1. Dòng sự kiện:
  2. Nổ xưởng gỗ ở Đồng Nai
  3. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Một gia đình, bốn nạn nhân!

(Dân trí) - “Trời ơi, hai em chết, cha cũng sắp chết, sao tui không chết luôn cho rồi!” - người con trai duy nhất may mắn còn sống sót của gia đình ông Mười Khâm vật vã bên quan tài của hai em. Đau đớn hơn, cậu em út của anh phải từ giã cuộc đời khi chưa kịp cầm trên tay tháng lương đầu tiên.

Sau hơn 1 tiếng đồng hồ lội 4 km đường bờ ruộng trơn như bôi mỡ trong cơn mưa rả rích, PV Dân trí cũng đã đến được nhà ông Mười Khâm (tên thật là Lưu Văn Khâm) ở ấp Mỹ Hương 1, xã Mỹ Hoà, huyện Bình Minh, ngôi nhà có tới 4 nạn nhân trong tai nạn sập cầu Cần Thơ thảm khốc sáng 26/9.

 

Cả 4 người đàn ông trong gia đình ông Mười Khâm đều tham gia thi công công trình cầu Cần Thơ. Sau tai nạn, ông Khâm bị thương rất nặng, hiện đang điều trị tại Bệnh viện Quân y 121. Hai người con nhỏ Lưu Tấn Mãi (19 tuổi) và Lưu Thanh Điền (16 tuổi) đã vĩnh viễn ra đi. 

  

Đau lòng nhất là Lưu Thanh Điền, em chỉ mới 16 tuổi, từ giã cuộc đời khi chưa kịp cầm trên tay tháng lương đầu tiên. Vì chưa đủ tuổi lao động, để được đi làm, em đã phải dùng giấy chứng minh nhân dân của anh trai Lưu Tấn Mãi. 

 

Người con trai duy nhất may mắn còn sống sót của gia đình - anh Lưu Quốc Dương (23 tuổi) vật vã bên hai chiếc quan tài của hai em: “Trời ơi, hai em chết, cha cũng sắp chết, sao tui không chết luôn cho rồi!”. 

 

Một gia đình, bốn nạn nhân! - 1

Nước mắt của người con trai duy nhất còn sống sót.
  

Không xót xa, không đau lòng sao được khi ai cũng mong đừng có quá nhiều người chết trong tại nạn thảm khốc này; vậy mà người may mắn còn sống đây lại đòi được chết. Nước mắt của người còn sống khiến bà con hàng xóm đau đớn hơn cả những chiếc quan tài đang từ từ được hạ xuống chiếc huyệt sơ sài.

  

Bà Lê Thị Miễn, vợ ông Mười Khâm, bàng hoàng, rũ rượi. Hôm nay, hai con trai bà nhập huyệt, bà không còn làm chủ được bản thân, không hiểu mình đang ở đây, nhìn xác hai đứa con này, hay đang ở một nơi nào rất xa, ở bệnh viện, nơi có người chồng đang 2 phần sống, 8 phần chết.

 

Một vụ tai nạn sập cầu đã lấy đi của bà 2 người con thân yêu, người chồng cũng không chắc sẽ qua khỏi; lấy đi của gia đình bà 4 người đàn ông trụ cột. Bà đang phải đối diện với một cơn khủng hoảng mới...

Một gia đình, bốn nạn nhân! - 2

Hai anh em được chôn cùng một huyệt mộ.

 

Đứng gần đó, anh của ông Lưu Văn Khâm là ông Lưu Văn Thanh không còn nước mắt để khóc. Con trai ông là anh Lưu Hoàng Phúc cũng không thoát khỏi tai nạn vừa qua. Vợ ông chết lặng, vật vã.

 

Đoàn cứu trợ báo Khuyến học & Dân trí có mặt bên cạnh những thân nhân và cả những người xấu số, nhưng có lẽ cũng chỉ cảm được một phần nỗi đau quá lớn, sự mất mát quá thương tâm. Chúng tôi không dám thốt lời, sợ làm vỡ oà không khí tang thương, chỉ biết lặng lẽ trao cho người con trai còn sống duy nhất của ông Mười Khâm 4 triệu đồng, trao cho ông Lưu Văn Thanh 2 triệu đồng, mà cảm thấy như mình có lỗi vì sự trợ giúp quá nhỏ nhoi!

 

Đầu bạc khóc tiễn đầu xanh

 

Một ngày dự 8 đám tang, đã chứng kiến quá nhiều nỗi đau - Nỗi đau quằn quại của những người mẹ, nỗi đau lặng lẽ của những người cha, nỗi đau vô tư của những đứa trẻ còn chưa biết nhận thức… Nhưng đau đớn nhất có lẽ là nỗi đau của người đầu bạc khóc kẻ đầu xanh.

 

Bà Tám - mẹ nuôi của ông Lưu Văn Khanh - chạy ào vào chân bàn thờ của đứa cháu nội Lưu Hoàng Phúc mà nức nở, không thốt nên lời rồi ngất xỉu.

 

Một gia đình, bốn nạn nhân! - 3

 

Không chỉ con ông Khanh, cả mấy đứa con ông Khâm bà cũng quý hơn cả ruột thịt. Thế nên khi cả 3 anh em Phúc, Mãi, Điền cùng chết, không ai dám báo tin cho bà. Mãi đến khi Lưu Tấn Phúc đã được đem chôn, hai anh em Mãi, Điền vừa được đưa xuống huyệt, bà mới biết, tất tả chạy đến khóc cháu.

 

Nhìn cụ già hối hả chạy trên con đường ruộng trơn tuột, loạng choạng ngã rồi lại đứng lên, đứng lên rồi lại ngã… không ai cầm được nước mắt. Bà cứ chạy như thế, chỉ mong đến nhanh, được ôm chân bàn thờ đứa cháu nội: “Trời ơi, sao tụi bây bỏ tao đi hết. Sao thân già như tao không chết đi mà tụi bây phải chết. Trời ơi là trời!”.

 

Một gia đình, bốn nạn nhân! - 4

Bà Tám nức nở, rũ rượi vẫn đòi lao vào ôm chân bàn thờ cháu.

 

Người bà rũ rượi, giọng bà khản đặc, hoà trong tiếng hờn khóc đó đây trong ấp. Ở xã Mỹ Hoà, ở huyện Bình Mình, nhiều lắm những mái đầu bạc đang hờn khóc khắc khoải khi những người đầu xanh đã nằm xuống.

 

Ở một ngôi nhà khác vang tiếng hờn: “Một ngày chết hai thằng rể, một ngày hai đứa con gái thành hai bà goá…”. Đó là bà Lê Thị Ba - mẹ vợ anh Nguyễn Văn Chính và anh Lê Văn Tươi - ánh mắt thất thần và chua xót, đang nấc lên từng hồi.

 

Một gia đình, bốn nạn nhân! - 5

Bà Ba lặng lẽ đau cho nỗi mất mát của con gái và cháu ngoại.

  

Bà lặng lẽ nhìn đứa con gái thứ 8 của mình, vợ anh Lê Văn Tươi, ôm con nhỏ thảm thiết bên quan tài chồng. Bà chặc lưỡi nhìn đứa cháu ngoại khóc ngặt nghẽo khi người ta bắt nó vấn khăn tang. Nó chưa biết chia ly là gì, nó chưa hiểu thế nào là chết, nó chỉ thấy lạ sao người ta bỏ ba nó nằm trong chiếc hộp gỗ lâu quá không chịu ra ăn cơm với mọi người…

 

Một gia đình, bốn nạn nhân! - 6

Đứa con nhỏ mất cha khi chưa kịp cảm nhận hết tình phụ tử.

 

“Rồi mai đây, 3 đứa nhỏ của con Tám, 2 đứa của con Chín nữa, không biết ai nuôi?”, người mẹ già 80 tuổi đau hộ nỗi đau của hai con, xót xa cho các cháu ngoại sớm phải chịu cảnh mồ côi khi còn chưa kịp hiểu thế nào là tình phụ tử...

 

Bà Ba rấm rứt khóc. Ngoài kia, trời vẫn đang mưa, mưa miền Nam mà sao rả rích cả ngày chưa dứt?

 

Tùng Nguyên