Kiện tướng đứng máy sợi - Anh hùng lao động Nguyễn Thị Thạc
(Dân trí) - Bà Nguyễn Thị Thạc là một trong những gương mặt phụ nữ điển hình của Nhà máy Dệt Nam Định trong giai đoạn “Thi đua yêu nước trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước (1955-1975)” của nhà nước. Đối với bà, mục đích lớn nhất là hiệu quả công việc.
Sau năm 1954, phong trào thi đua yêu nước hướng vào thực hiện hai nhiệm vụ chiến lược: Xây dựng Chủ nghĩa xã hội ở miền Bắc và đấu tranh giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước. Thời kỳ này, Chủ tịch Hồ Chí Minh cùng Đảng và Chính phủ ta tiếp tục lãnh đạo đẩy mạnh công tác thi đua, coi trọng xây dựng, nhân rộng điển hình tiên tiến nhằm tạo ra động lực mới trong học tập, lao động, sản xuất và chiến đấu…
Với tinh thần “Mỗi người làm việc bằng hai vì miền Nam ruột thịt”, các phong trào thi đua yêu nước đã diễn ra sôi nổi, rộng khắp ở tất cả các ngành, các giới… trong cả nước.
Hưởng ứng phong trào thi đua cả nước, tập thể Nhà máy Dệt Nam Định đã phát động phong trào mang tên “Thiên Lý Mã”. Phong trào diễn ra sôi nổi, trong từng buồng máy và toàn nhà máy với khẩu hiệu “Sản xuất 10 triệu mét vải vì miền Nam ruột thịt”. Trong đợt thi đua đó cả Nhà máy Dệt Nam Định đã phấn đấu và sản xuất ngày đêm, về đích trước thời gian quy định vượt mức 1 triệu 74 mét vải.
Để có được kết quả đó là sự nỗ lực không ngừng khắc phục hoàn cảnh khó khăn của những người thợ máy. Họ đều còn trẻ tuổi nhưng đã nỗ lực vượt lên bản thân mình để sản xuất giỏi và chiến đấu anh dũng trong hoàn cảnh ngặt nghèo nhất của chiến tranh.
Điển hình trong phong trào trên có tấm gương Anh hùng Lao động Nguyễn Thị Thạc – công nhân Nhà máy Dệt Nam Định, kiện tướng đứng máy sợi của nhà máy. Ở tuổi đôi mươi, bà Thạc luôn lập kỷ lục cao nhất của ngành Dệt. Lúc cao điểm, một mình bà Thạc đứng từ 1.200 đến 1.400 cọc sợi.
Bà Thạc cho biết: “Sở dĩ tôi đứng được nhiều cọc sợi và hoàn thành kế hoạch hàng năm, mục đích và động lực chủ yếu là lòng yêu nước, chỉ nghĩ làm sao cho sản xuất thật nhiều sợi, nhiều vải để phục vụ nhân dân, xây dựng miền Bắc vững mạnh, góp phần thống nhất đất nước.
Chúng tôi chỉ có mục đích là lao động, phấn đấu không ngừng theo lời Bác dạy là: Kế hoạch 1, giải pháp 10 và quyết tâm 20. Và lúc đó thanh niên lạc quan yêu đời chỉ nghĩ đến hoàn thành kế hoạch và vượt mức kế hoạch và chẳng bao giờ nghĩ sẽ là lao động tiên tiến, hay chiến sĩ thi đua này nọ”.
Bà Nguyễn Thị Thạc là một trong những gương mặt phụ nữ điển hình của Nhà máy Dệt Nam Định trong giai đoạn “Thi đua yêu nước trong xây dựng chủ nghĩa xã hội và đấu tranh thống nhất đất nước (1955-1975)” của nhà nước. Đối với bà, mục đích lớn nhất là hiệu quả công việc. Tấm gương ấy đã góp phần tạo dựng truyền thống sống và lao động anh hùng cho Ngành dệt may nói riêng và là tấm gương cho các thế hệ sau học tập và noi theo.
Theo lời kể của bà Thạc: Với những thành tích đạt được, năm 1960 được sự đồng ý của Đảng và Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, đoàn đại biểu công nhân Nhà máy Dệt Nam Định được cử đi tham quan, học tập kinh nghiệm tại Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng (Triều Tiên) – đơn vị kết nghĩa, bà Thạc cũng đã được đi tham quan trong dịp này.
Theo lời kể của bà Thạc, các đại biểu nhà máy Dệt Nam Định (Việt Nam) đã mặc áo Hanbok - trang phục truyền thống của Triều Tiên – đây là sản phẩm vải dệt may được sản xuất và sử dụng làm tặng phẩm trao đổi trong phong trào thi đua hữu nghị giữa hai nhà máy Dệt, bà Thạc đã mặc sản phẩm quà tặng của nước bạn trong những buổi tham quan, gặp mặt và giao lưu cùng với các bạn nhà máy Dệt Bình Nhưỡng.
Hơn 20 năm sau chuyến tham quan, bà Thạc vẫn trân trọng giữ gìn áo Hanbok như một kỷ vật thiêng liêng. Tuy nhiên, do hoàn cảnh chiến tranh phải sơ tán nhiều lần, đồ đạc bị thất lạc nên bà Thạc chỉ còn giữ lại được phần áo khoác ngoài của bộ Hanbok.
Cũng trong dịp tham quan và học tập đó bà Thạc cũng được lãnh đạo Nhà máy Dệt Bình Nhưỡng tặng cuốn sổ tay ghi chép. Cuốn sổ đã được bà Thạc rất trân trọng, bà đã sử dụng nó để ghi lại chương trình, nội dung làm việc và lịch học tập tại Bình Nhưỡng (năm 1960). Cùng với những kỷ vật đó, bà Thạc còn giữ những tài liệu, hiện vật trong những lần được gặp và làm việc với Chủ tịch Hồ Chí Minh (1961-1964). Ngày 25/12/2013, theo đề nghị của Bảo tàng Hồ Chí Minh, bà Nguyễn Thị Thạc đã tặng lại các kỷ vật này cho Bảo tàng Hồ Chí Minh bảo quản, lưu giữ và phát huy giá trị.
Nguyễn Dương
(Theo tài liệu Bảo tàng Hồ Chí Minh cung cấp)