Hoàn tất sắp xếp nhân sự, công bố lãnh đạo tỉnh mới vào 30/6

Hoa Lê

(Dân trí) - Lãnh đạo tỉnh Thái Nguyên cho biết địa phương đã hoàn tất công tác sắp xếp và sẽ công bố bộ máy lãnh đạo mới vào ngày 30/6, sẵn sàng vận hành chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7.

Đó là chia sẻ của Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Loan tại tọa đàm "Vận hành chính quyền địa phương hai cấp chưa có tiền lệ tại Việt Nam" do báo Dân trí tổ chức chiều 26/6.

Công bố bộ máy lãnh đạo trước ngày vận hành tỉnh mới

Liên quan đến công tác sắp xếp nhân sự, thực hiện các chỉ đạo, hướng dẫn của Trung ương, Phó Chủ tịch Nguyễn Thị Loan cho biết, tỉnh Thái Nguyên đã chủ động rà soát, xây dựng, hoàn thiện phương án sắp xếp, bố trí cán bộ đối với các cơ quan, đơn vị sau sắp xếp.

"Trong các phần việc, công tác sắp xếp nhân sự, đặc biệt là các chức danh lãnh đạo, quản lý ở địa phương cơ bản hoàn thành đúng tiến độ, đảm bảo yêu cầu", Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên nhấn mạnh.

Về bộ máy lãnh đạo HĐND, UBND tỉnh, theo bà Loan, tỉnh đã báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định chỉ định lãnh đạo các cơ quan. Ngay sau khi được chỉ định, cấp có thẩm quyền của HĐND, UBND tỉnh tiếp tục ban hành các quyết định bổ nhiệm lãnh đạo sở, ban, ngành của tỉnh, quyết định chỉ định lãnh đạo HĐND, UBND cấp xã.

Hoàn tất sắp xếp nhân sự, công bố lãnh đạo tỉnh mới vào 30/6 - 1

Phó Chủ tịch UBND tỉnh Thái Nguyên Nguyễn Thị Loan (Ảnh: Mạnh Quân).

Đối với công chức, viên chức thuộc các cơ quan, đơn vị, UBND tỉnh đã chỉ đạo Sở Nội vụ thực hiện điều động, chuyển công tác về các cơ quan, đơn vị mới từ ngày 1/7.

"Với sự vào cuộc quyết liệt, đồng bộ của cả hệ thống chính trị, cùng với sự đồng thuận của cán bộ, công chức, viên chức và nhân dân, tỉnh Thái Nguyên đã hoàn tất mọi công tác sắp xếp và công bố bộ máy lãnh đạo mới vào ngày 30/6, sẵn sàng vận hành hệ thống chính quyền 2 cấp từ ngày 1/7", bà Loan cho hay.

Tỉnh Thái Nguyên mới được hợp nhất từ tỉnh Bắc Kạn và tỉnh Thái Nguyên. Theo bà Loan, Thái Nguyên và Bắc Kạn là hai địa phương có lịch sử gắn bó lâu dài, với nhiều nét văn hóa và truyền thống tương đồng. Trong đợt sáp nhập lần này, thế và lực của hai tỉnh đã có nhiều đổi thay so với trước.

Đặc biệt, Thái Nguyên hiện là một trong những địa phương có tốc độ phát triển kinh tế khá cao và ổn định, được xem là trung tâm sản xuất công nghiệp lớn của cả nước. Giờ đây, khát vọng vươn lên đang lan tỏa trong toàn thể Đảng bộ, chính quyền và nhân dân các dân tộc của hai tỉnh.

Bà Loan thống nhất nhận định, để vận hành hiệu quả bộ máy sau sáp nhập, công tác cán bộ là yếu tố then chốt. Chính vì vậy, ngay khi có chủ trương sáp nhập, Tỉnh ủy Thái Nguyên và Tỉnh ủy Bắc Kạn đã tổ chức nhiều cuộc họp, thống nhất coi công tác cán bộ là nhiệm vụ trọng tâm, là "gốc" của mọi công việc.

"Việc rà soát, bố trí nhân sự vào bộ máy mới được chỉ đạo thực hiện kỹ lưỡng, bảo đảm đúng người, đúng việc, từ đó tạo tiền đề để bộ máy mới hoạt động hiệu quả ngay từ đầu", bà Loan cho hay.

Chính sách thu hút, trọng dụng nhân tài

Liên quan đến việc sắp xếp bộ máy, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Tú Thanh cho rằng bố trí cán bộ là vấn đề then chốt. Từ những kinh nghiệm trong quá trình sắp xếp đơn vị hành chính trong thời gian qua, công tác cán bộ được thực hiện theo từng bước, phù hợp với từng giai đoạn.

Theo bà Thanh, qua đó, các "lưới lọc" nhân sự cũng được hình thành dần dần, bài bản hơn, nghiêm khắc hơn nhưng cũng rất nhân văn trong công tác cán bộ.

Sau công tác sắp xếp đơn vị hành chính, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương cho rằng không thể ngay lập tức đưa tất cả mọi thứ vào đúng quy định, mà luôn có những điều khoản chuyển tiếp.

Hoàn tất sắp xếp nhân sự, công bố lãnh đạo tỉnh mới vào 30/6 - 2

Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương, Bộ Nội vụ Nguyễn Thị Tú Thanh (Ảnh: Mạnh Quân).

Cụ thể trong việc thực hiện cuộc đại sắp xếp lần này, Phó Vụ trưởng Vụ Chính quyền địa phương thông tin, trước mắt vẫn giữ nguyên số lượng lãnh đạo quản lý cấp phó của các cơ quan như hiện nay, nhằm đảm bảo bộ máy mới có thể vận hành ngay một cách thông suốt.

"Sau đó, nhà nước sẽ dần đưa ra các chỉ tiêu, quy định cụ thể để sàng lọc. Sau Luật Cán bộ, công chức sửa đổi sẽ có 4 nghị định hướng dẫn được ban hành", bà Thanh nói thêm.

Cùng với việc sắp xếp đội ngũ cán bộ, công chức, đại diện Bộ Nội vụ cho biết các cơ quan đã có chế độ, chính sách rất cao với cán bộ, công chức khi nghỉ do sắp xếp bộ máy. Điều này cho thấy sự quan tâm của nhà nước.

"Cùng với việc sàng lọc, chúng ta còn có đề án thu hút, trọng dụng nhân tài. Những cơ chế trên sẽ tạo điều kiện để cán bộ lãnh đạo trong thời kỳ mới chuyên nghiệp hơn", bà Thanh kỳ vọng.