Trai, gái ném nhau bằng cà chua lấy may ở phiên chợ độc nhất xứ Thanh
(Dân trí) - Trong phiên chợ đặc biệt ngày mùng 6 Tết, đông đảo người dân tụ tập ở bờ sông để ném nhau bằng cà chua lấy may. Nhiều đôi trai, gái ra về trong trạng thái quần áo nhuộm đỏ màu cà chua.
Khoảng 9h ngày 15/2 (mùng 6 tháng Giêng), đông đảo người dân và du khách thập phương đổ về xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, tỉnh Thanh Hóa để đi chợ Chuộng. Đây là phiên chợ đặc biệt, chỉ họp một lần duy nhất trong năm.
Do địa điểm diễn ra ở khu vực bãi bồi sông Thiều, nên người dân phải đi bộ gần 1km để đến phiên chợ. Dọc bờ đê ven sông Thiều, các bãi giữ xe chật kín.
Đến chợ Chuộng, người dân và du khách sẽ được hòa mình vào không khí rượt đuổi, dùng cà chua để ném nhau lấy may. Đây là nét độc đáo khiến phiên chợ này trở thành phiên chợ "độc nhất vô nhị" ở Thanh Hóa.
Đa số người tham gia lễ hội ném nhau này là các bạn trẻ.
Tại phiên chợ, nhiều bạn nữ trở thành tâm điểm để các chàng trai "săn tìm", rượt đuổi và ném cà chua.
Hai cô gái trẻ dính đầy cà chua trên người tại phiên chợ.
Một số bạn nữ tìm đến lực lượng an ninh tại phiên chợ để né "đạn cà chua".
Để tránh cà chua bắn vào đầu, một nữ du khách dùng túi nilon làm mũ đội đầu.
Trong phiên chợ Chuộng, cà chua là mặt hàng được bán chạy nhất. Một túi cà chua khoảng 20 trái được bán với giá 20.000 đồng.
Do thường xuyên ngồi bán hàng ở phiên chợ, hai tiểu thương không quên đội mũ bảo hiểm để tránh bị ném vào đầu.
Sau những trận choảng nhau, cà chua rơi rải rác khắp nơi tại phiên chợ.
Nhiều người dân ra về không quên mua rau, quả, bánh đa để lấy may dịp đầu năm mới.
Theo các cụ cao niên ở xã Đông Hoàng, huyện Đông Sơn, nguồn gốc phiên chợ Chuộng này có từ thời nhà Lê. Tương truyền, xưa kia, vào mùng 6 tháng Giêng có một vị tướng bị giặc đuổi chạy qua ven bờ sông Thiều, xã Đông Hoàng. Để tránh bị địch phát hiện, vị tướng ra lệnh cho quân lính cùng dân làng họp chợ. Khi quân địch đến tưởng đó chỉ là phiên chợ quê bình thường, không đề phòng, cảnh giác.
Lúc vị tướng phát lệnh dân làng tấn công, quân địch bất ngờ không kịp trở tay và bị đánh tan tác. Để tưởng nhớ vị tướng đã có công dẹp giặc, cứ ngày mùng 6 tháng Giêng, người dân lại nô nức đến đây để họp chợ.