1. Dòng sự kiện:
  2. Phóng hỏa quán cà phê làm 11 người chết
  3. Sắp xếp bộ máy để tinh, gọn, mạnh

Bán nhà xong, “ném” hậu quả cho xã hội

(Dân trí) - Theo Phó Chủ tịch HĐND TP Hà Nội, Lê Quang Nhuệ, do việc kiểm soát chung có vấn đề, lợi ích của nhà nước và người dân đều bị vi phạm tại nhiều khu đô thị mới. Thậm chí, có những nơi, chủ đầu tư “bỏ quên” các hạ tầng thiết yếu và “ném” hậu quả cho... xã hội.

Rất nhiều bức xúc của người dân tại các khu đô thị mới do ban Văn hoá xã hội của HĐND TP Hà Nội tiếp nhận trong đợt giám sát vừa qua đã được chuyển đến lãnh đạo UBND TP sáng nay, 22/11. 

 

“Khát”... nhiều thứ

 

Đại biểu Phạm Thị Thành cho rằng, qui hoạch ban đầu của thành phố thiếu tính tổng thể đã tạo ra những khu đô thị “khuyết” các cơ sở hạ tầng xã hội. Bà dẫn chứng ngay, khi duyệt khu đô thị Trung Hoà - Nhân Chính đã không “duyệt” về trường học, y tế, chợ, các điểm sinh hoạt cộng đồng... Khu Mỹ Đình 2, người dân cũng không có chỗ họp đủ cho 100 người, trong khi tầng 1 đã được cho thuê kinh doanh mà không tính đến quyền lợi của người dân.

 

Bà Thành cũng cho biết, những người dân cũng phản ảnh rất nhiều về việc có sự móc ngoặc trong bán nhà, khiến người mua không mua được giá gốc. Tuy nhiên, do chỉ là thực hiện giám sát, bà Thành chưa thể có được bằng chứng cụ thể nên bà đề nghị có điều tra về vấn đề này.

 

Ông Vũ Mạnh Hải cung cấp thêm: Tại khu Nam Trung Yên, cầu thang máy thiết kế không đúng diện tích, trong trường hợp có người bị thương, người chết, cáng thương không chui  vào được. Thêm nữa, tiếng là chung cư cao cấp, nhưng chất lượng xây dựng rất kém, tường không được mấy bữa đã lở, thấm, nứt...

 

Trừ khu Mỹ Đình 1, chưa một khu đô thị, tái định cư nào có hệ thống xử lí nước thải trước khi đổ vào sông, hồ và hoà chung vào mạng lưới nước thải của thành phố. Mạng lưới nước sạch của thành phố chưa đấu nối vào được các khu Trung Hoà - Nhân Chính, Linh Đàm, Việt Hưng...

 

Nhiều khu đô thị thiếu bãi đỗ xe tĩnh (Mỹ Đình, Linh Đàm, Việt Hưng, Nam Trung Yên...).

 

Hiện tại, một số nơi còn thiếu các công trình trường học. Nhiều nơi thiếu các cơ sở y tế, khu sinh hoạt cộng đồng, khu hành chính cấp xã, phường. Các khu vui chơi giải trí, cơ sở thương mại, dịch vụ chưa được đầu tư đồng bộ. (Trích báo cáo giám sát).

 “Khát” chợ tại các khu đô thị mới là vấn đề được Phó Chủ tịch UBND quận Long Biên, Vũ Nhật Thăng xoáy vào. Theo ông Thăng, cần thay đổi quan niệm, không phải cứ đô thị mới là không có chợ dân sinh. Không phải lúc nào người dân cũng đến siêu thị và 15-20 năm nữa, nhu cầu chợ dân sinh vẫn còn. Hiện tại, không chỉ ở ta mà ở các nước phát triển khác, chợ dân sinh vẫn đang tồn tại.

 

Phó Chủ tịch HĐND TP, Lê Quang Nhuệ thẳng thắn nói, khi phê duyệt các đề án đô thị mới có nhiều kẽ hở, không đặt ra những yêu cầu cần thiết, việc giám sát cũng thực hiện chưa tốt. Điều này dẫn đến một thực tế là khi bức tranh đã vẽ hoàn chỉnh, bất cập mới... lộ ra.

 

Đơn cử, nhiều nơi xe của cư dân phải “vứt” ra đường vì chủ đầu tư không muốn làm bãi đỗ xe ngầm, tốn kém. “Một số nơi chủ đầu tư chỉ làm nhà nhanh, đút tiền nhanh vào túi còn “hậu quả” lại ném ra cho xã hội”, ông Nhuệ phân tích.

 

Không chỉ có vấn đề cơ sở hạ tầng, tại nhiều nơi, tổ dân phố chưa hoạt động, sinh hoạt Đảng phải về nơi cũ, giao dịch với chính quyền rất khó khăn...

 

Theo ông Nhuệ, về cơ bản, lợi ích của nhà nước và người dân bị vi phạm. Vị Phó Chủ tịch HĐND TP cũng nhấn mạnh: “Kiểm soát chung của chúng ta là có vấn đề”.

 

“Cầm trịch” khi xảy ra tranh chấp?

 

Đại biểu Vũ Mạnh Hải đặt ra vấn đề phải giám sát chất lượng từ thiết kế, xây thô đến khi hoàn thiện. Về phía chính quyền, không chỉ làm việc với chủ dự án trong giai đoạn giải phóng mặt bằng mà phải giám sát cho đến khi kết thúc và cả sau dự án. Ông Hải cũng cho rằng, phải tiêu tiền như thế nào cho hiệu quả, trong đó Sở Qui hoạch Kiến trúc khi qui hoạch phải đi trước một bước, không thể để xây xong hoặc những năm sau mới “thấy” bất cập.

 

Ông Lê Quang Nhuệ bổ sung thêm, không thể băm nát các dự án cho các nhà đầu tư khi chưa có qui hoạch tổng thể. Cách xé lẻ này chính là nguyên nhân gây nên việc thiếu hạ tầng kĩ thuật, hạ tầng xã hội... và không trở thành khu đô thị mới.

 

Một khía cạnh khác được ông Nhuệ đặt ra là phải làm rõ vấn đề khi xảy ra tranh chấp, ai là người cầm trịch giải quyết. Theo ông, chính quyền cần sớm vào cuộc trong trường hợp quyền lợi của người dân bị vi phạm, nếu không người dân không biết dựa vào ai.

 

Tiếp thu các ý kiến của các đại biểu HĐND, ông Nguyễn Văn Khôi, PCT UBND TP đã nêu lên 8 giải pháp để có thể khắc phục những bất cập, bao gồm với cả những đô thị đã đi vào sử dụng, những đô thị đang xây dựng cũng như những đô thị sắp triển khai. Ông Khôi cũng cho biết, tới đây thành phố cũng sẽ họp với các nhà đầu tư, các ngành để rà soát từng dự án cụ thể.

 

Cấn Cường