1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

"Xẻ thịt" đất rừng Sóc Sơn: "Coi chính quyền không ra gì"

Nguyễn Hải Thành Đông

(Dân trí) - "Ngày ra quân cưỡng chế điện thoại của tôi nóng máy, có hàng trăm cuộc gọi, coi chính quyền không ra gì", Chủ tịch xã Minh Trí chia sẻ về việc cưỡng chế tháo dỡ công trình vi phạm trên địa bàn.

Những ngày gần đây, câu chuyện về việc đất rừng tại huyện Sóc Sơn (Hà Nội) bị xẻ thịt nhận được sự quan tâm của dư luận. 

Theo kết quả thực hiện công tác quản lý đất đai, xây dựng trên địa bàn huyện Sóc Sơn, từ đầu năm 2023 đến nay có hơn 180 công trình sai phạm. Trong năm 2022, có gần 250 trường hợp bị xử lý, còn năm 2021 xử lý hơn 300 trường hợp.

Trong đó, xã Minh Trí được đánh giá là một trong những điểm "nóng" về vi phạm đất rừng.

Thôn rộng hơn 800ha không có bản đồ địa chính

Ghi nhận của phóng viên tại khu vực hồ Đồng Đò (thôn Minh Tân, xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn) có hàng chục công trình kiên cố, lưng tựa núi, mặt hướng hồ.

Ông Minh (54 tuổi, trú thôn Minh Tân) chia sẻ, khoảng 10 năm trở lại đây các công trình vi phạm đất rừng mọc lên như "nấm" quanh hồ Đồng Đò, không theo quy hoạch.

20 năm trước, ông Minh làm trong ngành lâm nghiệp, cùng người dân trồng rừng quanh hồ Đồng Đò. Do đó, khi thấy rừng dần bị mai một khiến ông rất tiếc nuối.

"Khu này toàn đất rừng nhưng không hiểu sao các công trình lại có thể đua nhau mọc lên, không theo quy định", ông Minh thắc mắc. 

Xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn: Coi chính quyền không ra gì - 1

Khu vực hồ Đồng Đò thời gian qua là một trong những điểm nóng về vi phạm xây dựng tại địa bàn xã Minh Trí (Ảnh: Thành Đông).

Trao đổi với phóng viên Dân trí về việc đất rừng tại hồ Đồng Đò bị "xẻ thịt", ông Đinh Văn Bảo, Chủ tịch UBND xã Minh Trí, huyện Sóc Sơn cho biết, khi phát sinh vi phạm trật tự xây dựng mới xã sẽ lập hồ sơ.

Nếu thuộc thẩm quyền của xã, xã sẽ xử lý còn thuộc huyện thì địa phương đề xuất trên cơ sở đánh giá, áp dụng theo các quy định một cách thận trọng. 

Ông Bảo chia sẻ, thôn Minh Tân có lịch sử rất khác biệt so với nơi khác. Năm 1985 huyện Sóc Sơn và TP Hà Nội vận động những hộ khó khăn của một số xã như Xuân Thu, Kim Lũ, Bắc Phú... (huyện Sóc Sơn) đến xây dựng vùng kinh tế mới ở hồ Đồng Đò. 

Khi người dân đến rừng ở thôn Minh Tân chỉ là những cây hoang, cỏ dại. Sau đó, mọi người tiến hành khai hoang, trồng rừng vào những năm 90. 

Đến năm 2008, toàn bộ thôn Minh Tân được quy hoạch là rừng phòng hộ, kể cả nhà văn hóa, trạm điện, nhà dân, lớp học...

Do cả thôn nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ nên hầu hết các công trình xây dựng tại đây đều vi phạm.

"Những năm gần đây hồ Đồng Đò đẹp nên nhiều người từ nơi khác đến mua đất của bà con và xây dựng như bây giờ", ông Bảo nói và chia sẻ khó khăn, bất cập hiện tại của thôn Minh Tân là nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ.

Ngoài ra, thôn Minh Tân cũng chưa có bản đồ địa chính mặc dù đầy đủ bộ máy, từ Chi bộ đến lớp học.

Xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn: Coi chính quyền không ra gì - 2

Một công trình lấn chiếm lòng hồ Đồng Đò (Ảnh: Thành Đông).

"Đối với các thôn, địa bàn khác có bản đồ địa chính thì việc phân định đất nông nghiệp, đất ở, đất rừng sẽ rất rõ ràng còn thôn Minh Tân lại chưa có bản đồ nên công tác quản lý ở đây gặp rất nhiều khó khăn", ông Bảo bộc bạch.

Theo Chủ tịch UBND xã Minh Trí, hiện thôn Minh Tân có gần 200 hộ, diện tích hơn 800ha nhưng chưa hộ nào có sổ đỏ.

Do thôn đang nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ nên việc lập hồ sơ xử lý các công trình xây dựng vi phạm đều trên cơ sở áp dụng các quy định về rừng phòng hộ để xử lý. 

Song việc này gặp nhiều khó khăn khi người dân cho rằng thôn không có bản đồ địa chính, diện tích đất mà họ sử dụng là đi khai hoang từ năm 1985. Điều này đã dẫn đến những khiếu nại, khiếu kiện khi Chủ tịch UBND xã Minh Trí ra quyết định xử phạt, cưỡng chế công trình vi phạm. 

Ra quyết định cưỡng chế, chủ tịch xã bị khiếu kiện

Từ đầu năm 2023 đến nay, xã Minh Trí đã xử phạt, cưỡng chế nhiều công trình vi phạm tại khu vực hồ Đồng Đò. Hiện có 3 hộ bị ra quyết định cưỡng chế đã làm đơn khiếu kiện lãnh đạo UBND xã Minh Trí.

Đáng chú ý, vào tháng 6/2023 xã Minh Trí đã xử lý, cưỡng chế, tháo dỡ một công trình vi phạm "khủng", xây dựng nhà cao tầng. Sau đó, đại diện hộ bị cưỡng chế đã làm đơn khiếu kiện Chủ tịch UBND xã Minh Trí. 

Chia sẻ về quy trình cưỡng chế công trình trên, ông Bảo kể, khi phát hiện dấu hiệu vi phạm địa phương đến kiểm tra, xem xét, căn cứ theo quy hoạch và ra thông báo đình chỉ, nhắc nhở, lập biên bản nhưng công trình vẫn tiếp tục vi phạm. 

Xẻ thịt đất rừng Sóc Sơn: Coi chính quyền không ra gì - 3

Nhiều công trình vi phạm có lưng tựa núi, mặt hướng hồ Đồng Đò (Ảnh: Thành Đông).

Do công trình không tự dừng, tự khắc phục, tự tháo dỡ những phần đã xây dựng nên Chủ tịch UBND xã Minh Trí lập biên bản vi phạm hành chính, ra quyết định xử phạt, quyết định cưỡng chế.

"Ngày ra quân cưỡng chế điện thoại của tôi nóng máy, có hàng trăm cuộc gọi, coi chính quyền không ra gì, càng đình chỉ càng hoàn thiện", ông Bảo nói.

Đối với 3 công trình sai phạm nằm tại cuối hồ Đồng Đò được xây dựng giống "lâu đài", ông Bảo cho biết, năm 2019 thanh tra Hà Nội kết luận đây là công trình sai phạm. 

Sau đó, chủ các công trình này đã làm đơn khiếu nại và Thanh tra Chính phủ có văn bản dừng xử phạt. 

Theo ông Bảo, khu vực xây dựng 3 tòa "lâu đài" trước đây là diện tích đất của 11 hộ dân thôn Minh Tân, có 6-7 nóc nhà. 

"Khu vực này là của mấy bố con, anh em đến khai hoang từ năm 1985 và sau đó bán cho chủ hộ hiện tại. 

Nếu không nằm trong quy hoạch rừng phòng hộ có thể khu vực này đã được cấp sổ đỏ. Nếu cưỡng chế trường hợp này thì phải xem xét rất kỹ lưỡng, cả những yếu tố lịch sử", Chủ tịch UBND xã Minh Trí chia sẻ.

Hiện quanh khu vực hồ Đồng Đò có một số người bản địa sinh sống. Còn những công trình "đẹp" là người nơi khác đến xây dựng. 

Thôn Minh Tân hiện chỉ có một vài vị trí không nằm trong diện tích rừng phòng hộ. 

Ngày 21/3/2019, UBND TP Hà Nội ra thông báo kết luận thanh tra đất rừng tại hai xã Minh Trí, Minh Phú (huyện Sóc Sơn) từ 2008 và việc thực hiện các kết luận thanh tra trước đó.

Theo kết luận, UBND huyện Sóc Sơn không kiên quyết chỉ đạo khắc phục vi phạm theo các Kết luận của Thanh tra và ý kiến chỉ đạo các cấp. UBND các xã buông lỏng quản lý, thiếu trách nhiệm dẫn đến nhiều vi phạm về đất đai, mua bán chuyển nhượng, vi phạm trật tự xây dựng.

"Chỉ riêng hai xã Minh Phú, Minh Trí và khu vực ven 7 hồ lớn trong quy hoạch rừng đã có 797 công trình vi phạm", kết luận nêu.

Thanh tra đề nghị tổ chức cưỡng chế ngay các công trình vi phạm trật tự xây dựng năm 2017-2018 trên địa bàn hai xã Minh Trí, Minh Phú và khu vực ven các hồ, trả lại nguyên trạng ban đầu. Các công trình vi phạm về đất đai, sử dụng đất không đúng mục đích, vi phạm trật tự xây dựng từ năm 2006-2018, thanh tra đề nghị lập hồ sơ, có phương án xử lý đúng pháp luật, đảm bảo đất đai sử dụng đúng mục đích.