Quảng Ninh:

Tất cả những gì giá trị đã vùi sâu dưới lớp bùn than!

(Dân trí) - Khi lũ dịu xuống, mưa gió thôi vần vũ là lúc người dân nhận ra thứ duy nhất họ còn giữ lại được là tính mạng. Nhưng như thế đã là may mắn lắm! Còn sống để biết toàn bộ nhà cửa, tài sản đã vùi sâu trong bùn đất; sống để biết phải làm lại từ đầu!

 

 

Tất cả những gì giá trị đã vùi sâu dưới lớp bùn than! - 1

Tài sản bị vùi lấp cả rồi. Người phụ nữ này ngồi đãi bùn lấy than, mong kiếm được chút ít đắp đổi qua ngày.

1-md-2-cfb6a-e990c

Ông Trực ngồi bất động trến đống bùn đá dày, dưới chân ông là toàn bộ cơ ngơi của gia đình

Sống sót đã là may mắn!

Trở lại Mông Dương, thành phố Cẩm Phả (Quảng Ninh) - nơi được cho là bị ảnh hưởng nặng nề nhất của trận lũ kinh hoàng vừa qua, chúng tôi không cầm được nỗi xót xa trước sự đổ nát đến hoang lạnh của vùng đất mỏ vốn sầm uất này. Người dân nơi đây dồn hết ra nhà văn hóa, trạm y tế để ở. Tất cả chung một ánh mắt thẫn thờ, thất thần, mệt mỏi...

Những đoàn cứu trợ trong và ngoài nước đang đổ về đây để chia quà cứu trợ cho bà con, chủ yếu là mì tôm, quần áo và gạo. Một người dân cho biết: “Nhận mì tôm cứu trợ của các nhà hảo tâm thì cũng chỉ biết cất vào đó hoặc cho con trẻ ăn sống chứ đến cái bếp nhà cũng chả còn, lấy gì đun nấu? Nhưng tấm lòng của mọi người, của cơ quan chức năng dành cho chúng tôi lúc này là động lực lớn để chúng tôi còn gượng dậy”.

md-1-1c47b

Hàng trăm ngôi nhà bị bùn đất vùi lấp tận mái

Chị Lý, người phụ nữ gày gò đang tá túc tại nhà Trạm y tế Mông Dương chia sẻ: "Trận lũ qua rồi mới biết mình may mắn. May là được sống chứ không như nhà người ta của trôi người chết. Thôi thì còn người là còn tất cả”. Nói đoạn chị kể: "Hôm đó (28/7) lũ ào ào đổ xuống, nhà tôi gần cuối khu nên gần bãi núi nhân tạo của công ty than vì thế đất đá ầm ầm lao xuống cùng với dòng nước đỏ ngầu chảy mạnh. Căn nhà tôi ở ban đầu bị đá, nước làm rung chuyển. Cả nhà lao đi bỏ chạy khỏi dòng lũ, đến khi ra đến đường lớn mới biết là còn mạng. Chạy thục mạng đến đôi dép cũng chả kịp mang huống hồ nói chi tài sản khác”.

 

ba-ly-lu-lut-e021c
Nỗi đau khổ của người phụ nữ một mình nuôi chồng đau ốm và 3 con nhỏ sau trận lũ trắng tay

 

md-7-copy-d3738

Chị Lý một mình vật lộn với lớp bùn dày đặc sau nhiều ngày lũ đã đi qua

Tính riêng tại Mông Dương đã có hàng trăm công nhân mỏ Công ty than Mông Dương và công nhân mỏ than Khe Chàm bị thiệt hại nặng trong trận mưa lũ như mất nhà, mất tài sản. Nhiều người dân sống trong khu vực đó cũng tay trắng khi ngôi nhà cùng toàn bộ tài sản bỗng chốc "mất dấu vết" dưới tầng sâu bùn đất.

"Xóa sổ" một khu dân cư, hàng nghìn người dây gượng dậy từ tay trắng

Trao đổi với chúng tôi, UBND thành phố Cẩm Phả cho biết, theo thông kê chưa đầy đủ tại Mông Dương, hiện có 80 hộ dân bị mất nhà hoàn toàn và hơn 4.000 hộ dân có nửa nhà bị ngập trong nước lũ, tài sản hư hỏng. Mọi thứ vẫn còn ngổn ngang, chính quyền địa phương vẫn đang căng mình cùng người dân bắt tay vào khắc phục hậu quả mưa lũ, chủ yếu mới chỉ làm được đến công tác dọn dẹp môi trường.

md4-e86e0

Cánh cổng của một gia đình ở khu 4 Mông Dương

md-5-copy-7d54d
Sự mệt mỏi thất vọng in hằn lên khuôn mặt của người dân nơi đây

Có mặt tại khu 3 và khu 4, phường Mông Dương, thành phố Cẩm Phả, chúng tôi chứng kiến những dãy phố vốn sầm uất nay "mất tích" dưới lớp bùn đá đen ngòm mà mấy ngày qua đã thành đường mới. Gia đình nào nhẹ hơn thì vẫn còn nhìn thấy nóc nhà, tuy nhiên chả còn căn nào sử dụng được Không ít ngôi nhà vẫn mở toang cửa; lại có ngôi nhà chỉ còn thấy dấu tích của cánh cổng.

 

md-3-4cb19
Người dân trở về nhà sau nhiều ngày lũ qua nhưng chẳng còn gì ngoài sự đổ nát
Tất cả những gì giá trị đã vùi sâu dưới lớp bùn than! - 9

Chị Nguyễn Thị Lý, 43 tuổi,ở khu 4, phường Mông Dương là một trong những hộ dân may mắn còn nhà. Nhưng hoàn cảnh của chị sắp tới cũng bi đát không thua kém gì các hộ mất nhà khác. Chị kể: “Nhà tôi không bị bùn vùi chôn tất cả mà chỉ bị một phần, nước ngập tận nóc nhà, giờ nước rút mẹ con tôi dọn dẹp để quay trở lại sinh sống. Tuy nhiên nhà được ít đồ dùng thì mưa lũ cuốn trôi hết rồi”.

Bước chân vào căn nhà cấp 4 của chị, chúng tôi không khỏi xót xa, từ cái nồi cơm điện đến cái quạt, tủ hay sách vở, quần áo của bọn trẻ... đều đã trôi theo dòng lũ. Khi hỏi đến chồng, chị Lý bật khóc: “Chồng tôi là công nhân than nhưng anh bị ung thư gan giai đoạn 2 từ vài năm nay. Một mình tôi chạy vạy cáng đáng vừa nuôi anh bệnh tật vừa lo cho 3 đứa con nhỏ ăn học. Giờ mưa lũ tàn phá thế này, tôi biết nuôi 4 con người ấy thế nào đây! Biết là thiên tai nhưng sao trời ác vậy!”.

Đi sâu vào khu dân cư số 4, nhất là những hộ thuộc tổ 1, tổ 2, sự hoang vắng càng thê lương. Khó khăn lắm chúng tôi mới tìm được bóng người, họ là chủ của những căn nhà bị vùi lấp dở. Họ trở lại không phải để tìm tài sản mà... để khóc. Khóc vì toàn bộ cơ ngơi tài sản mấy mươi năm gom góp đã vĩnh viễn nằm lại trong bùn than...

Bắt gặp vợ chồng anh Nguyễn Văn Trực, 50 tuổi đang lội nước đi về bãi đất, nơi trước đây cả gia đình anh sinh sống. Anh chỉ tay lên bãi đất vừa mới được bồi đắp lô nhô đá và bảo dưới đó là căn nhà ba gian mái bằng và hệ thống chuồng trại chăn nuôi của gia đình. “Hôm lũ đến nhà còn nuôi 28 con lợn nhưng cũng chả cứu được con nào. Mưa lũ xóa sổ cả cơ ngơi 20 năm gây dựng của vợ chồng tôi rồi. Năm kia chúng tôi vay mượn tích góp xây được căn nhà hai tầng, giờ căn nhà này chỉ còn mỗi tầng 2 chơi vơi trên đất bồi. Nhà giờ không được ở được nhưng số nợ làm nhà hơn trăm triệu đồng tôi vẫn phải trả. Cay đắng quá! Giờ công việc ở mỏ than biết bao giờ mới có lại, những ngày tới tôi không biết làm gì để nuôi vợ và 2 con nhỏ đang tuổi ăn học nữa”, anh Trực thẫn thờ.

Bên cạnh nhà anh Trực là căn nhà 2 tầng đang xây dở của vợ chồng chị Nguyễn Thị Hợi (34 tuổi, ở tổ 1, khu 4). Căn nhà này đã bị bùn chôn mất 2/3 nên gia đình chị Hợi không buồn quay lại. Chị Hợi đang mang bầu 7 tháng, chị chia sẻ: “Vợ chồng tôi dành dụm và vay mượn thêm được gần 300 triệu đồng, gia đình tôi đang xây dở căn nhà để chuẩn bị đón thành viên mới thì thiên tai ập đến, giờ trắng tay. Giờ tôi sắp sinh nhưng chẳng còn nhà cho con mình ở”.

Thương tâm hơn là hoàn cảnh bà Trần Thị Lành, 63 tuổi, ở khu 4, phường Mông Dương. Bà Lành chồng chết sớm để lại cho bà đứa con trai. Con trai bà lớn lên lập gia đình mới sinh được đứa con gái thì cũng không may qua đời. Giờ con dâu bà bỏ đi tìm cuộc sống mới, mình bà Lành thân già nuôi cháu nội mới 9 tuổi côi cút. Nhà mất, đồ đạc bị cuốn trôi, bà Lành không còn nơi nương tựa: "Mấy ngày nay bà cháu tôi chỉ biết ôm nhau tá túc tại trung tâm y tế phường chờ cứu trợ qua ngày thôi, chưa dám nghĩ đến ngày mai sẽ ra sao nữa”.

Cuộc sống của người dân ở Mông Dương nói riêng và Cẩm Phả, Uông Bí, Hạ Long nói chung hiện đang muôn vàn khó khăn. Họ đang gắng gượng đứng dậy để xây dựng lại cuộc sống trên lớp bùn than đổ nát, đau thương!

Thu Hằng