DNews

Thiệt thòi khi đổi bằng lái B1, B2: Sở GTVT nói gì?

Ngọc Tân

(Dân trí) - Cán bộ Sở GTVT TPHCM khẳng định người dân được cấp đổi bằng lái từ B1, B2 sang C1 nếu đảm bảo điều kiện sức khỏe. Tuy nhiên, việc cấp đổi online còn gặp trục trặc do lỗi phần mềm.

Thiệt thòi khi đổi bằng lái B1, B2: Sở GTVT nói gì?

Trao đổi với phóng viên Dân trí chiều 13/2, ông Ngô Đình Quang, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe (Sở GTVT TPHCM), cho biết hệ thống phần mềm cấp đổi giấy phép lái xe gặp vấn đề, khiến các tài xế có bằng lái B1, B2 khi làm thủ tục cấp đổi trực tuyến chỉ có thể đổi sang bằng B, không thể đổi sang bằng C1.

"Đây là vấn đề của phần mềm do Cục Đường bộ chuyển giao xuống cho sở", vị lãnh đạo phòng giải thích. Hiện, Cục Đường bộ đã lập tổ công tác khắc phục vấn đề này.

"Người dân được lựa chọn"

Đối với những tài xế đến làm thủ tục cấp đổi trực tiếp, ông Quang khẳng định tài xế có quyền yêu cầu cấp đổi từ bằng B1, B2 (cũ) sang bằng B hoặc C1 (mới). Theo luật, nhà chức trách GTVT TPHCM phải đáp ứng lựa chọn của người dân.

Tuy nhiên, tài xế sẽ chỉ được đổi sang hạng bằng phù hợp với giấy khám sức khỏe, do yêu cầu về sức khỏe của bằng lái hạng C1 cao hơn hạng B.

Thiệt thòi khi đổi bằng lái B1, B2: Sở GTVT nói gì? - 1

Hệ thống cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến từ chối đổi bằng lái từ hạng B2 sang C1 (Ảnh: Chụp màn hình).

Hiện, Sở GTVT TPHCM có 3 địa chỉ cấp đổi giấy phép lái xe trực tiếp, gồm: (1) Số 252 Lý Chính Thắng, phường 9, quận 3; (2) Số 8 Nguyễn Ảnh Thủ, phường Trung Mỹ Tây, quận 12; (3) Số 111 Tân Sơn Nhì, phường Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú.

"Chúng tôi đang cố hết sức để cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến, toàn trình cho người dân. Hiện nay Cục Đường bộ đã thành lập tổ công tác để khắc phục phần mềm, tuy nhiên phải xử lý ở cả 63 tỉnh thành nên TPHCM vẫn phải chờ đợi", ông Quang chia sẻ.

Tương tự như Sở GTVT TPHCM, Sở GTVT tỉnh Bình Dương cũng chưa thể thực hiện cấp đổi giấy phép lái xe trực tuyến từ hạng B1, B2 sang C1 cho người dân do lỗi phần mềm. Lãnh đạo Phòng quản lý vận tải, phương tiện và người lái của sở này cho biết việc cấp đổi trực tiếp tại các địa chỉ dịch vụ công vẫn diễn ra bình thường.

Trao đổi với phóng viên Dân trí, ông Nguyễn Hồng Thanh, Phó giám đốc Sở GTVT tỉnh Tiền Giang, cho biết sở ban đầu cũng gặp khó khăn, nhưng sau đó đã chủ động yêu cầu bộ phận công nghệ thông tin (IT) điều chỉnh, giải quyết được khó khăn của người dân trong việc đổi bằng lái từ hạng B1, B2 sang C1.

"B hoặc C1, người dân lựa chọn hạng bằng nào thì chúng tôi cấp cho hạng bằng đó. Cán bộ cũng hỏi, tư vấn xem người dân muốn đổi sang hạng bằng nào", ông Thanh chia sẻ.

Hiện, theo Thông tư 36/2024/TT-BYT quy định về tiêu chuẩn sức khỏe với người lái ô tô, tài xế có bằng lái hạng B chỉ cần đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe nhóm 2, trong khi tài xế hạng C1 sẽ phải đáp ứng tiêu chuẩn sức khỏe nhóm 3.

Tiêu chuẩn sức khỏe nhóm 3 có những đòi hỏi khắt khe hơn nhóm 2 về thính lực, mức độ khuyết tật trên cơ thể, một số loại bệnh... Ví dụ, người bị tiểu đường có tiền sử hôn mê do tiểu đường trong vòng 1 tháng sẽ không đạt tiêu chuẩn sức khỏe nhóm 3 nhưng vẫn đạt tiêu chuẩn nhóm 2.

Trót đổi sang bằng B, có được đổi lại C1?

Khi phóng viên hỏi về trường hợp tài xế đã trót đăng ký đổi bằng lái B1, B2 sang bằng B mới, giờ muốn xin đổi lại sang bằng C1, Trưởng phòng Quản lý sát hạch và cấp giấy phép lái xe TPHCM cho rằng, nhà chức trách sẽ không giải quyết được nhu cầu này.

"Theo quy định pháp luật, khi người dân xin cấp đổi bằng thì sẽ điền mẫu đơn, trong đó ghi rõ hạng bằng lái muốn đổi sang. Người dân ký tên vào đơn rồi thì phải chịu trách nhiệm về việc đó", ông Quang thông tin.

Trường hợp trong hồ sơ giấy khám sức khỏe và đơn xin cấp đổi bằng đều ghi hạng cấp đổi là C1 nhưng bằng lái trả về vẫn là hạng B, ông Quang cho biết đó là lỗi của bộ phận cấp đổi và tài xế có quyền đề nghị cấp đổi lại về đúng hạng C1.

Cùng câu hỏi trên, đại diện Sở GTVT Bình Dương cho biết "đang xem xét" và đến nay cũng chưa giải quyết cho trường hợp nào đổi lại từ hạng B sang C1.

Chia sẻ với phóng viên Dân trí, anh Vũ Huy Ngọc, chủ doanh nghiệp tổ chức sự kiện tại Phú Quốc (Kiên Giang), cho biết mình là một trường hợp hiếm hoi được "rút hồ sơ", đổi bằng lái sang hạng C1.

Thiệt thòi khi đổi bằng lái B1, B2: Sở GTVT nói gì? - 2

Anh Ngọc được nhận bằng lái hạng C1 theo nguyện vọng sau 2 tuần chờ thủ tục (Ảnh: NVCC).

Trước đó, anh Ngọc được cả bác sĩ tại phòng khám lẫn nhân viên ở Sở GTVT Kiên Giang hướng dẫn rằng bằng lái B2 chỉ được đổi sang hạng B. Anh hoàn thiện hồ sơ xin cấp lại bằng lái hạng B và nộp tại số 5 Mậu Thân (TP Rạch Giá). 

3 ngày sau, đọc được thông tin khuyến cáo bằng lái B2 nên đổi sang C1 thay vì B, anh tức tốc đi tàu quay lại Rạch Giá, đến số 5 Mậu Thân để hỏi. Khi đó, cán bộ tại trụ sở vẫn nói với anh rằng bằng của anh không thể đổi sang C1.

"Vì rõ ràng luật cho phép đổi nên tôi hỏi lý do tại sao không đổi được. Khi đó họ hướng dẫn tôi qua trụ sở Sở GTVT tại số 1190 Nguyễn Trung Trực để hỏi. Khi qua tới đó, cán bộ nói do luật mới ra nên chưa đồng bộ với phần mềm, bằng B2 sẽ mặc định chuyển qua B", anh Ngọc chia sẻ.

Cán bộ nói anh Ngọc "thông cảm". Tuy nhiên, anh Ngọc trình bày rằng mình đang lái một chiếc xe tải có trọng tải 2,5 tấn, trọng lượng xe cũng khoảng 2,4 tấn nên tổng trọng lượng sẽ lên tới 5 tấn. Anh không thể lái được xe này với bằng B (yêu cầu khối lượng toàn bộ theo thiết kế không quá 3,5 tấn).

Mất một buổi trao đổi qua lại và thuyết phục, cuối cùng các nhân viên tại địa chỉ 1190 Nguyễn Trung Trực đã hỗ trợ điều chỉnh lại thông tin cấp đổi bằng lái cho anh Ngọc từ B2 sang C1 thay vì hồ sơ cũ của a Ngọc là từ B2 sang B. Tuy nhiên, anh phải hoàn tất các hồ sơ, giấy tờ kèm theo áp dụng cho Hạng C1.

"Đến ngày nhận bằng lái, đọc được chữ C1 mình rất vui sướng, rất cảm ơn các cán bộ bên Sở GTVT tỉnh Kiên Giang đã giúp mình làm thủ tục" anh Ngọc chia sẻ.

Như Dân trí đã đưa tin , nhiều tài xế khi làm thủ tục cấp đổi bằng lái ô tô phải chịu thiệt thòi vì bằng B1, B2 cũ bị chuyển sang bằng B mới. Bằng B có hạn chế hơn so với bằng B1, B2 ở thông số trọng tải của xe tải.

Cụ thể, bằng lái B1, B2 cho phép tài xế lái ô tô chở người đến 9 chỗ ngồi hoặc ô tô tải có trọng tải dưới 3,5 tấn. Còn bằng lái hạng B vẫn được lái ô tô chở người đến 9 chỗ (gồm cả chỗ của tài xế), nhưng chỉ được lái xe tải mà "khối lượng toàn bộ theo thiết kế đến 3,5 tấn".

Để tránh điểm hạn chế này, Luật Trật tự, an toàn giao thông đường bộ đã cho phép tài xế  cấp đổi bằng B1, B2 sang bằng B hoặc C1. Theo đó, bằng C1 được lái tất cả xe thuộc hạng B, đồng thời được lái xe tải có khối lượng toàn bộ theo thiết kế trên 3,5 tấn đến 7,5 tấn.