (tháng 3 và 8), đến Tết lại không, bỏ lỡ buổi mừng thọ tuổi 70 của ông Toan khiến chị áy náy. Hiểu được tâm tư của vợ, chồng chị đề nghị cuối tháng 3 cả gia đình về Việt Nam.

Chị nhớ đây cũng là dịp kỷ niệm 45 năm ngày cưới của bố mẹ, nên nảy ra ý tưởng làm điều bất ngờ cho ông bà. Chị cả chia sẻ kế hoạch với 3 người em, tất cả đều hưởng ứng. 

Ban đầu, người con dự định dẫn bố mẹ đi tham quan, nghỉ dưỡng tại một số tỉnh miền Bắc như: Hạ Long, Ninh Bình và Huế. Tại Ninh Bình, chị sẽ tổ chức buổi tiệc kỷ niệm, cùng chụp ảnh gia đình, nhưng thực tế các em và cháu đã có mặt từ trước, chờ sẵn để làm ông bà bất ngờ. 

Tuy nhiên, sau khi thu thập thông tin ngày cưới năm xưa của bố mẹ, 4 chị em nhận thấy ý tưởng này không khả thi. Họ nhanh chóng đưa ra phương án hai, tìm một địa điểm gần Hà Nội để thuận tiện tổ chức.

Ngày 27/3, khi được một người bạn mời đến tham quan khu homestay ngoại thành Hà Nội mới khai trương, chị Luyến cảm giác không gian hoài niệm tại đây giống như hồi ức của bố mẹ. Căn nhà được thiết kế theo lối xưa cũ với đầy đủ dụng cụ từ những năm 70 - 80.

Cuộc họp gia đình khẩn cấp được triệu tập, quyết định địa điểm và lên ý tưởng chỉ cách buổi lễ 48 tiếng. Họ chắp nối các thông tin thu thập được từ bố mẹ, cùng xây dựng ý tưởng bài bản và thống nhất.

Mỗi người đảm nhận một nhiệm vụ, từ mua sắm các vật dụng cần thiết, đồ trang trí, in tranh ảnh, cắt chữ đến chuẩn bị đồ ăn, thức uống. Tất cả bắt buộc hoàn thành trong ngày 28/3. 

Họ lựa chọn trang trí đám cưới bằng những hình ảnh quen thuộc "thời ông bà" như vải màu bộ đội, chăn con công, dòng chữ tên cô dâu - chú rể cắt giống kiểu ngày xưa, hai trái tim lồng nhau.

Bàn lưu niệm gồm đài cát - sét cũ, bộ bình trà, các hộp quà cưới được bọc trong giấy báo, giúp ông bà nhớ lại những kỷ niệm đẹp trong cuộc hôn nhân 45 năm của mình. 

Bí mật tổ chức đám cưới cho bố mẹ và chuyện tình 45 năm chung một chiến hào - 2
Bí mật tổ chức đám cưới cho bố mẹ và chuyện tình 45 năm chung một chiến hào - 3
Bí mật tổ chức đám cưới cho bố mẹ và chuyện tình 45 năm chung một chiến hào - 4

(Khung cảnh đám cưới thời bao cấp, gợi lại nhiều kỷ niệm cuộc hôn nhân 45 năm của ông Toan và bà Mận).

Các con nói với bố mẹ nhân dịp chị Luyến về Việt Nam sẽ cùng đi dã ngoại, quây quần bên nhau và chụp ảnh gia đình. Ông Toan và bà Mận hưởng ứng nhiệt tình. 

Sáng hôm đó, cặp vợ chồng già được giao nhiệm vụ chăm sóc 6 đứa cháu nhằm… đánh lạc hướng. Các thành viên còn lại đã đến địa điểm tổ chức buổi lễ, chuẩn bị những công đoạn cuối cùng.

Bà Mận sau đó được đưa đi trang điểm, sốt ruột nói: "Ngày xưa cưới mẹ không được trang điểm, chứ làm gì có hoa cài lên tóc như thế này". Lúc này, ông Toan đi tìm vợ. Thấy bà mặc áo dài, trang điểm, tóc cài hoa, ông đùa: "Hôm nay mình làm cô dâu à, để chú rể đi đón nào".

Chớp thời cơ, cô con gái út vội đưa bố bó hoa cầm tay để đi đón cô dâu. Cả nhà cùng đi quanh khuôn viên để chụp ảnh. 

Bí mật tổ chức đám cưới cho bố mẹ và chuyện tình 45 năm chung một chiến hào - 5
Bí mật tổ chức đám cưới cho bố mẹ và chuyện tình 45 năm chung một chiến hào - 6

(Con cháu đứng hai bên vỗ tay chào đón cô dâu chú rể U70 bước vào lễ đường).

Ông Toan vẫn nghĩ là đi dã ngoại bình thường, cho đến khi bước vào căn phòng cưới trông thấy tên mình được gắn trên phông lễ kỷ niệm. 

"Lúc đó mẹ bật cười còn bố như muốn khóc. Tất cả con cháu xung quanh đều cười theo ông bà", chị Luyến nhớ lại. 

Một tiếng sau, ông Toan vẫn chưa hết xúc động, đôi lúc bật khóc. "Cảm ơn các con đã thực hiện tâm nguyện mà bố luôn muốn làm cho mẹ", ông nói sau buổi lễ. Gần 20 con cháu đều rất hạnh phúc, dư âm đặc biệt còn vương vấn họ mãi. 

Bí mật tổ chức đám cưới cho bố mẹ và chuyện tình 45 năm chung một chiến hào - 7

Ông bà bất ngờ trước buổi lễ kỷ niệm bí mật của con cháu.

Chuyện tình "45 năm chung một chiến hào"

Ông Toan và bà Mận là người gốc Thái Bình, người làng trên người làng dưới. Năm 1977, họ quen nhau sau lần ông đi bộ đội về phép vỏn vẹn hai tuần. Chàng thanh niên 24 tuổi sống tình cảm, tâm lý và lãng mạn.

Tình yêu của hai người được vun đắp bằng những lá thư tay nét chữ đẹp, thanh thoát, gửi về từ chiến trường miền Nam. Vì người yêu, anh lính trẻ đã bỏ hút thuốc và uống rượu. 

Một năm sau, ông Toan lại xin về phép để hỏi cưới bà Mận. Đám cưới được diễn ra đơn giản, cặp đôi lên UBND xã ký giấy kết hôn, sau làm mâm cơm đơn sơ mời anh em thân thiết. 

Cô dâu mặc quần sa tanh màu đen, áo bà ba trắng, còn chú rể mặc bộ quân phục. Tuy gian khó, nhưng ánh mắt của họ đều sáng lên một niềm tin khó tả. 

Cưới xong, ông Toan bên vợ một tuần rồi lại lên đường biền biệt. Bà Mận ở nhà chăm sóc bố mẹ chồng. Gần 3 năm sau, ông trở về và họ mới chính thức có cuộc sống vợ chồng, sinh lần lượt 4 người con (3 gái, 1 trai).

Bí mật tổ chức đám cưới cho bố mẹ và chuyện tình 45 năm chung một chiến hào - 8

Chuyện tình "45 năm chung một chiến hào" của ông Toan và bà Mận khiến nhiều người xúc động.

"45 năm chung một chiến hào" vừa mang ý nghĩa gợi lại những năm tháng trong ký ức của ông bà, vừa minh chứng họ đã cùng nhau "chiến đấu" với những khó khăn cuộc sống để nuôi dạy các con trưởng thành. 

Trong buổi lễ kỷ niệm 45 ngày cưới, từng người con đã nói với bố mẹ lời biết ơn vì đã vất vả chăm sóc và hy sinh vì con cháu. Những hình ảnh xưa cũ được tái hiện cũng nhằm mục đích nhắc lại những kỷ niệm đẹp của bố mẹ và cả gia đình. 

"Trong cuộc sống có những giai đoạn khó khăn khiến con người dễ quên đi những điều tốt đẹp đã có với nhau. Gợi nhắc kỷ niệm là cách các thành viên nhận ra mình đã từng sống vì nhau, yêu thương nhau như thế nào, từ đó tình cảm gia đình luôn bền chặt, gắn bó", chị Luyến chia sẻ. 

Buổi lễ đã giúp bà Mận bớt khắt khe với chồng, không còn căng thẳng sau những ngày lo lắng cho bệnh tật của ông. Ngược lại, ông Toan cũng nhớ ra mình đã từng là người như thế nào, yêu chiều vợ con ra sao và trở nên mạnh mẽ hơn, bớt suy nghĩ tiêu cực. 

Bí mật tổ chức đám cưới cho bố mẹ và chuyện tình 45 năm chung một chiến hào - 9

Câu chuyện về tình yêu tuổi 70 của vợ chồng ông Toan được cộng đồng đón nhận và cổ vũ, là điều mà chị Luyến và các thành viên trong gia đình chưa từng nghĩ đến. Họ tin rằng buổi lễ được quan tâm vì đã nói lên tiếng lòng của nhiều bậc cha mẹ, của những người con hiếu thảo đang tìm kiếm một ý tưởng đơn giản mà hiệu quả gửi tặng đấng sinh thành. 

Chị Luyến nhận ra, con cái luôn muốn làm điều gì đó to tát để báo hiếu bố mẹ, nhưng thường chờ đợi đến thời điểm "đủ điều kiện". Nhưng thực tế, bố mẹ chỉ cần các con sống hạnh phúc, quan tâm đến tâm tư nguyện vọng của chính mình là họ đã vui và hạnh phúc theo. 

"Mỗi ngày trôi đi, thời gian của bố mẹ lại ngắn đi một ngày. Nếu muốn làm gì cho bố mẹ thì hãy đừng chần chừ, hãy làm ngay khi còn có thể. Bởi đợi đến khi mình đủ điều kiện như mong muốn thì đôi khi cơ hội đã không còn", người phụ nữ gửi gắm.

Nội dung: Minh Nhân

Ảnh: Nhân vật cung cấp