Chung cư B4 Mỹ Đình vỏ đẹp, ruột... “rỗng”
(Dân trí) - “Không tưởng tượng nổi” là từ mà một cư dân của tòa nhà B4 Mỹ Đình I, Từ Liêm, Hà Nội đánh giá tổng thể về tòa nhà mình đang ở. Đã qua 4 tháng sử dụng, tòa nhà này về cơ bản vẫn giống như… “chưa hoàn thiện”.
Dịch vụ kém một cách… “toàn diện”
Không cần phải bàn về vẻ bề ngoài khá bắt mắt của dãy nhà B4 khu Mỹ Đình 1 nếu quan sát từ xa. Thế nhưng, chỉ cần bước vào cầu thang của tòa nhà, người ta có thể nhận thấy, vẻ hiện đại đó chỉ là cái vỏ bên ngoài. Đập vào mắt đầu tiên là những chiếc dây điện to tướng nằm ngổn ngang duới sàn nhà. Người dân cho biết, do điện chưa được đấu vào tòa nhà nên ban quản lí nhà đã khắc phục bằng cách đấu nhờ điện từ các công trường đang xây dựng bằng đường dây “nổi”.
“Đau khổ” hơn phải kể đến chuyện đi lại của mấy chục hộ trong tòa nhà. Ở các chung cư khác, chỉ cần cầu thang kẹt hay cà giựt thì người dân đã kêu trời, trong khi ở đây đã bốn tháng nay người dân chỉ có một phương tiện đi lại duy nhất là cầu thang bộ. Chiếc cầu thang máy vẫn đóng im ỉm vì theo người dân điện dùng ở tòa nhà là điện khoán, những người quản lí muốn tiết kiệm điện nên đã “tận dụng” thể lực của người dân.
Dây điện như rắn bò dưới sàn tầng 1. |
Cũng vì chưa có nguồn điện chính thống nên theo như bác Trinh, phòng 606, điện của cả dãy nhà luôn luôn trong tình trạng chập chờn. Có những lần tòa nhà mất điện cả ngày hay có những ngày điện chập chờn tắt - bật đến cả chục lần. Chưa hết, việc bật đèn ở các hành lang buổi tối cũng rất hiếm khi được thực hiện.
Nước cũng dễ bị mất và thường mất vào những giờ các gia đình chuẩn bị bữa cơm tối. Có lần hỏi những người quản lí ở bên dưới tòa nhà thì được trả lời rằng, đang giờ cao điểm, bơm nước sẽ ảnh hưởng tới điện (?). Kể cả những giờ bình thường, cư dân của dãy nhà muốn tắm thì phải thu nhỏ vòi hoa sen xuống nấc ít lỗ nhất thì nước may ra mới thành… tia.
Chị Nguyễn Thanh Nhung, phòng 902 cho biết, từ khi chị mới đến, cánh cửa xả rác của tầng 9 đã hỏng, không mở ra được. Đã hơn hai tháng kể từ đó, cánh cửa này vẫn đóng im ỉm cho dù chị Nhung đã trực tiếp viết vào cuốn sổ ghi nhận ý kiến ở dưới tầng 1. Những người dân tầng 9 phải xuống đổ rác ké ở tầng 8, nhưng mới đây, cửa đổ rác ở tầng này lại hỏng tiếp. Quá bức xúc, một số người dân không thải rác nhờ các tầng dưới mà đặt những túi rác ngay bên dưới những cánh cửa đổ rác bị hỏng.
Chất lượng xây dựng của tòa nhà cũng đã sớm bộc lộ những dấu hiệu bất ổn. Mới qua vài tháng sử dụng, tường ngoài của tòa nhà đã xuất hiện những vết nứt dài. Thậm chí, tại một phòng ở tầng 9 còn xuất hiện vết nứt dài đến vài mét trên trần nhà.
Câu trả lời thông dụng là “sắp”
|
Những bất cập, những thắc mắc, những đề nghị đã được cư dân của tòa nhà viết vào quyển số của người quản lí ở bên dưới tầng 1. Thậm chí, những người dân còn tìm đến ban quản lí khu chung cư để phản ánh, nhưng câu trả lời họ nhận được vẫn… lửng lơ.
Chị Nhung cho biết, khi chị đề cập vấn đề nước yếu thì được người trực tiếp quản lí tòa nhà cho biết, máy điều áp để giải quyết vấn đề nước yếu cho các tầng cao đã có, nhưng do số hộ đến ở còn ít nên chưa dùng đến. Lí do này theo chị Nhung là không thể thỏa đáng vì hiện tại số hộ đến ở đã lên đến trên 80%, tầng cuối cùng cũng đã lấp kín 4/6 phòng.
Vấn đề điện của tòa nhà cũng đã được chị Nhung trực tiếp đến hỏi ban quản lí tòa nhà nhưng cũng chỉ được tiếp đón bằng thái độ theo chị là… khó chịu. Có lúc thì nhân viên ở đây cho rằng đó là trách nhiệm của nhà thầu, có lúc lại bảo chị “ra điện lực Từ Liêm mà hỏi”.
Theo chị Nhung, rất nhiều bức xúc của tòa nhà khi hỏi những người quản lí thường nhận được câu trả lời chung là “sắp có”. Thế nhưng câu hỏi sắp là khi nào thì không có câu trả lời cụ thể. Đã nhiều tháng trôi qua, cư dân ở đây vẫn thiếu những điều kiện tối thiểu nhất của một chung cư.
Cấn Cường - Phương Thảo