Loạt dự án ôm đất vàng rồi bỏ hoang ở Hà Nội: Điệp khúc mãi chưa có kết
(Dân trí) - Hà Nội nhan nhản dự án “ôm” đất vàng rồi bỏ hoang: Yêu cầu kiểm tra, xử lý; Loạt đại gia bất động sản công nghiệp kinh doanh lao dốc... là những thông tin bất động sản nổi bật tuần qua.
Hà Nội nhan nhản dự án “ôm” đất vàng rồi bỏ hoang: Yêu cầu kiểm tra, xử lý
Cụ thể, Thủ tướng Chính phủ vừa giao Bộ Tài nguyên và Môi trường và UBND thành phố Hà Nội kiểm tra, xử lý nội dung phản ánh hơn 300 dự án “treo”, “bỏ hoang” ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội gây lãng phí tài nguyên đất.
Theo phản ánh, hiện có tới hơn 300 dự án “treo”, “bỏ hoang” ở các địa bàn quận, huyện thành phố Hà Nội, khiến người dân sống trong vùng quy hoạch dự án gặp khó khăn, đặc biệt là gây lãng phí tài nguyên đất...
Mặc dù không phải là vấn đề mới, nhưng để xử lý được những tồn tại trong việc dự án bỏ hoang lại là điệp khúc chưa có hồi kết...
Trong tổng hợp kiến nghị cử tri gửi tới lãnh đạo Hà Nội trước và sau kỳ họp thứ 7 HĐND TP khoá XV, rất nhiều bức xúc liên quan tới các dự án chậm triển khai được phản ánh. Các dự án “treo” nhan nhản khắp từ các quận, huyện ngoại thành Hà Nội cho đến các khu vực quận nội đô - nơi đất đai được ví như “vàng”.
Đất vàng Hà Nội giảm tới 40% để hút khách thuê mặt bằng
Theo Tổng cục Thống kê, doanh thu bán lẻ hàng hóa của Hà Nội tăng 9,9% so với cùng kỳ năm trước nhờ nhu cầu tích trữ nhu yếu phẩm gia tăng và thương mại điện tử được đẩy mạnh. Tuy nhiên, doanh số vẫn ở mức thấp do hàng hóa nhập khẩu bị hạn chế cũng như thu nhập và sức mua bị tác động bởi đại dịch.
Dữ liệu mới đây của Savills cho thấy, khoảng 50% doanh nghiệp bán lẻ có mức doanh thu sụt giảm trên 50% trong và sau giai đoạn Covid-19 vừa qua.
Theo đó, nguồn cầu bị ảnh hưởng lớn, các công ty và đơn vị bán lẻ không thể tiếp tục mở rộng kế hoạch kinh doanh.
“ Áp lực về giá thuê đã lắng dịu trong vài tháng gần đây, đặc biệt có sự điều chỉnh hợp lý hơn để có thể hỗ trợ cho doanh nghiệp và các đơn vị bán lẻ. Điển hình, giá mặt bằng bán lẻ tại các khu vực phố cổ trung tâm đã giảm sâu so với trước Covid-19, giá của các vị trí vàng có thể giảm tương đương 30-40% để thu hút khách hàng tiếp tục thuê mặt bằng”, báo cáo của Savills cho biết.
Loạt đại gia bất động sản công nghiệp kinh doanh lao dốc
Là ngành hiếm hoi được đánh giá tích cực ngay cả khi Covid-19 ập đến, nhưng trên thực tế, bất động sản công nghiệp không mang lại doanh thu lợi nhuận "thăng hoa" cho tất cả các doanh nghiệp.
Nhiều “đại gia” bất động sản công nghiệp vẫn phải chứng kiến sự sụt giảm mạnh về kết quả kinh doanh trong quý 2/2020 nói riêng và 6 tháng đầu năm nói chung.
Sụt mạnh nhất là Tổng công ty Phát triển Đô thị Kinh Bắc (KBC). Lũy kế 6 tháng, doanh thu thuần là 727,6 tỷ đồng, sụt giảm 53,6% so với cùng kỳ 2019. Lợi nhuận sau thuế của KBC đạt 109,2 tỷ đồng, giảm 78,8%.
Hai doanh nghiệp cùng ngành khác có sự sụt giảm lợi nhuận 6 tháng ở mức cao không kém điểm mặt CTCP Đầu tư và Công nghiệp Tân Tạo (ITA) và Tổng công ty Đầu tư và Phát triển công nghiệp (Becamex IDC - BCM) khi lợi nhuận sau thuế đều giảm hơn 52% so với cùng kỳ năm ngoái.
Đầu tư bất động sản đổi lấy “hộ chiếu vàng” đảo Síp: Bao nhiêu là đủ?
Năm 2014, chính quyền Síp đưa ra một chương trình đầu tư đặc biệt (CIP) dành cho những người nước ngoài muốn trở thành công dân của đảo quốc này. Chương trình này của Síp là một trong những chương trình thị thực nhanh và đơn giản nhất ở châu Âu.
Theo đó, bất kỳ ai trên 18 tuổi, không có tiền án tiền sự, đều có thể xin cấp hộ chiếu Síp cho bản thân, vợ/chồng và con cái của họ, bằng cách đầu tư ít nhất 2 triệu euro (tương đương 2,5 triệu USD) vào bất động sản cư trú mới, hoặc tối thiểu 2,5 triệu euro vào bất động sản đã từng được sử dụng cho chương trình CIP.
Cùng với đó, họ cũng cần có một khoản đóng góp 100.000 euro cho quỹ Nghiên cứu và Phát triển Chính phủ và 100.000 euro cho Tổ chức Phát triển Đất đai.
Với khoản đầu tư 2 triệu USD, người nộp đơn có thể chọn mua một bất động sản duy nhất hoặc một bất động sản được sử dụng làm nơi thường trú có giá trị tối thiểu 500.000 USD và 1,5 triệu USD cho các loại hình bất động sản dân dụng khác hoặc đầu tư cho bất động sản thương mại, các dự án phát triển đất đai và cơ sở hạ tầng.
Chuyên gia: Rót tiền vào bất động sản tầm này mà đầu cơ, ăn ngay là khó!
TS. Cấn Văn Lực cho rằng dịch Covid-19 có tác động rất lớn đến thị trường bất động sản. “Trong và sau đại dịch Covid-19, hành vi của các nhà đầu tư đã và đang thay đổi rất lớn, do vậy, cấu trúc thị trường bất động sản cũng sẽ thay đổi rất nhiều để thích nghi”, ông Lực nhận định.
Cũng theo lời khuyên của ông Lực, thời điểm này nếu các nhà đầu tư có ý định rót tiền vào đầu tư bất động sản nên lưu ý 4 yếu tố.
Thứ nhất, cần xác định việc đầu tư thời điểm này mang tính trung dài hạn. “Thời buổi này lướt sóng, đầu cơ, ăn ngay là khó”, ông Lực nói. Thứ hai theo ông Lực, không đầu tư theo phong trào. Thứ 3 là không dùng đòn bẩy tài chính quá lớn. Thứ 4 là cần đa dạng hoá danh mục đầu tư, không nên để trứng vào một giỏ.