Chuyện người đàn bà góa ôm con chờ chết trong trận lũ ở Quảng Ninh
(Dân trí) - Gia sản nhà chị chỉ có 8 con gà, 2 con chó với cái ti vi cũ rích, nhưng sau trận lũ thì chỉ còn lại... 2 chiếc xích chó. Chồng chị mất sớm, chị mang đủ thứ bệnh nhưng 2 con ham học nên chị không dám chữa bệnh, để dành tiền đóng học cho con.
Ôm con trốn lên gác xép chờ... chết!
Trong trận mưa lũ khủng khiếp tại tỉnh Quảng Ninh vừa qua, có quá nhiều câu chuyện, quá nhiều phận người khiến ai nghe cũng phải xót xa.
Chúng tôi lội bùn đến nhà chị Phạm Thị Vịnh (tổ 79, khu 9 phường Cao Thắng, Hạ Long, Quảng Ninh) khi trận mưa lũ lịch sử đã rút đi được 2 tuần. Sau vài ngày tạnh ráo, ngày 10/8, bầu trời Quảng Ninh lại mưa tầm tã. Giống như bao hộ gia đình, nhà chị Vịnh bị lũ bùn tràn vào nhấn chìm vườn rau, cuốn đi hầu hết mọi tài sản...
Một người hàng xóm đang nạo vét than tại con mương bên ngoài cửa nhà nói với tôi: “Bà ấy tai điếc nặng lắm, người thì toàn bệnh, khô quắt lại, nhưng 2 thằng con học “cực siêu”, giỏi nhất xóm đấy”.
Vẫn đang khoác trên mình chiếc áo mưa mỏng để lao động ngoài vườn, trông thấy chúng tôi, chị Vịnh vội vã rửa chân tay mời chúng tôi vào nhà. Ngoài mấy chiếc ghế nhựa là vật nổi sau trận lũ còn sót lại, chiếc ti vi màu từ “đời nhà Tống” có lẽ là tài sản đắt giá nhất nhà chị thì đã bị lũ nhấn chìm, hỏng không xem được... Nhà chị Vịnh vốn nghèo kiết từ xưa đến nay, giờ sau trận lũ đã thành trắng tay.
Chị kể, chiều 26/7, khu vực nhà chị mưa rất to, nước tràn vào trong vườn. Kinh hoàng nhất là đêm 27, rạng sáng 28/7, những trận mưa khủng khiếp kéo dài trong nhiều giờ đồng hồ đã biến xóm chị thành biển nước. Ban đầu chị thấy nước tràn vào trong vườn nên chạy mấy thứ đồ đạc lặt vặt. Nhưng rồi nước mỗi ngày một dâng cao, tràn cả vào trong nhà, chị cùng cậu con trai 15 tuổi vội vàng vơ các loại giấy tờ ném hết lên gác xép.
Khi nước tràn vào trong nhà, ngập tới ngang thắt lưng thì chị đẩy cậu con trai út lên gác xép trước, còn chị lên sau (cậu con trai cả của chị Vịnh đang học đại học ở Hà Nội, không có mặt ở nhà khi mưa lũ xảy ra). Rút chân lên được cầu thang, thì nước đã ngập sâu trong nhà.
“2 mẹ con tôi nghĩ mình chết chắc rồi nên cứ thế ngồi khư khư ôm nhau mà khấn giời! Đói rét lúc này cũng đã bắt đầu khiến sức khỏe 2 mẹ con cạn kiệt dần. Đúng lúc này, may thay có xuồng cứu hộ của chính quyền địa phương đến. Mẹ con tôi được một chú ghé vai vào, cả 2 mẹ con lần lượt ngồi lên vai chú ấy cõng ra xuống cứu hộ rồi sơ tán lên Nhà văn hóa, khi lũ rút thì mẹ con tôi mới về nhà”, chị Vịnh nhớ lại thời khắc mẹ con chị được cứu sống trong mưa lũ.
Lũ cuốn hết kế sinh nhai, còn lại 2 sợi xích chó
Chị Vịnh rót nước ra chiếc cốc nhựa mời tôi, nói như thanh minh: “Chú thông cảm, có bộ ấm chén thì cũng bị lũ cuốn rồi”. Vừa nói chị vừa thở hổn hển, biểu hiện của căn bệnh hở van tim. Chị lên gác xép lục lại giấy tờ khám bệnh của mấy năm nay, hồ sơ bệnh án, sổ khám bệnh, đơn thuốc... khệ nệ bê ra một xấp, thôi thì đủ thứ bệnh, huyết áp, đau đầu... nhưng nguy hiểm nhất là bệnh hở van tim.
Chị Vịnh kể: “Có hôm ngồi bán rau ở chợ, bỗng dưng chị cảm nhận rõ trống ngực đập từng tiếng “bùng, bùng”, rồi chị ngã vật ra”.
Chị Vịnh tâm sự, do không có sức khỏe nên công việc của chị hàng ngày là trồng mấy luống rau trong vườn mang ra chợ bán. Chị còn nuôi thêm 8 con gà đẻ trứng, 2 con chó được người ta cho để nuôi chờ khi nào lớn mang đi bán kiếm tiền đóng học cho con. Nhưng trận lũ vừa rồi đã biến vườn rau nhà chị thành một bãi bùn thải, nhấp nhô vài cọng rau muống úa màu. 8 con gà, 2 con chó cũng mất cả, “còn độc 2 chiếc xích chó thôi chú ạ!”, chị Vịnh xót xa.
Chị Vịnh lấy ống tay áo chấm mồ hôi, kể: chồng chị là lao động tự do, 8 năm trước trong một lần đi chặt cây thuê không may bị cây đổ đè vào người tử vong.
Cuộc trò chuyện của tôi và chị Vịnh thi thoảng lại ngắt quãng, cậu con trai Phạm Trung Việt (15 tuổi) lại thay mẹ tiếp chuyện khách. “Hôm rồi giỗ bố cháu, 3 mẹ con cháu cũng làm mâm cơm cúng bố, có đầy đủ bánh chưng, thịt gà, đĩa xào, bát canh,... Đó là bữa cơm sang nhất trong năm của gia đình cháu”.
Trao đổi với phóng viên Dân trí, về hoàn cảnh gia đình chị Vịnh, ông Vũ Đình Phúc, Chủ tịch UBND phường Cao Thắng (TP Hạ Long, Quảng Ninh) cho biết, gia đình chị Vịnh vừa mới được xóa hộ nghèo năm 2014, không phải vì chị đã làm ăn khấm khá, mà vì chị vừa được nhà nước đền bù khi lấy đất làm dự án khu dân cư phường Cao Thắng.
Chị Vịnh cho biết, sau khi được đền bù, trừ chi tiêu nợ nận, chị còn ít tiền gửi ngân hàng, dành làm tiền chữa bệnh cho cả 3 mẹ con (2 con chị bị bệnh thấp khớp, vẫn phải điều trị hàng tháng). Nay đã mất trắng rồi, chị cũng không dám rút tiền ra, sợ các con không còn tiền ăn học, "phải tội với vong linh bố nó".
Chúng tôi rời nhà chị Vịnh khi trời Hạ Long đã sầm sập tối nhưng bếp nhà chị vẫn chưa đỏ lửa. Chị bảo, tối nay mẹ con chị ăn nốt nửa mớ rau muống mua buổi sáng và ít tép rang, thế là bữa tối cũng đã mất hơn 12 nghìn đồng.
Tuấn Hợp