1. Dòng sự kiện:
  2. Sửa luật Bảo hiểm xã hội

Lý do lương tối thiểu được đề xuất tăng sớm 6 tháng

Hoàng Mạnh

(Dân trí) - Kết quả đàm phán lương tối thiểu vùng đợt này đã tạo bất ngờ về thời điểm đề xuất tăng từ 1/7/2022 thay vì 1/1/2023. Thời gian áp dụng mức lương mới, như vậy, sẽ dài hơn 6 tháng so với thông lệ.

Lý do lương tối thiểu được đề xuất tăng sớm 6 tháng - 1

Ông Lê Văn Thanh, Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH kiêm Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia.

Để có thêm các thông tin về kết quả phiên đàm phán lương tối thiểu năm 2022, PV Dân trí đã có cuộc trao đổi với Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia - Thứ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Lê Văn Thanh.

Phiên đàm phán về lương tối thiểu vùng năm 2022 của Hội đồng tiền lương quốc gia diễn ra hôm qua, 12/4 rất gây chú ý khi mới ở vòng thứ hai đã "chốt" được cả chủ trương tăng lương, mức tăng, thời điểm tăng lương. Là Chủ tịch Hội đồng tiền lương quốc gia, Thứ trưởng ấn tượng gì nhất với phiên đàm phán đặc biệt như vậy?

- Có lẽ điều dễ nhận thấy là sự đồng thuận cao giữa các bên về nhu cầu cần tăng lương tối thiểu vùng sau một thời gian "ngủ đông" dài 2 năm qua.

Điều này khác hẳn so với các phiên đàm phán lương tối thiểu trong những năm trước đây. Khi đó, quan điểm của các bên, chỉ riêng về việc có nên điều chỉnh lương tối thiểu hay không đã có khoảng cách tương đối lớn. 

Ý kiến của các bên sau phiên đàm phán lương tối thiểu vùng hôm 12/4

Dù vậy phiên đàm phán vẫn cho thấy những khác biệt về mức và thời điểm tăng chỉnh lương của các bên. Tổng LĐLĐ Việt Nam đề xuất tăng từ 7-8% so với mức lương tối thiểu vùng áp dụng ngày 1/1/2020. Thời gian điều chỉnh từ tháng 7/2022.

Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chủ trương điều chỉnh từ ngày 1/1/2023 để doanh nghiệp đảm bảo các kế hoạch sản xuất kinh doanh đã có và tránh phải điều chỉnh các chỉ số. 

Lý do lương tối thiểu được đề xuất tăng sớm 6 tháng - 2

Chủ tịch Hội đồng tiền lương Quốc gia công bố thông tin tới các bên trước giờ bỏ phiếu.

Sau nhiều cuộc thảo luận, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã bỏ phiếu thống nhất về mức đề xuất cũng như thời điểm áp dụng việc tăng lương. Kết quả cho thấy, các thành viên đều đồng ý mức tăng 6% lương tối thiểu so với hiện hành.

Về thời điểm đề xuất tăng, kết quả bỏ phiếu tính cho thấy, 15/17 thành viên Hội đồng tiền lương quốc gia đồng ý tăng lương tối thiểu vùng ngay từ 1/7/2022, áp dụng tới hết năm 2023, 2/17 thành viên chọn phương án tăng lương từ 1/1/2023.

Do nguyên tắc quyết định theo đa số, Hội đồng tiền lương Quốc gia thống nhất đề xuất thời điểm tăng là từ 1/7/2022, áp dụng tới 31/12/2023.

Việc đưa biên độ tăng lương lên 18 tháng thay vì 12 tháng như thông lệ có lý do gì, thưa ông?  

- Trong hơn 10 năm áp dụng cơ chế đàm phán lương tối thiểu, thông thường, mức lương được điều chỉnh từ ngày 1/1 hàng năm cho phù hợp với năm tài chính. Việc áp dụng mức điều chỉnh, như vậy, thường kéo dài 1 năm.

Nhưng 2 năm qua, lương tối thiểu đã không được điều chỉnh, do tác động của đại dịch Covid-19 khiến doanh nghiệp gặp nhiều khó khăn.

Lý do lương tối thiểu được đề xuất tăng sớm 6 tháng - 3

Phía Tổng Liên đoàn lao động Việt Nam đề xuất mức tăng lương tối thiểu từ 7-8%.

Mặt khác, dù khoảng thời gian điều chỉnh 18 tháng, không theo thông lệ 12 tháng như các năm trước nhưng cũng không trái với quy định chung.

Trong bối cảnh dịch Covid-19 dần được kiềm chế, việc áp dụng lương tối thiểu mới trong khoảng thời gian kéo dài tới 18 tháng được Hội đồng tiền lương Quốc gia tính toán nhằm tạo sự ổn định cho người lao động và kế hoạch sản xuất kinh doanh của người sử dụng lao động.

Chính vì những lý do trên, Hội đồng tiền lương Quốc gia đã quyết định đề xuất điều chỉnh tăng lương tối thiểu ngay từ ngày 1/7/2022, áp dụng đến 31/12/2023.

Như ông nói, sau 2 năm "đóng băng", nay lương tối thiểu vùng đã chính thức được đề xuất điều chỉnh, tăng 6%. Ông đánh giá thế nào về quyết định này?

- Đại dịch Covid-19 tác động khiến việc điều chỉnh lương tối thiểu bị gián đoạn tới 2 năm. Đây là nguyên nhân bất khả kháng. Người lao động và người sử dụng lao động đã phải cùng đối mặt với những khó khăn chung, qua đó cũng thể hiện sự đồng cam cộng khổ, chia sẻ của người lao động và người sử dụng lao động.

Chính vì vậy, phiên đàm phán lương lần này đã có nhiều dấu hiệu tích cực. Mức tăng được đề xuất là 6% đã thể hiện sự nhượng bộ của các bên. Người lao động có điều kiện cải thiện phần nào đời sống sau một thời gian dài khó khăn do Covid-19. Người sử dụng lao động cũng có thể cân đối lại ngân sách, đảm bảo phục hồi sản xuất và ổn định nhân lực.

Mức tăng được đề xuất còn thể hiện rõ sự đồng thuận và thấu hiểu nhau hơn của các bên so với những phiên đàm phán trước đây. Người lao động đã thể hiện sự gắn bó, cùng gánh vác khó khăn với doanh nghiệp.

Người sử dụng lao động cũng ý thức được rằng sự phát triển của doanh nghiệp gắn chặt với người lao động. Doanh nghiệp coi người lao động là một "tài sản" hết sức quý giá, cần giữ gìn và nâng niu.

Cũng chính vì các bên dễ dàng tìm được "tiếng nói chung", Hội đồng tiền lương Quốc gia không phải tổ chức tới phiên đàm phán lần thứ 3. Đây là điều ít diễn ra ở các mùa đàm phán lương tối thiểu trước đây.

Xin cảm ơn ông!

Với mức đề xuất tăng 6%, lương tối thiểu vùng dự kiến được điều chỉnh như sau:

Vùng 1: Tăng 260.000 đồng, từ mức 4,42 triệu đồng lên 4,68 triệu đồng.

Vùng 2: Tăng 240.000 đồng, từ 3,92 triệu đồng lên 4,160 triệu đồng.

Vùng 3: Tăng 210.000 đồng, từ 3,42 triệu đồng lên 3,63 triệu đồng.

Vùng 4: Tăng 180.000 đồng, từ 3,07 triệu đồng lên 3,250 triệu đồng.