Lý do chọn Ngọc Hồi, Thủ Thiêm là 2 ga đầu mối đường sắt tốc độ cao
(Dân trí) - Tổ hợp ga Ngọc Hồi, Thủ Thiêm sẽ đáp ứng chức năng của ga đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, ga metro và ga đường sắt quốc gia hiện hữu.
Liên quan đến dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, Bộ GTVT cho biết đã thống nhất với UBND Hà Nội và TPHCM phương án chọn ga Ngọc Hồi, ga Thủ Thiêm là các ga đầu, cuối tuyến.
Đây đều là 2 vị trí "ngoại thành", đòi hỏi quy hoạch đường sắt đô thị để kết nối với vùng dân cư nội đô.
Vì sao không chọn ga Hà Nội?
Nhìn ở góc độ tiếp cận hành khách, ga Hà Nội được quy hoạch từ thời Pháp vẫn là vị trí lý tưởng để làm điểm đầu của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam. Nhà ga này nằm ở trung tâm nội đô, nơi mật độ dân cư và nhu cầu đi lại rất lớn.
Tuy nhiên, Tư vấn lập dự án cho biết quỹ đất tại ga Hà Nội hiện còn khoảng 14ha, chỉ đủ bố trí hệ thống nhà ga, đường đón gửi tàu, không thể bố trí quảng trường, cơ sở sửa chữa, bãi đỗ tàu... nên không đủ diện tích để xây dựng ga đầu mối.
Hệ thống đường bộ quanh ga Hà Nội có quy mô nhỏ, không còn dư địa mở rộng. Đường Lê Duẩn, Trần Quý Cáp có quy mô 2 làn xe, đường Trần Hưng Đạo có quy mô 4 làn xe.
Tương tự, quỹ đất tại khu vực ga Hòa Hưng (ga Sài Gòn) chỉ khoảng 17ha, không đủ diện tích để xây dựng ga đầu mối. Đường Nguyễn Phúc Nguyên, Trần Văn Đang, Nguyễn Thông có quy mô 2 làn xe, đường Cách mạng tháng 8 có quy mô 4 làn xe.
Hiện, Quy hoạch mạng lưới đường sắt toàn quốc xác định tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam từ ga Ngọc Hồi đến ga Thủ Thiêm. Trong đó, ga Ngọc Hồi là ga đầu mối kết nối đường sắt quốc gia (hiện hữu) và đường sắt đô thị. Ga Thủ Thiêm là ga đầu mối kết nối thông qua đường sắt đô thị từ ga Thủ Thiêm đến ga Bến Thành, ga Hòa Hưng và sân bay Tân Sơn Nhất.
Như vậy, các quy hoạch đều định hướng điểm đầu của tuyến ĐSTĐC Bắc - Nam tại ga đầu mối Ngọc Hồi, điểm cuối tại ga Thủ Thiêm. Tư vấn lập dự án kiến nghị lựa chọn ga Ngọc Hồi, Thủ Thiêm là điểm đầu và điểm cuối của tuyến đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam, đồng thời là ga đầu mối của các tuyến đường sắt khu vực phía Bắc và phía Nam.
Quy mô nhà ga và phương án kết nối vào trung tâm
Hiện nay, TP Hà Nội dự kiến dành khoảng 250ha đất cho tổ hợp Ngọc Hồi để xây dựng đầy đủ chức năng của 1 ga đầu mối quốc gia và đô thị.
Khu vực Ngọc Hồi đã được quy hoạch hệ thống giao thông kết nối đồng bộ (đường vành đai 3,5, vành đai 4, quốc lộ 1, 3 tuyến đường sắt đô thị (1, 1A, 6) và hệ thống xe buýt, quảng trường để taxi, xe cá nhân tiếp cận giải tỏa hành khách.
Tại TPHCM, thành phố dự kiến dành 77,7ha đất để xây dựng ga Thủ Thiêm và depot. Quanh ga Thủ Thiêm có đường vành đai 3,5, vành đai 4, quốc lộ 1, metro số 2 và số 10, đường sắt nội vùng Thủ Thiêm - Long Thành và hệ thống xe buýt, quảng trường...
Dự kiến vào năm 2050, tổng nhu cầu hành khách về ga Ngọc Hồi khoảng 170.000 khách/ngày đêm, trong đó khoảng 46.000 khách có nhu cầu đi vào trung tâm (khoảng 27%), còn lại 124.000 khách đi đến các quận huyện và tỉnh thành khác (khoảng 73%).
Tổng nhu cầu hành khách về ga Thủ Thiêm khoảng 137.000 khách/ngày đêm, trong đó 41.000 khách có nhu cầu đi vào trung tâm (30%), còn lại 96.000 khách đi đến các quận huyện và tỉnh thành khác (70%).
Với nhu cầu nêu trên, Tư vấn lập dự án đã tính phương án khai thác hỗn hợp đường sắt tốc độ cao và đường sắt đô thị đoạn từ ga Ngọc Hồi đến ga Hà Nội. Theo phương án này, tuyến metro số 1 Yên Viên - Ngọc Hồi sẽ đi qua ga Hà Nội và phải đảm bảo hạ tầng dùng chung cho cả đường sắt tốc độ cao.
Tuy nhiên, vào các khung giờ cao điểm, tàu tốc độ cao sẽ phải dừng chạy để ưu tiên khai thác tàu điện đô thị.
Trường hợp tàu tốc độ cao dừng tại Ngọc Hồi, hành khách sẽ xuống tàu, di chuyển sang ga đường sắt đô thị nằm cạnh đó và bắt một chuyến metro vào nội đô. Theo Tư vấn, phương án này khả thi với năng lực vận hành của tuyến metro Yên Viên - Ngọc Hồi.
Tại trung tâm TPHCM, tuyến metro số 2 sẽ kết nối với ga Hòa Hưng, trung chuyển với tuyến số 6 vào sân bay Tân Sơn Nhất, tuyến số 10 kết nối ga đầu mối hành khách Tân Kiên và tuyến đường sắt nội vùng Thủ Thiêm - Long Thành kết nối sân bay Long Thành để gom, giải tỏa hành khách.
Ngoài ra, dự án đường sắt tốc độ cao Bắc - Nam cũng đã quy hoạch tuyến nhánh kết nối từ trước sân bay Long Thành với ga đầu mối An Bình, Hòa Hưng và Tân Kiên để tổ chức vận tải hành khách vào trung tâm thành phố khi có nhu cầu đủ lớn.
Tư vấn lập dự án đã nghiên cứu kinh nghiệm quốc tế và xác định có 2 xu hướng bố trí nhà ga là nằm trong đô thị hoặc nằm gần đô thị (ngoại ô).
Xu hướng nằm trong đô thị như ga Berlin (Đức), Tokyo (Nhật Bản), Seoul (Hàn Quốc). Ưu điểm là hành khách dễ tiếp cận nhưng nhược điểm là đòi hỏi quỹ đất lớn, được quy hoạch đồng bộ.
Xu hướng nằm gần đô thị như ga Bắc Kinh (Trung Quốc), Paris (Pháp). Mô hình này có ưu điểm là tạo điều kiện quy hoạch, xây dựng hệ thống giao thông kết nối đồng bộ, có quỹ đất cho phát triển đô thị, công nghiệp, dịch vụ. Nhược điểm là mức độ tiếp cận của hành khách chưa cao.
Sau khi nghiên cứu, Tư vấn đã bố trí nhiều nhà ga theo hướng nằm gần đô thị, trong đó có ga Ngọc Hồi và Thủ Thiêm. Các tuyến đường sắt đô thị sẽ được thiết kế để kết nối 2 nhà ga này với trung tâm đô thị của Hà Nội và TPHCM.