"Sau gã thợ mộc, tôi bị 2 người khác xâm hại tình dục, mẹ không hay biết"
(Dân trí) - Trong sự việc nhà thơ Dạ Thảo Phương công khai chuyện từng bị xâm hại tình dục, chi tiết chị "không dám nói với mẹ" làm nhiều người, nhất là những người làm mẹ quặn lòng.
Lý do nữ nhà thơ không dám nói với mẹ là vì "sợ mẹ đau lòng...". Đây không phải là trường hợp duy nhất người từng trải qua biến cố đau đớn khi bị xâm hại tình dục không dám nói với bố mẹ, người thân về việc này mà có rất nhiều đứa con giữ bí mật đó với chính gia đình.
"Mẹ mày có tin không?"
Đó là câu hỏi của tên hàng xóm xâm hại tình dục Ng.T.T. (32 tuổi, nhân văn viên phòng ở TPHCM) năm chị 10 tuổi.
Ngày đó, mỗi lần có việc ra ngoài, mẹ lại gửi chị sang nhà chú thợ mộc cạnh nhà. Một lần, T. đi tiểu và bị hắn ta đè ra giữa nền nhà vệ sinh...
T. chỉ mơ hồ biết đây là việc rất "xấu xa, bẩn thỉu". Chẳng cần ông ta dụ dỗ, đe dọa, T. không nói với mẹ một lời. Sau đó, T. sợ hãi, khó chịu, vùng vằng khi mẹ gửi mình sang nhà chú thợ mộc. T. chỉ ước một lần mẹ hỏi "vì sao?".
Không nhớ đến lần thứ mấy bị gã thợ mộc khốn nạn cưỡng hiếp nhưng có một lần, là lần đầu T. thét lên: "Mẹ ơi, cứu con!". T. nhớ như in khuôn mặt gớm ghiếc, bẩn thủi của hắn ta dí sát mặt mình: "Mày la lên đi, xem mẹ mày có tin mày không?".
"Mẹ mày có tin mày không?" là cú đánh hạ gục nỗ lực chống cự cuối cùng của T. Cô bé lùng bùng nhận ra, hàng ngày, mẹ hay la hét, quát mắng và rất hiếm khi tin tưởng mình. Đi học, M. bị bạn đánh, cô đánh, nếu về kể, mẹ cũng la: "Con làm gì thì mới bị đánh". Và cô bé chẳng nhận được hỗ trợ nào hết.
"Từ bé, tôi đã mất đi phản xạ "khi có việc hãy nói với mẹ". Sau lão thợ mộc, tôi bị hai người khác xâm hại tình dục nhưng đến nay mẹ tôi không hề hay biết", T. nghẹn đắng khi giờ vẫn phải vật lộn với những khó khăn tâm lý vì nỗi ám ảnh tuổi thơ.
Khoe thành tích quá dễ dàng, nói với mẹ về thất bại, sao nghẹn đắng!
"Có bất cứ chuyện gì hãy kể với bố mẹ!", chúng ta thường dặn con trẻ như vậy nhưng lời dặn đó dường như luôn có khoảng cách với nỗi lòng của trẻ. Không phải là nghe, trẻ thường nhìn vào phản ứng của bố mẹ trong các tình huống để quyết định "im lặng" hay "lên tiếng".
Đó có thể là tiếng thở dài của bố mẹ khi con bị điểm thấp, tiếng gào thét, la mắng của họ khi con làm vỡ đồ, khi con chậm chân, mắc lỗi... Khoe với bố mẹ về thành tích, thành công sao quá dễ dàng nhưng khi thất bại, đau khổ thì cứ nghẹn đắng ở cổ.
Trẻ sợ những cái chau mày, những lời chê trách thậm chí chỉ một tiếng thở dài của bố mẹ khi mình thất bại. Trẻ sợ bố mẹ đau lòng, sợ mình không còn là niềm tự hào của bố mẹ, trẻ sợ mất thể diện của gia đình... Đó là những vấn đề thực tế giết chết khả năng chia sẻ, cảm thông giữa ngay chính những người thân. Chẳng phải đến lời bài hát cũng là "mang tiền về cho mẹ, đừng mang ưu phiền cho mẹ" đó sao.
Ông Trần Minh Thảo, chuyên viên tâm lý học đường ở TPHCM kể, ông từng gặp nhiều ca học sinh bị xâm hại tình dục tìm đến, chỉ để được chia sẻ, với điều kiện ông phải hứa "không được kể với ai, nhất là với bố mẹ" các em.
Vị chuyên viên này cho biết: "Tiếng la hét, đe dọa có khi không chỉ đến từ kẻ xâm hại mà có thể ngay trong gia đình nạn nhân... Các em cảm thấy mình không được an toàn nếu nói ra với bố mẹ. Trong sâu thẳm, trẻ sợ không được yêu thương, không còn giá trị với chính bố mẹ".
Chưa kể, khi bị xâm hại tình dục, nạn nhân thường có tâm lý co mình lại, thấy mình nhớp nhúa, bẩn thỉu... Điều chúng sợ hãi nhất chính là sợ bố mẹ biết. Nỗi sợ đó còn cao hơn cả nỗi sợ bị xâm hại, bị đe dọa.
Nói về sự "im lặng" của người bị xâm hại, chị N.H.H, 38 tuổi, ở Hà Nội, bày tỏ: "Với một người như mình, các bạn nghĩ mình sẽ làm gì khi bị quấy rối tình dục. Trong trí tưởng tượng của mình, mình sẽ túm lấy cổ cái thằng khốn nạn kia, sẽ đá vào hạ bộ của nó, sẽ vận dụng tất cả những thế võ phòng ngự học được trên mạng, sẽ hét thật to để kêu cứu và khi thoát được ra thì mình sẽ la làng lên để tố cáo...
Nhưng sự thực là mình đã im lặng".
Vì sao mình đã im lặng? Cho đến giờ mình cũng không giải thích được phản ứng của mình. Mình bẩm sinh không phải người yếu đuối, không phải người hèn nhát, không biết sợ ai. Nhưng như thể có một cái thuật toán nào đó đã mã hóa trong gen của mình, kích hoạt chế độ im lặng khi bị tấn công".
Và dù có mối quan hệ thân thiết với bố mẹ, chị H. vẫn chưa bao giờ kể với họ về việc mình từng bị quấy rối tình dục.
Bố mẹ là người cuối cùng biết bí mật của con
Khi vấn đề xâm hại tình dục dậy sóng, trên các diễn đàn, các ông bố bà mẹ không ngừng chia sẻ, nhắc con "có chuyện gì hãy nói với bố mẹ".
Tuy nhiên, ông Trần Minh Thảo cho rằng "chờ con kể" là một tâm lý thụ động của bố mẹ và là động thái tiếp tục đẩy trách nhiệm về đứa trẻ, "kết tội" sao con im lặng, sao con không nói...
Ông Thảo nhấn mạnh, bố mẹ phải làm sao để con trẻ thấy thoải mái, yên tâm khi kể về "bí mật" mà không bị trừng phạt, bị chì chiết hay chê trách. Hoặc có thể trẻ vẫn không "mở lời" nhưng khi gặp khó khăn, bị xâm hại, các em sẽ có những biểu hiện rất rõ ràng, vấn đề là bố mẹ có đủ quan tâm để phát hiện các biểu hiện đó rồi cùng chia sẻ, đồng hành...
Nhà văn Isabelle Müller, người phụ nữ gốc Việt gây chấn động khi lên tiếng kể về việc bị chính bố ruột xâm hại tình dục nhiều năm trời, từng nhiều lần tự vẫn bất thành đúc kết, thường có hai trường hợp xảy ra với đứa trẻ bị xâm hại tình dục.
Có trẻ dám lên tiếng nhưng khi đó chúng lại có thể bị trừng phạt vì sự lên tiếng của mình. Người ta muốn đứa trẻ im lặng hoặc nhìn theo hướng khác, không hỗ trợ nạn nhân. Khi đó, lòng tin của trẻ với mọi người sẽ hoàn toàn bị hủy hoại.
Trường hợp khác, đứa trẻ không diễn đạt được việc mình bị xâm hại nhưng sẽ luôn có các biểu hiện như nói bóng gió, có một bức vẽ khác thường hay rối loạn ăn uống, kết quả học tập tụt dốc... Đáng tiếc, người xung quanh thường không nhận ra những tín hiệu "kêu cứu" này.
Bà cho rằng, ứng xử của người lớn trong cả hai trường hợp đều là thêm một sự trừng phạt với nạn nhân khi những tiếng kêu cứu thầm lặng của trẻ bị phớt lờ. Khi đó, điều đau đớn nhất với nạn nhân bị xâm hại tình dục là họ mất đi quyền tiếp cận sự giúp đỡ xung quanh.
Theo ông Trần Minh Thảo, chất lượng mối quan hệ giữa bố mẹ và con cái, kịp thời nhận biết những "tín hiệu" phát ra từ trẻ, nâng đỡ yêu thương con ngay những bất hạnh, đau khổ, đặt tình yêu cho con trên thể diện của mình, của gia đình... là những điều kiện cần nhất để giúp được đứa trẻ trước nạn xâm hại tình dục cũng như mọi sóng gió khác của cuộc đời.
Vậy nhưng, thực trạng hiện nay, bố mẹ thường là người cuối cùng biết bí mật của con. Có những trẻ rơi vào trầm cảm, tự vẫn, khi hậu quả đau lòng xảy ra, nhiều phụ huynh vẫn ngỡ ngàng không hiểu vì sao.