Dự án khách sạn 5 sao ở khu "đất vàng" sau hơn một thập kỷ vẫn bỏ hoang
(Dân trí) - Hơn một thập kỷ được triển khai, dự án khách sạn 5 sao ở thành phố Thanh Hóa chỉ là bãi đất trống, cỏ dại um tùm. Tỉnh Thanh Hóa từng phải vào cuộc vì chủ đầu tư "chây ỳ" nộp tiền sử dụng đất.
Dự án đầu tư xây dựng khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại được UBND tỉnh Thanh Hóa chấp thuận cho Công ty Cổ phần Xi măng Công Thanh (gọi tắt là Công ty Công Thanh), địa chỉ ở thị xã Nghi Sơn, Thanh Hóa làm chủ đầu tư từ năm 2007.
Một năm sau, UBND tỉnh Thanh Hóa ra quyết định thu hồi và giao khu đất có diện tích 17.963 m2 (gần 2 ha) tại phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa cho Công ty Công Thanh triển khai dự án.
Ngày 2/12/2019, UBND tỉnh Thanh Hóa có quyết định phê duyệt phương án giá đất cụ thể làm căn cứ tính tiền sử dụng đất nộp ngân sách nhà nước Dự án khách sạn 5 sao, văn phòng làm việc, văn phòng cho thuê và dịch vụ thương mại tại phường Đông Hương, thành phố Thanh Hóa. Theo đó, tổng giá trị quyền sử dụng đất là hơn 164 tỷ đồng.
Khu đất rộng gần 2 ha này nằm giữa trung tâm thành phố Thanh Hóa, sát đại lộ Lê Lợi - tuyến đường lớn, sầm uất bậc nhất tỉnh Thanh Hóa và được xem là khu "đất vàng". Song sau hơn một thập kỷ kể từ ngày được giao đất, khuôn viên dự án giờ đây vẫn là bãi đất trống.
Cánh cổng sắt - đường chính vào dự án - luôn đóng im ỉm. Đến nay, chiếc cổng này cũng đã hoen gỉ, bị cây dại mọc quấn quanh.
Chủ đầu tư chỉ mới xây dựng một bức tường bê tông bao quanh khu đất dự án. Qua thời gian, bức tường của dự án bỏ hoang đã nứt nẻ, xuống cấp.
Nhìn qua bức tường có thể thấy phía trong khuôn viên khu đất được trồng nhiều chuối.
Nhìn từ trên cao, cạnh cổng chính, khuôn viên dự án khách sạn 5 sao chỉ có một số nhà mái tôn, lều lán tạm bợ được dựng lên và không rõ phía trong có người ở, trông coi hay không.
Một thùng container đặt cạnh lều lán tạm bợ, xung quanh cỏ dại mọc um tùm.
Mặt tiền phía sau dự án nằm cạnh khu đô thị Bình Minh - một trong những khu đô thị "hạng sang" trên địa bàn thành phố Thanh Hóa.
Ngăn với vỉa hè phía sau khu đất, chủ đầu tư cũng cho xây dựng một bức tường bao. Khu vực này trở nên nhếch nhác vì cây cỏ dại mọc um tùm và rác, phế thải của người dân đổ trộm. Cổng vào phía sau dự án cũng luôn cửa đóng, then cài. Móc xích và khóa cổng hoen gỉ sau thời gian dài phơi sương, phơi nắng.
Theo tìm hiểu của phóng viên, chủ đầu tư của dự án còn từng "chây ỳ" nộp tiền sử dụng đất. Cụ thể, vào ngày 9/6/2020, Sở Tài chính tỉnh Thanh Hóa từng có Công văn số 2859 gửi UBND tỉnh này về việc tiến độ thu nợ tiền sử dụng đất và biện pháp xử lý đối với dự án này. "Chủ đầu tư là Công ty Công Thanh không nghiêm túc chấp hành việc nộp tiền sử dụng đất của dự án vào ngân sách theo quy định, số tiền sử dụng đất phải nộp quá hạn là 164 tỷ đồng (chưa bao gồm các khoản liên quan theo quy định", nội dung văn bản nêu rõ.
Đến ngày 15/6/2020, trong Văn bản số 7733, Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa đồng ý với đề xuất của Sở Tài chính tỉnh, yêu cầu chủ đầu tư nộp tiền sử dụng đất và các khoản phải thu khác của dự án theo quy định và cam kết của công ty; nộp ngân sách số tiền 82 tỷ đồng chậm nhất vào ngày 20/6/2020.
Chủ tịch UBND tỉnh Thanh Hóa cũng giao Cục Thuế tỉnh này thực hiện chức trách, nhiệm vụ được giao đối với dự án, cụ thể là đảm bảo thu đúng, thu đủ khoản tiền nêu trên vào ngân sách Nhà nước; thực hiện các biện pháp cưỡng chế nộp tiền sử dụng đất theo quy định. Trường hợp Công ty Công Thanh không chấp hành, phối hợp với Sở Tài nguyên và Môi trường, báo cáo UBND tỉnh xem xét, thu hồi đất dự án. Tuy nhiên, theo ghi nhận, đến thời điểm này, dự án trên vẫn "án binh bất động".