DNews

Những kỷ vật biết nói về biệt động thành Sài Gòn - Gia Định

Tùng Nguyên

(Dân trí) - Mỗi kỷ vật được lưu giữ là một câu chuyện gắn liền với những chiến sĩ biệt động Sài Gòn, thể hiện tinh thần dũng cảm và mưu trí của những con người chiến đấu trong lòng địch.

Những kỷ vật biết nói về biệt động thành Sài Gòn - Gia Định

Những vũ khí đặc biệt

Là bảo tàng về lực lượng vũ trang nhưng bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định lại rất ít súng đạn, bom mìn mà chủ yếu trưng bày những vật dụng rất đời thường: Xe đạp, máy ảnh, bình thủy, máy in…

Trong một tủ kính, nhân viên bảo tàng trang trọng đặt những chiếc máy ảnh, vài cây bút, dao khắc, thước kẻ… Đó là vũ khí đặc biệt của "quận trưởng" Lâm Quốc Dũng (Dũng Râu). Những vật dụng này không phải là vũ khí sát thương nhưng lại đem đến những chiến công thầm lặng mà vô cùng quan trọng.

Những kỷ vật biết nói về biệt động thành Sài Gòn - Gia Định - 1

Vũ khí đặc biệt của "quận trưởng" Dũng Râu (Ảnh: Tùng Nguyên).

So sánh những vật dụng ấy là vũ khí không phải vì nó là thiết bị tinh vi, bên trong giấu súng đạn có thể sát thương con người. Chiếc máy ảnh ấy cũng chỉ dùng để chụp ảnh. Cây bút cũng chỉ dùng để viết chữ…

Nhưng bằng các vật dụng bình thường ấy, qua bàn tay tài hoa của chiến sĩ Lâm Quốc Dũng, những giấy tờ tùy thân giả được làm ra y như thật, giúp các chiến sĩ từ chiến khu thâm nhập vào Sài Gòn có được vỏ bọc hợp pháp để hoạt động công khai.

Gần 300 thẻ căn cước, giấy tờ giả như thế đã được Dũng Râu làm cho các chiến sĩ từ căn cứ vào nội đô hoạt động, tham gia lực lượng Biệt động Sài Gòn - Gia Định. Nhờ biệt tài này mà ông Dũng được đồng đội gọi là "quận trưởng". Chiến sĩ mới được điều về nội đô đều được dẫn đến gặp "quận trưởng" Dũng Râu để cấp "giấy căn cước".

Những kỷ vật biết nói về biệt động thành Sài Gòn - Gia Định - 2

Ông Dũng bên cạnh bộ "vũ khí" mà ông tặng cho bảo tàng (Ảnh: Tùng Nguyên).

Bà Trần Thị Yến Ngọc (còn có tên là Lệ Thu, bí danh Thu Bà Điểm) kể về hành trình hóa thân từ chiến sĩ quân báo tại căn cứ Trung ương Cục miền Nam thành nữ sinh Sài Gòn, xâm nhập và hoạt động ngay tại lòng địch.

Bà kể: "Hôm đó tôi được đưa đến gặp ông Dũng Râu. Ông Dũng dẫn tôi đi chụp hình, loay hoay một buổi rồi lấy ra một cái thẻ căn cước có hình tôi, ổng ký cái rẹt vào chỗ đề chữ quận trưởng rồi đưa tôi. Vậy là tôi trở thành cô gái Sài Gòn, xuất thân từ trường Trưng Vương, vợ sĩ quan…".

Bên cạnh những cây bút, bảo tàng còn lưu giữ hai lọ thủy tinh nhỏ chứa hai loại nước đặc biệt: nước giấu mực và nước mở mực. Đây là "vũ khí" của chiến sĩ biệt động Nguyễn Thị Phương (thư ký của Thiếu tướng Trần Hải Phụng, Tư lệnh Quân khu Sài Gòn - Gia Định).

Những kỷ vật biết nói về biệt động thành Sài Gòn - Gia Định - 3

2 lọ thuốc mở mực và giấu mực cùng mật thư viết trên giấy gói đồ, vở học sinh (Ảnh: Tùng Nguyên).

Bà Phương có nhiệm vụ đánh máy, viết các văn bản, hồ sơ mật dưới quyền của Tư lệnh Quân khu. Để đảm bảo những lệnh mật có thể qua mắt các trạm gác, chốt khám xét đến được tay các chiến sĩ biệt động an toàn, bà Phương thường dùng "nước giấu mực" để viết mật thư.

Sau khi viết xong, tờ giấy vẫn trắng tinh, không một dòng chữ. Nhưng khi nhận lệnh, người nhận chỉ cần dùng "nước mở mực" bôi lên thì chữ trên văn bản sẽ "hiện hình".

Trước khi bà Phương nhận nhiệm vụ này, mật thư của biệt động Sài Gòn thường được viết bằng nước cơm, rất dễ bị phát hiện, ảnh hưởng đến tính mạng của giao liên và lộ kế hoạch tác chiến. Sau nhiều ngày tìm tòi suy nghĩ, bà Phương đã sáng tạo ra hai loại mực trên, giúp công tác liên lạc thuận tiện và bảo mật hơn.

Những kỷ vật biết nói về biệt động thành Sài Gòn - Gia Định - 4

Bà Phương biểu diễn viết mật thư tại bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định (Ảnh: Tùng Nguyên).

Loại giấy để viết mật thư cũng được nghiên cứu kỹ để ngụy trang, không phải dùng công nghệ mà dùng mưu trí. Bà Phương dùng giấy dầu mà mọi người thời đó thường dùng để gói đồ để viết mật thư.

Sau khi viết xong, mật thư được dùng để gói bánh mì, thang thuốc bắc… rồi giao cho giao liên đem đi nên rất khó bị phát hiện. Chẳng may giao liên bị chặn lại kiểm tra thì kẻ địch cũng không thể nhận ra bất thường.

Kỷ vật kể chuyện

Bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định hiện có 7 bộ sưu tập với khoảng 300 hiện vật quý gắn liền với quá trình chiến đấu của các chiến sĩ biệt động. Mỗi hiện vật là một câu chuyện thể hiện tinh thần dũng cảm và mưu trí của những con người chiến đấu trong lòng địch.

Thật ra, đó là những kỷ vật mà con cháu các chiến sĩ biệt động năm xưa lưu giữ lại để hoài niệm cha mẹ, ông bà mình. Sau đó, ông Trần Vũ Bình (con trai của chiến sĩ biệt động, Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân Trần Văn Lai, bí danh Năm Lai, Mai Hồng Quế…) quy tập lại, trưng bày thành chuyên đề và thành lập bảo tàng Biệt động Sài Gòn - Gia Định để lưu giữ như hiện nay.

Những kỷ vật biết nói về biệt động thành Sài Gòn - Gia Định - 5

Chiến sĩ Thu Bà Điểm nay đã hưu trí, trở thành người hướng dẫn tại bảo tàng (Ảnh: Hữu Khoa).

Ngay bản thân trụ sở bảo tàng cũng là một kỷ vật. Căn nhà này xây dựng từ năm 1963, vốn là một trong hàng chục cơ sở bí mật do ông Trần Văn Lai gầy dựng cho lực lượng biệt động. Căn nhà được ông Trần Vũ Bình giữ nguyên kiến trúc, phục dựng trang trí như năm xưa để khách tham quan có thể nắm bắt được không khí của cơ sở bí mật ngày đó.

Bên trong bảo tàng còn lưu giữ chiếc máy đánh chữ mang hiệu Olympia splendid 33 giúp bà Nguyễn Thị Phương hoàn thành công việc hằng ngày là đánh máy văn bản, lưu giữ hồ sơ của lực lượng Biệt động Sài Gòn.

Bên cạnh là chiếc máy in hiệu GESTETNE mà ông Trần Văn Lai giao cho ông Đỗ Miễn và bà Nguyễn Thị Sự dùng để in truyền đơn, tài liệu tuyên truyền cách mạng. Từ chiếc máy in này, những tập truyền đơn được các giao liên rải khắp Sài Gòn.

Chiếm vị trí giữa phòng lớn bảo tàng là chiếc xe đạp máy Velosolex của Pháp, sản xuất từ thập niên 1950. Chiếc xe này được ông Trần Văn Lai giao cho nữ giao liên Nguyễn Ngọc Huệ (bí danh Thu Ba) để làm nhiệm vụ liên lạc từ chiến khu Củ Chi với nội thành.

Với chiếc xe đạp này, mỗi chuyến chiến sĩ Thu Ba di chuyển gần 100km đi về từ vùng Thái Mỹ (Củ Chi) đến trung tâm Sài Gòn để chuyển thư từ, tài liệu, tiền vàng, thuốc men và đưa đón cán bộ…

Những kỷ vật biết nói về biệt động thành Sài Gòn - Gia Định - 6

Chiếc xe đạp chuyên chở hàng tấn vật tư của chiến sĩ Thu Ba (Ảnh: Hữu Khoa).

Kế đó là chiếc xe gắn máy Lambretta mà ông Lai trang bị cho chiến sĩ Trần Văn Hãng (bí danh Ba Hãng) để ông đi lại, nghiên cứu bố trí của quân địch... khi hoạt động tại nội thành.

Những kỷ vật đó cũng thể hiện rõ vai trò của chiến sĩ Trần Văn Lai. Dưới vỏ bọc nhà thầu khoán giàu có, ông đã gầy dựng nhiều cơ sở bí mật cho lực lượng biệt động, giác ngộ hàng trăm quần chúng đi theo cách mạng.

Bảo tàng cũng lưu giữ các vật dụng như cái cưa, cái bào, cái đục…. là những dụng cụ mà ông Lai cùng các đồng nghiệp dùng để làm nghề thầu khoán, xây dựng, tạo vỏ bọc cho hoạt động cách mạng, đồng thời cũng là công việc chính để gom góp từng đồng mua thuốc men, vật tư cách mạng.

Những kỷ vật biết nói về biệt động thành Sài Gòn - Gia Định - 7

Cái bào của nhà thầu khoán Trần Văn Lai, những vật dụng bình thường duy trì tài chính cho biệt động Sài Gòn hoạt động (Ảnh: Hữu Khoa).

Tại bảo tàng còn trưng bày hình ảnh lãnh đạo, chiến sĩ từng tham gia lực lượng đặc biệt này; bản đồ tiến công của lực lượng biệt động trong trận đánh Tết Mậu Thân 1968… Mỗi hình ảnh, kỷ vật đều mang theo một câu chuyện lịch sử hào hùng.