PhotoNews

Những công viên nghìn tỷ trên "đất vàng" Hà Nội bị bỏ hoang

Thực hiện: Nguyễn Hải - Đỗ Ngọc Lưu

(Dân trí) - Được phê duyệt từ nhiều năm trước với mức đầu tư lên đến hàng nghìn tỷ đồng nhưng đến nay, nhiều dự án xây dựng công viên tại Hà Nội vẫn dang dở hoặc bỏ hoang, gây lãng phí, bức xúc trong dư luận.

Tổng Bí thư Tô Lâm: Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động

Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh khi phát biểu tại cuộc gặp mặt của lãnh đạo Đảng, Nhà nước với cán bộ lão thành cách mạng, người có công, gia đình chính sách tiêu biểu khu vực miền Bắc, chiều 15/4, tại Hà Nội.

Đề cập đến công tác phòng chống tham nhũng, tiêu cực, lãng phí, Tổng Bí thư Tô Lâm chia sẻ, sau khi Tổng Bí thư Nguyễn Phú Trọng từ trần, một số người lo lắng công tác này sẽ chùng xuống, bị lãng quên.

Song trên thực tế, ông khẳng định phòng chống tham nhũng, tiêu cực vẫn được triển khai quyết liệt, đồng bộ, toàn diện, bài bản, đi vào chiều sâu, không có vùng cấm, không có ngoại lệ.

"Bộ Chính trị, Ban Bí thư thống nhất cao chủ trương tiếp tục đẩy mạnh công tác phòng, chống tham nhũng, tiêu cực và đã quyết định bổ sung nội hàm phòng, chống lãng phí, tạo ra bộ ba cần phải loại bỏ là tham nhũng, lãng phí và tiêu cực", Tổng Bí thư Tô Lâm nhấn mạnh.

Theo ông, điều này tạo ra sự răn đe, cảnh tỉnh rất lớn và tinh thần này sẽ tiếp tục được tiến hành kiên trì, liên tục.

Minh chứng là việc Bộ Chính trị cũng đã bổ sung chức năng, nhiệm vụ phòng, chống lãng phí cho Ban chỉ đạo Trung ương và cấp tỉnh với trọng tâm là chỉ đạo phòng, chống lãng phí trong quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công.

Nhận định sự lãng phí trong xã hội còn rất lớn, Tổng Bí thư Tô Lâm lưu ý tới đây cần có phong trào toàn dân thực hành tiết kiệm, chống lãng phí trong cuộc sống, từng gia đình, từng người dân.

"Lãng phí đang là vấn đề rất đáng báo động. Ở khía cạnh nào đó, lãng phí còn gây tổn hại lớn hơn tham nhũng và tiêu cực", Tổng Bí thư nhận định.

Ông dẫn số liệu từ báo cáo của Bộ Công an cho thấy cả nước đang tồn đọng khoảng 2.805 các công trình, dự án chậm hoặc không được đưa vào sử dụng, có nguy cơ gây lãng phí.

Dẫn chứng câu chuyện của Hà Nội mới thu hồi 2 trong số hàng trăm dự án dang dở đã thu về cho ngân sách khoảng 80.000 tỷ đồng, Tổng Bí thư cho rằng còn hàng trăm dự án có giá trị từ vài trăm nghìn tỷ đồng đến hàng triệu tỷ đang gặp vướng mắc, bị ngưng trệ.

"Những công trình này không chỉ gây thiệt hại, lãng phí về tiền bạc mà còn gây sự thiệt hại nhiều về các lĩnh vực xã hội khác mà không thể tính hết được bằng tiền", Tổng Bí thư nói.

Để giúp bạn đọc thấy rõ sự lãng phí từ các công trình, dự án bỏ hoang trên địa bàn Hà Nội và các địa phương, báo Dân trí triển khai tuyến bài ghi nhận về vấn đề này.

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 1

Trong khi Hà Nội còn thiếu không gian công cộng thì dự án xây dựng công viên - hồ điều hòa khu đô thị Tây Nam Hà Nội (phường Trung Hòa và phường Yên Hòa, quận Cầu Giấy) lại bị bỏ hoang nhiều năm nay gây lãng phí, mất mỹ quan đô thị.

Theo dự kiến, dự án được đưa vào hoạt động năm 2016 với tổng mức đầu tư ban đầu khoảng 1.600 tỷ đồng nhưng đã gần 10 năm trôi qua, đến nay công trình vẫn chỉ là bãi đất hoang, cỏ mọc um tùm.

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 2

Dự án đã hoàn thành giải phóng mặt bằng giai đoạn 1, được phê duyệt quy hoạch tỷ lệ 1/500 và cấp phép xây dựng vào tháng 5/2014, với diện tích 112.410m2, trong đó đất đường sử dụng chung cho khu vực là hơn 13.130m2; đất khu công viên - hồ điều hòa hơn 99.230m2. 

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 3

Dự án có vị trí đắc địa ở phía Tây Nam TP Hà Nội, tọa lạc giữa khu dân cư đông đúc với nhiều tòa nhà cao tầng, trường học xung quanh,... được kỳ vọng là lá phổi xanh phía Tây Nam Hà Nội.

Cuối tháng 6/2023, UBND quận Cầu Giấy tổ chức hội nghị công bố công khai đồ án điều chỉnh tổng thể quy hoạch chi tiết công viên - hồ điều hòa thuộc khu đô thị Tây Nam Hà Nội, tỷ lệ 1/500.

Những tháng cuối năm 2023, dự án rục rịch được triển khai thi công nhưng sau đó lại tạm dừng.

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 4
Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 5

Tấm biển "dự án xây dựng công viên hồ điều hòa thuộc khu đô thị Tây Nam Hà Nội" nằm ở ngã tư phố Nguyễn Chánh - Mạc Thái Tông bị cây xanh che khuất, bên dưới rác chất thành đống.

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 6

Dự án công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông (gọi tắt công viên Hà Đông, quận Hà Đông, Hà Nội) được tỉnh Hà Tây cũ phê duyệt quy hoạch trên địa bàn phường Hà Cầu và Kiến Hưng từ năm 2008.

Sau hàng chục năm chậm tiến độ, đến tháng 11/2023, UBND TP Hà Nội đã ban hành Quyết định phê duyệt đồ án Quy hoạch chi tiết Khu công viên văn hóa - vui chơi giải trí, thể thao Hà Đông, tỷ lệ 1/500, với hy vọng tái sinh dự án này.

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 7

Dự án có tổng mức đầu tư trên 1.250 tỷ đồng, dự kiến thực hiện từ năm 2024-2027. Theo thiết kế, dự án sẽ có hồ điều hòa, đảo với diện tích mặt thoáng trên 35ha và 19 khu vực khác nhau phục vụ các hoạt động văn hóa, giải trí và thể thao...

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 8
Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 9

Sau nhiều lần "lỡ hẹn", hiện tại, khu vực dự án vẫn chỉ là bãi đất trống, ngổn ngang vật liệu xây dựng. Nhiều nơi bên trong khu đất cỏ mọc um tùm, cao quá đầu người.

Với mật độ dân số quận Hà Đông ngày càng lớn, người dân hy vọng dự án sẽ sớm được hoàn thiện để tạo không gian sinh hoạt, giải trí phục vụ đời sống nhân dân.

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 10

Trước đây, bên trong dự án có nhiều sân bóng, nhà hàng, khu dịch vụ hoạt động. Sau khi dư luận lên tiếng, quận Hà Đông đã yêu cầu các đơn vị thuê mặt bằng phải di dời khỏi dự án.  Đến nay, vật liệu xây dựng của các công trình này vẫn còn ngổn ngang.

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 11

Phối cảnh tổng thể của dự án (Ảnh: Báo Xây dựng).

Với diện tích gần 100ha, dự kiến sau khi hoàn thiện đây sẽ là công viên được đầu tư công lớn nhất ở Hà Nội, lớn gần gấp đôi công viên Thống Nhất (50ha), chỉ nhỏ hơn công viên Yên Sở (323ha) do tư nhân xây dựng.

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 12

Tại Hà Nội không chỉ có nhiều dự án xây dựng công viên bị bỏ hoang, chậm tiến độ mà còn nhiều công viên hiện hữu như Thủ Lệ, vườn Bách Thảo,... đang xuống cấp nghiêm trọng, ảnh hưởng đến sinh hoạt của người dân.

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 13

Vườn Bách Thảo là công viên lâu đời nhất tại Hà Nội, được thành lập năm 1890 trên khu đất rộng 33ha. Tuy nhiên hiện nay, vườn Bách Thảo được quy hoạch lại chỉ còn khoảng trên 10ha, là nơi vui chơi của hàng nghìn người dân sinh sống tại địa bàn quận Ba Đình. 

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 14

Đều đặn vào buổi chiều, ông Lâm Hà Phương (79 tuổi, trú quận Ba Đình) đến vườn Bách Thảo để rèn luyện sức khỏe và tận hưởng không khí trong lành.

"Bao nhiêu năm nay tôi và người dân xung quanh đây đều gắn bó với công viên Bách Thảo. Mong cơ quan quản lý sớm có sự can thiệp, khắc phục và cải tạo cơ sở vật chất, tránh để lâu ngày hư hỏng sẽ nặng thêm gây lãng phí, mất mỹ quan cho công viên", ông Phương chia sẻ.

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 15
Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 16

Theo ghi nhận, nhiều hạng mục tại vườn Bách Thảo Hà Nội đã hư hỏng, xuống cấp theo thời gian, gây mất mỹ quan và ảnh hưởng tới vui chơi, giải trí của người dân. Một số tác phẩm điêu khắc mang giá trị nghệ thuật cũng bị han rỉ, không còn nguyên vẹn.

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 17

Công viên Thủ Lệ được xây dựng vào năm 1975, đến nay nhiều hạng mục cũng đã xuống cấp.

Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 18
Những công viên nghìn tỷ trên đất vàng Hà Nội bị bỏ hoang - 19

Một số khu vực trò chơi dành cho trẻ em, lan can bao quanh hồ Thủ Lệ đã hoen gỉ.

Theo số liệu của Sở Xây dựng Hà Nội, thành phố hiện có 63 công viên, vườn hoa. Sau khi rà soát, thành phố đặt kế hoạch giai đoạn 2021-2025 cải tạo, nâng cấp, sửa chữa 45 công viên, vườn hoa để duy trì ổn định cảnh quan, phục vụ người dân. Trong đó quận Ba Đình và quận Hoàn Kiếm, mỗi quận có 10 công viên, vườn hoa cần cải tạo, nâng cấp; tiếp đến là các quận Hoàng Mai, Hai Bà Trưng, Đống Đa,...