Quảng Nam giải quyết hồ sơ đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ tồn đọng
(Dân trí) - Ban Chỉ đạo xác nhận người có công với cách mạng của tỉnh Quảng Nam vừa tổ chức họp để giải quyết một số nội dung về các hồ sơ đề nghị công nhận thương binh, liệt sĩ còn tồn đọng.
Ngày 15/4, ông Trần Văn Chiến - Phó Giám đốc Sở LĐ-TB&XH - cho biết, đến nay Sở đã rà soát, tiếp nhận 77 hồ sơ tồn đọng đề nghị xác nhận người có công. Trong đó có 27 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ và 50 hồ sơ đề nghị xác nhận người hưởng chính sách như thương binh.
Kết quả sau khi xác minh và hoàn thiện hồ sơ theo quy trình, đối với số 50 hồ sơ đề nghị xác nhận hồ sơ hưởng chính sách như thương binh: 2 hồ sơ đủ điều kiện giải quyết, kết quả giám định cả 2 trường hợp có tỷ lệ dưới 21% và đã giải quyết chế độ. Còn lại 48 hồ sơ không đủ điều kiện, Sở đã chuyển trả cho các địa phương liên quan hướng dẫn lập hồ sơ theo quy định.
Đối với số 27 hồ sơ đề nghị xác nhận liệt sĩ: 12 trường hợp được trao tặng Bằng Tổ quốc ghi công; 6 trường hợp trình Bộ LĐ-TB&XH xem xét giải quyết; 3 trường hợp không đủ điều kiện giải quyết đã trả về địa phương; 6 trường hợp hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ đã được Sở hướng dẫn địa phương phối hợp với gia đình điều chỉnh, bổ sung hoàn thiện hồ sơ.
Sở LĐ-TB&XH tỉnh Quảng Nam cũng đã có báo cáo và xin ý kiến các thành viên Ban Chỉ đạo về 6 trường hợp hồ sơ đề nghị công nhận liệt sĩ nêu trên. Trong đó, có 5 hồ sơ đã hoàn thiện và một hồ sơ đang tiếp tục xúc tiến để hoàn thiện.
Tại cuộc họp, ông Trần Anh Tuấn - Phó Chủ tịch tỉnh Quảng Nam - cho biết việc xác nhận hồ sơ cho các đối tượng người có công với cách mạng là trách nhiệm của thế hệ sau, thể hiện sự ghi nhớ công lao thế hệ đi trước. Công tác hỗ trợ các trường hợp hoàn thiện hồ sơ cần được sớm triển khai để được xác nhận chế độ theo quy định.
Đối với 5 trường hợp nêu trên, ông Trần Anh Tuấn cơ bản thống nhất và giao các đơn vị liên quan có trách nhiệm rà soát, kiểm đếm, đối chiếu hồ sơ; tham mưu trình Bộ LĐ-TB&XH sớm xem xét giải quyết cho các trường hợp còn tồn đọng; thực hiện đúng quy trình, công khai trên các phương tiện thông tin đại chúng.
Đối với một trường hợp chưa xác nhận hồ sơ, cần tiếp tục đẩy nhanh, phối hợp với địa phương, gia đình hoàn thiện hồ sơ. Riêng các trường hợp hồ sơ không đủ điều kiện giải quyết, khi trả lại cần có câu trả lời thỏa đáng cho địa phương, gia đình.