Quảng Ninh:
“Cả nhà 5 người ngồi trên nóc, nhìn mưa lũ cuốn lợn cuốn gà”
(Dân trí) - Lúc nước lũ tràn về, cả nhà gồm 5 người lớn, 3 đứa trẻ con, đứa nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi, phải chui lên ngồi chon von trên nóc nhà. Lúc đó nhìn mưa, lũ cuốn lợn, gà trôi kêu ỏm tỏi qua ngay dưới chân, mình nghĩ thế là cả nhà không thoát khỏi được “kiếp nạn” này rồi.
Gia đình ông Vũ Văn Vụ đang dọn dẹp nhà cửa sau trận lũ lịch sử.
Ngày 2/8, theo chân đoàn công tác cứu trợ của các tăng ni phật tử Chùa Nền (ngõ 1160, đường Láng, quận Đống Đa, Hà Nội), chúng tôi có mặt tại thôn Khe Sím (xã Dương Huy, TP Cẩm Phả, Quảng Ninh).
Vừa rẽ vào con đường nhựa từ phường Quang Hanh vào thôn Khe Sím, chúng tôi bắt gặp anh Lực - một người đàn ông quê ở Thái Bình ra Khe Sím ở trọ và hàng ngày đi làm thuê. Anh Lực kể: “Em ra đây được gần chục năm nay, cuộc sống cũng ổn, mua sắm được ti vi, tủ lạnh, máy giặt và một số đồ dùng sinh hoạt. Nhưng chỉ sau một đêm, bao công sức, tiền của của vợ chồng em bỗng tan biến. Hai hôm nay, vợ em như người mất trí, cứ ra ra, vào vào, lúc thì mở cái tủ lạnh còn đầy nước, lúc thì tần ngần nhìn đống đồ dùng sinh hoạt nay đã thành sắt vụn rồi bật khóc”.
Nhưng ở Khe Sím không chỉ có vợ chồng anh Lực phải khóc mà cả thôn đang bần thần trước thảm hoạ của thiên tai. Từ trên cao nhìn xuống khu dân cư thấy một cảnh tượng thật xót xa. Đất đá, bùn từ các bãi thải trên cao tràn xuống ngập nhà cửa. Quán ăn đặc sản ngay đầu thôn hôm nào có rặng tre gai xanh mướt bên bờ suối dập dìu khách vào, ra, hôm nay đã biến mất, thay vào đó là đống đất đá ngổn ngang.
Anh Lực cho hay, chủ quán này từ khi bị mưa lũ cuốn trôi mất hết tài sản đã chán nản bỏ về quê không thiết tha thu dọn. Đi sâu vào trong thôn, không khí đìu hiu càng hiện rõ. Gia đình đầu tiên chúng tôi tìm đến là nhà anh Vũ Văn Vụ ở xóm Bốt Điện. Lúc này bố con anh Vụ đang ngồi tần ngần bên đống đồ bị nước lũ "vo" nhàu nhĩ. Thấy khách đến nhà, anh Vụ chẳng buồn đứng dậy, buồn bã bảo: “Mất hết cả rồi! Bao năm com cóp làm ăn, mua sắm, thế là thành tay trắng”.
Qua nhà anh Vụ, chúng tôi tìm đến gia đình anh Vũ Đức Tráng ở cách đó vài chục mét. Chị Thanh, vợ anh Tráng đang hì hùi nạo, vét bùn đất bám thành từng tảng trên... bàn thờ, thấy chúng tôi đến nở nụ cười đau khổ: “Cả nhà em đang định ăn cơm thì thấy ùng ục nước ở đâu cuốn về. Chưa đầy 10 phút thì nước ngập vào nhà cửa, tràn vào bếp núc, chẳng kịp mang theo thứ gì, cả nhà bơi ngược lên phía đồi cao rồi đứng co ro chịu rét nom nước lũ nhấn chìm nhà mình”.
Ông Lê Nguyên Việt, Trưởng thôn Khe Sím cho biết, Khe Sím có gần 200 hộ dân thì có tới 150 hộ bị ngập lụt đến lưng chừng nhà. Rất may không có thương vong. Đến thời điểm hiện tại, chưa có thống kê chính xác về thiệt hại nhưng ông Việt đoán cũng sẽ lên tới hàng chục tỷ đồng.
Đi một vòng quanh thôn, chúng tôi gặp một số người dân bê gạo, vác thùng mì tôm về nhà. Đây là hàng cứu trợ của UBND xã Dương Huy chuyển về, mỗi khẩu được nhận 5kg gạo, mỗi hộ được 1 thùng mì tôm. Nhìn những người co ro trước mưa lạnh, lặng lẽ xếp hàng nhận lương thực, thực phẩm mà xót xa! Có ai ngờ được, chỉ hơn tuần trước thôi, họ vốn là những gia đình có “bát ăn, bát để”, vậy mà giờ đây phải chịu cảnh nhận từng cân gạo, gói mì cứu tế.
Chị Trần Thị Vân nhà ở xóm cầu Bệnh Viện vừa nhận xong phần hỗ trợ của gia đình mình thở hổn hển kể: “Nhà mình ở dưới hạ lưu, nơi hợp nhất của suối Lép Mỹ và suối Cầu Trắng, vì thế lượng nước càng khủng khiếp hơn. Lúc nước lũ tràn về, cả nhà gồm 5 người lớn, 3 đứa trẻ con, đứa nhỏ nhất mới 3 tháng tuổi, phải chui lên ngồi chon von trên nóc nhà. Lúc đó nhìn mưa, lũ cuốn lợn, gà trôi kêu ỏm tỏi qua ngay dưới chân, mình nghĩ thế là cả nhà không thoát khỏi được “kiếp nạn” này rồi. Ơn trời, căn nhà mới được sửa chữa, nên trụ qua được dòng nước lũ. Chiều nay nghe tin có gạo cứu trợ, mình mừng húm, vội vã đến lĩnh. Thế là tối nay con, cháu được bữa no rồi!”.
Nói xong, chị Vân vắt bao gạo lên vai, một tay quắp thùng mì tôm, bước về cuối thôn. Còn chị Nguyễn Thị Liên thì ngồi đánh phịch xuống đất, nước mắt lã chã: “Nhà mình ở cách đây vài chục bước chân nhưng cũng không về được, vì đất vùi đến nóc mất rồi. Vài hôm nay, vay được cô em gái ở ngoài phố ít tiền mua lương thực, thực phẩm, thế là cả nhà “góp gạo thổi cơm chung” với mấy hộ cùng cảnh ngộ bên cạnh”.
Đêm xuống, chúng tôi rời Khe Sím với một tâm trạng ngổn ngang. Hình ảnh ông Lê Nguyên Việt chỉ tay về những núi bãi thải do khai thác than lộ thiên bao bọc xung quanh thôn với lời thẳng thốt: “Nếu không có giải pháp hiệu quả để ngăn chặn đất đá trên kia đổ xuống thì chỉ cần một trận mưa tương tự nữa, chắc chắn Khe Sím sẽ bị xoá sổ” khiến chúng tôi không khỏi lo lắng.
Cũng như nhiều thôn, khu trên địa bàn tỉnh đang bị khốn đốn sau cơn “đại hồng thuỷ”, người dân Khe Sím cần lắm những tấm lòng sẻ chia, những hỗ trợ kịp thời của các cơ quan chức năng để họ sớm gượng lên sau thiên tai.
Tuấn Hợp - Quang Minh