(Dân trí) - Lương tối thiểu được đề xuất tăng từ tháng 7, vợ cũ "tố" chồng bạo hành con, chuyện người phụ nữ làm "bố" của 9 đứa trẻ… là những thông tin được nhiều người quan tâm tuần qua.
"Nóng" trong tuần: Chốt hướng tăng lương tối thiểu, găng chuyện rút bảo hiểm một lần
Lương tối thiểu được đề xuất tăng từ tháng 7, vợ cũ "tố" chồng bạo hành con, chuyện người phụ nữ làm "bố" của 9 đứa trẻ… là những thông tin được nhiều người quan tâm tuần qua.
Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về tình trạng rút, mua bán sổ bảo hiểm xã hội
Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề cập vấn đề này tại lễ ký kết chương trình phối hợp về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động ngày 12/4 tại Hà Nội.
Đánh giá về tình trạng một bộ phận người lao động chuyển sang hưởng bảo hiểm xã hội một lần, lãnh đạo Bộ nhận định có 3 nguyên nhân: Đời sống của một số người lao động còn khó khăn do tác động của Covid-19 gây nên và khiến họ tạm tìm tới nguồn tài chính ban đầu mà chưa thấy được hậu quả lâu dài của việc rút BHXH một lần.
Nguyên nhân tiếp theo là chính sách tuyên truyền, phổ biến về bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ khiến người dân chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin nên quyết định "rút sổ". Nguyên nhân cuối cùng, một số cá nhân còn lợi dụng để mua, bán sổ bảo hiểm xã hội và gây nên tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội.
"Thực tế này sẽ tạo hệ lụy rất lớn về an sinh xã hội sau này. Chúng ta sẽ nghiên cứu kiên quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp trá hình nhằm trục lợi bảo hiểm xã hội, lợi dụng lúc khó khăn của công nhân", Bộ trưởng khẳng định…
Lý do lương tối thiểu được đề xuất tăng sớm 6 tháng
Kết quả đàm phán lương tối thiểu vùng đợt này đã tạo bất ngờ về thời điểm đề xuất tăng từ 1/7/2022 thay vì 1/1/2023 . Thời gian áp dụng mức lương mới, như vậy, sẽ dài hơn 6 tháng so với thông lệ.
Theo Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh, điều dễ nhận thấy là sự đồng thuận cao giữa các bên về nhu cầu cần tăng lương tối thiểu vùng sau một thời gian "ngủ đông" dài 2 năm qua.
Điều này khác hẳn so với các phiên đàm phán lương tối thiểu trong những năm trước đây. Khi đó, quan điểm của các bên, chỉ riêng về việc có nên điều chỉnh lương tối thiểu hay không đã có khoảng cách tương đối lớn…
Quy tập hài cốt du kích tiễu phỉ hy sinh 71 năm trước
Ban Chỉ đạo 24, huyện Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai vừa tổ chức cất bốc, di chuyển hài cốt liệt sỹ Hoàng Văn Song (hy sinh tháng 8/1951) khi tiễu phỉ tại biên giới về nghĩa trang liệt sỹ huyện Bắc Hà.
Theo UBND huyện Si Ma Cai, liệt sỹ Hoàng Văn Song sinh năm 1911, nguyên quán ở xã Minh Hòa, huyện Hưng Hà, tỉnh Thái Bình, hy sinh ngày 10/8/1951 tại khu vực Đồn Biên phòng Si Ma Cai, tỉnh Lào Cai.
Thời điểm hy sinh, liệt sỹ Hoàng Văn Song là đội viên du kích địa phương, trực tiếp tham gia tiễu phỉ ở vùng biên giới Si Ma Cai, thi hài được đồng đội mai táng trên núi, phía sau khu vực Đồn Biên phòng Si Ma Cai, hiện nay thuộc tổ dân phố Dìn Phàng, thị trấn Si Ma Cai…
Nhận BHXH một lần, mất quyền lợi lương hưu khi về già
Theo BHXH Việt Nam, trong 3 tháng đầu năm 2022, có 208.943 người nhận BHXH một lần, tăng 1% so với cùng kỳ năm 2021. Những người này sẽ không còn nguồn thu nhập từ lương hưu khi về già.
Phân tích của các chuyên gia của BHXH Việt Nam cho thấy, rút bảo hiểm xã hội (BHXH) một lần đồng nghĩa trong tương lai những người lao động này khi đến tuổi về hưu sẽ không có nguồn thu nhập hằng tháng từ lương hưu để bảo đảm cuộc sống.
BHXH Việt Nam khuyến nghị, người lao động khi không lựa chọn hưởng BHXH một lần, nên cân nhắc tới quyền bảo lưu để khi có điều kiện thì tiếp tục tham gia BHXH bắt buộc hoặc tham gia BHXH tự nguyện cho đủ số năm còn thiếu, qua đó bảo đảm hưởng lương hưu khi về già…
Người phụ nữ bận thanh y làm "bố" của 9 đứa trẻ bị bỏ rơi
Hơn 10 năm vừa làm bố, vừa làm mẹ chăm sóc, nuôi dưỡng 9 đứa trẻ bị bỏ rơi ngay tại cổng chùa Mạc Thượng khi vừa mới chào đời, sư cô Thích Đàm Quyết không kìm được nước mắt khi nói về lý do bầy con đặc biệt gọi bà là… bố.
"Ngày nào cũng như "đánh trận" vậy đó, vì tôi có tới 9 đứa con tất thảy. Không la mắng thì không thể dứt mấy đứa mải chơi khỏi trò đùa đang dở dang" - sư cô Thích Đàm Quyết - trụ trì chùa Mạc Thượng (xóm 2, xã Chính Lý, huyện Lý Nhân, tỉnh Hà Nam) chia sẻ.
Giữa tiết trời tháng 4 còn se lạnh, sư cô đầu trần, bận bộ thanh y cũ, bạc màu vui vẻ ra đón khách. Người phụ nữ đã ngoài 50 vẫn tất bật với việc chăm sóc trẻ nhỏ kể, hơn 10 năm qua, chùa Mạc Thượng có duyên nghiệp, trở thành mái nhà chung của nhiều trẻ mồ côi, bị bỏ rơi, không người thân thích…
Doanh nghiệp nợ bảo hiểm, công nhân bế tắc "kêu cứu"
Theo phản ánh của nhiều lao động làm việc tại Công ty Cổ phần may Quảng Trị (Cty may Quảng Trị) đóng tại thị xã Quảng Trị, tỉnh Quảng Trị, dù các nữ công nhân đã nghỉ thai sản từ lâu nhưng hiện chưa được giải quyết chế độ.
Bên cạnh đó, công ty chưa thực hiện chốt sổ bảo hiểm xã hội để công nhân được hưởng chế độ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định. Qua tìm hiểu được biết, nguyên nhân do Cty may Quảng Trị còn nợ tiền bảo hiểm xã hội, dẫn đến các quyền lợi của người lao động chưa được giải quyết đầy đủ…
Công nhân chật vật xoay sở hậu Covid-19, mong nhận tiền hỗ trợ thuê nhà trọ
Sức khỏe suy giảm sau khi bị Covid-19, thu nhập eo hẹp, nhiều công nhân tại TP Hải Phòng phải thắt chặt chi tiêu trong thời "bão giá", mong sớm nhận được khoản tiền hỗ trợ thuê nhà trọ của Chính phủ.
Khoảng 8h tối, vợ chồng chị Lê Thị Hồng Hải (quê ở xã Trấn Dương, Vĩnh Bảo, TP Hải Phòng) mới bắt đầu bữa cơm sau một ngày làm việc vất vả. Mâm cơm có một đĩa thịt lợn rang, vài tấm đậu trắng và đĩa rau luộc chấm nước mắm.
Chị Hải làm cho một công ty ở huyện An Dương cách nơi trọ khoảng 10km, còn chồng chị làm thợ lắp đặt biển quảng cáo. Tổng thu nhập của 2 vợ chồng hàng tháng được khoảng 15 triệu đồng…
Vụ vợ cũ "tố" chồng bạo hành con: Hai đứa trẻ vẫn muốn ở với bố!
Chiều 12/4, thông tin với PV Dân trí, ông Nguyễn Chí Thành - Chủ tịch UBND huyện Thanh Ba cho biết đã ký quyết định xử phạt 7,5 triệu đồng đối với anh Trần Văn Cường (ở khu 1, xã Ninh Dân, huyện Thanh Ba) vì có hành vi đánh con gây bầm tím hai chân .
"Hai vợ chồng họ bỏ nhau. Cháu nhỏ mê chơi điện tử nên bị bố đánh vài roi"- ông Thành thông tin.
Theo lãnh đạo Phòng Lao động - Thương binh và Xã hội huyện Thanh Ba, nhiều cơ quan của địa phương này đã vào cuộc tìm hiểu, xác minh sự việc ngay sau khi nắm được phản ánh của chị Phan Thị Hương Giang (SN 1990, trú tại xã Quảng Yên, huyện Thanh Ba)…
"Sau gã thợ mộc, tôi bị 2 người khác xâm hại tình dục, mẹ không hay biết"
Trong sự việc nhà thơ Dạ Thảo Phương công khai chuyện từng bị xâm hại tình dục , chi tiết chị "không dám nói với mẹ" làm nhiều người, nhất là những người làm mẹ quặn lòng.
Lý do nữ nhà thơ không dám nói với mẹ là vì "sợ mẹ đau lòng...". Đây không phải là trường hợp duy nhất người từng trải qua biến cố đau đớn khi bị xâm hại tình dục không dám nói với bố mẹ, người thân về việc này mà có rất nhiều đứa con giữ bí mật đó với chính gia đình…
Bán con gái sang Trung Quốc, bố lĩnh án 14 năm tù
Ngày 14/4, Tòa án nhân dân tỉnh Nghệ An mở phiên tòa xét xử sơ thẩm Lô Phò Phèng (SN 1975, trú xã Bảo Nam, Kỳ Sơn, Nghệ An) và 2 đồng phạm về tội " Mua bán người dưới 16 tuổi" . Nạn nhân trong vụ việc là Lô Thị M.C. (SN 2005), con gái ruột của Phèng.
Vụ việc xảy ra vào năm 2018. Theo lời khai của Lô Phò Phèng, bản thân bị cáo mắc bệnh tim, cần tiền điều trị. Trong lúc túng quẫn, Phèng gọi điện cho cháu gái là Lo Thị Căm (SN 1987, trú xã Hữu Kiệm, Kỳ Sơn) nhờ tìm mối bán con gái sang Trung Quốc…
Ảnh: Nhóm phóng viên