Khu tái định cư... khổ giữa Thủ đô

(Dân trí) - Hơn 300 hộ dân của khu tái định cư X3, X2b phường Trần Phú và phường Yên Sở, quận Hoàng Mai, Hà Nội 8 tháng nay như đang sống ở vùng sâu vùng xa: nước sạch không, điện thoại không, không số nhà, đến con đường đi cũng không nốt. Họ là những cư dân thuộc diện giải toả cho công trình vành đai 3 và cầu Thanh Trì.

Nhà không số, phố không tên

 

Bà Nguyễn Thị Thảo, khu tái định cư (TĐC) X3, cho biết nước sinh hoạt ở đây được lấy lên từ giếng khoan cực kì ô nhiễm, vừa bơm nước vào bể là mùi tanh đã xộc thẳng vào mũi, cặn váng bám két dầy trong bể... Cứ hai ngày bà Thảo lại phải ra nhà máy nước sạch Nam Dư (cách nhà gần 1km) mua nước về ăn uống. Một tháng chi phí cho việc này cũng hết 400 nghìn đồng.

 

Không có điều kiện như bà Thảo, chị Trần Thị Ngọc Minh (khu TĐC X3) phải sắm một bể lọc và một bình lọc. Nước sau khi lọc qua bể, đem đun sôi rồi lại được lọc qua bình lọc. Chị Minh bảo như thế mới yên tâm dùng, nhưng cũng chỉ đủ cho ăn uống; tắm giặt thì vẫn dùng nước ô nhiễm.

 

Người dân rất lo lắng cho sức khoẻ và bức xúc nhưng không biết kêu ai. Phố chẳng ra phố, làng chẳng ra làng, tổ trưởng dân phố cũng không có, lấy ai là người đại diện đi gặp chính quyền?

 

Khu tái định cư... khổ giữa Thủ đô - 1
 

Bình lọc nước dùng một thời gian là vàng khè.

 

Buồn hơn nữa là chuyện đường đi của khu TĐC X2b, đó là một lối mòn nhỏ giáp với chợ Yên Duyên - lối đi duy nhất để vào khu dân cư. Chị Hằng, chủ quán nước trong chợ, cho biết lối đi này do ngày xưa xây chợ người ta để lại chứ chính thức khu TĐC X2b chưa có đường vào.

 

Anh Nguyễn Tiến Dũng cũng phàn nàn: “Ở được hơn nửa năm nay mà chả có đường đi, ngày nào cũng phải đi men theo rìa hàng rào của chợ. Lỡ khu này có hoả hoạn hay cấp cứu thì chạy sao kịp?”. Đường không có, nhà không đánh số, điện thoại cố định cũng không, bạn bè người thân muốn tìm đến nhà chơi rất khổ.

 

Những cái bẫy chết người

 

Tôi đến khu TĐC X2b và chứng kiến một vụ tai nạn không đáng có. Một chiếc xe máy đang đi trên đường thì rớt trúng hố ga, nạn nhân tuy không bị nguy hiểm đến tính mạng nhưng đã phải để lại hiện trường vài chiếc răng. Đây không phải là một tai nạn hy hữu ở khu dân cư này, bởi trên trục đường chính dẫn vào khu có rất nhiều những hố ga “há miệng” như thế.

 

Đếm sơ sơ giữa lòng đường và trên vỉa hè cũng có chừng 30 hố ga không nắp, chỉ cần người dân sơ sảy là tai nạn đáng tiếc có thể xảy ra. Trong khi đó, đường không có đèn chiếu sáng công cộng, cứ tối đến là tuyệt không nhìn thấy gì.

 

Mới đây nhất, hôm 16/6, anh Trương Văn Hùng vừa mất 2 chiếc răng cửa. Trước đó, Đặng Hưng Yên đang đạp xe thì tụt xuống hố ga, trật khớp tay. Những trường hợp nặng hơn thì gãy xương quai hàm, gãy chân...

 

Khu tái định cư... khổ giữa Thủ đô - 2
 

Tai nạn hố ga xảy ra thường xuyên, nhất là khi trời tối.

 

Bà Nguyễn Thị Thu cho biết, mỗi khi hẹn ai tới chơi, nhất là vào buổi tối, bà đều phải ra tận đầu ngõ để đón vì sợ họ bị rơi xuống hố ga. Những cái hố chết người đen ngòm này không lọt vừa phương tiện nhưng có thể “nuốt chửng” trẻ em, thậm chí cả người lớn. Nhiều người đợi chẳng đừng phải tự túc đổ tấm bê tông để chặn miệng hố.

 

Điện sinh hoạt giá “cắt cổ”

 

Đến khu TĐC còn thấy những bó dây điện được giăng cẩu thả và nhằng nhịt, vắt lững lờ từ nhà nọ sang nhà kia. Theo lời anh Nguyễn Tiến Dũng thì đó là do khu này chưa có điện thắp sáng nên dân phải mua lại điện từ các hộ dân gần đó với giá rất cao. Dân tự thoả thuận giá cả, tự mua dây về mắc nối. Điện sinh hoạt giá 1.500-2.500 đồng/số, nhà dùng ít sơ sơ một tháng cũng mất khoảng 500 nghìn đồng.

 

Người dân trong khu đã nhiều lần kiến nghị chuyện điện nước lên chính quyền địa phương nhưng chưa được giải quyết. Về phía lãnh đạo chi nhánh điện lực quận Hoàng Mai lại khẳng định chưa nhận được đơn kiến nghị nào từ các hộ dân.

 

Ông Nguyễn Văn Chữ, Giám đốc chi nhánh điện lực quận Hoàng Mai khẳng định: Khu TĐC này do BQL dự án Thăng Long thực hiện. Khi BQL dự án chưa bàn giao và chưa có đơn đề nghị cung cấp điện cho khu TĐC này thì vẫn chưa thể cung cấp điện cho người dân dù rất muốn.

 

Về việc những cột đèn cao áp chiếu sáng công cộng đã được dựng lên nhưng không... sáng, ông Chữ cho biết đây là trách nhiệm của công ty chiếu sáng đô thị, nếu công ty này có đơn đề nghị, phía điện lực Hoàng Mai sẽ đáp ứng ngay.

 

Trách nhiệm thuộc về ai tạm chưa bàn tới. Nhưng rõ ràng các cơ quan chức năng đang quá thờ ơ với những khó khăn, vất vả của người dân nơi đây.

 

Tuấn Hợp