Trận mưa lũ lịch sử là bài học lớn cho ngành than Quảng Ninh
(Dân trí) - “Qua đợt lũ lụt ở Quảng Ninh, tôi cho rằng ngành than phải xem xét lại chuyện biến đổi khí hậu như thế thì nên khai thác tới đâu cho bền vững, chứ không phải nhắm mắt để phát triển kinh tế bằng mọi giá”.
Giáo sư Đặng Ngọc Dinh (Ảnh: Tiền Phong).
Trao đổi với Dân trí, GS. Đặng Ngọc Dinh - Giám đốc Trung tâm nghiên cứu phát triển hỗ trợ cộng đồng - cho rằng tỉnh Quảng Ninh sẽ phải mất rất nhiều thời gian để khắc phục ô nhiễm do một khối lượng lớn than trôi ra môi trường. Việc Quảng Ninh ngập trong bùn đất sau những trận mưa lớn vừa qua có nguyên nhân không nhỏ từ việc khai thác than không đi liền với bảo vệ môi trường sinh thái.
Theo ông tại sao lũ lụt vừa qua ở tỉnh Quảng Ninh lại lớn, xảy ra trong thời gian ngắn và gây thiệt hại nặng nề như vậy?
Tôi cho rằng có hai yếu tố chính. Đầu tiên là do biến đổi khí hậu. Nguyên nhân thứ hai là một câu chuyện dài, đó là việc khai thác rừng nhiều, khai thác than mà không để ý tới môi trường hay nói cách khác là khai thác không bền vững. Khi rừng không còn thì nước xuống rất nhanh và tốc độ xối rất mạnh. Đây là bài học lớn mà theo tôi phải chữa, nhưng chữa cũng không đơn giản đâu.
Dưới ảnh hưởng của biến đổi khí hậu toàn cầu, những vấn đề trước kia có thể bình thường thì nay có biến động ghê gớm. Lũ quét ở miền núi phía Bắc chẳng hạn, trước kia ít xảy ra nhưng gần đây xảy ra nhiều do biến đổi khí hậu toàn cầu, nhưng nếu như chúng ta không khai thác rừng nhiều, đặc biệt là nếu giữ được những cánh rừng nguyên sinh thì chắc chắn mọi chuyện sẽ khác. Vì rừng nguyên sinh mất đi, rừng trồng rất thưa, cây thưa, nên khi mưa xuống thì như cái đầu ít tóc ấy, nước sẽ chảy xuống vai, xuống chân rất nhiều và cuốn tất cả đi. Những xâm phạm đến môi trường trước đây chưa thấy tác động mạnh mẽ, tiêu cực thì bây giờ trong bối cảnh biến đổi khí hậu mới bắt đầu lộ ra rất nhiều.
Đó là bài học cho thế hệ hiện nay và thế hệ sắp tới. Bài học đó phải chữa căn bản. Tôi thấy bây giờ nhiều anh giàu có cứ có sở thích chặt cây rừng cổ thụ về làm tượng hoặc biến thành cây riêng trong nhà mình, hay mỗi lần xây dựng một ngôi chùa nào đó thì sẽ mất biết bao nhiêu gỗ ở rừng. Những việc ấy phải chú ý và ngăn chặn.
Qua đợt lũ lụt ở Quảng Ninh, tôi cho rằng ngành than phải xem xét lại chuyện biến đổi khí hậu như thế thì nên khai thác tới đâu cho bền vững, chứ không phải nhắm mắt để phát triển kinh tế bằng mọi giá.
Nhiều ý kiến cho rằng tốc độ khai thác than ở Quảng Ninh hiện nay diễn ra quá nhanh, trong khi việc hoàn thổ, xây dựng các chương trình thích ứng với biến đổi khí hậu chưa được chú ý, làm chưa đúng cách?
Tôi biết Quảng Ninh đã có hẳn dự án được nước ngoài hỗ trợ để giúp thành phố trở nên sạch, ít bụi than hơn. Nhưng đó mới là những dự án trên giấy.
Điều cần bây giờ là phải làm cho tương lai, còn thiên tai không hồi tố quá khứ được. Phải coi đây là bài học để thích nghi trong tương lai: Ứng xử với thiên nhiên phải mềm mại, thông minh và bền vững hơn.
Trước giờ Quảng Ninh phát triển kinh tế mạnh nhưng chưa để ý đến phát triển bền vững về môi trường. Đây là kết quả của quá khứ hình thành nên, dưới biến đổi khí hậu thì gây ra hậu quả ghê gớm quá. Đây cũng là bài học cho những vùng khác, đô thị khác phải chú ý tới chuyện đó.
Những khu vực nào ở nước ta cần chú ý phát triển kinh tế đi liền với các chương trình thích ứng tác động của biến đổi khí hậu?
Cứ lật bản đồ biến đổi khí hậu ra là biết. Những vụ khu vực như Điện Biên, Yên Bái, Nam Định, Hải Phòng, Đồng bằng sông Cửu Long đều ảnh hưởng cả. Chúng ta phải xem quy hoạch tổng thế, phải thiết kế lại sự phát triển kinh tế- xã hội sao cho vừa phải, chứ không phải khai thác hết than, đi phá hết núi để lấy đá vôi như hiện nay. Phải thay đổi đi thì mới hạn chế được những thiên tai khủng khiếp như vừa rồi được.
Xin cảm ơn ông!
Thế Kha (thực hiện)