1. Dòng sự kiện:
  2. 70 năm Chiến thắng Điện Biên Phủ

Vụ sập cầu thảm khốc tại Cần Thơ:

Nỗi đau ghi vội từ bệnh viện

(Dân trí) - 19 giờ 30 phút. Bệnh viện Quân y 121 Cần Thơ vẫn nêm chặt người. Bên ngoài phòng cấp cứu, hàng trăm người nhà nạn nhân nằm, ngồi ngổn ngang. Một phụ nữ đến từ Vĩnh Long có 6 người thân chết và bị thương trong vụ tai nạn sập cầu gào khóc thảm thiết...

>>


>>


Vào bãi giữ xe, một thanh niên ngồi bó gối, mặt cúi gầm xuống đất. “Từ sáng giờ chưa ăn gì anh ạ. Mà bây giờ có nhét cái gì vào miệng cũng không nhai được”. Anh là 1 trong số 10 thanh niên lo việc rửa xác tại bệnh viện, tất cả họ đều không trụ vững, kinh hoàng đến mức ám ảnh. “Em đã rửa 37 cái xác, chẳng cái nào nguyên vẹn, kinh khủng quá”- chàng thanh niên vừa nói vừa vò đầu.

 

Trong vụ tai nạn sập cầu được coi là một tai hoạ hiếm có trong lịch sử xây dựng cầu trên thế giới này, có không ít gia đình có từ 2-3 thân nhân bị nạn. Gia đình anh Lê Tuấn Em có đến 4 người làm công nhân xây dựng cầu Cần Thơ, gồm cha, chú và hai anh em của Tuấn Em thì có đến 2 người bị nạn. Và còn rất nhiều gia đình khác hiện vẫn chưa biết tình hình thân nhân của mình. (Theo VTV.vn)

Trong khuôn viên bệnh viện, hàng chục công nhân sống sót tụ tập lại, ngóng tin của các anh em bên trong phòng cấp cứu.

 

Anh công nhân Nguyễn Văn Ba ở ấp Mỹ Phước, xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) kể lại: “Lúc đó đội tôi đang ở trong kho vật liệu thì nghe sầm một cái. Trụ cầu đổ gục. Hàng chục người bị rớt xuống đoạn gãy như hình phễu rồi bị vùi trong đó. Người nào không bị vùi thì cũng bị sắt thép đánh văng ra hàng chục mét.

 

Chúng tôi thi nhau đào bới, ôm từng người ra khỏi chỗ kẹt. Khi tàu cứu thương đến, tôi ôm anh Hưng, người cùng ấp, vào đến đây, vài phút sau bệnh viện bảo anh ấy đã chết”.

 

Nỗi đau ghi vội từ bệnh viện - 1

Vừa trệu trạo gặm vội cái bánh mì, anh kỹ sư tên Việt vừa dò dẫm danh sách để tìm tên những người còn sống. (Ảnh: Nhật Trường). 

 

Anh công nhân tên Phú cho biết, hàng chục thanh niên quê anh vẫn còn nằm lại trong tình trạng nguy kịch, anh em không nỡ ra về, chỉ gọi điện cho vợ con mừng rồi ở lại nghe ngóng. 17 người cùng ấp chia nhau đi các bệnh viện tìm anh em trong ấp, nhiều người vẫn chưa thấy.

 

“Chắc họ nằm lại ngoài đống bê tông rồi anh ạ”- anh Phú lắc đầu nói. Anh đi tìm kiếm cả ngày, đã hết tiền đi xe ôm nên đành ngồi chờ. “Nhà nghèo quá, được các anh em thương kêu đi làm kiếm được hơn 50 ngàn/ngày nuôi vợ con. Ai ngờ cơ sự ra như vậy. Cả đời tôi chắc không ngủ được anh ạ!”.

 

Nỗi đau ghi vội từ bệnh viện - 2
 Cùng với gần 100 nạn nhân khác, mạng sống của công nhân này trông chờ rất nhiều vào sự may rủi. (Ảnh: Nhật Trường). 

 

Cạnh anh Phú, chị Nguyễn Thị Xếp ở ấp Mỹ Hưng, xã Mỹ Hòa (Bình Minh, Vĩnh Long) ôm cây cột nấc lên thành tiếng. Thỉnh thoảng, chị chắp hai tay lại rồi ngẩng mặt lên trời như cầu nguyện. Hai con trai chị vẫn đang hôn mê phía bên trong. Chị nói người ta đã khâu đầu chúng lại, quấn băng kín mít. Chị đứng thật gần để xem chúng còn thở hay không.

 

“Chúng nó đi làm gần 2 năm rồi, nói là để kiếm tiền nuôi mẹ. Bây giờ chúng như thế, tôi sống làm sao hả trời?” - chị không còn đứng vững, đôi chân run rẩy khuỵu xuống sàn nhà.

 

Tuyệt vọng! Hàng trăm con người ngồi chật cả sân bệnh viện bấu víu lấy nhau. Chẳng ai nói lời nào. Những con mắt đục ngầu khô khốc vì không còn nước mắt. Tại căng-tin, cổng bệnh viện hay bất kỳ nơi nào có chiếc tivi, hàng trăm con người chen chúc nhau để xem thông tin vừa cập nhật. Ai nấy cũng đăm chiêu, từng cánh tay run lên bần bật khi nghe về số người chết và bị thương ngày một nhiều.

 

* Trực chiến với tinh thần "còn nước còn tát"

 

Trong cuộc họp báo tối nay, 26/9, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải, Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng và Trung tướng Phạm Nam Tào - Phó Tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát đã có mặt để chỉ đạo.

 

Tại buổi họp báo, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải cho hay, thông tin đến giờ ông nhận được là có 37 người tử vong, 87 người bị thương. Tổng cộng số công nhân có mặt tại hiện trường lúc xảy ra sự cố là 182 người. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng cũng lưu ý rằng đây là con số thống kê chưa đầy đủ.

 

Nỗi đau ghi vội từ bệnh viện - 3
  Một công nhân thoát chết trong vụ sập cầu thẫn thờ ngồi chờ thông tin về các đồng hương tại Bệnh viện 121. (Ảnh: Nhật Trường).

 

Phó Thủ tướng chỉ đạo, các lực lượng công an, bộ đội, cứu hộ cứu nạn phải trực suốt đêm nay; tất cả làm việc với tinh thần “còn nước còn tát”. Được biết, trong đêm 26/9, có 40 người của lực lượng cứu hộ cứu nạn, 15 người của công binh và các chiến sĩ công an sẽ làm việc dưới sự chỉ đạo của Trung tướng Phạm Nam Tào.

 

Nhận định công tác cứu hộ cứu nạn trong vụ tai nạn sập cầu Cần Thơ là rất phức tạp trong khi các phương tiện lại thiếu thốn đủ bề, Phó Thủ tướng lưu ý các lực lượng tham gia phải hết sức cẩn thận, không sẽ lại gây thêm thiệt hại với chính những người làm công tác cứu hộ.

 

Trong đêm nay, đích thân Phó Thủ tướng Hải sẽ đi kiểm tra các bệnh viện và thăm hỏi các nạn nhân. Ông Hải cũng thông tin, Tổng Bí thư Nông Đức Mạnh, Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết và Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đã có điện chia buồn và chỉ đạo công tác cứu nạn. (Công Quang)

 

* Bộ Y tế góp phần khắc phục thảm hoạ sập cầu

 

Nhằm góp phần khắc phục hậu quả vụ sập cầu Cần Thơ, Bộ Y tế đã yêu cầu Bệnh viện Chợ Rẫy chi viện khẩn cấp nguồn nhân lực, vật lực cho Sở Y tế Cần Thơ nhằm tăng cường khả năng cấp cứu cho những người bị nạn.

 

Bộ trưởng Nguyễn Quốc Triệu cho biết, ngay sau khi biết tin, tổ công tác khắc phục hậu quả thảm hoạ đã được thành lập. Hiện Thứ trưởng Trần Chí Liêm cùng Vụ trưởng Vụ Điều trị Lý Ngọc Kính đã có mặt ở Cần Thơ để chỉ đạo việc cấp cứu và điều trị.

 

Về công tác kết hợp quân dân y: Quân y Quân khu 9 đã tăng cường 2 đội cấp cứu từ Viện Quân y 120 (Tiền Giang) cho Viện Quân y 121 (Cần Thơ) và điều tàu cấp cứu tới hiện trường để phối hợp tham gia công tác tìm kiếm cứu nạn. (P.Thanh)

 

Nhật Trường