Bộ trưởng Đào Ngọc Dung nói về tình trạng rút, mua bán sổ bảo hiểm xã hội
(Dân trí) - Bộ trưởng Bộ LĐ-TB&XH Đào Ngọc Dung đề cập vấn đề này tại lễ ký kết chương trình phối hợp về hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động và phát triển thị trường lao động ngày 12/4 tại Hà Nội.
Chương trình do Bộ LĐ-TB&XH và 4 cơ quan đồng tổ chức, gồm Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam, Bảo hiểm xã hội Việt Nam, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam; Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Theo Bộ trưởng Đào Ngọc Dung, chương trình phối hợp được ký kết với nhiều nội dung nhất từ trước tới nay. Điều này thể sự quyết tâm chính trị rất lớn của các bên, góp phần ổn định an sinh xã hội, nhằm mục tiêu đảm bảo an sinh, từ đó đáp ứng yêu cầu an dân.
Mục tiêu của chương trình hợp tác nhằm triển khai quyết liệt, hiệu quả, bảo đảm tiến độ các nhiệm vụ, giải pháp của Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội theo Nghị quyết số 11/NQ-CP ngày 30/01/2022 của Chính phủ.
Chương trình hợp tác nhằm đảm bảo thực hiện mục tiêu phát triển quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ trong tình hình mới, kết nối tốt cung cầu và phát triển thị trường lao động bền vững, cung ứng kịp thời lao động có chất lượng cho thị trường.
Đồng thời, các bên cũng kỳ vọng tiếp tục thực hiện hiệu quả các chính sách an sinh xã hội, phúc lợi xã hội, nhất là chính sách bảo hiểm xã hội, đảm bảo an sinh xã hội bền vững cho người lao động.
Để triển khai được mục tiêu này, Bộ trưởng lưu ý, các bên cần chú trọng xây dựng tầm nhìn dài hạn, hành động mau lẹ và bắt đầu từ công việc cụ thể.
Đồng thời, việc triển khai cần thực hiện trên nguyên tắc đảm bảo đồng thuận, tạo điều kiện tốt nhất để doanh nghiệp phát triển, tạo việc làm và đời sống cho người lao động. Trên cơ sở đó, người lao động sẽ cùng phấn đấu để xây dựng doanh nghiệp tốt hơn.
"Tôi tin rằng trên kết quả của sự đồng thuận từ lễ ký này, các bên sẽ trình Thủ tướng Chính phủ xem xét và ban hành công điện để chỉ đạo thực hiện các nội dung ký kết trên quy mô toàn quốc", Bộ trưởng cho biết.
Cũng tại cuộc ký kết, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung chia sẻ những kết quả triển khai chính sách an sinh trong giai đoạn khó khăn do tác động của dịch Covid-19.
Về phát triển thị trường lao động, Bộ trưởng Đào Ngọc Dung khẳng định, Việt Nam được quốc tế đánh giá là một trong những nước phục hồi khôi phục thị trường lao động với tốc độ nhanh.
Theo đó, thị trường lao động đã khởi động lại ngay từ đầu quý I/2022 chứ không cần chờ tới quý II/2022 như trong dự kiến.
"Vì vậy, có thể thấy, chương trình hợp tác có một cái tầm nhìn chiến lược. Riêng về chuyện chống đứt gãy chuỗi cung ứng lao động, tại tất cả các cuộc họp, chúng tôi đều cảnh báo và đưa ra giải pháp cho các doanh nghiệp: Không trả lương được tất cả thì phải giữ được bảo hiểm xã hội và giữ được mức lương cơ bản. Do đó, hiện các doanh nghiệp giữ chân lao động rất tốt khi quay trở lại", Bộ trưởng cho biết.
Theo đó, thời gian qua, Bộ LĐ-TB&XH đã phối hợp với nhiều Bộ, ngành tham mưu tới Chính phủ, Quốc hội ban hành nhiều chủ trương chính sách, trong đó có nhiều chính sách chưa có tiền lệ nhằm hỗ trợ người lao động và người sử dụng lao động vượt qua khó khăn, duy trì sản xuất và ổn định công ăn việc làm và đảm bảo an sinh xã hội.
"Tới nay, thông qua việc thực hiện Nghị quyết 42 và Nghị quyết 68, 9 nhóm chính sách do trung ương và địa phương triển khai, qua đó giải ngân khoảng 80 ngàn tỷ đồng và 50 triệu lượt người đã được thụ hưởng chính sách", lãnh đạo Bộ cho biết.
Về việc thực hiện Nghị quyết 116 của Chính phủ về hỗ trợ người lao động tham gia bảo hiểm thất nghiệp từ Quỹ Bảo hiểm thất nghiệp, thông tin cập nhật, khoảng 40.000 tỷ đồng đã được giải ngân kịp thời.
So sánh với việc thực hiện chính sách hỗ trợ cho doanh nghiệp vay, Bộ trưởng phân tích: "Năm 2020, chỉ có khoảng 4 tỷ đồng được giải ngân theo Nghị quyết 42 nhằm giúp doanh nghiệp vay tiền để trả lương. Nhưng tới khi thực hiện Nghị quyết 68 trong năm 2021, chúng ta đã giải ngân được khoảng 4.700 tỷ đồng, đạt 68% trong một thời gian rất ngắn…".
Tiếp sau đó, Đảng, Nhà nước và Chính phủ ban hành tiếp nghị quyết về phục hồi kinh tế xã hội với nhóm chính sách liên quan đến an sinh liên quan đến xã hội gồm hỗ trợ tiền lương, tiền thuê nhà cho 2 nhóm người lao động với khoảng 3,4-3,8 triệu người lao động nhằm sớm phục hồi thị trường lao động…
Có thể thấy rằng, tất cả những chính sách này chưa bao giờ có tiền lệ. Trong đó, điều lo lắng nhất đó là không chỉ là đứt gãy chuỗi cung ứng sản xuất nguy cơ đứt gãy chuỗi cung ứng lao động.
Đánh giá về tình trạng một bộ phận người lao động chuyển sang hưởng bảo hiểm xã hội một lần, lãnh đạo Bộ nhận định có 3 nguyên nhân: Đời sống của một số người lao động còn khó khăn do tác động của Covid-19 gây nên và khiến họ tạm tìm tới nguồn tài chính ban đầu mà chưa thấy được hậu quả lâu dài của việc rút BHXH một lần; chính sách tuyên truyền, phổ biến về bảo hiểm xã hội chưa đầy đủ khiến người dân chưa được tiếp cận đầy đủ thông tin nên quyết định "rút sổ"; một số cá nhân còn lợi dụng để mua, bán sổ bảo hiểm xã hội và gây nên tình trạng trục lợi bảo hiểm xã hội.
"Thực tế này sẽ tạo hệ lụy rất lớn về an sinh xã hội sau này. Chúng ta sẽ nghiên cứu kiên quyết xử lý nghiêm tất cả các trường hợp trá hình nhằm trục lợi bảo hiểm xã hội, lợi dụng lúc khó khăn của công nhân", Bộ trưởng khẳng định.
Bộ cũng sẽ đề xuất Chính phủ sớm tổng kết tình hình thực hiện chính sách bảo hiểm xã hội một lần theo Nghị quyết 93 Quốc hội, qua đó xem xét báo cáo với Quốc hội nhằm điều chỉnh cho phù hợp thực tế...
Những nội dung phối hợp giữa các bộ, ngành
1. Phối hợp triển khai thực hiện và đánh giá kết quả các chính sách hỗ trợ người lao động, người sử dụng lao động, nhất là tổng kết, đánh giá các chính sách hỗ trợ người dân, người lao động, người sử dụng lao động theo Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ, nghiên cứu, đề xuất cấp có thẩm quyền xem xét các chính sách hỗ trợ mới trong trường hợp cần thiết.
2. Tập trung phối hợp triển khai có hiệu quả Chương trình hỗ trợ phát triển thị trường lao động đến năm 2030 theo Quyết định số 176/QĐ-TTg ngày 05/02/2021 của Thủ tướng Chính phủ, trong đó tập trung các giải pháp hỗ trợ phát triển cung - cầu lao động, tạo việc làm tốt hơn cho người lao động, đảm bảo môi trường làm việc an toàn cho người lao động, tăng tỷ lệ lao động trong độ tuổi tham gia bảo hiểm xã hội đạt 45% vào 2025 và đạt 60% năm 2030.
3. Triển khai chính sách hỗ trợ tiền thuê nhà cho người lao động theo Quyết định số 08/2022/QĐ-TTg ngày 28/3/2022 của Thủ tướng Chính phủ kịp thời, chính xác, trong đó tập trung phổ biến để người lao động nắm rõ chính sách và giám sát chặt chẽ việc triển khai thực hiện thông qua các cấp công đoàn; tuyên truyền cho các doanh nghiệp về chính sách và trách nhiệm của doanh nghiệp trong việc thực hiện chính sách...
4. Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam tập trung chỉ đạo, hướng dẫn các doanh nghiệp triển khai Chương trình đào tạo, bồi dưỡng kỹ năng nghề cho người lao động nhằm góp phần nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, phục hồi và ổn định thị trường lao động từ Quỹ bảo hiểm thất nghiệp theo quy định tại Nghị quyết số 68/NQ-CP ngày 01/7/2021 của Chính phủ.
Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam chủ trì, phối hợp với Bộ LĐ-TB&XH, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam nghiên cứu, tổng kết mô hình "Chi lương linh hoạt" để tổ chức hỗ trợ doanh nghiệp và người lao động, bảo đảm phù hợp với quy định của pháp luật lao động, tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động và người sử dụng lao động, xây dựng quan hệ lao động hài hòa, ổn định và tiến bộ theo đúng tinh thần Chỉ thị số 37-CT/TW ngày 03/9/2019 của Ban Bí thư Trung ương Đảng.
5. Bộ LĐ-TB&XH chủ trì, tham mưu với Quốc hội sửa đổi, bổ sung Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014. Bảo hiểm xã hội Việt Nam quyết liệt triển khai Quyết định số 1676/QĐ-TTg ngày 21/11/2019 của Thủ tướng Chính phủ phê duyệt Đề án đổi mới toàn diện nội dung, hình thức và phương pháp tuyên truyền bảo hiểm xã hội
Xây dựng kế hoạch, đầu tư nguồn lực, nhân lực tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, mạng xã hội. Tập trung tuyên truyền trên các phương tiện thông tin đại chúng, các mạng xã hội để người lao động hiểu rõ sự cần thiết, lợi ích, vai trò, ý nghĩa của chính sách bảo hiểm xã hội. Phối hợp với các cơ quan truyền thông để tuyên truyền về lợi ích lâu dài của việc tham gia bảo hiểm xã hội, bảo đảm an sinh xã hội bền vững, hạn chế xảy ra tình trạng rút bảo hiểm xã hội một lần, không đảm bảo an sinh xã hội lâu dài và bền vững cho người lao động…
Hình ảnh: Chí Tâm, Giáp Tống