Trang nhật ký đặc biệt trong cuốn sổ đoàn Tổng thống Mỹ mang sang Việt Nam
(Dân trí) - "15/2/1966, một ngày đau khổ nhất...", trang nhật ký đặc biệt ghi lại thông tin tên tuổi, quê quán người đồng đội thân thiết ngã xuống giúp người lính Việt được nhận lại kỷ vật sau nửa thế kỷ.
Người lính ra trận đâu hẹn ngày về
Năm 1965, Nguyễn Văn Thiện (quê Tiền Hải, Thái Bình) dùng máu viết đơn xin nhập ngũ khi tuổi vừa tròn 17. Đó là lần thứ 3 xin tòng quân của ông. Thấy chàng thanh niên quá quyết tâm, chính quyền địa phương mới đồng ý để ông đi.
"Bố tôi hy sinh thời kháng Pháp, khi tôi mới năm tuổi. Ngày đó, con một trong những gia đình liệt sỹ được miễn thực hiện nghĩa vụ quân sự nhưng "nợ nước, thù nhà" luôn đau đáu, tôi quyết đi lính bằng được.
Tôi xin đi bộ đội là để đánh nhau, không phải vì được mặc bộ quần áo đó. Tôi nói với bên tuyển quân như vậy mới được đồng ý cho đi", ông Thiện nhớ lại.
Nhập ngũ tháng 4/1965, chàng thanh niên Nguyễn Văn Thiện có mặt trong đội hình tiểu đoàn pháo cao xạ Thái Bình. Đến năm 1966, đơn vị đổi tên thành đoàn 559.
Cùng năm đơn vị của ông hành quân vào Nam, Mỹ cũng cho quân đổ bộ vào miền Nam Việt Nam.
Trong ký ức của người lính trẻ năm ấy, chiến trường xưa được hồi tưởng bằng từ "khủng khiếp". Bộ đội hành quân bên dưới, trên đầu máy bay địch lượn như chuồn chuồn, pháo nổ như ngô rang.
"Trong hoàn cảnh đó, chúng tôi đều xác định ra đi là "nghìn phần chết, một phần sống", người lính ra trận đâu hẹn ngày về. Nghĩ vậy, tôi bắt đầu viết nhật ký. Nếu may mắn sống sót trở về còn có thể xem lại toàn bộ hành trình hoặc nếu có chết cũng có cái để lại cho con cháu", ông Thiện kể.
"8/10/1965, ghi lại những nét chính trên chặng đường hành quân", dòng nhật ký đầu tiên anh lính trẻ viết khi đặt bút lên trang đầu cuốn sổ.
Ròng rã 5 tháng đi bộ, đoàn 559 vào đến chiến trường Tây Ninh. Cũng như những người lính trẻ khác ra chiến trường, tuổi trẻ của chàng thanh niên Nguyễn Văn Thiện là những trận oanh tạc trên bầu trời nơi chiến khu sát biên giới, một trong những mảnh đất khốc liệt trong cuộc kháng chiến chống Mỹ.
"Những năm tháng ở chiến trường Đông Nam Bộ là khoảng thời gian kéo dài gần như vô tận. Tôi nhiều lần đối mặt với cái chết và chứng kiến đồng đội mình ngã xuống.
Mỗi chặng đường hành quân, ngoài "mưa bom bão đạn", còn một thứ ám ảnh với người lính đó là sự khắc nghiệt của thời tiết. Vào mùa mưa khí hậu ẩm ướt, muỗi, vắt rất nhiều. Ai không may bị sốt rét gần như đối mặt với cái chết", ông Thiện kể.
Chứng kiến sự khốc liệt của chiến tranh, sự hy sinh của đồng đội, xác định bản thân mình cũng có thể nằm xuống bất cứ lúc nào nên có chút thời gian rảnh rỗi, ông lại viết nhật ký, kể về cuộc sống nơi khói lửa chiến tranh. Trong cuốn sổ đó, có một sự kiện khiến ông nhớ mãi.
"15/2/1966... một ngày đau khổ nhất, vì rằng, một người anh, người đồng chí của tôi hy sinh trên bước đường công tác.
Anh Nguyễn Văn Xuân, thôn Đông Quách, xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, Thái Bình", ông viết.
Theo ông Thiện, người lính trên chiến trường viết nhật ký tuyệt đối không được để lộ thông tin cá nhân. Tuy nhiên, tại trang nhật ký đó, ông đã ghi lại thông tin của người đồng đội.
"Đó là người anh, người đồng đội, người đã giúp đỡ tôi rất nhiều. Nhận tin báo anh hy sinh, tôi xé vội tờ lịch, ghi họ tên anh, quê quán, ngày anh mất vào cuốn sổ. Mục đích, nếu có thể trở về sẽ báo cho gia đình ngày giỗ của anh", ông Thiện rưng rưng nước mắt.
Trước lúc hy sinh, liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân nhờ đồng đội mang 4 kỷ vật là chiếc dao găm, bật lửa, đèn pin và chiếc đồng hồ gửi người em Nguyễn Văn Thiện.
"Có lẽ, tao không sống được nữa, chúng mày mang những thứ này về cho Thiện, em nuôi tao. Dặn nó, dao găm, bật lửa, đèn pin giữ lại dùng, còn chiếc đồng hồ cố gắng mang về đưa cho gia đình tao", lời liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân căn dặn đồng đội trước lúc hy sinh.
Nhớ lời người anh dặn, ông Thiện đeo chiếc đồng hồ lên tay, dùng vải buộc chặt. Ông nghĩ, một là mình hy sinh, hai là bị địch bắn mất cánh tay, còn không, ông quyết giữ bằng được món kỷ vật.
"Tôi giữ chiếc đồng hồ suốt từ tháng 2/1966 cho đến tháng 10/1970, lúc nào cũng đeo bên mình. Sau này may mắn sống sót trở về, tôi liền trao lại chiếc đồng hồ cho gia đình anh Xuân", ông Thiện nói.
Hành trình đi tìm chủ nhân cuốn nhật ký
Đường hành quân xa, không thể mang vác nặng, nhưng cuốn nhật ký và chiếc đồng hồ là hai món đồ ông Thiện luôn giữ bên mình. Năm 1967, sau trận càn của địch, ông bị thất lạc cuốn nhật ký, sau này cuốn sổ được một lính Mỹ nhặt được, mang về nước.
Mất cuốn nhật ký, ông Thiện viết cuốn thứ hai, tiếp tục ghi lại chặng đường kháng chiến gian khổ. Sau này, trong quá trình điều trị vết thương, lần thứ hai ông đánh mất sổ nhật ký.
Bẵng đi hơn nửa thế kỷ, vào một ngày cuối thu năm 2020, ông Thiện bất ngờ nhận một cuộc điện thoại từ nước Mỹ xa xôi.
Ông cho biết, sau ngày giải phóng miền Nam, đến năm 1977, hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ thành lập Viện nghiên cứu chiến tranh nhằm mục đích thu thập toàn bộ kỷ vật chiến tranh, trong số kỷ vật đó có cuốn nhật ký mang tên ông.
"Ban đầu, những người đọc được cuốn nhật ký họ nghĩ "Lương Thiện" có thể chỉ là bút danh ai đó, không biết tên là Lương hay Thiện. Vì thích nội dung trong cuốn sổ đó, suốt từ năm 1978, những cựu binh Mỹ quyết tâm tìm bằng được người viết nhật ký nhưng mãi vẫn chưa tìm ra manh mối.
Phải đến năm 2020, Viện nghiên cứu chiến tranh Hoa Kỳ chế tạo ra chiếc lồng hấp, cuốn nhật ký được khôi phục sau quy trình này. Từng trang trong cuốn nhật ký được lật mở, xem được đầy đủ.
Từ trang nhật ký viết về liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân, phía Mỹ lập tức cử người sang Việt Nam với nhiệm vụ tìm ra chủ nhân cuốn sổ", ông Thiện thuật lại câu chuyện người Mỹ tìm ra manh mối đầu tiên về ông.
Cụ thể, sau nhiều lần họp, nhóm nghiên cứu của Viện nghiên cứu chiến tranh Hoa Kỳ đưa ra nhận định, rất có thể chủ nhân cuốn nhật ký và cái tên Nguyễn Văn Xuân ghi ngày 15/2/1966 đó có quan hệ thân thiết. Đây là trang duy nhất trong cuốn sổ viết rõ tên tuổi, quê quán một người lính Việt.
Sang Việt Nam, lần theo manh mối ghi trong cuốn sổ, nhóm nghiên cứu tìm về xã Nam Hà, huyện Tiền Hải, tỉnh Thái Bình. Việc xác minh chủ nhân cuốn nhật ký được giữ bí mật.
"Họ tìm về nhà liệt sĩ Nguyễn Văn Xuân theo địa chỉ tôi ghi trong cuốn sổ. Lần đó, họ gặp được con gái của anh Xuân và biết được tôi có quan hệ thân quen với gia đình. Những người tìm kiếm im lặng quay trở về Mỹ.
Năm 2022, nhóm nghiên cứu lần thứ hai sang Việt Nam. Lần này, họ đặt mục tiêu xin bằng được số điện thoại, dù đã có thông tin của tôi", ông Thiện chia sẻ.
Tháng 10/2022, ông Thiện nhận được cuộc gọi từ một số lạ, có mã vùng nước ngoài. Đầu dây bên kia, giọng một người đàn ông hỏi: "Bác có phải bác Thiện không, bác có nhớ lúc ở chiến trường bác mất gì không".
Người đàn ông vừa dứt lời, ông Thiện tỏ vẻ nghi ngờ: "Các anh định lừa tôi cái gì, tôi không mất gì cả". Khi người đàn ông dần hé lộ thông tin về cuốn nhật ký, ông Thiện không khỏi nghi ngờ.
"Tôi vẫn nghĩ đây là cuộc điện thoại lừa đảo cho đến khi tôi yêu cầu họ cho xem cuốn nhật ký và cung cấp thông tin 5 người đồng đội đã hy sinh của tôi. Ngay sau đó, họ gửi cho tôi bức ảnh chụp một trang trong nhật ký, nhìn thấy đúng chữ của mình, tôi bàng hoàng", ông Thiện nhớ lại.
Cuộc hội ngộ sau hơn nửa thế kỷ
Kết thúc cuộc gọi, ông Thiện nghẹn ngào, không thể kể ngay với gia đình vì quá xúc động. "Sau trận càn năm 1967, về đến đơn vị, tôi mới biết mình mất cuốn nhật ký. Bao năm nay tôi không nghĩ lại có thể tìm được cuốn sổ", ông Thiện kể.
Suốt những đêm sau đó, người lính già mất ngủ vì vui sướng. Phía Mỹ cũng hứa sẽ sang Việt Nam gặp và trao tận tay ông cuốn nhật ký.
"Đến hôm nay, tay cầm lại cuốn nhật ký, tuy không phải là cuốn sổ gốc nhưng tôi vẫn không thể tin có ngày được đọc lại từng nét chữ của mình. Không có gì có thể diễn tả được cảm xúc của tôi trong khoảnh khắc nhận lại kỷ vật từ đoàn công tác của Tổng thống Mỹ ít ngày trước.
Nhận lại cuốn nhật ký từ cựu binh Mỹ và thay mặt lãnh đạo Đảng, Nhà nước trao lại kỷ vật chiến tranh cho phía họ, trong tôi hỗn độn những nỗi niềm", ông Thiện xúc động.
Trong ít phút ngắn ngủi tại Nhà Quốc hội chiều 11/9, người lính già nghẹn ngào không nói lên lời. Trong câu chuyện của mình, ông luôn dành lời cảm ơn gửi tới những cựu binh Mỹ và Chính phủ hai nước Việt Nam - Hoa Kỳ suốt những năm qua đã nỗ lực hàn gắn vết thương chiến tranh.
"Tôi may mắn hơn nhiều đồng đội của mình vì được nhận lại kỷ vật khi còn minh mẫn. Từ tận đáy lòng, tôi cảm ơn những người từng ở phía bên kia chiến tuyến. Tôi hi vọng một dịp nào đó có thể được gặp người cựu lính Mỹ đã nhặt được cuốn nhật ký của tôi để nói lời cảm ơn", ông Thiện nói.