DNews

TPHCM muốn phát triển theo mô hình đa trung tâm

Q.Huy

(Dân trí) - Chủ tịch UBND TPHCM cho rằng, mô hình đa trung tâm là ý tưởng đã được đề cập tới từ lâu. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thành hiện thực, quy hoạch thành phố vẫn giống như "vết dầu loang".

TPHCM muốn phát triển theo mô hình đa trung tâm

Kể từ khi bản quy hoạch tổng thể xây dựng TPHCM được lập vào năm 1993, đô thị lớn nhất cả nước đã trải qua 3 lần điều chỉnh quy hoạch. Sau hơn 30 năm, thành phố đã xác định và thay đổi các hướng phát triển chính, định hình các không gian phát triển mới qua từng thời kỳ.

Siêu đô thị, trung tâm kinh tế - văn hóa - xã hội là khái niệm và định hướng phát triển đã gắn liền với TPHCM kể từ sau ngày thống nhất đất nước tới nay. Với quan điểm quy hoạch này, diện mạo đô thị của thành phố lớn nhất phía nam đã có sự khởi sắc trong thời gian dài, đặc biệt khu vực trung tâm.

Tuy nhiên, trong bối cảnh được đặt trọng trách dẫn dắt sự phát triển cho cả vùng kinh tế trọng điểm phía nam và hướng tới hội nhập quốc tế, định hướng quy hoạch TPHCM đã bộc lộ nhiều bất cập, không bắt kịp nhu cầu thực tế. Đi ra khỏi phạm vi khu vực trung tâm, nhiều khu đô thị phát triển nóng đan xen với những nơi sử dụng đất kém hiệu quả, khu dân cư và khu vực sản xuất chưa có sự tách biệt rõ ràng.

TPHCM muốn phát triển theo mô hình đa trung tâm - 1

Diện mạo tráng lệ của khu trung tâm TPHCM sau nhiều lần điều chỉnh quy hoạch (Ảnh: Hải Long).

Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040 và tầm nhìn 2060, địa phương đã nhìn nhận vấn đề này và đưa ra các giải pháp mang tính dài hạn. Đây cũng là lần đầu tiên, bản đồ án quy hoạch của thành phố đề cập tới khái niệm đa trung tâm gắn với các phân vùng đô thị theo từng hướng.

Vấn đề từ chuyến bay khảo sát

Sau chuyến khảo sát lập quy hoạch bằng máy bay trực thăng diễn ra hồi năm 2023, ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, thẳng thắn chỉ rõ, việc phân bổ, bố trí sử dụng đất của thành phố còn nhiều bất cập, nhiều nơi sử dụng đất kém hiệu quả, nhiều khu đô thị kiểu "da beo" đan xen nhau. Điều này đặt ra yêu cầu bản quy hoạch chung đang thực hiện cần tái cấu trúc lại đất đai để phát huy tối đa hiệu quả.

"TPHCM nhận thấy đây là tiềm năng rất lớn để khai thác, phát triển quỹ đất vừa cấu trúc lại mô hình đô thị đa trung tâm", Chủ tịch UBND TPHCM chia sẻ với phóng viên sau chuyến bay khảo sát.

TPHCM muốn phát triển theo mô hình đa trung tâm - 2

Ông Phan Văn Mãi, Chủ tịch UBND TPHCM, cùng các sở, ngành thực hiện chuyến khảo sát (Ảnh: Đ.N.).

Trong bản báo cáo về công tác quy hoạch được trình bày tại kỳ họp HĐND gần nhất, UBND TPHCM đánh giá, về tổng thể, địa phương chưa hình thành rõ nét các trung tâm lớn, các cực phát triển theo từng hướng. Việc phát triển đô thị chỉ tập trung ở khu vực nội thành, còn ở ngoại thành, việc phát triển vẫn theo kiểu lan rộng.

Ngoài ra, bản quy hoạch cũ chưa xem xét một cách toàn diện vấn đề ứng phó với biến đổi khí hậu. Một số khu vực được định hướng phát triển trong vùng trũng thấp, nguy cơ ngập cao dẫn tới khó khả thi.

Bên cạnh đó, những khu vực phát triển mới còn theo hướng tự phát, thiếu hạ tầng khung đô thị, thiếu kết nối hạ tầng đường bộ. Thành phố cũng nhận diện được mô hình tập trung đa cực như trước đây khó khả thi.

Do đó, một mô hình đa trung tâm là điều thành phố cần hướng tới để phù hợp với quy hoạch vùng và điều kiện đầu tư thực tế.

TPHCM muốn phát triển theo mô hình đa trung tâm - 3

Quận 4, một trong những khu vực có mật độ dân cư dày đặc tại TPHCM, nhìn từ trên cao (Ảnh: Nam Anh).

Trong lần lấy ý kiến cuối cùng về Đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TP.HCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, Chủ tịch UBND thành phố cho rằng, mô hình đa trung tâm là ý tưởng đã được đề cập tới từ lâu. Tuy nhiên, điều này vẫn chưa thành hiện thực, quy hoạch thành phố vẫn giống như "vết dầu loang".

Thực tế từ bản quy hoạch điều chỉnh phát triển đến năm 2020 được phê duyệt hồi năm 2006, TPHCM hướng tới việc phát triển theo hướng mở, phi tập trung, đa trung tâm, theo các nhánh dọc trục giao thông lớn, có hệ thống đô thị vệ tinh làm đối trọng. Nhưng từ đó đến nay, ý tưởng này vẫn chưa được hiện thực hóa.

"Thành phố cần tiến thêm bước nữa trong việc mô hình phát triển đô thị đa trung tâm. Chúng ta cần xem thành phần của các đô thị đa trung tâm này, điều kiện để kết nối, phát huy, những điều cần khắc phục", ông Phan Văn Mãi trăn trở.

Định hình các trung tâm mới

Trong đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2060, địa phương đã tính toán, đề xuất chỉ tiêu và quy mô đất xây dựng đô thị theo hướng ưu tiên phát triển nén hơn là dàn trải. Với bản quy hoạch này, TPHCM sẽ có tầm nhìn là hạt nhân của vùng TPHCM và vùng Đông Nam Bộ, hình thành các mục tiêu phát triển đầu tư lớn, đạt tầm quốc tế toàn cầu, có thích ứng và biến đổi khí hậu cũng như các yêu cầu mới.

Với mô hình đa trung tâm, TPHCM sẽ tạo ra 5 phân vùng phát triển chính. Các phân vùng này hội đủ yếu tố hình thành trung tâm cấp đô thị và có dư địa phát triển, hạn chế gia tăng đô thị hóa trong khu vực nhạy cảm về sinh thái.

Cụ thể, phân vùng đô thị trung tâm với định hướng là đô thị hành chính, đối ngoại, thương mại, dịch vụ kinh tế tri thức bao gồm các quận 1, 3, 4, 5, 6, 8, Bình Thạnh, Phú Nhuận, Tân Bình, Gò Vấp, một phần quận 12. Phân vùng có tổng diện tích khoảng 17.000ha, dân số hiện hữu khoảng 4,5 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Đông với định hướng đô thị sáng tạo đã hình thành TP Thủ Đức. Nơi đây có tổng diện tích khoảng 21.000ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,1 triệu người.

TPHCM muốn phát triển theo mô hình đa trung tâm - 4

TP Thủ Đức được định hướng trở thành đô thị sáng tạo thuộc phân vùng đô thị phía Đông TPHCM trong tương lai (Ảnh: Hải Long).

Phân vùng đô thị phía Bắc - Tây Bắc với định hướng đô thị dịch vụ - công nghiệp sinh thái gồm huyện Củ Chi, Hóc Môn, một phần quận 12. Phân vùng có tổng diện tích khoảng 58.500ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,4 triệu người.

Phân vùng đô thị phía Tây với định hướng đô thị công nghiệp, dịch vụ y tế, đào tạo, kết nối sinh thái gồm phần lớn huyện Bình Chánh. Nơi đây có tổng diện tích khoảng 23.300ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 840.000 người.

Phân vùng đô thị phía Nam với định hướng đô thị công nghệ cao, kinh tế biển gồm quận 7, huyện Nhà Bè, Cần Giờ và một phần huyện Bình Chánh. Nơi đây có tổng diện tích khoảng 93.300ha, quy mô dân số hiện hữu khoảng 1,2 triệu người.

TPHCM muốn phát triển theo mô hình đa trung tâm - 5

Các phân vùng còn lại ngoài phân vùng đô thị TPHCM trong tương lai (Ảnh: Đồ án điều chỉnh quy hoạch TPHCM).

Với mô hình đô thị đa trung tâm cùng chiến lược phân vùng như trên, TPHCM cũng định hướng phát triển không gian với đa dạng không gian sinh thái, hợp lưu sức mạnh thiên nhiên, nguồn lực kinh tế, linh hoạt với các phạm vi.

Bên trong phạm vi vành đai 2, thành phố sẽ tái thiết, chỉnh trang đô thị, hình thành các động lực phát triển đô thị mang tính sáng tạo, thương mại, dịch vụ đa chức năng. Đồng thời, khu lõi trung tâm chính của TPHCM sẽ được chỉnh trang, bảo tồn, tái phát triển.

Bên trong phạm vi vành đai 3, TPHCM cần tôn trọng hiện trạng phát triển, tăng độ nén tại khu vực nhà ga metro và vùng lân cận các nút giao thông trọng điểm. Các khu vực còn lại sẽ giảm mật độ xây dựng, tăng chỉnh trang đô thị, tạo quỹ đất xây dựng hạ tầng xã hội, hạ tầng kỹ thuật, cây xanh. Đồng thời, khu vực trong phạm vi vành đai 3 cũng là nơi hình thành các trung tâm đô thị, phát triển các đô thị chuyên ngành.

Phía ngoài đường vành đai 3, TPHCM sẽ giảm sự phát triển dàn trải tự phát, tập trung phát triển tại khu vực có điều kiện giao thông tốt như cao tốc, đường sắt. Đây cũng là khu vực để thành phố đưa ra các giải pháp ứng phó với môi trường, phát triển đê bao, cống ngăn triều, thoát lũ và tạo ra vùng đệm, vùng chứa nước.

TPHCM muốn phát triển theo mô hình đa trung tâm - 6

Dự án đường vành đai 3 TPHCM, đoạn qua khu vực huyện Hóc Môn (Ảnh: Nam Anh).

Trong lần điều chỉnh quy hoạch này, thành phố cũng vạch ra các chiến lược định hướng phát triển không gian dọc sông Sài Gòn. Địa phương sẽ phân chia các khu vực để bảo tồn, phát huy mạng lưới hạ tầng nước, vùng xanh sinh thái, kết nối giao thông, hoạt động vận tải, phát triển không gian văn hóa cộng đồng.

Dọc sông Sài Gòn trong tương lai sẽ được bố trí những chức năng có tính chất đột phá nhất như trung tâm tài chính, trung tâm công nghệ thông tin, trung tâm sáng tạo nghệ thuật, các dịch vụ, nhà hàng, khách sạn chất lượng cao. Bản đồ án quy hoạch cũng xác định các điểm hợp lưu sông, nơi mũi đất nhô ra sông, tạo thế uốn khúc sẽ là vị trí để đặt các khối công trình cao tầng.

Dự kiến, trong quý II/2024, Sở Quy hoạch - Kiến trúc TPHCM sẽ cùng với các đơn vị liên quan sẽ hoàn thành đồ án điều chỉnh quy hoạch chung TPHCM đến năm 2040, tầm nhìn đến 2060 trình Bộ Xây dựng. Bản đồ án sẽ được trình Thủ tướng vào quý III và chính thức có hiệu lực sau khi được phê duyệt.