(Dân trí) - "Phong cách Nhật Bản tối giản để chắt lọc không phải để bớt đi. Người Nhật tạo ra những khoảng trống để biểu hiện cái tôi cá nhân và kích thích trải nghiệm không gian, khám phá cuộc sống".
"Phong cách Nhật Bản tối giản để chắt lọc không phải để bớt đi. Người Nhật tạo ra những khoảng trống để biểu hiện cái tôi cá nhân và kích thích trải nghiệm không gian, khám phá cuộc sống".
Đó là chia sẻ của KTS. Trần Quốc Việt, giảng viên Khoa Kiến trúc và Quy hoạch Trường Đại học Xây dựng về phong cách thiết kế nội thất tối giản Nhật Bản đang được ưa thích hiện nay.
Cũng theo kiến trúc sư này, hiện nay, các căn hộ diện tích nhỏ, ít phòng ngủ đang là xu thế chung tại các đô thị lớn trên thế giới. Đây là sự lựa chọn phù hợp với tài chính và phong cách sống hiện đại của những người trẻ. Do đó, việc tối giản trong thiết kế là điều hết sức quan trọng.
Do sự giới hạn về diện tích nên các chung cư nhỏ muốn có những khoảng không để trải nghiệm thì cần có các không gian đa chức năng. Đặc biệt, theo KTS. Trần Quốc Việt, những người mua căn hộ kiểu này nên xóa đi khái niệm phòng chức năng và hãy chuyển hóa thành không gian chức năng. Căn hộ có thể không có phòng, nhưng cần có đủ không gian để thực hiện các chức năng của nó.
Xây dựng không gian đa chức năng
Phóng viên: Căn hộ diện tích nhỏ đang là xu thế ở các đô thị lớn, không riêng tại Việt Nam, nhưng làm thế nào để tối ưu hóa các không gian nhỏ hẹp này, giúp chủ nhà tận dụng được hết diện tích của căn hộ, thưa ông?
KTS Trần Quốc Việt: Thứ nhất, người mua cần xác định rõ nhu cầu thực chất và nội hàm cấu trúc của từng không gian trong căn hộ.
Ở các nước phương Tây, một trong những thành phần không gian của căn hộ có sự biến đổi mang tính cách mạng nhanh nhất về nội hàm cấu trúc là phòng ngủ, trong khi đó cấu trúc phòng khách hay phòng bếp gần như không thay đổi nhiều. Ngược lại ở Việt Nam (hay tại các quốc gia phương Đông trọng tính cộng đồng khác) lại có sự biến đổi rất mạnh về cấu trúc các phòng mang chức năng giao tiếp xã hội.
Ví dụ đối với phòng khách, hiện nay, văn hóa tiếp khách đã thay đổi so với ngày xưa. Các hoạt động giao tiếp thường diễn ra ở bên ngoài, đặc trưng của lối sống đô thị. Đa phần người đến chơi nhà bây giờ không còn gọi là khách, mà thường là người thân quen. Vì thế, phòng khách bây giờ là không gian sinh hoạt chung hướng nội. Chủ nhà thường gửi gắm những ý tưởng sáng tạo và dùng không gian này làm ngôn ngữ biểu hiện cái tôi cá nhân một cách thực chất và rõ nét nhất.
Tại đó, chủ nhà sẽ có thể dẹp bỏ những bộ salon hoành tráng đón khách khứa, hoặc là những bàn ăn thật dài với tiệc tùng linh đình, những tủ kệ trang trí hào nhoáng… mà họ đã đặt niềm tin hoặc vay mượn giá trị để trở về nguyên gốc của họ.
Thứ hai, việc tối ưu hóa không gian hay tối ưu hóa không gian vật lý vẫn phải đảm bảo tính khả dụng và hiệu quả; đặc biệt phải phù hợp với nhu cầu mang tính giai đoạn theo lối sống và văn hóa ở chung cư (theo đúng nghĩa là văn hóa ở lưu động, là văn hóa di chuyển chỗ ở nhằm thích nghi với trình tự phát triển cấu trúc nhân khẩu học của người ở, hay nhằm phù hợp với sự biến động về khả năng thu nhập kinh tế của họ).
Thứ ba, hình thành không gian đa chức năng bằng cách xóa bỏ hoặc làm mờ tối đa các ranh giới không gian "phòng". Nó không khác gì một căn hộ studio không phòng hay một căn hộ thông thường có ít phòng, nhưng vẫn đảm đầy đủ các không gian chức năng và thậm chí, khi hoạt động các chức năng tự nó có thể chuyển hóa và giao thoa lẫn nhau.
Như vậy, không gian đa chức năng là một xu thế và rất phù hợp với căn hộ có diện tích nhỏ. Người ta sẽ không còn nói tới căn hộ chia được bao nhiêu phòng, mà hướng tới việc sử dụng được nhiều và hiệu quả không gian chức năng.
Vậy trong thiết kế không gian đa chức năng, chúng ta nên học hỏi phong cách nào?
Không gian đa năng là một trong những thành tố quan trọng để đem lại sự tối giản. Mong muốn một không gian đa chức năng có thể sử dụng được nhiều mục đích không chỉ có trong văn hóa phương Đông mà văn hóa phương Tây họ cũng như vậy.
Nói tới không gian đa chức năng không thể không nói tới Nhật Bản. Mặc dù khác nhau về điều kiện tự nhiên, nhưng gốc văn hóa Nhật Bản và Việt Nam cũng có nhiều sự tương đồng. Phật giáo và Thần giáo đều thiên về tĩnh, ôn nhu, xu hướng dung hòa với tự nhiên, trọng cộng đồng, khả năng linh hoạt ứng biến... tổ chức không gian thiên về hình thức, quy mô nhỏ gọn, tỷ lệ công trình hài hòa với con người, đa năng hóa, tổng hợp hóa không gian công năng kiến trúc…
Không gian đa năng muốn nói ở đây không chỉ là đa chức năng mà cả đa tiềm năng. Nếu đa chức năng là đảm trách nhiều phận sự nào đó, thì đa tiềm năng là ẩn chứa nhiều khả năng bất ngờ, mới lạ, không thể đoán trước về định tính và định lượng, luôn ở dạng tiềm năng. Về mặt này, không gian của người Nhật rất đậm nét và đặc trưng cần phải học hỏi.
Ví dụ như tiểu cảnh Nhật Bản là nghệ thuật sân - vườn - mặt nước đặt nặng tính triết học của thiền Đạo, thiên về tĩnh, tư duy biểu tượng và xem trọng sức mạnh của chữ "Nhu" (lấy nhu chế cương, lấy tĩnh chế động). Nghệ thuật tiểu cảnh Nhật Bản là một loại hình nghệ thuật được thống nhất từ "Tiểu cảnh - Trà đạo - Thư đạo - Hoa đạo". Nó thể hiện tính nhất thể giữa tự nhiên với con người, giữa không gian với thời gian, nhất thể giữa hữu hình với vô hình, giữa tâm với cảnh.
Đặc điểm trong phong cách thiết kế nội thất Nhật Bản là gì thưa ông? Họ thường sử dụng nguyên liệu gì, nó có phù hợp với khí hậu Việt Nam hay không?
Đặc điểm trong phong cách thiết kế nội thất kiểu Nhật là sự tinh khiết, cần thiết và khoảng trống giữa mọi "sự vật"…
Tư tưởng của người Nhật được thể hiện trong cách bố trí khi cố ý thiết kế để tạo ra những khoảng không gian trống. Không gian này tạo sự kích thích, khám phá và được lấp đầy bằng những trải nghiệm trong nó. Ví dụ như các bức tường tượng trưng cho nền tảng của cuộc sống, căn phòng không chú trọng vào việc trang trí đồ đạc hay nội thất, chính sự khiêm tốn trong nội thất lại càng nâng giá trị của các trải nghiệm, chú trọng vào cuộc sống chiếm giữ trong không gian.
Người Nhật không thiên về các kỹ năng trang trí bề mặt, mà thiên về tính hiệu quả thiết kế. Ví dụ như họ thiết kế nhà bằng gỗ, liên kết bằng khớp dẻo có khả năng chống chịu với động đất. Sàn của họ là sàn nâng để tạo ra những lớp không khí có khả năng lưu chuyển. Không khí có khả năng lưu chuyển sẽ tránh việc hấp thụ nhiệt. Vì thế nằm sàn nâng sẽ không bị lạnh, tránh được hiện tượng truyền nhiệt.
Vật liệu mà họ sử dụng cũng rất đa dạng, chủ yếu là các vật liệu tự nhiên - bản địa, đề cao tính thô mộc và chất cảm của chúng.
Chúng ta hay sử dụng các vật liệu gốc, tính sáng tạo để phát triển, chế tác rất hạn chế… Chúng ta cũng sử dụng về màu sắc nhưng nội hàm của màu sắc không rõ nét như họ.
Người Nhật thường hay là sử dụng gỗ tự nhiên làm vật liệu chính trong nội thất. Nhưng trong điều kiện Việt Nam điều này phải hết sức thận trọng. Bởi biên độ nhiệt thay đổi nhanh và lớn sẽ kéo theo tính dãn nở và co ngót, không chỉ gỗ mà còn đối với nhiều vật liệu tự nhiên khác. Giải pháp là hướng tới những sản phẩm công nghiệp, gỗ ván ép, vật liệu composite…
Việc sử dụng các vật liệu thay thế vẫn đạt được các tiêu chí về bề mặt thể hiện, hiệu ứng của không gian. Chỉ có điều, chất cảm của vật liệu gốc không bằng. Dẫu vậy, chúng ta nên kế thừa tinh thần, giá trị cốt lõi của phong cách Nhật để tạo nên các thay đổi phù hợp cho từng giải pháp cụ thể.
Phong cách thiết kế tối giản Nhật Bản
Tối ưu hóa không gian là một phần của tối giản. Vậy phong cách thiết kế nào kết hợp với tối giản đạt được sự đột phá cao nhất?
Tối ưu hóa không gian liên quan tới một lối sống, một xu hướng sống đương đại. Đó là lối sống hiện đại, tiết kiệm và đơn giản, một cách sống thông minh.
Sự tối giản trong tổ chức nội thất biểu hiện ở chỗ tiết giảm số lượng đồ đạc nội thất đến mức tối thiểu về diện tích và kích thước, nhưng mà vẫn bảo đảm sử dụng tối ưu. Trang bị đồ đạc đa năng, kinh tế, nhẹ nhàng linh hoạt và chiếm ít không gian, với các thiết kế có hình thức đơn giản, kích thước nhỏ gọn "linh hoạt cơ động" được hoặc được tiêu chuẩn hóa.
Nhà ở đô thị được tiêu chuẩn hóa, lối sống đặc thù văn hóa khuôn mẫu và chuyên biệt, đã lộ rõ những xung đột với cách thức tương tác văn hóa mang thuần tính tự nhiên trong các thời kỳ xã hội trước đây.
Nhu cầu cá nhân hóa lấy con người làm trung tâm đòi hỏi sự tìm tòi và thay đổi trong không gian sống. Các thử nghiệm từ nhiều phong cách nhanh chóng được du nhập như: Scandinavian, Kiến trúc tân cổ điển, Kiến trúc Pháp, Tropical, Hàn Quốc, Trung Quốc, Nhật Bản... Tuy nhiên, qua quá trình sàng lọc và lựa chọn, trào lưu gây chú ý nhất là lại Minimalism - phong cách thiết kế tối giản.
Trong lịch sử kiến trúc đương đại, nó đã rất thành công, đơn giản bởi vì nó mang tính cách tân. Nó mang trong mình ngôn ngữ giản đơn, tinh tế, mộc mạc… bố cục chặt chẽ, không thiếu, không thừa, không tham chi tiết. Nó tạo ra một trạng thái không gian bình yên, tự do và phát triển trải nghiệm cá nhân. Nó đã tạo ra sự đồng cảm.
Minimalism không đơn thuần là một phong cách riêng biệt, tùy theo mức độ, chúng ta đều nhìn thấy tinh thần của nó trong các phong cách kiến trúc khác, tất cả đều có.
Song, tinh thần đó chỉ được nâng tầm, tạo ra bước đột phá mạnh mẽ khi kết hợp với văn hóa và con người Nhật Bản, để trở thành một xu hướng thiết kế có sức ảnh hưởng trên thế giới "phong cách tối giản Nhật Bản".
Hiện giờ trong thiết kế kiến trúc, khách hàng không bị sa lầy vào các chủ nghĩa thiết kế như trước đây. Cái nhìn thấy rõ nhất là người ta muốn kế thừa các tinh thần của các chủ nghĩa rồi chắt lọc để hình thành ngôn ngữ thiết kế riêng và một trong những yêu cầu được lặp đi lặp lại nhiều nhất là sự tối giản.
Phong cách thiết kế Nhật Bản thành công ở nhiều nước trên thế giới nhưng mới đang du nhập vào Việt Nam, điều gì khiến nó hòa nhập với văn hóa của người Việt?
Lý do là bởi sự đồng điệu về văn hóa, tôn giáo và điều kiện tự nhiên. Nó thể hiện ở tính minh triết và sự thuần khiết, khởi nguồn từ văn hóa Á Đông. Do đó, khi du nhập vào Việt Nam, tự nhiên người Việt cảm thấy có sự thân thuộc và hứng thú.
Song, tương đồng không có nghĩa giống nhau. Nó tương đồng về cách tiếp nhận, nhưng khác nhau về giải pháp.
Phong cách Nhật Bản tối giản để chắt lọc chứ không phải tối giản để bớt đi. Đặc biệt, phong cách tối giản của người Nhật tạo ra những khoảng trống để biểu hiện cái tôi cá nhân và kích thích người ta trải nghiệm không gian, khám phá cuộc sống.
Khoảng trống này không chỉ khiến người Việt ưa thích, mà cả thế giới đều rung động. Ở một số nơi, nó còn được nâng cao bằng những quan điểm triết học cao siêu như sự trống rỗng về tinh thần, khoảng cách phải lấp đầy. Nó như liều thuốc đem tới sự cân bằng, bù đắp cho quá trình vận động phát triển...
Phong cách thiết kế Nhật Bản đã và đang phát triển mạnh ở Việt Nam, nhưng chúng ta chỉ tiếp nhận tinh thần, giá trị cốt lõi của nó, không áp dụng một cách khuôn mẫu, sáo rỗng để trở nên phù hợp với văn hóa và điều kiện tự nhiên của người Việt.