Bộ mẫu vật rắn biển lớn nhất Việt Nam và những điều bí ẩn
(Dân trí) - Tại Viện Hải dương học Nha Trang đang lưu giữ bộ mẫu vật rắn biển lớn nhất Việt Nam. Các nhà khoa học phát hiện rắn biển có nọc độc gấp 10 lần rắn hổ mang và chúng có thể hô hấp qua da.
Theo Thạc sĩ Cao Văn Nguyện, nghiên cứu viên chính của Viện Hải dương học Nha Trang (Khánh Hòa), đến nay trên thế giới phát hiện, ghi nhận 62 loài rắn biển.
Tại Viện Hải dương học Nha Trang đang lưu giữ, bảo quản được 26 mẫu vật của loài này. Đây cũng là bộ mẫu vật về rắn biển lớn nhất ở Việt Nam.
Việc lưu giữ mẫu vật rắn biển giúp cung cấp thông tin trong nghiên cứu khoa học, y học, đời sống và phương pháp bảo vệ, bảo tồn chúng.
Các thông tin chính được cung cấp kèm mẫu vật, gồm đặc điểm nhận dạng; đặc điểm sinh học, sinh thái; vùng phân bố; phương pháp điều trị khi bị rắn biển cắn và giá trị sử dụng.
"Nếu nghiên cứu khoa học mà không có mẫu vật rất khó xác định được loài nghiên cứu ở đâu, giá trị như thế nào", Thạc sĩ Cao Văn Nguyện chia sẻ.
Ông Nguyện cho hay, trước năm 2008, người dân Việt Nam ít quan tâm về loài rắn sống dưới biển. Tuy nhiên, sau đó một số nước trên thế giới phát hiện rắn biển có giá trị dinh dưỡng nên ồ ạt thu mua, từ đó giá của loài này được tăng cao.
Bên cạnh đó rắn biển cũng được sử dụng để sản xuất các loại thuốc chữa bệnh thấp khớp, đau lưng, biếng ăn, mất ngủ và tăng cường sức khỏe gân cốt.
Bởi rắn biển sở hữu nhiều giá trị quý nên thương lái thu mua số lượng lớn, còn người dân ham lợi nên khai thác một cách quá mức khiến loài này dần suy kiệt.
"Nếu tình trạng khai thác vẫn tiếp tục diễn ra không kiểm soát, tương lai không xa sẽ dẫn đến cạn kiệt nguồn rắn biển", Thạc sĩ Nguyện nhận định.
Chính vì tình trạng trên, nên các nước trên thế giới, trong đó có Việt Nam đang cùng nhau tìm hướng bảo vệ, bảo tồn rắn biển.
Thạc sĩ Cao Văn Nguyện cho biết, đa số rắn biển đều đẻ con dưới nước khác với các loài rắn trên bờ là đẻ trứng.
Loài rắn biển duy nhất ở Việt Nam đẻ trứng dưới nước là cạp nong môi vàng. Đây cũng là loài rắn biển sống ở các rạn san hô tại vịnh Nha Trang. Cạp nong môi vàng đẻ trứng ở tổ trong rạn san hô và canh cho đến khi con nở.
"Một số nghiên cứu chỉ ra rằng, loài này có tổ tiên sống trên cạn, tuy nhiên qua thời gian dài tiến hóa đã dần xuống nước biển để ở. Tuy nhiên, cạp nong môi vàng vẫn giữ phương thức sinh sản đẻ trứng, khác hoàn toàn với các loài rắn biển khác", Thạc sĩ Nguyện tiết lộ.
Theo ông Nguyện, tất cả loài rắn biển đều có nọc độc. Nọc của một số loài rắn sống dưới biển có độc tính gấp 10 lần rắn hổ mang. Trong một nghiên cứu mới đây, các nhà khoa học phát hiện trên đầu rắn biển có các mạch máu phức tạp và dày đặc dưới da. Nhờ những mạch máu này, chúng có khả năng lấy oxy trực tiếp dưới nước.
Nhóm nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, ngoài phổi, lượng oxy hấp thụ qua mạch máu dưới da chiếm đến 32% nhu cầu trao đổi chất của rắn biển, giúp chúng lặn và săn mồi dưới nước hiệu quả hơn.
"Phát hiện này đã gợi mở ý tưởng chế tạo một loại áo có khả năng hấp thụ oxy trực tiếp từ môi trường nước, trang bị cho những người thường làm việc trên biển", Thạc sĩ Nguyện tiết lộ.