Bịt "lỗ hổng" cơ chế mua sắm vật tư y tế
Những năm qua, mặc dù có nhiều tiến bộ song về cơ bản quy trình sản xuất, quản lý và sử dụng vật tư y tế ở Việt Nam vẫn còn không ít hạn chế, bất cập và ở trình độ thấp so với nhiều nước trong khu vực và thế giới.
Đây là lĩnh vực mà chúng ta vẫn phụ thuộc vào nhập khẩu, nhất là nhập khẩu vật tư y tế có chất lượng và công nghệ cao. Ngoài ra, các hạn chế trong mua sắm, kiểm chuẩn định kỳ, bảo dưỡng, bảo quản, sửa chữa, hiệu quả sử dụng,... do chưa tự chủ được trong sản xuất, thiếu kinh phí và nguồn nhân lực đã gây thiệt hại cho ngân sách Nhà nước, Bảo hiểm xã hội và người dân. Đó là chưa kể những phát sinh tiêu cực, tham nhũng, lãng phí mà vụ Việt Á là một trong những điển hình.
Qua nghiên cứu cơ chế mua sắm vật tư y tế, tôi thấy nổi lên những đặc điểm cơ bản sau:
Thứ nhất, xuyên suốt và nhất quán trong mua sắm vật tư y tế là cơ chế đấu thầu theo Luật Đấu thầu 2013. Do phải cấp bách đối phó với dịch bệnh nên ngày 22/7/2021, Chính phủ ban hành Nghị quyết về mua sắm thuốc, hóa chất, vật tư, trang thiết bị, phương tiện phục vụ phòng chống dịch Covid-19, cho phép được chỉ định thầu theo quy định tại điểm a Khoản 1 Điều 22 Luật Đấu thầu.
Trường hợp đấu thầu rộng rãi qua mạng để mua hàng hóa phục vụ việc phòng, chống dịch thì cho phép đấu thầu rút gọn với thời gian chuẩn bị hồ sơ dự thầu tối thiểu là 10 ngày.
Thời gian qua, hàng loạt sai phạm, thậm chí sai phạm nghiêm trọng và phổ biến trong mua sắm vật tư y tế ở nhiều cơ sở liên quan đến lạm dụng cơ chế chỉ định thầu hay đấu thầu rút gọn nêu trên. Tuy nhiên, ngay cả khi thực hiện đấu thầu theo đúng quy định của Luật Đấu thầu 2013 trong điều kiện bình thường thì cũng phát sinh không ít tiêu cực tại các cơ sở y tế, kể cả các bệnh viện lớn cấp tỉnh và Trung ương mà cơ quan chức năng đã và đang phanh phui.
Chính vì vậy, cả trước mắt và lâu dài, cơ quan quản lý cần hoàn thiện ngay cơ chế đấu thầu trên cơ sở điều chỉnh bổ sung Luật Đấu thầu nhằm ngăn chặn các trường hợp đấu thầu hình thức, thông thầu, "sân sau" và lợi ích nhóm. Bên cạnh đó, quy định pháp luật cũng cần được hoàn thiện để ngăn chặn lạm dụng, trục lợi khi thực hiện chỉ định thầu hay đấu thầu rút gọn.
Thứ hai, về nguyên tắc, mua sắm vật tư y tế là quyền và trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế. Cơ chế này phù hợp với chủ trương trao quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm cho các cơ sở y tế công lập. Tuy nhiên trong thực tế, do quy trình quản lý ngân sách theo Luật Ngân sách Nhà nước nên không ít trường hợp quyền tự chủ của người đứng đầu cơ sở khi mua sắm vật tư y tế có thể không được bảo đảm đầy đủ. Lý do là họ chịu sự can thiệp của một số tổ chức, cá nhân cấp trên, nhất là can thiệp vào lựa chọn nhà thầu, tổ chức đấu thầu, chủng loại và giá vật tư y tế.
Trường hợp chỉ định thầu thì sự can thiệp sai trái này thậm chí còn nặng nề hơn. Một số trường hợp trúng thầu vật tư y tế với chất lượng thấp và giá cao là thuộc "sân sau" và nhóm lợi ích của cấp trên. Ngoài ra, một bộ phận người đứng đầu cơ sở y tế không hoặc ít có khả năng quản lý tổ chức đấu thầu, nên có thể bị cấp dưới lợi dụng đẩy vào tình huống vi phạm pháp luật.
Vì vậy, ở đây quyền tự chủ, tự chịu trách nhiệm của người đứng đầu cơ sở y tế cần được đảm bảo một cách đầy đủ và trọn vẹn. Bất cứ sự can thiệp nào của cá nhân và tổ chức quản lý cấp trên vào việc mua sắm vật tư y tế đều phải bị quy là vi phạm và chịu trách nhiệm trước pháp luật.
Cơ quan quản lý cấp trên của cơ sở y tế chỉ tập trung vào ban hành danh mục vật tư y tế đã được kiểm định đảm bảo về chất lượng; danh mục nhà thầu có đủ năng lực, uy tín tham gia đấu thầu cùng với giá tham chiếu và biến động giá tham chiếu được công bố minh bạch. Đây sẽ là căn cứ để người đứng đầu cơ sở y tế tổ chức đấu thầu mua sắm.
Thứ ba, quy trình mua sắm vật tư y tế tuy thường xuyên được sửa đổi, bổ sung và hoàn thiện trên cơ sở quy trình mua sắm công và quy trình quản lý chi ngân sách Nhà nước, song vẫn còn những kẽ hở gây thất thoát, lãng phí và còn phức tạp rườm rà không cần thiết.
Để khắc phục tình trạng trên, cơ quan quản lý cần rà soát rút gọn cả về thời gian, nội dung, điều kiện, cấp có thẩm quyền phê duyệt khi thực hiện quy trình, thủ tục mua sắm vật tư y tế từ khâu lập kế hoạch, xây dựng dự toán, trình phê duyệt… Qua đó đảm bảo gắn quyền hạn với trách nhiệm đồng thời tôn trọng quyền chủ động, sáng tạo của người đứng đầu cơ sở y tế.
Đặc biệt, hệ thống thông tin đầy đủ, kịp thời, chính xác, công khai về vật tư y tế và nhà thầu đủ năng lực chính là căn cứ vững chắc và quan trọng nhất để người đứng đầu cơ sở y tế quyết định và tổ chức đấu thầu, ngay cả trong trường hợp cấp bách phải thực hiện chỉ định thầu hay đấu thầu rút gọn.
Cuối cùng, tôi cho rằng nên xem xét bỏ quy trình không cần thiết liên quan đến phê duyệt của cơ quan quản lý cấp trên trong các khâu mua sắm, đấu thầu mua sắm vật tư y tế tại các cơ sở y tế. Khi chúng ta đã thống nhất trao quyền "tự chủ" thì hãy để các cơ sở y tế "tự chịu trách nhiệm".
Tác giả: TS Vũ Đình Ánh là một trong những chuyên gia hàng đầu về lĩnh vực giá ở Việt Nam. Ông nguyên là Phó Viện trưởng Viện Nghiên cứu thị trường - giá cả (Bộ Tài Chính).