1. Dòng sự kiện:
  2. Metro số 1 TPHCM
  3. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết

Sóc Trăng:

Kỹ sư Cua - Người “đóng dấu” sản phẩm trong lòng đầu bếp nổi tiếng thế giới

(Dân trí) - Những năm qua, người tiêu dùng trong nước rất ấn tượng với thương hiệu gạo thơm Sóc Trăng (gạo ST) của kỹ sư Hồ Quang Cua. Chúng tôi đã nhiều lần gặp gỡ, trò chuyện với kỹ sư Hồ Quang Cua và được ông kể cho nghe duyên nợ của ông với cây lúa ST.

Kỹ sư Hồ Quang Cua sinh ra ở xã nghèo thuần nông Hòa Đông, thị xã Vĩnh Châu, tỉnh Sóc Trăng. Tuổi thơ của ông gắn liền với ruộng đồng, làng quê. Có lẽ vì thế nên sau khi học xong phổ thông, ông thi vào Khoa Nông nghiệp của trường Đại học Cần Thơ.

Tốt nghiệp kỹ sư ngành trồng trọt năm 1978, Hồ Quang Cua trở về Sóc Trăng và làm việc tại Phòng Nông nghiệp huyện Mỹ Xuyên. Về sau, ông được đề bạt làm Phó Giám đốc Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn (NN&PTNT) tỉnh Sóc Trăng.

Kỹ sư Hồ Quang Cua.
Kỹ sư Hồ Quang Cua.

Từ năm 1991, kỹ sư Hồ Quang Cua đã tham gia nhóm nghiên cứu của Viện Lúa ĐBSCL và ĐH Cần Thơ sưu tập, thử nghiệm các giống lúa thơm cổ truyền của Việt Nam, Thái Lan và Đài Loan. Cũng trong thời gian này, người kỹ sư của đất Sóc Trăng có ý tưởng làm lúa thơm cao cấp cho Việt Nam, mà trước hết là cho quê hương Sóc Trăng của mình.

Theo lời kể của ông, rất tình cờ khi trong một lần xuống đồng, ông phát hiện có những cây lúa lạ, gốc màu tím, hạt thon dài rất đẹp. Từ sự tình cờ đó, công trình lai tạo, nhân giống với hàng loạt giống lúa thơm mang tên ST được ra đời. Có khoảng 1.050 cá thể đột biến đầu tiên được ông cùng các cộng sự thu thập và sau đó tiến hành trồng thử nghiệm, rồi cho lai tạo theo nhiều cách khác nhau để chọn những cá thể vượt trội nhất đưa vào sản xuất.

Từ đó đến nay, lúa thơm ST đã có mặt không chỉ ở Sóc Trăng mà còn có mặt ở nhiều tỉnh ven biển khác của khu vực ĐBSCL. Cuối năm 2011, đã có 5 đơn vị được Sở NN&PTNT Sóc Trăng trao quyền sử dụng nhãn hiệu chứng nhận thương hiệu “Gạo thơm Sóc Trăng”. Đó là Công ty Gentraco ở Cần Thơ, Công ty Lương thực Sóc Trăng, Công ty TNHH Thành Tín, Công ty chế biến gạo chất lượng cao Sóc Trăng và cơ sở sản xuất lúa giống và gạo thơm Mỹ Xuyên.

Từ những giống lúa thơm ST, nhiều nông dân đã đổi đời, giá lúa thơm ST đã cao hơn gấp đôi so với lúa hàng hóa khác. Kỹ sư Cua còn tiên phong trong việc đưa chế phẩm sinh học vào qui trình sản xuất lúa thơm ST để sản phẩm không chỉ ngon mà còn an toàn cho người tiêu dùng và thân thiện với môi trường.

Lúa thơm ST đã góp phần đưa sản lượng lúa ở tỉnh Sóc Trăng có sự bứt phá ngoạn mục. Năm 2017, tổng sản lượng lúa toàn tỉnh đạt trên 2 triệu tấn; trong đó, lúa thơm và lúa đặc sản chiếm trên 50%. Cây lúa Sóc Trăng trở thành một trong những chỉ dẫn địa lý hấp dẫn về lúa thơm trong cả nước, vươn lên tốp đầu những tỉnh sản xuất lúa lớn nhất trong khu vực ĐBSCL, giúp hàng chục nghìn hộ dân thoát nghèo.

Đặc biệt, năm 2017, tại Hội nghị quốc tế lần 9 về mua bán gạo do tổ chức The Rice Trader (Tổ chức thương mại gạo) tổ chức tại Ma Cao, trước các chuyên gia ẩm thực nổi tiếng của thế giới, gạo ST24 có những phẩm chất vượt trội như ngắn ngày, hạt gạo dài, trắng trong, dẻo cơm, thơm thoảng hương lá dứa... đã được chọn và vinh danh là một trong 3 loại gạo ngon nhất theo tiêu chuẩn gạo ngon thế giới.

Với thắng lợi này, ngành lúa gạo Việt Nam đã khẳng định được vị thế của mình trên thị trường quốc tế, đồng thời thể hiện năng lực sản xuất và quyết tâm xây dựng thương hiệu gạo Việt ra thế giới. Công lao này có sự đóng góp rất lớn của kỹ sư Hồ Quang Cua.

Kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết, giống lúa ST24 cho gạo hạt dài, mặt gạo trắng, đẹp, cơm thơm, mềm, ngọt; thích ứng tốt với điều kiện thời tiết biến đổi, năng suất ổn định. Nhờ các yếu tố đó nông dân canh tác có thu nhập ổn định. Về đặc tính, đây là giống lúa cứng và cao cây (110-115cm), bản lá ít mo, lá xanh bền, lâu tàn nên nuôi hột tốt; thân cứng nếu bón phân cân đối không đổ ngã.

ST24 chống chịu phèn, mặn tốt nên có thể trồng ở đất đồng hoặc luân canh lúa - tôm; không nhiễm bệnh sọc trong, đạo ôn lá và khoan cổ bông; nhiễm nhẹ cháy bìa lá nếu bón thừa phân; nhiễm rầy nâu tương đối. Tuy nhiên, sức chống chịu với rầy nâu mạnh hơn nhờ mạ cứng, rất ít nhiễm đốm vằn. Bông lúa to và dày nách, ít lép, chu kỳ sinh trưởng 103-105 ngày. Trong điều kiện thời tiết tốt năng suất có thể đạt 8,5 tấn/ha.

Qua tiếp xúc với các doanh nghiệp chuyên xuất khẩu gạo thơm tại Hội thi gạo ngon – lúa thơm mới đây, hầu hết đều đánh giá, hiện chỉ có gạo thơm ST của Sóc Trăng là ngon nhất, có thể sánh ngang với một số giống gạo ngon trên thế giới.

Không chỉ sánh ngang với gạo ngon nhất của Thái Lan và Campuchia, gạo thơm ST24 còn có ưu thế vượt trội là ngắn ngày (100-105 ngày) so với gạo Thái Lan và Campuchia (khoảng 150 ngày). Điều này cũng đồng nghĩa với phạm vi sản xuất sẽ rộng hơn, cơ cấu mùa vụ sẽ đa dạng hơn, sản lượng sẽ lớn và liên tục, đáp ứng nhu cầu tiêu thụ quanh năm của thị trường trong và ngoài nước.

Tính vượt trội và nổi bật của gạo ST24 nói riêng và một số gạo ST khác nói chung đã được các thương nhân chuyên sản xuất, kinh doanh gạo thơm trong nước thừa nhận. Theo đánh giá của nhiều người, trước đây, muốn có gạo thơm, ngon nhất phải đợi đến mùa mới có, vì chỉ có gạo của Campuchia và Thái Lan, nhưng mỗi năm họ chỉ làm được có một vụ. Từ khi có các giống gạo thơm ST của Sóc Trăng và nhất là giống ST24 ra đời thì người tiêu dùng không lo thiếu gạo ngon để sử dụng.

Ở Việt Nam không chỉ có gạo ST24, mà còn có một số loại gạo khác cũng thơm, ngon và được thị trường ưa chuộng, nhưng phần lớn chỉ phù hợp với một vài vùng sản xuất đặc thù, khó phát triển trên diện rộng, nên sản lượng không cao. Trong khi đó, giống ST24 và một số giống ST khác không chỉ thích nghi cao với nhiều vùng (phèn, lợ), nhiều cơ cấu sản xuất, như: 2 vụ lúa, 1 lúa + 1 tôm, 1 lúa + 1 màu… Lợi thế đó, cùng với yếu tố chất lượng thơm, ngon hảo hạng là những điều kiện cần thiết để doanh nghiệp tổ chức sản xuất, xây dựng thương hiệu. Được biết, hiện nay giống lúa thơm ST24 đang được đưa vào dự án sản xuất lúa hữu cơ trên vùng đất tôm - lúa tại xã Thạnh Quới (Mỹ Xuyên).

Gạo thơm ST24 đã “đóng dấu” được tên tuổi của mình trong lòng các nhà khoa học, nhà nhập khẩu và các đầu bếp nổi tiếng thế giới, nhưng để trở thành một thương hiệu gạo Việt Nam mạnh trên thị trường thế giới vẫn còn không ít việc để làm. Trước tiên, đó là việc tổ chức đánh giá công nhận giống quốc gia để đủ điều kiện xây dựng thương hiệu quốc gia hay chỉ dẫn địa lý, sau đó là tổ chức quy hoạch vùng sản xuất, quy trình sản xuất thống nhất để đảm bảo chất lượng đồng nhất. Ngoài ra, còn phải tính đến yếu tố bảo quản sau thu hoạch, chế biến, đóng gói thành phẩm,…

Gạo ST24 được vinh danh.
Gạo ST24 được vinh danh.

Nói về tương lai của gạo ST24, kỹ sư Hồ Quang Cua cho biết: “Gạo ST24 trở thành thương hiệu gạo thế giới. Trong thời gian tới, nếu có điều kiện, chúng tôi sẽ dự thi mỗi năm để góp phần cho Việt Nam có một vị thế mới trên bản đồ gạo cao cấp, qua đó giúp nâng giá trị gạo Việt Nam lên. Ngay từ bây giờ, chúng tôi sẽ có sự chuẩn bị cho từng năm để có thể tham gia dự thi. Tuy nhiên, chúng tôi đề nghị Sở NN&PTNT có biện pháp quản lý về giống; đề nghị Bộ NN&PTNT đặc cách công nhận ST24 là giống quốc gia; đề nghị Bộ Công thương đưa giống ST24 vào danh mục để xây dựng thương hiệu gạo quốc gia”.

Ông Trần Văn Chuyện- Chủ tịch UBND tỉnh Sóc Trăng cho biết: “Những năm qua, thị trường có nhiều loại gạo ST nổi tiếng, giúp nhiều nông dân tăng thu nhập. Sóc Trăng đã và đang có nhiều dự án phát triển, mở rộng diện tích sản xuất lúa đặc sản, tập trung vào chất lượng, đáp ứng yêu cầu thị trường trong nước và xuất khẩu, tỉnh đánh giá rất cao đóng góp của kỹ sư Hồ Quang Cua cho ngành lúa gạo của địa phương”.

Với những đóng góp cho ngành nông nghiệp, kỹ sư Hồ Quang Cua và nhóm nghiên cứu của ông đã nhận được 7 Huân chương Lao động của Chủ tịch nước, 2 giải thưởng Bông lúa vàng của Bộ NN&PTNT, đoạt hạng nhất trong tất cả các cuộc thi trong nước, được Tổ chức Lương nông quốc tế (FAO) chứng nhận thành tựu.

Riêng cá nhân kỹ sư Hồ Quang Cua 2 lần vinh dự được Tổng Liên đoàn Lao động Việt Nam đề cử là đại biểu dự Vinh quang Việt Nam (năm 2014 và 2017). Năm 2011, ông được Chủ tịch nước trao tặng Huân chương Lao động hạng Nhất và năm 2012 được phong tặng danh hiệu Anh hùng lao động.

Được biết, năm 2018, kỷ niệm 70 năm Bác Hồ ra lời kêu gọi “Thi đua yêu nước”, kỹ sư Hồ Quang Cua được chọn là một trong 70 gương mặt điển hình tiêu biểu của cả nước được vinh danh.

Cao Xuân Lương