70 năm Ngày Bác Hồ ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc:
Chồng kiện tướng, vợ anh hùng
(Dân trí) - Từ hậu phương, vợ chồng bà Hoàng Thị Liên, ông Trần Văn Trường cùng thi đua lao động, sản xuất góp sức cho tiền tuyến lớn. Ông Trường 2 lần được công nhận là Kiện tướng xếp chữ của ngành in. Vợ ông, bà Hoàng Thị Liên là Anh hùng Lao động trong lĩnh vực thương nghiệp.
Người phụ nữ tóc bạc như cước, đầu vấn khăn, bộ quần áo giản dị như những người phụ nữ quê lam lũ khác. Nếu không được giới thiệu trước, tôi không nghĩ người phụ nữ ngồi trước mình một thời là “nữ tướng” của ngành thương nghiệp Nghệ An – Anh hùng Lao động Hoàng Thị Liên. Điều đặc biệt hơn nữa, chồng bà Liên - ông Trần Văn Trường 2 lần được công nhận là Kiện tướng xếp chữ của ngành in (giai đoạn 1954-1964) và bà Hoàng Thị Tuất – em gái bà Liên cũng là Anh hùng Lao động cùng thời điểm với chị gái.
Nữ tướng ngành thương mại
Năm nay vừa tròn 84 tuổi, bà Liên sống cùng gia đình người con trai cả ở phường Trung Đô, TP Vinh, Nghệ An. Gian phòng của bà nằm trên gác hai, treo kín những Bằng khen, Huân chương – “chiến công” của người phụ nữ này trong quá trình công tác. Ở tuổi xưa nay hiếm, bà vẫn giữ được sự tinh anh hiếm có, giọng nói hào sảng của một người đứng mũi chịu sào trong lĩnh vực kinh tế, cả trong thời kỳ bao cấp lẫn sau chiến tranh, đất nước bước vào thời kỳ đổi mới.
Phó Thủ tướng Trần Phương thăm vườn mía bà Liên và cán bộ, nhân viên Cửa hàng Bến Thủy tăng gia từ đất bỏ hoang (ảnh chụp lại)
Sinh ra ở xã Thanh Đồng (Thanh Chương, Nghệ An), nhà quá nghèo, 12 tuổi, Hoàng Thị Liên phải đi ở đợ cho một gia đình gia đình giàu có ở huyện Đô Lương. Từ một “con ở” trở thành thủ lĩnh trong lĩnh vực kinh tế, đối với bà không chỉ là cơ duyên mà cả một quá trình học hỏi không ngừng với đầu óc linh hoạt nhạy bén và quyết đoán.
Bà Hoàng Thị Liên 12 năm liền là chiến sỹ thi đua các cấp
Đại biểu HĐND tỉnh Nghệ - Tĩnh (2 khóa)
Đại biểu Quốc hội khóa VI
Được tặng thưởng nhiều Huân chương Lao động, Huân Chương kháng chiến và nhiều phần thưởng cao quý khác
Tham gia hoạt động cách mạng địa phương từ sớm, dưới sự phân công của tổ chức, bà Liên đảm trách công tác thông tin tuyên truyền, làm cấp dưỡng rồi chuyển qua mậu dịch. Sau 2 năm làm Cửa hàng phó Cửa hàng Kim Liên (Nam Đàn), năm 1969, bà Liên được điều về làm Cửa hàng phó rồi Cửa hàng trưởng Cửa hàng ăn uống Vinh (thuộc Công ty ăn uống TP Vinh).
“Tình hình lúc bấy giờ rất khó khăn, miền Bắc đang tích cực sản xuất chi viện cho tiền tuyến Miền Nam, khắc phục hậu quả những đợt bom phá hoại của đế quốc xâm lược. Thời điểm tôi tiếp nhận bàn giao tài sản, cửa hàng còn 5.200 đồng vốn cố định, 15.400 đồng vốn lưu động, 1 căn nhà nứa lá với 7 công nhân viên”, bà Liên nhớ lại.
Chấp hành chủ trương “tự cung tự cấp”, bà Liên đẩy mạnh sản xuất tại chỗ để tự cải thiện đời sống cho cán bộ, công nhân viên và cung ứng cho nhu cầu nhân dân và bộ đội.
Thời điểm đó, nhân dân thành phố Vinh sơ tán về các làng quê, diện tích đồng cỏ, ao đầm bỏ hoang rất nhiều. Bà Liên tận dụng đất trống tổ chức cho cán bộ trồng mía, trồng lúa, khoanh vùng làm chuồng trại nuôi lợn, gà, thả cá…
Kinh nghiệm không có, bà tìm đến nhà Anh hùng lao động Cao Lục học cách chăn nuôi lợn đàn. Vừa học vừa làm, dần dần bà gây dựng được đàn lợn lên tới hơn 100 con, đủ để phục vụ cho nhu cầu của nhân dân và bộ đội mỗi khi dừng chân nghỉ tại nhà trọ của cửa hàng.
“Thời đó, trâu bò không có chuyện bán ngoài đâu mà do HTX nông nghiệp nuôi để lấy sức kéo và phân bón. Tôi hợp đồng với các HTX thu mua bò loại thải, thuê thêm 6 nhân công để chăn thả, vỗ béo. Thịt thì để bán, phân thì ủ để bón rau, bón lúa, mía, chăn nuôi cá. Hồi đó tôi nghĩ là tận dụng triệt để mọi thứ để sản xuất một cách hiệu quả nhất thôi chứ hoàn toàn không biết đến mô hình VAC như bây giờ đâu.
Lúc đầu bắt tay vào làm cũng lo lắm. Thành công thì tốt, nếu thất bại, kéo theo bao nhiêu con người, rồi vốn liếng của cửa hàng, rồi nhiệm vụ đảm bảo lương thực cho bà con nhân dân... Cũng may, vừa học, vừa làm, vừa rút kinh nghiệm nhưng “đánh đâu thắng đấy”, anh chị em trong cửa hàng phấn khởi, thi đua sản xuất”, bà Liên cười khi nhắc tới “mô hình VAC” của mình.
Không chỉ đủ cung ứng cho nhu cầu lương thực, thực phẩm đa dạng cho người dân, với số thực phẩm tăng gia được, bà Liên phục vụ miễn phí cho bộ đội đi vào Nam chiến đấu hoặc những người bị thương đang chuyển ra Bắc điều trị, chi viện cho các trận địa hai bên bờ Sông Lam trong suốt 8 năm ròng.
Mạnh dạn mở hướng đi mới
Chiến tranh kết thúc, trước yêu cầu phát triển mới, với số vốn tích lũy được, bà Liên cho xây dựng khách sạn Bến Thủy từ cơ sở của Cửa hàng ăn uống Vinh. Khi hoạt động kinh doanh này đi vào quỹ đạo, bà quyết định xây dựng thêm một cơ sở lưu trú ở Cửa Lò. Một quyết định táo bạo và “gây chấn động” ở thời điểm đó.
Bà Liên nhớ lại: “Thời đó (năm 1979), Cửa Lò chưa phát triển về du lịch như bây giờ, lượng khách đến nghỉ dưỡng, tắm biển và lưu trú chưa đông. Khi tôi quyết định xây dựng khách sạn, nhiều người bảo tôi đưa tiền nhận xuống biển nhưng tôi nghĩ khi kinh tế phát triển, nhu cầu hưởng thụ của người dân sẽ cao, Cửa Lò sẽ trở thành một trong những trung tâm nghỉ dưỡng của tỉnh Nghệ An. Khi đó lượng khách sẽ đông, không có cơ sở lưu trú thì khó giữ khách đến lần sau.
Khi khách sạn ở biển Cửa Lò xây xong, khách ít lắm, vừa phải đẩy mạnh tuyên truyền quảng bá, vừa “chia” khách từ cơ sở 1, vừa thay đổi, hoàn thiện cung cách phục vụ… Dần dần, khách đến Cửa Lò, ở khách sạn đông lên, cơ sở làm ăn có lãi, khi đó tôi mới có thể thở phào nhẹ nhõm”.
Tháng 9/1985, bà Hoàng Thị Liên được phong tặng danh hiệu Anh hùng Lao động vì những đóng góp xuất sắc lao động sản xuất. Điều đặc biệt hơn nữa là dịp này, người em gái Hoàng Thị Tuất (Giám đốc nông trường Đức Lập, tỉnh Đắc Nông) cũng được phong tặng danh hiệu trên.
“Hôm đó chúng tôi được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Đại tướng hỏi “Hai chị em trong một gia đình được phong Anh hùng Lao động, có mặt ở đây không?”. Hai chị em chúng tôi bước lên, Đại tướng cười bảo: “Hai cô được phong tặng Anh hùng Lao động, bác tặng hai cô bó hoa chứ không có tiền thưởng đâu”, đôi mắt bà Liên bừng sáng khi nhớ lại khoảnh khắc đặc biệt đó.
Năm 1995, bà Hoàng Thị Liên nghỉ hưu ở tuổi 60, kéo dài thời gian làm việc thêm 5 năm nữa – điều đặc biệt so với quy định nghỉ hưu ở giai đoạn này. Ở tuổi 60, thay vì nghỉ ngơi sau một thời gian dài lao động miệt mài thì bà lại lập và điều hành công ty riêng của mình. Tuổi cao sức yếu, bà giao lại cơ nghiệp cho các con, lui về nghỉ ngơi, vui vầy cùng đoàn cháu chắt của mình.
Hoàng Lam